11/01/2025 lúc 10:46 (GMT+7)
Breaking News

Vì một xã hội an toàn

Ba gương mặt, ba góc nhìn, ba cách kiến giải về chung một vấn đề, làm gì để nâng cao năng lực “tự cứu mình” trước thảm họa thiên tai của mỗi người dân. Nhìn rộng hơn, sự thay đổi trong giáo dục phổ thông, hay cách thức liên kết, tổ chức của các tỉnh, thành phố theo tính chất vùng, miền… đều góp phần tạo nên tính bền vững cho cộng đồng trước những diễn biến khó lường của thiên tai.

Ba gương mặt, ba góc nhìn, ba cách kiến giải về chung một vấn đề, làm gì để nâng cao năng lực “tự cứu mình” trước thảm họa thiên tai của mỗi người dân. Nhìn rộng hơn, sự thay đổi trong giáo dục phổ thông, hay cách thức liên kết, tổ chức của các tỉnh, thành phố theo tính chất vùng, miền… đều góp phần tạo nên tính bền vững cho cộng đồng trước những diễn biến khó lường của thiên tai.

Ảnh minh họa

Ths Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập đồng bằng sông Cửu Long:

Giảm tính hình thức, tăng tính thực tiễn, khoa học

Với một vùng đặc thù như châu thổ sông Cửu Long nên có cơ quan cấp vùng về phòng, chống thiên tai đủ năng lực để điều phối, lập kế hoạch chiến lược cho toàn vùng cũng như tăng cường tính liên kết vùng cho công tác này. Mỗi tỉnh, phải có một vài chuyên gia giỏi, chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản trong, ngoài nước về lĩnh vực này để có tầm nhìn chiến lược, làm "bộ não" tham mưu cho các ban phòng, chống thiên tai ở tất cả các cấp trong tỉnh. Từ đó các kế hoạch phòng, chống thiên tai giảm được tính hình thức, tăng được tính thực tiễn và cơ sở khoa học.

Phòng, chống thiên tai phải là một quá trình liên tục, không chỉ khi sắp có thiên tai, có công văn chỉ đạo từ trên xuống mới khẩn trương rà soát cái nọ, cái kia. Nhiều hoạt động phát triển thiếu kiểm soát vẫn đang âm thầm mài mòn khả năng tự vệ của châu thổ sông Cửu Long trước thiên tai, hoặc gây ra "nhân tai" vẫn đang diễn ra, nhưng không thuộc trách nhiệm của các ban phòng, chống thiên tai. Ðô thị nhiều khu đường sá, cầu cống xây dựng trái quy luật tự nhiên... có thể gây ngập úng khi mưa lớn. Thế nhưng, đến khi có thiên tai đe dọa tính mạng và tài sản người dân thì mới liên quan đến trách nhiệm của các ban phòng, chống thiên tai. Tức là các ban này phải gánh chịu trách nhiệm giải quyết hậu quả, còn nguyên nhân có thể do các ngành khác quản lý lỏng lẻo mà ra.

Cần chú trọng công tác tái thiết sau thiên tai, không chỉ là thu dọn, sửa chữa công trình, hỗ trợ dựng lại nhà cửa mà cần chú trọng cả ba mặt kinh tế, xã hội, và môi trường, hỗ trợ tái lập lại sinh kế, phục hồi môi trường.

Bà Nguyễn Thị Minh Phương, Trưởng ban Tuyên giáo, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai:

Nâng cao năng lực ứng phó cho giới nữ

Nhiều nghiên cứu về quan hệ xã hội trong việc quản lý thiên tai ở Việt Nam đã khẳng định: Các hoạt động quản lý thiên tai của cộng đồng sẽ hiệu quả hơn với sự đóng góp của phụ nữ. Những tổn thất về kinh tế trong hộ gia đình và cộng đồng sẽ giảm nếu những kiến thức và kinh nghiệm của phụ nữ trong việc bảo vệ tài sản, vụ mùa và sản phẩm được tận dụng.

Khi thiên tai xảy ra, cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tích cực tham gia vận động quyên góp, hỗ trợ phụ nữ chăm sóc cho bản thân và gia đình trong lúc phải sơ tán, tránh trú cũng như sớm khắc phục hậu quả thiên tai, dọn dẹp vệ sinh đề phòng bệnh do ô nhiễm môi trường sau thiên tai, sớm phục hồi sinh kế. Bên cạnh đó, phụ nữ cũng chứng tỏ năng lực của mình trong những công việc thường được coi là "của nam giới" như tham gia đội nữ xung kích "Phòng, chống giảm nhẹ rủi ro thiên tai" (như tại Thừa Thiên Huế), các chị có kỹ năng bơi lội, sơ cấp cứu cũng như các kỹ năng tuyên truyền, vận động người dân và phương pháp lập kế hoạch trước, trong và sau bão, lụt để chủ động ứng phó với thiên tai.

TS Trịnh Xuân Ðức, Viện trưởng Khoa học kỹ thuật hạ tầng và môi trường (SIIEE):

Ðưa kỹ năng sinh tồn vào nhà trường!

Không chỉ học sinh mà chính người lớn chúng ta, có nhiều người còn yếu kỹ năng ứng phó thiên tai khi gặp sự cố bất ngờ, thời tiết bất thường. Thiết nghĩ, đổi mới giáo dục cần tính đến việc tích hợp các kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai trong chương trình và sách giáo khoa mới để giảng dạy cho các em trong suốt các cấp học phổ thông.

Căn cứ vào đặc điểm địa lý, khí hậu của từng địa phương, từ đó biên soạn những giáo trình, kiến thức bổ trợ theo đặc thù vùng, miền. Thí dụ, miền trung là nơi xảy ra bão lũ liên tục, cần đưa kinh nghiệm thực tế vào dạy cho các em kỹ năng giúp đỡ bố mẹ chằng chống nhà cửa, giữ gìn vệ sinh môi trường sống, nắm chắc phương pháp thoát hiểm, kỹ năng cứu người khi đuối nước hoặc hỏa hoạn… Khi gặp hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phải làm sao tích trữ nước ngọt, tiết kiệm nước trong sinh hoạt và tưới tiêu; sinh hoạt hằng ngày lưu ý sử dụng các sản phẩm thân thiện, an toàn vệ sinh môi trường sống…

Trong không gian học đường, cần đa dạng hình thức tuyên truyền về thiên tai, tổ chức diễn tập thực tế ứng phó với các tình huống khẩn cấp, bất ngờ. Làm sao để mỗi học sinh, không chỉ ở những nơi thường xuyên gặp hạn hán hay bão lũ mà cả học sinh thành phố phải biết kỹ năng phòng, tránh đuối nước, bơi lội; khi đi "phượt" hoặc dã ngoại thường trực ý thức bảo đảm an toàn, phòng, chữa cháy rừng. Giáo dục cho học sinh ý thức tự học, không ngừng cập nhật kiến thức về bảo vệ môi trường, tự giác tìm hiểu, nâng cao các kỹ năng về phòng tránh thiên tai