19/12/2024 lúc 11:19 (GMT+7)
Breaking News

Việt Nam - Philippines phấn đấu sớm đạt kim ngạch thương mại hai chiều 10 tỉ USD

Việt Nam và Philippines phấn đấu sớm đạt kim ngạch thương mại hai chiều 10 tỉ USD và đẩy mạnh hợp tác các lĩnh vực tiềm năng khác như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu, xử lý các vấn đề trên biển, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế biển…

Chiều 2/8/2023, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique A. Manalo nhân dịp Bộ trưởng Manalo thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 10 Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác song phương Việt Nam – Philippines (JCBC-10) từ ngày 1-2/8/2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique A. Manalo.

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hoan nghênh chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên của Bộ trưởng Manalo; khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược với Philippines ngày càng hiệu quả và thiết thực; đồng thời trân trọng chuyển lời hỏi thăm tới Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr...

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ hài lòng trước những bước phát triển mạnh mẽ của quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước thời gian qua, đặc biệt đánh giá cao việc hai bên duy trì hiệu quả các hoạt động tiếp xúc, trao đổi cấp cao. Để tiếp tục đưa quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu, Thủ tướng đề nghị hai bên cần duy trì phối hợp chặt chẽ để bảo đảm tiến độ thực hiện các mục tiêu đề ra tại Kỳ họp JCBC-10;

Trong đó, hai bên cần chú trọng tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, đẩy mạnh xúc tiến thương mại kinh tế - thương mại, bao gồm hợp tác thương mại gạo, xem xét gỡ bỏ các rào cản không cần thiết và hỗ trợ nhau bảo đảm an ninh lương thực, tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp của nhau; phấn đấu sớm đạt kim ngạch thương mại hai chiều 10 tỉ USD và đẩy mạnh hợp tác các lĩnh vực tiềm năng khác như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu, xử lý các vấn đề trên biển, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế biển, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp…

Ngoài ra, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố hợp tác quốc phòng – an ninh, nhất là hợp tác biển, và ủng hộ việc sớm thiết lập thêm các khuôn khổ pháp lý cho hợp tác an ninh giữa hai nước; đồng thời khẳng định chính sách quốc phòng bốn không của Việt Nam.

Tại cuộc tiếp, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Manalo bày tỏ vui mừng sang thăm chính thức Việt Nam và cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành thời gian tiếp đoàn; trân trọng chuyển lời thăm hỏi của Tổng thống Philippines tới Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo cấp cao Việt Nam; nhấn mạnh Việt Nam là đối tác chiến lược duy nhất của Philippines trong ASEAN và hai nước chia sẻ nhiều điểm tương đồng cũng như lợi ích chiến lược.

Bộ trưởng Manalo cũng khẳng định chính sách đối ngoại độc lập tự chủ của Philippines; nhấn mạnh cách tiếp cận tương đồng giữa hai nước trong phát triển kinh tế xã hội cũng như các vấn đề chiến lược của khu vực và thế giới.

Cùng với đó, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines bày tỏ mong muốn hai nước tích cực thúc đẩy hợp tác về giao lưu văn hóa, du lịch, giáo dục đào tạo, kết nối địa phương; nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác nông nghiệp, thương mại gạo để bảo đảm an ninh lương thực; đồng thời nhất trí tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong những lĩnh vực tiềm năng và phù hợp với quan tâm của hai nước như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cập.

Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, hai bên nhất trí tiếp tục ủng hộ lẫn nhau, duy trì đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, hợp tác giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982); thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC, thúc đẩy nhanh tiến trình đàm phán COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

PV