11/01/2025 lúc 16:15 (GMT+7)
Breaking News

Việt Nam - Cầu thị và tự tin trong phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN

Nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và chào mừng ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam có bài viết quan trọng "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam"…

Nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và chào mừng ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam có bài viết quan trọng "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam"…

Bài viết của Tổng Bí thư, cùng với những văn kiện quan trọng của Đại hội XIII của Đảng (như Báo cáo Chính trị, Tổng kết Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mười năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025), đã làm rõ hơn những nội dung chủ yếu và nhiều điểm mới trong nhận thức của Đảng ta về cơ sở lựa chọn, đặc trưng mô hình, mục tiêu, động lực và các giải pháp phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam; đồng thời, phản ánh bản chất cách mạng, sự cầu thị và tự tin khoa học, bản lĩnh chính trị cao của Đảng trước bối cảnh và yêu cầu phát triển mới của đất nước…!

Đại hội Đảng lần thứ XIII (Ảnh: Internet)

"Dĩ bất biến, ứng vạn biến" để lựa chọn một mô hình trong thế giới đầy biến động...

Từ sau kết thúc chiến tranh lạnh, về tổng thể, thế giới đã chuyển hóa từ bối cảnh đối đầu giữa hai hệ thống XHCN và TBCN sang một thế giới toàn cầu hóa, chấp nhận sự đa dạng và cùng tồn tại hòa bình, hợp tác, xen lẫn cạnh tranh gay gắt trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; đặc biệt, tình hình thế giới đương đại đang ghi nhận những xu hướng mới nổi bật, được nhận diện rõ và toàn diện trong phát biểu của Tổng thống Nga V.Putin tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2021 tổ chức trực tuyến từ 25 đến 29-1: (i) cuộc khủng hoảng các mô hình phát triển cũ và các thể chế phát triển kinh tế; (ii) sự phân cực xã hội ngày một sâu sắc trên phạm vi toàn cầu cũng như trong từng quốc gia; (iii) hình thành các quan điểm xã hội khác biệt nhau; (iv) sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa cực đoan; (v) sự gia tăng căng thẳng về chính trị ngay cả trong các nước phát triển hàng đầu thế giới; (vi) các thể chế quốc tế đang mất dần hiệu lực; (vii) xung đột bùng phát với tần suất lớn; (viii) hệ thống an ninh toàn cầu rơi vào trạng thái trì trệ;

Về cuộc khủng hoảng các mô hình phát triển, trong chuyên luận “Covid-19: cuộc tái cấu trúc vĩ đại” tại Diễn đàn này, giáo sư Klaus Schwab, nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn WEF, còn nhấn mạnh: Đại dịch Covid-19 đang đào sâu hơn những chia rẽ, bất bình đẳng và phân chia thế giới thành thời kỳ trước Covid-19 và hậu Covid-19; trong kỷ nguyên hậu Covid-19, không chỉ Mỹ mà là toàn bộ chủ nghĩa tư bản thế giới sẽ phải thay đổi mô hình phát triển trong trật tự thế giới đa cực.

Năm 2021 là năm bản lề, năm quan trọng đối với tương lai và thế giới phải hành động để tương lai nền kinh tế và xã hội của chúng ta cần linh hoạt, bao trùm hơn và bền vững hơn; thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp một cách có trách nhiệm; tăng cường quản trị toàn cầu, đạt tiến triển trong nỗ lực trung hòa khí thải carbon; hướng đến các hệ thống kinh tế và xã hội công bằng hơn, tạo ra đủ việc làm nhằm xây dựng một xã hội hòa nhập hơn…

Trước đó, Báo cáo tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2020 cũng đã từng khuyến cáo, CNTB đang đứng trước ngã rẽ lịch sử, trong đó đã đến lúc phải đổi mới mô hình phát triển sang hướng toàn diện, có trách nhiệm xã hội hơn, giải quyết tốt hơn các vấn đề xóa đói giảm nghèo, chống tham nhũng và bảo vệ môi trường. Trong đó, các công ty tư nhân tự coi mình là người được xã hội ủy thác và hoạt động không chỉ nhằm thu được lợi nhuận kinh tế lớn, mà còn phải hướng tới khắc phục hậu quả tiêu cực đối với xã hội và môi trường, đáp ứng tốt các quyền lợi hợp pháp và nhu cầu sống của người lao động.

Trên thực tế, khủng hoảng chu kỳ và sự suy thoái kinh tế hiện nay đã làm phơi bày mặt trái của KTTT, cả về sự đầu cơ quá mức; về thất nghiệp, chênh lệch khoảng cách giàu – nghèo và những bất công xã hội.

Thậm chí, tại nước Mỹ, nơi có nền kinh tế thị trường TBCN phát triển nhất thế giới, thì cựu tổng thống Mỹ Barack Obama phải thừa nhận, cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ năm 2008 cho thấy đã qua rồi thời kỳ nước Mỹ hành động một mình mà  không cần phải lắng nghe ai; cũng thời điểm này, lãnh đạo nhiều nước có kinh tế thị trường phát triển khác, như Anh, Pháp, Đức, Italy… cũng lên tiếng phê phán những sự cả tin ngây thơ và cố hữu về lý thuyết vào khả năng tự điều chỉnh của KTTT tự do…

Mới đây, chính trị gia Bernie Sanders (đảng Dân chủ) trong cuộc chạy đua ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, cũng chỉ rõ, mô hình KTTT Mỹ hiện hành không thể giải quyết được triệt để những vấn đề của nước Mỹ trước hết liên quan đến an sinh xã hội, giáo dục, y tế và bất công về giàu nghèo…

Thực tế cho thấy, các cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, khủng hoảng năng lượng, lương thực, các vấn đề nóng bỏng về biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường, an ninh phi truyền thống và dịch bệnh… đã và đang diễn ra dày đặc hơn chứng minh tính không bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái của thế giới hiện hành nói chung, của CNTB nói riêng. Chúng đang và sẽ đẩy nhanh những chuyển dịch, làm sâu sắc hơn những mâu thuẫn và sự mất cân đối gần như trong tất cả các lĩnh vực phát triển, đe dọa phá hoại các thành tựu, cũng như triển vọng phát triển trong tương lai; tác động đến toàn bộ cách thức sản xuất, phân phối, tiểu thu hàng hóa, dịch vụ của cả nước phát triển đến kém phát triển nhất thế giới; cả cấp vĩ mô và vi mô, cả trước mắt và lâu dài… của thế giới.

Đồng thời, những thông điệp mạnh mẽ cũng được phát ra, theo đó, không có ngoại lệ không đổ vỡ và khủng hoảng cho bất kỳ mô hình kinh doanh và nhà nước nào, kể cả các đại gia và cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới; thế giới cần cởi mở, đoàn kết hơn và định hình rõ hơn yêu cầu quản trị vĩ mô và vi mô mới, tăng cường dự báo, thông tin, bảo vệ người tiêu dùng và giữ vững lòng tin trên thị trường; thậm chí phải áp dụng cả những biện pháp không tưởng nhất theo hướng kết hợp cả bàn tay nhà nước và bàn tay thị trường trong một mô hình Nhà nước kiểu mới; coi trọng tính đồng bộ và chú ý đến tính hai mặt của các giải pháp chính sách, nhằm đa dạng hoá và phối hợp hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế trong quản lý phát triển và vượt qua khủng hoảng; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển dịch mô hình tăng trưởng, đề cao yêu cầu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, hài hòa lợi ích, đặt lợi ích quốc gia là trên hết...

Vượt lên trên sự thù địch, xuyên tạc, chống phá của mọi thế lực chống đối, cơ hội chính trị, những kẻ luôn tìm cách xóa bỏ, công kích, bài bác CNXH, ca ngợi một chiều CNTB, Đảng ta luôn trung thành với nhận thức thức lý tưởng của mình: Dù thế giới còn nhiều cách hiểu khác nhau về CNXH, song tinh thần nhân văn cốt lõi của CNXH là thống nhất, xuyên suốt và bất diệt. Đó là thực hiện khát vọng bảo đảm quyền tự do, bình đẳng, bác ái, quyền có cơm ăn, áo mặc, có nhà ở, được học hành và chữa bệnh, lao động sáng tạo; xây dựng sự đồng thuận xã hội và tiến tới giải phóng loài người trên cơ sở nền tảng là hài hòa lợi ích chung của toàn xã hội với lợi ích chính đáng của mỗi người, vì con người.

Đồng thời, Đảng ta cũng luôn thể hiện sự cầu thị khi thừa nhận rằng, dù cần tự điều chỉnh, xây dựng và thực hiện các chính sách mới trên quy mô toàn cầu và nhờ đó còn tiềm năng phát triển…, CNTB chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học - công nghệ, hình thành nhiều chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ…

Đặc biệt, một xu hướng chung chủ đạo đang nổi lên bao quát và chi phối mạnh mẽ định hướng các dòng chảy mô hình thể chế phát triển trên toàn thế giới đó là, dù có sự đa dạng, khác biệt nhau về thể chế chính trị, song mọi nền kinh tế và mọi quốc gia muốn thành công bền vững phải lấy động lực phát triển từ con người, do con người và vì con người…

Với tinh thần đó, trong bài viết của mình, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, "cá lớn nuốt cá bé" vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm.

Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có…”.

Đó chính là trụ cột quan trọng trong nhận thức của Đảng về mô hình phát triển của Việt Nam. Đó cũng là căn cứ quan trọng cho sự lựa chọn mô hình phát triển KTTT ĐH XHCN ở Việt Nam; là những giá trị đích thực của CNXH khoa học và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi.

Sự thành công và những ưu việt của mô hình này trong thực tiễn kinh tế - xã hội đã được ghi nhận bằng những con số đầy thuyết phục trong các thống kê nhà nước định kỳ, cũng như qua các đánh giá, nhận định và xếp hạng đa dạng của hàng loạt các tổ chức uy tín quốc tế trên thế giới, suốt 35 năm qua và cả trong thời kỳ dịch Covid-19 hiện nay.

TS NGUYỄN MINH PHONG