11/01/2025 lúc 07:41 (GMT+7)
Breaking News

 Việc liên kết nông sản các tỉnh Tây Nguyên và việc tiêu thụ Bơ, Sầu riêng hiện nay

Tây Nguyên có tổng diện tích tự nhiên khoảng 54.641 Km2 với gần 6.300.000 người của 45 dân tộc cùng sinh sống. Đây là vùng đất cao, trù phú. Được mệnh danh là nóc nhà của Đông Dương. Là vùng đất chiến lược về an ninh, quốc phòng của Tổ quốc, có đường biên giới dài hơn 600 km giáp với Lào và Campuchia, là một trong những cửa ngõ phía tây của Tổ Quốc.

Tây Nguyên có tổng diện tích tự nhiên khoảng 54.641 Km2 với gần 6.300.000 người của 45 dân tộc cùng sinh sống. Đây là vùng đất cao, trù phú. Được mệnh danh là nóc nhà của Đông Dương. Là vùng đất chiến lược về an ninh, quốc phòng của Tổ quốc, có đường biên giới dài hơn 600 km giáp với Lào và Campuchia, là một trong những cửa ngõ phía tây của Tổ Quốc.

Tuy nhiên hiện nay cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, nhất là giao thông. Toàn vùng chỉ có Quốc lộ 14 kết nối 4 tỉnh Tây Nguyên với vùng miền Đông Nam bộ đã được nâng cấp 5 năm nhưng rất nhỏ và quanh co uốn lượn, tốc độ bình quân không quá 50km/ giờ. Còn lại, các tuyến quốc lộ khác kết nối với các tỉnh và vùng miền đều rất nhỏ và xuống cấp. Việc giao thương hàng hóa rất khó khăn.

Định hướng mỗi sản phẩm chủ lực phải có một hiệp hội, để hiệp hội quyết định sản lượng theo cơ chế thị trường.

Sản phẩm nông sản chủ lực của các tỉnh Tây Nguyên lâu nay chúng ta thường nói đến là cà phê, cao su, hồ tiêu, điều.. với sản lượng nhất nhì cả nước. Hàng năm xuất khẩu các loại nông sản trên đem về ngoại tệ cho đất nước khoảng 5 đến 6 tỷ USD. Hầu hết là xuất sản phẩm thô, việc chế biến và tiêu thụ trong nước rất ít, giá trị gia tăng của sản phẩm không cao nên người làm ra sản phẩm (nông dân) rất nghèo do thu nhập rất bấp bênh. Đặc biệt trong khoản thời gian dài vừa qua, các loại nông sản chủ lực như đã nói ở trên của các tỉnh Tây Nguyên giảm sâu, làm cho đời sống người nông dân càng thêm điêu đứng. Do đó một bộ phận nông dân đã nhanh nhạy, chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như Sầu riêng, Bơ, Xoài, Mít,…đã đem lại thu nhập tương đối tốt.

Người làm ra sản phẩm (nông dân) rất nghèo do thu nhập rất bấp bênh.

Tuy nhiên, cách làm hoàn toàn như cũ. Mỗi người, từng hộ gia đình chỉ chăm chút, vun vén cho mảnh đất, thửa vườn của mình, thi nhau chạy theo năng suất, nâng cao sản lượng mà không biết người hàng xóm bên cạnh họ làm cái gì? Trồng loại giống gì? Sản lượng bao nhiêu? Bao giờ thu hoạch? Và nhất là không biết sản phẩm mình làm ra, sắp tới tiêu thụ ở đâu? Sản phẩm của ông hàng xóm tiêu thụ nơi nào? Giá cả ra sao? Vì vậy có tình trạng sản xuất theo phong trào, “thấy người ta ăn khoai cũng vác Mai đi đào”. Cho nên lúc đầu sản xuất còn ít, giá tốt, sau nhiều quá không tiêu thụ được, giá rớt thảm hại, thậm chí đổ bỏ. Điều đó nói lên, hiện nay chúng ta đang thiếu “Một bàn tay tổ chức”.

Cần có sự chỉ đạo, tổ chức sản xuất nông nghiệp liên kết vùng.

Các sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên lâu nay như Cà phê, Cao su, Hồ tiêu, Điều là những mặt hàng khô. Nay không tiêu thụ được thì để lại tháng sau, mùa sau cũng được, nếu gia đình, doanh nghiệp có khả năng tích trữ, không đòi hỏi kho bãi đắt tiền. Còn các sản phẩm trái cây hiện nay như Sầu riêng, Bơ, Xoài, Mít… nếu không được tiêu thụ tươi hoặc chế biến ngay thì việc đổ bỏ là khó tránh khỏi, việc cố bán rẻ để vớt vát cũng không được bao nhiêu. Thiệt hại là đáng kể.

Để tránh tình trạng: “ Được mùa rớt giá, được giá mất mùa”, tôi xin lạm bàn một số việc như sau:

Một là, cần có sự chỉ đạo, tổ chức sản xuất nông nghiệp liên kết vùng. Trước hết có thể thí điểm khu vực vùng Tây Nguyên ( vì ở đây có những nét tương đồng về thổ nhưỡng, địa hình, khí hậu, thủy văn và trình độ nhận thức của con người gần như nhau). Để có tiếng nói “tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp” thì vai trò của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là rất cần thiết. Bộ NN&PTNT giao cho một cục, vụ nào đó làm đầu mối chủ đạo ( có thể là Cục Hợp tác hoặc Vụ Hợp tác Quốc tế) phối hợp với các Bộ Ngành và các tỉnh khu vực Tây Nguyên để chỉ đạo từ khâu quy hoạch, sản xuất, chế biến và định hướng thị trường tiêu thụ.

Cần sớm triển khai thực hiện nông nghiệp theo công nghệ 4.0, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư không để người nông dân Việt Nam.

Hai là, định hướng mỗi sản phẩm chủ lực phải có một hiệp hội, để hiệp hội quyết định sản lượng theo cơ chế thị trường. Trọng chất lượng hơn trọng số lượng. Tôi rất đồng quan điểm với Bộ trưởng Lê Minh Hoan là sản xuất ít nhưng giá cao hơn là sản xuất nhiều nhưng giá quá thấp. Lâu nay người nông dân chúng ta bị cái bẫy “năng suất cao”, cùng chạy đua với nhau đẩy năng suất nông sản lên cao nhưng chất lượng thấp làm cho giá trị thực tế đem lại không bao nhiêu vì tiêu hao chi phí lớn.

Ba là, việc định hướng sản xuất cho nông dân cần thông qua Internet, online. Cần sớm triển khai thực hiện nông nghiệp theo công nghệ 4.0, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư không để người nông dân Việt Nam ngoài cuộc trong điều kiện sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Các cơ quan chức năng cần mở một cái App cho nông nghiệp Tây Nguyên để ai quan tâm đều có thể vào, tham gia, trao đổi để học và làm theo cái gì mình cần.

Sản phẩm nông sản chủ lực của các tỉnh Tây Nguyên.

Bốn là, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương dẫn dắt. Lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên tạo điều kiện tối đa về cơ chế thủ tục để mời gọi các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản hàng đầu của Việt Nam như Công ty CPCN Thực phẩm Lương Gia, Công ty Xuất khẩu trái cây Thịnh An, Công ty CPTP XK Đồng giao,… lên đặt nhà máy chế biến ở các tỉnh Tây Nguyên (Ưu tiên tỉnh có địa lý trung tâm và sản lượng trái cây lớn như Đak lak, Gia lai).

Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương dẫn dắt. Lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên tạo điều kiện tối đa về cơ chế thủ tục để mời gọi các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản.

Năm là, Khi xây dựng nhãn hiệu địa lý tập thể cho một loại trái cây nào ở khu vực Tây Nguyên thì nên lấy địa danh “Tây Nguyên-Việt Nam” hơn là địa danh của một xã, một huyện hoặc một tỉnh nào. Ví dụ,” Sầu riêng Tây Nguyên Việt Nam”, “Bơ Tây Nguyên Việt Nam”… Còn đảm bảo chất lượng do Hiệp hội ngành hàng đó chịu trách nhiệm.

Sáu là, Bộ Giao thông Vận tải tham mưu cho Chính Phủ và Quốc hội có cơ chế và huy động nhiều nguồn lực; đầu tư bằng nhiều hình thức để mở mới và nâng cấp hệ thống các tuyến Quốc lộ, các sân bay để kết nối các tỉnh Tây Nguyên với nhau và các tỉnh Tây Nguyên với các vùng khác một cách thuận lợi. Đây là huyết mạch của nền kinh tế.

Bảy là, trong điều kiện mùa dịch hiện nay, các trường hợp “ngăn sông cấm chợ” bằng các thủ tục giấy phép rườm rà ở các chốt, trạm làm cho hàng hóa, nhất là rau củ, trái cây tươi sống không đến được các khu cách ly thì cần phải dẹp bỏ. Chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu dùng mới không bị “đứt gãy”./.

Nguyên TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Trương Thanh Tùng