19/04/2024 lúc 08:27 (GMT+7)
Breaking News

Về thăm ngôi trường mang tên người anh hùng Vừ A Dính

Trường Tiểu học Vừ A Dính – mang tên của một anh hùng lực lượng vũ trang, dân tộc H’Mông, toạ lạc tại xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, một trong những địa phương rất khó khăn và rất xa khu trung tâm của tỉnh Đắk Nông. Xã Đắk Ngo có vị trí tiếp giáp với tỉnh Bình Phước và cũng là một trong những địa phương khó khăn nhất của tỉnh Đắk Nông. Phần lớn người dân nơi đây là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào tại chỗ là người M’Nông và một số dân tộc phía bắc di cư như dân tộc Mông, Tày, Nùng… Vì

Trường Tiểu học Vừ A Dính – mang tên của một anh hùng lực lượng vũ trang, dân tộc H’Mông, toạ lạc tại xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, một trong những địa phương rất khó khăn và rất xa khu trung tâm của tỉnh Đắk Nông. Xã Đắk Ngo có vị trí tiếp giáp với tỉnh Bình Phước và cũng là một trong những địa phương khó khăn nhất của tỉnh Đắk Nông. Phần lớn người dân nơi đây là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào tại chỗ là người M’Nông và một số dân tộc phía bắc di cư như dân tộc Mông, Tày, Nùng… Vì thế, học sinh dân tộc thiểu số theo học tại trường chiếm phần lớn, trong đó diện hộ nghèo chiếm hơn 70%.
Để tới được ngôi trường này, chúng tôi cũng đã không ít vất vả khi phải vượt qua những đoạn đường chứa đầy “ổ gà” nhưng chúng tôi biết, như thế đã là may mắn lắm rồi vì trời không mưa, nếu mưa, đoạn đường này còn khó đi hơn nhiều. Tuy được sự quan tâm của chính quyền các cấp, các đoạn đường hầu như đã được bê tông hoá. Thế nhưng, đường vào điểm chính vẫn còn một đoạn đường đất, trời mà mưa thì trơn trượt, đi bộ thôi cũng khó huống hồ gì đi xe.

Được sự quan tâm của chính quyền các cấp, các đoạn đường hầu như đã được bê tông hoá.

Ở đây, người dân phần lớn là thuộc diện hộ nghèo, các bậc phụ huynh từ sớm đã phải ra đồng hay đi làm để trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Vậy nên, việc quan tâm đến các con em cũng không được chu đáo. Và “Cái nghèo” là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng con em trên địa bàn bỏ học, chưa đủ tuổi nhưng lại là lao động chính của gia đình, tập quán di cư tự do kéo theo con cái phải bỏ học đi cùng bố mẹ… Nắm bắt được tình hình đó, cán bộ, giáo viên trường Tiểu học Vừ A Dính đã luôn kết hợp với các cấp chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền, đến thăm hỏi, động viên từng gia đình để các em tới trường, hoạt động tốt công tác phổ cập giáo dục tại địa phương. Từ đó, tỷ lệ bỏ học được giảm dần trong những năm gần đây.

Cô Phượng – một giáo viên người đồng bào tại chỗ đã giảng dạy tại địa phương hơn 5 năm.

Chia sẻ với chúng tôi thầy Nguyễn Thế Cảnh – Hiệu trưởng trường Tiểu học Vừ A Dính cho biết: “Điều mà chúng tôi luôn trăn trở đó là điều kiện của các em học sinh nơi đây, quá khó khăn, cộng thêm các em ít được phụ huynh quan tâm và gần như là phó mặc cho nhà trường giáo dục. Những năm gần đây, được các cấp chính quyền quan tâm thì đường xã cũng đã đỡ hơn, chứ như trước kia thầy cô mà vào điểm trường gặp trời mưa là xác định không ra được”.

Các em học sinh nơi đây quá khó khăn,phần lớn là thuộc diện hộ nghèo.

Bước vào năm học 2020 – 2021, cũng là bước vào tuổi thứ 3, toàn trường có 19 cán bộ, giáo viên, nhân viên, 707 học sinh (695 học sinh dân tộc thiểu số). Tổng số phòng học tại 2 điểm trường là 19 phòng. Giáo viên tại trường chủ yếu ở nhà tập thể trong các ngày trong tuần vì nhà xa và đi lại khó khăn. Được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp chính quyền, phòng Giáo dục huyện Tuy Đức, các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm và quỹ học bổng Vừ A Dính quan tâm, trường đã có sự thay đổi về cơ sở vật chất. Tháng 5 năm 2020 vừa qua, trường đã vinh dự khi được bác Trương Mỹ Hoa – Nguyên Phó Chủ tịch nước – Chủ tịch quỹ Học bổng Vừ A Dính cùng các nhà tài trợ đã đến thăm và trao tặng 70 suất học bổng Vừ A Dính.  Đồng thời, bàn giao 8 phòng học mới cho trường, nguồn kinh phí xây dựng được công ty CP Cơ Điện lạnh – REE tài trợ.

Thầy Nguyễn Thế Cảnh – Hiệu trưởng trường Tiểu học Vừ A Dính

Hiện nay, về cơ sở vật chất trường đã dần ổn định, thế nhưng vẫn thiếu nhiều về con người, để đủ mức tối thiểu là 9 giáo viên. Hiện tại, có 9 thầy cô phải ở lại “cắm bản” bởi nhà ở xa. Đời sống, vật chất tuy thiếu thốn thế nhưng sự yêu nghề và lòng nhiệt huyết trong mỗi thầy cô đã giúp họ luôn giữ vững được ý chí, tinh thần trên con đường đưa con chữ về với các em.
Đến thăm lớp 5a của trường vào một buổi chiều, khi thấy các em vẫn đang chăm chú nghe giáo viên giảng bài, mặc dù khuôn mặt vẫn còn lem luốc và trên người là những bộ đồ cũ kỹ. Khi thấy các em, chúng tôi khá ngạc nhiên ngỡ các em là lớp 1 hay lớp 2 thôi, ai nghĩ rằng các em đã lớp 5, nhìn quá nhỏ so với trẻ em nơi thị thành. Có trường hợp 2 chị em học chung một lớp, khi viết bài lại viết chung một cuốn vở…

2 chị em học chung một lớp, khi viết bài lại viết chung một cuốn vở.

Cô Phượng – một giáo viên người đồng bào tại chỗ đã giảng dạy tại địa phương hơn 5 năm, cho biết: “Các em học sinh ở đây đa số là thuộc hộ nghèo, vì thế cũng rất cần sự quan tâm của cộng đồng, xã hội, góp phần cho các em được tốt hơn về điều kiện cuộc sống và có cơ hội đến trường được tốt hơn. Trời cũng đã chớm vào mùa lạnh, chỉ lo các em không đủ áo ấm để mặc vì nhiều gia cảnh nghèo khó lắm, sợ rằng cái no còn chưa đủ thì nghĩ gì tới được mặc ấm”.
Trời đã xế chiều, cũng là lúc chúng tôi phải rời đi, tạm biệt các thầy cô, các em học sinh để trở lại thị trấn. Chúng tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng chào “chúng em chào cô chú ạ” của các em, đâu đó vẫn là hình ảnh về ánh mắt, nụ cười trong sáng và hồn nhiên, như đang bừng lên ngọn lửa của Tây Nguyên đầy hy vọng, về một ngày mai tươi sáng./.