25/11/2024 lúc 06:53 (GMT+7)
Breaking News

Vì sao Canada muốn tạo dấu ấn ngoại giao tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương?

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Canada phản ánh sự thay đổi cách tiếp cận của Ottawa trong quan hệ với Trung Quốc, châu Á và các quốc gia ven Ấn Độ Dương.

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Canada phản ánh sự thay đổi cách tiếp cận của Ottawa trong quan hệ với Trung Quốc, châu Á và các quốc gia ven Ấn Độ Dương.

Canada đang có cách tiếp cận mới trong quan hệ với các quốc gia tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là Trung Quốc. (Ảnh: UALBERTA)

Bộ Các vấn đề toàn cầu của Canada (GAC) đang đề xuất một chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trị giá hàng tỷ CAD nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của Canada vào Trung Quốc, thông qua việc đa dạng hóa hoạt động thương mại và đầu tư không những ở châu Á mà còn vươn ra ngoài Vành đai Thái Bình Dương, đồng thời tăng cường đóng góp về an ninh và hỗ trợ quốc tế cho khu vực.

Các quan chức Canada cho biết, kế hoạch trên, với kinh phí 3,5 tỷ CAD (khoảng 2,8 tỷ USD) trong 5 năm, đã được chuyển đến các cấp cao nhất của bộ máy hành chính trong vài tuần qua.

Với chiến lược này, Ottawa mong muốn thiết lập một dấu ấn ngoại giao lớn hơn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong khu vực, góp phần vào những nỗ lực của phương Tây nhằm ứng phó với sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc.

Bắc Kinh đang rót 1.000 tỷ USD vào các dự án xây dựng đường sắt, cảng và đường ống dẫn năng lượng, từ châu Á đến châu Phi. Nhiều chuyên gia nhận định đây là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tăng cường ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của nước này.

Chiến lược trên của Ottawa đề cập đến việc tăng chi cho hỗ trợ phát triển quốc tế và chống biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Ottawa cũng đang cân nhắc tăng cường sự hiện diện của các tàu hải quân Canada trong khu vực và nâng cao vai trò của an ninh mạng, có thể thông qua việc chia sẻ thông tin từ Cơ quan An ninh Truyền thông Canada (có nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo nước ngoài).

Maéva Proteau, Giám đốc truyền thông của Ngoại trưởng Canada Mélanie Joly, cho biết bà Joly có nhiệm vụ phát triển một chiến lược toàn diện của Canada tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Mở rộng thương mại trên toàn khu vực là yếu tố then chốt trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Canada và đã được Thủ tướng Justin Trudeau "bật đèn xanh".

Việc Ottawa gọi đây là chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thay vì tiếp tục chỉ tập trung vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã phản ánh sự thay đổi cách tiếp cận của Ottawa trong quan hệ với Trung Quốc, châu Á và các quốc gia ven Ấn Độ Dương.

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Canada mở rộng vòng kết nối các đối tác "tiềm năng" mà Ottawa và các đồng minh có thể "tập hợp" để kiềm chế sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực.

Chiến lược này của Canada đang được "lên khuôn" sau khi mối quan hệ giữa Ottawa và Bắc Kinh rơi xuống mức tồi tệ nhất trong nửa thế kỷ. Trung Quốc đã giam giữ hai công dân Canada trong hơn 1.000 ngày và áp đặt các hạn chế thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Canada.

Việc Canada đưa ra những chính sách chiến lược đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thúc giục Ottowa làm rõ cách thức tiếp cận đối với Trung Quốc.

Phát biểu tại Washington, D.C hồi tháng 9, ông David Cohen, Đại sứ Mỹ tại Canada cho biết chính quyền Tổng thống Biden đã “chờ Canada đưa ra khuôn khổ cho chính sách chung về Trung Quốc".

Ông Cohen cho biết nhiệm vụ của mình tại Ottawa sẽ bao gồm việc "đảm bảo rằng các chính sách của Canada phản ánh lời nói của họ về cách tiếp cận với Trung Quốc".