08/11/2024 lúc 12:44 (GMT+7)
Breaking News

Vật liệu xây dựng tăng “phi mã”, giá chung cư khó đứng yên

Hàng loạt vật liệu xây dựng cơ bản như sắt thép, gạch, cát, sỏi, đá tăng giá kéo theo giá nhân công xây dựng cũng tăng theo. Mới đây nhất, hầu hết các Công ty xi măng trong cả nước đã tăng giá bán lẻ từ 50 nghìn đến hơn 100 nghìn đồng/tấn bắt đầu từ đầu tháng 11 đã gây tác động không nhỏ tới giá thành xây dựng, trong đó có các tòa nhà chung cư.

Hàng loạt vật liệu xây dựng cơ bản như sắt thép, gạch, cát, sỏi, đá tăng giá kéo theo giá nhân công xây dựng cũng tăng theo. Mới đây nhất, hàng loạt Công ty xi măng trong cả nước đã tăng giá bán lẻ từ 50 nghìn đến hơn 100 nghìn đồng/tấn bắt đầu từ đầu tháng 11 đã gây tác động không nhỏ tới giá thành xây dựng, trong đó có các tòa nhà chung cư.

Theo các chuyên gia, hàng loạt vật liệu xây dựng tăng giá, nhân công tăng giá sẽ dẫn đến nguy cơ tạo ra một “làn sóng tăng giá” nhà chung cư, bất động sản. Do vậy, rất cần đến một “bàn tay thép” để “giảm nhiệt” các mặt hàng này.

Vật liệu xây dựng “đua nhau” tăng giá

Với hơn 80 thợ xây dựng lành nghề, ông Mai Văn Chung, một nhà thầu xây dựng cho biết, chưa bao giờ việc xây dựng các công trình lại khó khăn như năm nay, bởi Hà Nội vừa tạm hết giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 thì giá xi măng đã đồng loạt tăng.

Vật liệu xây dựng, nhân công tăng giá, giá căn hộ chung cư sẽ có diễn biến tăng theo trong thời gian tới.

Cụ thể, Công ty Cổ phần xi măng Bỉm Sơn (Thanh Hóa) tăng giá bán xi măng bao và rời lên 80.000 đồng/tấn từ ngày 20/10; Công ty xi măng Chinfon (Thành phố Hồ Chí Minh) tăng giá bán xi măng PCB 40- PCB 50 là 100. 100 đồng/tấn từ ngày 01/11; Công ty xi măng Vicem Hoàng Thạch (Hải Dương) tăng giá bán 50.000 đồng/tấn từ ngày 25/10; Công ty Cổ phần xi măng Hà Tiên (Thành phố Hồ Chí Minh) tăng giá bán lên 80.000 đồng/tấn (bao 50kg) kể từ ngày 01/11; Công ty Cổ phần xi măng Vicem Hoàng Mai (Nghệ An) tăng giá bán lên 50.000 đồng/tấn với tất cả các chủng loại xuất từ nhà máy và các điểm bán hàng từ ngày 25/10.

Lý giải về lý do tăng giá xi măng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp, ông Lê Tuấn Thiện, Giám đốc Xí nghiệp tiêu thụ và dịch vụ xi măng Hà Tiên 1 cho rằng, hiện nay giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào trong sản xuất xi măng đều tăng, đặc biệt nguồn cung than đá khan hiếm, giá than tăng, dẫn đến giá thành sản xuất xi măng tăng cao.

“Vicem Hà Tiên đã cố gắng tìm giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguyên nhiên vật liệu nhưng vẫn không thể bù đắp được chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay. Do vậy, Vicem Hà Tiên xem xét cân đối lại giá bán xi măng để đảm bảo bù đắp một phần chi phí ngày càng tăng cao”, ông Thiện cho biết.

Cũng lý giải về việc tăng giá bán xi măng trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Hoành Vân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xi măng Bỉm Sơn cho rằng, tăng giá xi măng là điều tất yếu, bởi hiện nay giá nguyên nhiên vật liệu trong sản xuất xi măng đều tăng đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Mặc dù đơn vị đã tìm nhiều giải pháp để tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất nhưng không thể bù đắp được tốc độ gia tăng của nguyên nhiên vật liệu đầu vào.

“Để ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giữ vững chất lượng sản phẩm, Công ty cổ phần xi măng Bỉm Sơn điều chỉnh tăng giá bán xi bao và rời thêm 80.000 đồng/tấn đã bao gồm cả VAT”, ông Vân nói.

Không chỉ có xi măng, mà trước đó, giá thép đã leo thang rất cao, tăng gấp 1,7 lần so với cùng thời điểm tháng 11/2020. Bên cạnh đó, giá nhân công lao động trong xây dựng cũng tăng từ 50-70 nghìn đồng/ngày, trong khi đó các mặt hàng thực phẩm cũng tăng từ 20-40% so với trước đó sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ và dự báo sẽ tạo ra cơn “địa chấn” về giá thành xây dựng, nhất là đối với các công trình lớn, các toà nhà chung cư, kéo theo là giá nhà chung cư cũng dự báo sẽ tăng theo.

Chủ thầu và khách hàng gánh chịu

Theo kỹ sư xây dựng Nguyễn Đức Tùng, giám sát công trình của Tổng Công ty Xây dựng công trình hàng không ACC, thuộc Quân chủng PK-KQ, xi măng tăng cao, mà trước đó là sắt thép đã tăng giá khiến cho không chỉ chủ đầu tư, mà cả nhà thầu và khách hàng phải gánh chịu, bởi giá thành xây dựng sẽ tăng đáng kể.

Theo tính toán của ông Tùng, với một hợp đồng xây dựng 100 tỷ đồng, nhân công chiếm 20%, chi phí khác chiếm 10% và vật liệu xây dựng chiếm 60 - 70% (thép, sắt, cát, xi măng, đá…). Khi giá sắt, thép, xi măng và nhân công tăng “phi mã” như hiện nay, có thể khiến công trình bị đội lên từ 15-20%.

Để ổn định giá thị trường, ổn định giá căn hộ chung cư, Nhà nước cần ban hành chính sách để kiểm soát giá cả các mặt hàng này.

Cụ thể, một căn hộ dự toán trên giấy tờ (lý thuyết) bán ra 30 triệu đồng/m2, khi thép, xi măng cùng tăng giá, tạo ra đợt tăng “kép” có thể đẩy căn hộ chào bán ra thị trường đội lên với tổng giá bán là 38 triệu đồng/m2. Tùy chủ đầu tư, nếu họ chia sẻ với khách hàng, giá nhà chào bán ra sẽ tăng ở biên độ vừa phải dưới 10%. Ngược lại nếu chủ đầu tư không thể chia sẻ, giá chung cư có thể đội lên có thể đến 15% và khi đó khách hàng là người gánh chịu.

Các nhà thầu cũng không có lý do gì để “mặc cả” tăng giá công trình xây dựng, bởi cả bên chủ đầu tư và đơn vị thi công đã ký hợp đồng trọn gói nên không thể điều chỉnh tăng giữa chừng. Do vậy, với giá vật liệu tăng chóng mặt như hiện nay, làm sẽ bị lỗ, không làm thì hết việc hoặc bị phạt vì vi phạm hợp đồng.

“Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng khẩn trương tham mưu cho các bộ, ngành và nhất là Chính phủ để có những giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp”, ông Tùng nói.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, trước thực trạng giá vật liệu xây dựng tăng cao, mới đây Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam có công văn gửi Bộ Xây dựng kiến nghị điều chỉnh giá thép. Theo đó, Hiệp hội kiến nghị với gói thầu sử dụng vốn nhà nước, đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính có thông tư hướng dẫn cho phép điều chỉnh sắt thép. Bên cạnh đó, giao cho các Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài chính các tỉnh công bố giá để điều chỉnh theo từng tháng.

Đối với gói thầu sử dụng nguồn vốn khác, khuyến cáo chủ đầu tư và nhà thầu căn cứ vào hợp đồng, khối lượng thi công theo từng thời điểm giá và chênh lệch giá, tính toán để hai bên thương lượng thỏa thuận trong phụ lục giải quyết theo hợp đồng.

Hiệp hội cũng đã nắm được thông tin mới đây, hàng loạt công ty xi măng tăng giá bán từ 50 đến hơn 100 nghìn đồng/tấn càng khiến cho hoạt động xây dựng gặp khó khăn, bởi việc ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu đã được chốt trước.

“Do vậy, Hiệp hội đang hoàn tất thủ tục, đánh giá tác động và sẽ sớm có công văn đề nghị các bộ Tài Chính, Xây dựng, Kế hoạch Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ có giải pháp để tháo gỡ. Và nêu chúng ta không có chính sách thão gỡ kịp thời, chắc chắn giá thành xây dựng công trình và kéo theo đó giá nhà chung cư sẽ tăng lên từ 15 đến 20% trong thời gian tới là điều khó tránh khỏi”, ông Hiệp phân tích.