26/04/2024 lúc 15:39 (GMT+7)
Breaking News

Về “vành đai diệt Mỹ” nghe Tân Trạch giành chính quyền thời 9 năm kháng chiến

Chúng tôi về “Vành đai diệt Mỹ” Rạch Kiến (Cần Đước, Long An) vào những ngày cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm Quốc khánh 2/9. Nơi đây ghi dấu sự hình thành và phát triển của “Vành đai diệt Mỹ” nổi tiếng ở Long An trong kháng chiến chống Mỹ. Thế nhưng, để có được tính thần chống Mỹ kiên cường của quân dân ở Rạch Kiến là kế thừa tinh thần cứu quốc của cha anh thời kháng chiến 9 năm (1945-1954).

Phạm vi của “vành đai diệt Mỹ” Rạch Kiến được xác định gồm 13 xã giải phóng của vùng hạ tỉnh Long An. Trong đó, có 10 xã thuộc huyện Cần Đước và 3 xã thuộc huyện Cần Giuộc.

Di tích lịch sử, văn hóa “Ngã tư Rạch Kiến”, tại ấp 1, xã Long Hòa, huyện Cần Đước (Long An) luôn được chăm sóc, chỉnh trang sạch đẹp, trang trọng.

Giành chính quyền thời kháng chiến 9 năm

Ông Hai Chà (Nguyễn Văn Chà, 78 tuổi), cán bộ lão thành ở xã Tân Trạch cho biết, ngay từ thời 9 năm chống Pháp, người dân xã Tân Trạch nói riêng và vành đai Rạch Kiến nói chung đã thể hiện lòng yêu nước nồng nàn.

Trong cuốn “Tân Trạch lịch sử và truyền thống đấu tranh cách mạng” của Đảng bộ xã Tân Trạch (Cần Đước) cho thấy, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng về “Nhật Pháp bắn nhau và hàng động của chúng ta”, tháng 7/1945, tổ chức Thanh niên Tiền Phong quận Cần Đước (thời điểm này Cần Đước là quận của tỉnh Chợ Lớn) ra đời tại chợ Rạch Kiến do ông Hồng Son Đỏ làm thủ lĩnh. Thủ lĩnh tổ chức Thanh niên Tiền Phong xã Tân Trạch là ông Nguyễn Tấn Xem. Mỗi thôn trong xã đều có thôn đoàn trưởng, như: Ông Quản Chơn (Phạm Văn Chơn), Chín Kỳ…

Ngày 25/8/1945, Tỉnh ủy Chợ Lớn hạ lệnh khởi nghĩa giành chính quyền. Lúc này, lực lượng khởi nghĩa xã Tân Trạch bao vây trụ sở tề làng bắt phải giao chính quyền cho đại diện nhân dân. Ngay sau khi khởi nghĩa thành công, ngày 26/8, Uỷ ban hành chánh làng Tân Trạch được thành lập, theo ông Hồng Son Đỏ, cán bộ kháng chiến lão thành, ông Phạm Văn Chơn trở thành chủ tịch UBHC làng Tân Trạch, vị chủ tịch UBND xã đầu tiên của xã này. Năm 1951-1954, ông Chơn làm Chánh văn phòng Tỉnh ủy Chợ Lớn. Năm 1958, ông Chơn bị địch bắt trong công tác tuyên truyền chống Mỹ. Ông bị địch tra tấn điều tra, nhưng ông nhất quyết không khai báo.

Ông Hai Chà (Nguyễn Văn Chà, 78 tuổi), cán bộ lão thành ở xã Tân Trạch, chia sẻ về hoạt động cách mạng của ông Chơn.

Theo ông Chà, sau ngày đất nước thống nhất 1975, thỉ thoảng ổng vẫn gặp ông Chơn. “Các ông cùng thời đi kháng chiến với ông Chơn là ông Hồng Son Đỏ về hưu về cầu Chữ Y (TP.HCM) sống. Ông Sáu Thông có con hy sinh tại đây. Ông Bình mất sau hòa bình,… Thời mấy ông này đi kháng chiến tuy còn nhỏ nhưng tôi cũng biết mấy ông vì cùng sống chung xóm”, ông Hai Chà thổ lộ.

Xây dựng nông thôn mới

Xã Tân Trạch là quê hương của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Trần Văn Hùm. Đồng thời, cũng là xã anh hùng đầu tiên của huyện Cần Đước được phong tặng vào năm 1978.

Kế thừa truyền thống, trong những năm qua, Đảng bộ xã Tân Trạch đã quyết liệt trong mọi công tác để xây dựng địa phương. Hiện, xã Tân Trạch đã được công nhận xã nông thôn mới. Đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Đường tỉnh 830 qua địa bàn được thực hiện thông qua phong trào Nhà nước và nhân dân cùng làm. Toàn xã có 91% hộ sử dụng nước sạch,... 

Diện mạo xã Tân Trạch hôm nay đã đổi thay hoàn toàn, tạo sự phấn khởi cho người dân địa phương quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.

Nhà bia ghi tên liệt sĩ xã Tân Trạch

Theo Bí thư Huyện Đoàn Cần Đước Đỗ Hồng Thanh, xác định giáo dục đạo đức, nâng cao bản lĩnh chính trị cho thế hệ trẻ là mục tiêu quan trọng, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã tổ chức các chương trình về địa chỉ đỏ, đến những địa điểm có ý nghĩa lịch sử như nơi thành lập Chi bộ đầu tiên của Đảng bộ huyện Cần Đước... Đặc biệt, là Di tích lịch sử, văn hóa “Ngã tư Rạch Kiến”. Việc về nguồn này sẽ giúp đoàn viên, thanh niên và học sinh hiểu thêm việc cha ông đổ máu xương gìn giữ quê hương, hun đúc tinh thần yêu nước và xây dựng quê hương giàu đẹp của giới trẻ.

Trần Long 

...