20/01/2025 lúc 15:20 (GMT+7)
Breaking News

'Việt Nam phải khẳng định chủ quyền và sự thịnh vượng trên mạng'

Sáng 2/12 tại Hà Nội, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức Hội thảo - Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2020.

Sáng 2/12 tại Hà Nội, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức Hội thảo - Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2020.

Với chủ đề “An toàn, an ninh mạng Make in Vietnam-Yếu tố then chốt trong Chuyển đổi số quốc gia”, hội thảo là diễn đàn quan trọng cấp quốc gia, thu hút sự quan tâm đối với cộng đồng an toàn, an ninh thông tin trong nước và quốc tế.

Sự kiện được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy làm chủ công nghệ và sử dụng sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng Việt Nam phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại sự kiện (Ảnh: Vietnam+) 

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay một sự kiện rất lớn của lĩnh vực an toàn, an ninh mạng Việt Nam năm nay là tuyên bố Việt Nam đã làm chủ 90% hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, an ninh mạng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước.

"Chỉ đầu năm 2021, Việt Nam sẽ làm chủ 100%. Rất ít nước trên thế giới làm được điều này. Đây là tự hào của Việt Nam. Hiệp hội và các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng Việt Nam rất nên tự hào về điều này vì chính các bạn đã làm nên điều đó", ông Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định: "Việt Nam phải khẳng định chủ quyền và sự thịnh vượng quốc gia trên không gian mạng và mỗi người đều có trách nhiệm bảo vệ môi trường ấy".

Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA, nguyên thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng năng lực bảo đảm an toàn thông tin của đất nước được dựa trên một nền tảng hết sức quan trọng là các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp trong hệ sinh thái an toàn thông tin do các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ. Qua phần trình bày và tọa đàm tại Hội thảo, các doanh nghiệp Việt Nam truyền đi thông điệp: Sản phẩm, dịch vụ giải pháp Make in Vietnam sẵn sàng bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho chuyển đổi số quốc gia.

"Để tiếp tục nâng cao trách nhiệm với cộng đồng, VNISA sẽ liên kết các doanh nghiệp an toàn thông tin để đưa ra những cam kết đối với xã hội về các dịch vụ an toàn mạng cơ bản có chất lượng tốt, có giá cả dễ chấp nhận và linh hoạt, dễ tiếp cận trên nền tảng điện toán đám mây và tiến tới phổ cập các dịch vụ này", ông Hưng cho biết.

Hội thảo năm nay được kết hợp giữa mô hình trực tiếp và trực tuyến. Ngoài khách mời tham dự trực tiếp tại hội trường, ban tổ chức sẽ truyền hình trực tiếp toàn bộ chương trình đến các điểm cầu chính là các bộ, ngành, địa phương trong cả nước và một số điểm cầu tại Đông Nam Á (khoảng 200 điểm cầu) và khách đăng ký theo dõi trực tuyến.

Chương trình hội thảo gồm phiên toàn thể vào buổi sáng, 2 phiên Chuyên đề cùng Tọa đàm vào buổi chiều với gần 30 diễn giả là lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng; các nhà quản lý, chuyên gia cao cấp về an toàn thông tin của các tập đoàn, công ty lớn trong và ngoài nước. Bên cạnh đó là 30 gian hàng triển lãm, giới thiệu các giải pháp công nghệ an toàn thông tin tiên tiến của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Điểm nhấn của Phiên toàn thể buổi sáng là Lễ Công bố các nền tảng điện toán đám mây do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ đáp ứng yêu cầu an toàn thông tin mạng phục vụ Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử và Lễ trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho các đội sinh viên đạt giải cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2020./.