VNHN - Nhiều nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế quốc tế cho rằng, sự phát triển chưa đồng bộ và có vẻ đi chậm của hạ tầng giao thông không chỉ làm cho thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội đón đầu các làn sóng đầu tư BĐS mới, mà còn khó để hoàn thiện mục tiêu phát triển các khu đô thị thông minh.
Minh họa - Internet
Áp lực gia tăng
Thông cáo báo chí mới nhất về nghiên cứu tốc độ tăng trưởng bất động sản của các quốc gia khu vực châu Á - TBD của JLL cho thấy, hiện nay vấn đề giao thông đường bộ tại các khu đô thị lớn của Việt Nam như TP. HCM và Hà Nội đang gây ra những vấn đề ảnh hưởng khá lớn đến cuộc sống của người dân như sức khỏe và môi trường.
Theo bà Trang Lê - Trưởng phòng Nghiên cứu của JLL tại Việt Nam, phát triển hạ tầng cũng chính là mối quan tâm của những nhà đầu tư quốc tế. Do vậy, việc tắc nghẽn giao thông đang là vấn đề áp lực đối với chính quyền hai thành phố này trong việc phát triển đồng bộ để đạt mục tiêu trở thành thành phố hiện đại, nếu thiếu các nhà đầu tư quốc tế.
Nói về mục tiêu phát triển đô thị hiện đại, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng đã có báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi họp trực tuyến mới đây, cho rằng vai trò của hạ tầng giao thông là cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, nhưng hàng loạt vấn đề về tài chính đã tạo ra sức cản để TP. HCM thực hiện chiến lược phát triển trở thành một đô thị thông minh.
Và điều này trở nên tồi tệ hơn khi dân số tiếp tục tăng nhanh, như TP. HCM với sự gia tăng dân số theo chu kỳ: cứ 5 năm tăng 1 triệu người, theo số liệu báo cáo tại Hội thảo về Phát triển nhà ở cho người dân TP. HCM.
Tuy nhiên, đồng góc nhìn như nhiều chuyên gia kinh tế và các cơ quan của Việt Nam, bà Trang Lê cũng bày tỏ lo ngại về việc huy động vốn để xây dựng các dự án hạ tầng giao thông không hề là vấn đề dễ dàng. Vì vậy, chính quyền Việt Nam cần cân nhắc các phương án từ việc chọn nhà thầu đối tác, đến vấn đề về tài chính vay...
Cơ hội đón đầu BĐS mới
Mặc dù tìm nguồn tài chính đủ để triển khai hạ tầng giao thông đang là thách thức của các địa phương, cũng như của chính phủ Việt Nam, không thể phủ nhận khi các tuyến metro mới được hình thành, đồng nghĩa sẽ báo trước một kỷ nguyên mới về ô nhiễm thấp hơn, kết nối tốt hơn, chất lượng cuộc sống cao hơn và sự phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn.
Một báo cáo mới nhất về giao thông của JLL tại khu vực châu Á cho thấy, không chỉ Việt Nam có TP. HCM và Hà Nội, mà Jakarta (Indonesia) và Manila (Philippines) cũng đang đạt đến đỉnh điểm về tắc nghẽn giao thông hàng đầu trên thế giới. Trong đó, Jakarta và Manila với những chuyến tàu điện ngầm cũ đã hoạt động quá tải. Còn hệ thống đường sắt đô thị tại TP. HCM và Hà Nội lại chưa hoàn thiện.
Trong khi đó, “Một thực tế, các quốc gia có hạ tầng giao thông kết nối hoàn thiện và khi khu vực tiếp tục phát triển, giao thông công cộng hiện đại và an toàn, sẽ luôn là lựa chọn ưu tiên cho sự phát triển tại các khu đô thị hiện đại”, bà Trang Lê nhấn mạnh.
Đại diện của JLL cũng đánh giá cao nỗ lực của những Chính phủ Việt Nam, khi đã sớm nhận thấy vai trò quan trọng của việc phát triển hệ thống giao thông công cộng sẽ là yếu tố đầu tiên kéo theo toàn bộ vấn đế xã hội khác như sức khỏe, môi trường, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế.
Chẳng hạn như các giải pháp cho phát triển hạ tầng giao thông tầm nhìn đến 2030, như dự án cao tốc Bắc - Nam, cao tốc metro của TP. HCM hay Dự án phát triển giao thông công cộng tại Hà Nội… Và chỉ riêng tại TP. HCM, dự án tàu cao tốc sẽ bao phủ 70% thành phố. “Một khi các tuyến đường sắt đi vào hoạt động, mỗi tuyến sẽ mở ra những cơ hội BĐS mới, cũng như sẽ làm thay đổi cảnh quan về cung - cầu cho toàn thị trường bất động sản”, bà Trang Lê cho biết.
Do vậy, Chính phủ Việt Nam cần tăng tốc hơn nữa để hoàn thiện các quy định về đầu tư, để mở ra cơ hội đón đầu và thu hút sự tham gia của những nhà đầu tư quốc tế có nguồn lực lớn về tài chính, có kinh nghiệm vào các dự án hạ tầng giao thông như metro. Điều đó không chỉ hình thành nên những khu cộng đồng mới, mà còn tạo ra giá trị cho những bất động sản mới gia tăng.