Báo cáo mới nhất của các cơ quan tình báo Mỹ nhận định, biến đổi khí hậu sẽ trở thành tác nhân khiến căng thẳng quốc tế ngày một leo thang.
Châu Phi là một trong những 'điểm nóng' của biến đổi khí hậu. (Nguồn: Getty)
Ngày 21/10, chính quyền Biden đã công bố một số báo cáo về tình hình biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của quá trình này tới an ninh quốc gia Mỹ. Các báo cáo này đã cảnh báo biến đổi khí hậu có thể gây ra các mối đe dọa trên diện rộng tới sự ổn định trên toàn thế giới.
Theo New York Times, bộ tài liệu dài 27 trang trên do toàn bộ 18 cơ quan tình báo Mỹ, gồm Bộ An ninh Nội địa, Bộ Quốc phòng, Hội đồng An ninh Quốc gia và Giám đốc Tình báo quốc gia... soạn thảo và ban hành bởi Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI), vốn chịu trách nhiệm quản lý các cơ quan tình báo của Mỹ.
Đây cũng là lần đầu tiên các cơ quan này hợp tác để đưa ra quan điểm chung về những tác động của biến đổi khí hậu đối với an ninh quốc gia từ nay cho tới năm 2040.
Cụ thể, báo cáo vẽ nên một bức tranh về tương lai thế giới thiếu sự hợp tác, dẫn đến sự cạnh tranh và bất ổn leo thang. Nhiều quốc gia sẽ tìm cách để bảo vệ nền kinh tế của họ và tìm kiếm lợi thế trong việc phát triển công nghệ mới.
Một số quốc gia cũng có thể sẽ ngần ngại hành động quyết liệt do lo sợ thiệt thòi về kinh tế. Báo cáo chỉ ra thế giới hiện có hơn 20 quốc gia phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, chiếm hơn 50% tổng doanh thu xuất khẩu.
Cũng theo báo cáo, thế giới sẽ sớm cảm nhận được tác động của biến đổi khí hậu. Dưới đây là một số điểm đáng chú ý của báo cáo tình báo này.
Ảnh hưởng tới các nước nghèo
Cộng đồng tình báo Mỹ xác định có 11 quốc gia và 2 khu vực sẽ bị chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, khiến các nước này đối mặt với tình trạng báo động về an ninh năng lượng, thực phẩm, nước và y tế. Đây là các quốc gia có xu hướng nghèo và khả năng thích ứng kém, làm tăng nguy cơ bất ổn và xung đột nội bộ. Các đợt nắng nóng và hạn hán có thể gây áp lực lên các dịch vụ như cung cấp điện.
Các quốc gia đó bao gồm: Afghanistan, Myanmar, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên, Guatemala, Haiti, Honduras, Nicaragua, Colombia và Iraq. Ngoài ra, Trung Phi và các quốc gia nhỏ ở Thái Bình Dương cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Do ảnh hưởng của biến đối khí hậu, tình hình bất ổn tại các quốc gia này sẽ dễ bùng phát, đặc biệt sẽ tạo ra các dòng người tị nạn mới. Điều này sẽ dễ tạo ra các cuộc khủng hoảng nhân đạo mới và có thể sẽ tiếp tục gây nên áp lực nặng nề cho vùng biên giới phía Nam của nước Mỹ.
Điểm nóng mới
Biến đổi khí hậu sẽ khiến Trái đất nóng lên và làm tan băng, và con người có thể dễ dàng tiếp cận Bắc Cực hơn. Điều đó có thể giúp mở ra các tuyến vận chuyển mới và đem đến nguồn cung thủy sản lớn hơn. Thế nhưng, trong bối cảnh một số quốc gia có kế hoạch tiếp cận Bắc Cực sử dụng các biện pháp quân sự, những tính toán sai lầm hoàn toàn có thể xảy ra.
Việc mực nước biển dâng lên cũng sẽ khiến một số quốc gia rơi vào tình trạng khủng hoảng nước, đặc biệt là ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi hay các nước như Pakistan và Ấn Độ.
Công nghệ của tương lai
Để đối phó và giảm tác động của biến đổi khí hậu, một số quốc gia sẽ phải áp dụng những công nghệ mới chưa từng xuất hiện. Một trong số đó là Geo-engineering, thuật ngữ còn khá mới, để chỉ những ý tưởng làm mát Trái đất bằng các kỹ thuật tác động trực tiếp lên địa cầu nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Về cơ bản, đây là việc sử dụng công nghệ của tương lai. Các nhà khoa học Scotland từng đưa ra ý tưởng dùng mây bụi xung quanh tiểu hành tinh giảm ánh sáng mặt trời xuống Trái đất. Các tiểu hành tinh được đưa đến độ cao cân bằng giữa trọng lực Trái đất và lực hấp dẫn của mặt trời, tránh trường hợp chúng rơi xuống Trái đất hay trôi dạt về phía mặt trời.
Một số thì cho rằng có thể tác động vào núi lửa nhân tạo để tạo ra những vụ phun trào, đưa một lượng sulfur (lưu huỳnh, thành phần có trong tro núi lửa) vào bầu khí quyển và cố định ở vị trí thích hợp. Các phân tử sulfur phản xạ ánh sáng và nhiệt từ Mặt trời trở lại không gian và có thể tạo ra một bóng mát lớn cho Trái đất.
Nhưng nếu một quốc gia hành động đơn độc mà không nghĩ đến ảnh hưởng tiêu cực cho các quốc gia khác, đó chỉ đơn giản là chuyển vấn đề của khu vực này sang khu vực khác. Đồng thời, những biện pháp này vẫn chưa được nghiên cứu kỹ, đem lại rất nhiều rủi ro tiềm tàng.
Các nhà nghiên cứu ở một số quốc gia, bao gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Anh và Mỹ, cũng như một số thành viên EU, đang xem xét việc ứng dụng kỹ thuật này vào thực tế. Các nhà khoa học cho rằng thúc đẩy nghiên cứu phương pháp Geo-engineering rất quan trọng vì nhiều kế hoạch sẽ có giá trị bền vững lâu dài, nhưng đồng thời cũng cho biết Geo-engineering có thể là phương pháp cuối cùng khi bắt buộc phải dùng đến.
Cần phải thúc đẩy hợp tác
Báo cáo cho biết có một số cách có thể tránh được tương lai ảm đạm này, nhưng nó đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ của tất cả các quốc gia trên thế giới.
“Với hơn 85% phát thải toàn cầu xảy ra bên ngoài biên giới Mỹ, chỉ riêng chúng tôi không thể giải quyết thách thức này. Chúng tôi cần cả thế giới tăng tốc hành động. Đó hoàn toàn là một vấn đề an ninh quốc gia”, một quan chức Mỹ nói với báo giới.
Việc chính quyền Biden công bố báo cáo cũng cho thấy, vấn đề khí hậu hiện đã trở thành một phần quan trọng trong việc hoạch định các chính sách an ninh.
Erin Sikorsky, Giám đốc Trung tâm Khí hậu và An ninh cho biết, các chính phủ ngày càng nhận ra rằng quá trình biến đổi khí hậu đang có những tác động mạnh mẽ ra sao đến tình hình an ninh của một quốc gia.
Ở cấp độ thực tiễn, các cơ quan an ninh quốc gia Mỹ sẽ tích hợp ảnh hưởng của biến đổi khí hậu vào các kế hoạch của họ. Ví dụ, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ coi vấn đề biến đổi khí hậu, "ở mọi mức độ, là cần thiết để huấn luyện, chiến đấu và chiến thắng trong một môi trường ngày càng phức tạp".
Báo cáo của các cơ quan tình báo Mỹ đã vẽ nên một bức tranh miêu tả những vấn đề mà thế giới sẽ gặp phải trong tương lai. Nhưng câu hỏi thực sự là các nhà hoạch định chính sách sẽ làm gì trước lời cảnh báo này?