VNHN - Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn cả về kinh tế và văn hóa, xã hội. Trong đó, hội nhập văn hóa giao thông có thể coi là thước đo trình độ hội nhập của một quốc gia. Vậy Văn hóa giao thông sẽ ảnh hưởng thế nào tới quá trình hội nhập của một đất nước, làm thế nào để xây dựng văn hóa giao thông trong thời kỳ hội nhập?
Những năm gần đây, kinh tế Việt Nam đã hội nhập mạnh mẽ và đã có những bước phát triển đáng kể. Cùng với đó là lượng khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch cũng như người nước ngoài đến Việt Nam sinh sống, làm việc ngày càng nhiều. Vậy cách ứng xử, ý thức, hay cao hơn là văn hóa trong tham gia giao thông của chúng ta đang đứng ở đâu so với thế giới mà chúng ta đang hội nhập? Những người nước ngoài sẽ nghĩ gì khi tới một đất nước mà người dân, người tham gia giao thông có ý thức kém…? Đó là những trăn trở, cũng là những vấn đề chúng ta đã và đang xử lý, giải quyết.
Trong một chương trình mang tên “Hội nhập” phát sóng trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nhận định: “Văn hóa giao thông của một bộ phận người Việt Nam còn rất kém và điều này cũng thể hiện văn hóa ứng xử kém. Không những thế, điều này cũng thể hiện ý thức tôn trọng pháp luật kém của người Việt Nam. Khi người Việt Nam đem những văn hóa ứng xử như vậy vào hội nhập thì điều này chỉ chứng tỏ với thế giới rằng Việt Nam ta đang rất lạc hậu và điều này sẽ là cản trở chúng ta trong việc thiết lập quan hệ đối tác”. Theo ông Nguyễn Minh Thuyết, văn hóa giao thông kém chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của nhà đầu tư khi mà luật giao thông - luật thiết thực nhất áp dụng với mọi người dân - không được tôn trọng và tuân thủ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, văn hóa giao thông không ảnh hưởng tới tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài khi muốn đầu tư vào Việt Nam.
Để cải thiện ý thức tham gia giao thông của người dân, theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân cần phải chi tiết hơn, phải thấm sâu đến từng người dân. Chúng ta có thể đưa chủ đề văn hóa tham gia giao thông vào trong những buổi sinh hoạt của những tổ chức xã hội, cũng như các tổ chức đoàn thể, ở trường học. Điều tiếp theo cần lưu ý đó là cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm luật giao thông, tránh tình trạng “xin xỏ”, hối lộ. Cuối cùng, theo ông, khi dân số ngày càng tăng cao, Việt Nam cần tính toán để mở rộng đường để tham gia giao thông thuận lợi hơn.
Văn hóa giao thông là tiêu chí đánh giá trình độ văn minh của một quốc gia trên đà phát triển. Những năm gần đây, văn hóa giao thông là một vấn đề nóng bỏng được đưa ra bàn luận. Trong đó, việc phản ánh những hành vi vô văn hóa khi tham gia giao thông lên mạng xã hội đã góp phần nâng cao ý thức, văn hóa giao thông. Điều này cho thấy việc tuyên tuyền để nâng cao ý thức, văn hóa giao thông là vô cùng quan trọng.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Phòng CSGT TP Hà Nội cũng đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xử lý vi phạm qua hệ thống camera; đồng thời nâng cao văn hóa ứng xử của lực lượng CSGT Thủ đô đối với nhân dân, xây dựng hình ảnh lực lượng CSGT với cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”. Phòng PC08 vinh dự được các cấp tặng thưởng 34 Bằng khen, 247 Giấy khen.
Lãnh đạo Phòng cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết, công tác tuyên truyền ngày càng đổi mới, nâng cao hiệu quả và duy trì công tác tuyên truyền giáo dục các quy định pháp luật về TTATGT, trong đó tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trên 55 cụm loa tuyên truyền hàng ngày vào giờ cao điểm và 15 màn hình LED tuyên truyền tại trụ sở các đơn vị thuộc phòng. Phòng đã cung cấp 6.012 tin cho các cơ quan báo, đài; xây dựng 206 phóng sự và 370 bài viết; 875 pa no ảnh tuyên truyền; tuyên truyền trực tiếp 246 buổi với 125.908 người tham dự. Tuyên truyền lưu động bằng xe loa CSGT 8.163 lượt. Hàng tháng đơn vị đều soạn thảo nội dung bài tuyên truyền gửi các Đội CSGT thuộc Phòng và các Đội CSGT-TT công an các quận, huyện, thị xã để phối hợp tuyên truyền trên hệ thống loa tuyên truyền xã, phường, thị trấn 7.258 lượt. Tổ chức tuyên truyền và nhắc nhở trên tuyến đường thủy nội địa… Những hoạt động đó đã góp phần tích cực làm thay đổi dần ý thức chấp hành và văn hóa giao thông.
Những chuyển biến tích cực trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông TP Hà Nội
Phòng cảnh sát giao thông Hà Nội (PC08) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, phòng PC08 đã chủ động tham mưu cho Giám đốc Công an Thành phố 23 đầu việc liên quan đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn, góp phần làm giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có trên 200 cán bộ chiến sĩ có thành tích đột xuất trong công tác, nêu gương người tốt việc tốt phục vụ nhân dân và đã nhận được 19 lượt thư khen của nhân dân.
Những thành tích đáng ghi nhận đó là kết quả lao động không biết mệt mỏi của Thượng tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng CSGT Công an thành phố Hà Nội cùng toàn thể các cán bộ, chiến sỹ CSGT trên địa bàn Thành phố. Toàn lực lượng đã tập trung cho việc điều hành giao thông và tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên 15 tuyến quốc lộ, 391 nút giao thông trọng điểm; tăng cường đẩy mạnh hệ thống xử phạt qua camera; tiến hành đợt 2 xử lý các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn; nâng cao hiệu quả 15 tổ 141 khép kín thời gian xử lý vi phạm, thực hiện hiệu quả tấn công trấn áp tội phạm ATGT; duy trì tại 55 nút giao thông trên địa bàn thành phố với chủ đề "Năm ATGT cho hành khách và người đi mô tô, xe máy"; xử lý cán bộ, chiến sĩ vi phạm có thái độ không đúng mực khi tiếp xúc với nhân dân...
Thượng tá Dương Đức Hải, Trưởng Phòng CSGT Công an thành phố Hà Nội (Người đứng ở giữa, ảnh do Phòng CSGT Hà Nội cung cấp).
Những sự kiện, tồn tại và thách thức trong 6 tháng đầu năm
Trong 6 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn Thủ đô diễn ra nhiều hoạt động Đoàn và Hội nghị; điển hình như: Diễn đàn du lịch ASEAN 2019; Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2; Kỳ họp thứ 8 HĐND khóa XV; Hội nghị Trung ương 10 khóa XII; Đại lễ Phật đản Vesak 2019...và đón 143 đoàn khách quốc tế sang thăm, làm việc tại Việt Nam. Những sự kiện và hoạt động đó đòi hỏi công tác trật tự an toàn giao thông phải được đảm bảo ở mức độ cao nhất; cũng chính là nhiệm vụ quan trọng của lực lượng CSGT Thành phố.
Một số công trình trọng điểm đang thi công trên địa bàn Thành phố, lại có rào chắn đường… cũng gây cản trở và khiến tình hình giao thông phức tạp hơn. Tình hình ùn ứ giao thông diễn biến phức tạp do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông gia tăng, cơ sở hạ tầng giao thông không đáp ứng được, đặc biệt việc phân luồng và tổ chức cấm đường phục vụ các sự kiện lớn cũng gây ùn ứ giao thông. Tình trạng mưa ngập các tuyến đường vẫn diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Ngoài ra, ý thức tự giác chấp hành Luật giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế cũng là nguyên nhân làm tình hình giao thông thêm phức tạp. Tình trạng xe chở hàng cồng kềnh; xe ô tô dừng đỗ sai quy định, xe khách đón trả khách sai quy định, xe khách chạy không đúng tuyến; xe tải chở đất, xe bê tông chạy sai giờ, đi vào đường cấm, xe chở vật liệu rơi vãi; Tình hình vi phạm lấn chiếm lòng đường, hè phố làm nơi trông giữ phương tiện… vẫn diễn ra gây ảnh hưởng đến trât tự an toàn giao thông và trật tự đô thị.
Kết quả thực hiện và những thành tích đạt được
Mặc dù tình hình giao thông trên địa bàn Thành phố diễn biến phức tạp, khó khăn, thách thức luôn phải đối mặt, nhưng với tinh thần làm việc hăng say và sáng tạo, Phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hà Nội đã góp phần tạo nên những thành tích đáng ghi nhận trong công tác đảm bảo TTATGT. Phòng đã chủ động tham mưu, đề xuất triển khai kế hoạch, chuyên đề xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc và tai nan giao thông, cũng như các vi phạm về không đội mũ bảo hiểm, vi phạm nồng độ cồn, ma túy. Làm tốt công tác bố trí lực lượng, phối hợp với lực lượng Công an các quận, huyện, thị xã chỉ huy điều khiển giao thông phòng ngừa ùn tắc giao thông. Tổ chức dẫn Đoàn và phối hợp bảo vệ tuyệt đối an toàn, di chuyển thông suốt cho các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế và nhân dân Thủ đô đi lại an toàn.
Đặc biệt, lực lượng đã dẫn và bảo vệ an toàn, thông suốt cho các hoạt động của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2, góp phần vào thành công của sự kiện đối ngoại quan trọng nhất của Việt Nam năm 2019.
Bên cạnh đó, đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông đường bộ-đường sắt-đường thủy thông qua nhiều hình thức với nội dung phong phú, đa dạng và thiết thực, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật lệ của quần chúng nhân dân.
Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên các tuyến giao thông cũng được triển khai tích cực và đạt được hiệu quả cao. Các tổ công tác 141 được bố trí linh hoạt, mở rộng địa bàn, bố trí khép kín thời gian, đã phát hiện và thu giữ hàng nghìn tang vật, phương tiện các loại góp phần giữ gìn TT, ATGT đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân Thủ đô. Công tác xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, tập kết bến bãi, kinh doanh cát sỏi trên địa bàn thành phố cũng được đẩy mạnh và đạt được hiệu quả cao.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Phòng CSGT CA Thành phố còn tham mưu cho Giám đốc CATP 23 đầu việc liên quan đến đảm bảo TTATGT trên địa bàn Thành phố. Tham mưu 3 kế hoạch lớn chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý các đối tượng, hành vi vi phạm nổi cộm gây mất TTATGT, TTĐT và gây bức xúc trong nhân dân. Toàn lực lượng CSGT đã xử lý 225.926 trường hợp vi phạm, tạm giữ 9504 phương tiện (gồm 480 ô tô, 8620 xe mô tô, 23 xe ba bánh, 189 xe máy điện và 192 phương tiện khác), nộp ngân sách 69.629.970.000 đồng tiền vi phạm; tước giấy phép lái xe 10.275 trường hợp. Lực lượng CSGT Đường thủy kiểm tra và xử lý 2898 trường hợp, nộp ngân sách 2.762.475.000 đồng.
Các kết quả hoạt động trên đã góp phần duy trì sự ổn định về TTATGT trên địa bàn Thủ đô. Trong 6 tháng đầu năm 2019 không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài; Tai nạn giao thông giảm cả 2 tiêu chí về số vụ và số người bị thương so với cùng kỳ năm 2018. Cán bộ, chỉ huy các đơn vị đã nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật đảm bảo các vị trí công tác, chấp hành tốt quy trình, quy định, công tác ứng trực, trực ban; chế độ thông tin báo cáo; đồng thời khắc phục khó khăn trong điều kiện khắc nghiệt mưa gió, nắng nóng để hoàn thành tốt công việc được giao.
Các đồng chí làm nhiệm vụ tích cực giúp đỡ nhân dân trong mọi tình huống với tinh thần tận tâm, tận ý. Tận tình xây dựng hình ảnh người CSGT bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ, ứng xử văn hóa trong nhận thức và hành động. Qua đó, trong 6 tháng đầu năm 2019 đã có trên 200 cán bộ chiến sĩ có thành tích đột xuất trong công tác, nêu gương người tốt việc tốt phục vụ nhân dân và đã nhận được 19 lượt thư khen của nhân dân.