27/11/2024 lúc 12:06 (GMT+7)
Breaking News

Việt Nam hướng dần tới vị thế startup hàng đầu Đông Nam Á

Theo StartupBlink, một trung tâm sinh thái và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu trong bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp các quốc gia 2020. Việt Nam đã tăng ấn tượng 13 bậc lên xếp hạng 59 thế giới về hệ sinh thái khởi nghiệp, hướng tới vị thế trung tâm khởi nghiệp hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Theo StartupBlink, một trung tâm sinh thái và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu. Trong bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp các quốc gia 2020. Việt Nam đã tăng ấn tượng 13 bậc lên xếp hạng 59 thế giới về hệ sinh thái khởi nghiệp, hướng tới vị thế trung tâm khởi nghiệp hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Với các tiêu chí xếp hạng dựa trên số lượng khởi nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp; chất lượng của các startup và tổ chức này; môi trường kinh doanh; Việt Nam đã tăng ấn tượng 13 bậc lên xếp hạng 59 thế giới về hệ sinh thái khởi nghiệp.

Theo giới chuyên gia nhận định, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là yêu cầu đặt ra không chỉ với doanh nghiệp thành lập mới mà cả doanh nghiệp đang tồn tại. Khủng  hoảng Covid-19 là thử thách để giới doanh nghiệp đổi mới mô hình phát triển, vận động, thích ứng và chuyển đổi để bứt phá. Việc ưu tiên cho đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa cho việc thúc đẩy tăng trưởng sau Covid-19. Việt Nam có rất nhiều thành tố để có thể trở thành một nơi thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lực lượng lao động dồi dào, hệ thống giáo dục tốt, liên tục huy động được lực lượng thu hút được nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài,…

Việt Nam xếp hạng thứ 59 thế giới về hệ sinh thái khởi nghiệp, tăng 13 bậc so với năm 2019. Ảnh: StartupBlink

Trong những năm vừa qua, Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ và Philippines đã trở thành những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất về xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu. Trong đó, Việt Nam đã vươn lên trở thành trung tâm thu hút đổi mới sáng tạo cũng như khởi nghiệp sáng tạo và thu hút nhiều nguồn đầu tư thông qua các quỹ đầu tư. Nếu Việt Nam tiếp tục duy trì khống chế được COVID-19 đồng thời chuyển dịch về cơ cấu thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới thì sẽ phát huy được vị thế của mình.

Với môi trường, thể chế, kinh doanh và đầu tư đang từng bước được cải thiện, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Nhờ quy mô thị trường đáng kể của nền kinh tế Việt Nam, khiến việc tạo ra các startup thành công có lợi nhuận ngay cả khi họ không mở rộng ra khỏi Việt Nam.

Trong năm vừa qua, mặc dù đối mặt với khủng hoảng của đại dịch Covid-19, nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn có những tín hiệu tăng trưởng khả quan. Môi trường pháp lý cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia cơ bản đã hình thành, tạo điều kiện cho các yếu tố của thị trường công nghệ phát triển. Đặc biệt ở các khâu thành lập tổ chức trung gian, định giá tài sản trí tuệ, giao quyền sở hữu kết quả khoa học và công nghệ cho cơ quan chủ trì, phân chia lợi ích sau thương mại hóa.

Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025” tiếp tục được triển khai hiệu quả, góp phần từng bước xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bền vững và phát triển. Đến nay đã có 53 địa phương ban hành kế hoạch triển khai Đề án, tuyển chọn được 58 đơn vị chủ trì và 44 đơn vị phối hợp có năng lực, kinh nghiệm triển khai 82 nhiệm vụ của Đề án trên khắp cả nước.

Cổng thông tin khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã vận hành hiệu quả với gần 2 triệu lượt truy cập và 1.500 thông tin dữ liệu về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Có 13 tỉnh, thành phố xây dựng và vận hành cổng thông tin khởi nghiệp sáng tạo của địa phương.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam có kế hoạch ít nhất 10 startup “kỳ lân” vào năm 2030. Năm 2020, tổng giá trị đầu tư cho khởi nghiệp ước đạt hơn 310 triệu USD. Việt Nam cũng ghi nhận sự xuất hiện của doanh nghiệp startup kỳ lân thứ hai là Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam VNPAY được định giá hơn 1 tỷ USD và khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp có định giá trên 100 triệu USD.

Tính tới tháng 11/2020, Việt Nam đã có hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 196 khu làm việc chung, 69 vườn ươm doanh nghiệp và 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh được thành lập. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm coi Việt Nam là thị trường mục tiêu hoặc có hoạt động tại Việt Nam hiện nay là 108 quỹ, trong đó có 23 quỹ có pháp nhân Việt Nam, 23 quỹ “thuần Việt”. Những con số này liên tục tăng trong những năm qua thể hiện sự tham gia tích cực của cộng đồng vào sự phát triển hệ sinh thái.

Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia vẫn có thể tổ chức được Ngày hội khởi nghiệp quốc gia Techfest 2020 ở quy mô lớn, thu hút được sự tham dự của hơn 6.500 lượt người tham dự trực tiếp và trên 50.000 lượt tham dự trực tuyến tại hơn 40 hội thảo, hội nghị, tọa đàm; sự tham gia của hơn 150 nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài nước với các thương vụ cam kết đầu tư đã đạt hơn 14 triệu USD.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện các bộ, ban, ngành nhấn nút khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia năm 2020. Ảnh: VGP

Cũng trong năm 2020, Việt Nam tiếp tục giữ vững thứ hạng 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và tiếp tục được xem là hình mẫu của các nước đang phát triển khác trong việc thiết lập đổi mới sáng tạo như một ưu tiên quốc gia.

Từ kinh nghiệm của quốc tế cho thấy, việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là quá trình đầu tư lâu dài của Chính phủ cũng như quá trình phát triển nội tại của văn hóa kinh doanh.

Bước sang giai đoạn mới, hệ sinh thái cần phát triển thêm một bước với việc tập trung nguồn lực tạo dựng những trụ cột nâng đỡ, thúc đẩy liên kết, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo khu vực và quốc gia. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, để thúc đẩy phát triển của loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, hình thành và phát triển nền kinh tế sáng tạo.

Việc hình thành và phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo tại các địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học và trong các doanh nghiệp là chính sách hướng đến việc thiết lập các trụ cột để tăng cường mối liên kết viện - trường - doanh nghiệp. Thúc đẩy thương mại hóa công nghệ, khai thác có hiệu quả tài sản trí tuệ, từ đó hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có sức mạnh về trí tuệ, nội lực và sức bật để bứt phá.

Tất nhiên, để trở thành một trung tâm khu vực và toàn cầu thực sự, Việt Nam sẽ phải tạo ra những đổi mới với tác động toàn cầu. Nếu đạt được mục tiêu này, Việt Nam có thể mong đợi sự gia tăng nhanh chóng trong bảng xếp hạng của các thành phố và quốc gia. Đây là một tín hiệu đáng mừng và là cơ hội đầy hứa hẹn không chỉ cho các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam, mà còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế nói chung tạo ra những đột phá trong tương lai không xa.