Hội thảo khoa học “Vai trò Ngân hàng trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Fintech” là chuỗi chương trình nằm trong nhiệm vụ triển khai đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, Đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025 do Học viện Ngân hàng chủ trì và tổ chức theo hình thức thức online trên nền tảng Zoom.
Chuyển đổi số là số hóa tất cả các hoạt động quản trị, điều hành ngân hàng và dịch vụ ngân hàng truyền thống, được đưa vào vận hành trên môi trường số an toàn, hiệu quả theo chuẩn mực quốc tế. Ngân hàng số là loại hình ngân hàng cho phép các giao dịch ngân hàng thực hiện trực tuyến/online qua mạng internet trên Website hoặc trên thiết bị di động., là chia sẻ của ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Câu lạc bộ Fintech, Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị LienViet PostBank trong phần mở đầu của chương trình.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhìn lại lộ trình 4 giai đoạn tiến tới ngân hàng số, ông Thắng cho biết, các ngân hàng với tiềm lực mạnh về tài chính và hạ tầng công nghệ đang đi đầu trong chuyển đổi số. Tuy nhiên, ngân hàng tại Việt Nam đa phần mới "mon men" hợp kênh 2.0, số ít ngân hàng đang tiến lên 3.0.
Giai đoạn 1.0 - multichannel (đa kênh), hầu hết ngân hàng Việt đã triển khai Internet banking, mobile banking. Một số ngân hàng Việt đang tiến tới 2.0 - Omnichannel (hợp kênh) với ứng dụng trên web, app với tích hợp tài khoản thanh toán, thẻ, ví.
Tiếp đến, tiến đến 3.0 - Banking without a bank, nghĩa là không cần đến ngân hàng nhưng khách hàng có thể trải nghiệm mọi dịch vụ như đến phòng giao dịch thông thường. Tuy nhiên, chỉ có một số ngân hàng đang thực hiện từng bước, nhiều nhất trong dịch vụ thanh toán, gửi hồ sơ vay nhỏ lẻ, mở thẻ online..., còn lại đa phần những nghiệp vụ khác chưa thực hiện được.
Cao nhất ở giai đoạn 4.0 - Banking as experiences (ngân hàng trải nghiệm), từng cá nhân, doanh nghiệp được ngân hàng phục vụ như một cá thể hoá. Hiện trên thế giới hiện chưa có ngân hàng nào đạt tới mức độ 4.0.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Câu lạc bộ Fintech, Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị LienViet PostBank.
Quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi số ngân hàng thương mại cổ phần, ông Nguyễn Đình Thắng cho biết, các ngân hàng đang có tiến trình phát triển và các mức chuyển đổi theo ba cấp độ. Thứ nhất, ngân hàng chuyển đổi số từng phần, số hóa quy trình, kênh phân phối. Thứ hai, xây dựng mảng kinh doanh số riêng. Thứ ba, số hóa toàn bộ hoạt động ngân hàng để phục phụ tốt nhất cho khách hàng online mà cốt lõi là khách hàng cá nhân nhanh chóng, an toàn, tiện ích, mọi lúc, mọi nơi và hiệu quả.
Trong cuộc chạy đua ngân hàng số, các ngân hàng đang có hai hướng triển khai. Thứ nhất, ngân hàng tự nghiên cứu, xây dựng chuyển đổi quy trình, sản phẩm, dịch vụ số của ngân hàng. Thứ hai, tìm kiếm, thuê đơn vị tư vấn bên ngoài triển khai chuyển đổi số ngân hàng trong bối cảnh mối liên kết fintech - ngân hàng ngày càng phổ biến. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, có đến 72% công ty fintech đã liên kết với ngân hàng tại Việt Nam, chỉ có 14% phát triển dịch vụ mới và 14% sẵn sàng cạnh tranh với ngân hàng.
Cũng theo ông Thắng, Fintech có lợi thế gắn liền với công nghệ coo nên tính linh hoạt, nhanh nhạy, khả năng tiếp cận thẳng với công nghệ cao. Quy mô nhỏ, chi phí thấp phù hợp với việc phát triển sản phẩm và tiếp cận thị trường nhanh chóng với quy trình rút gọn; đáp ứng yêu cầu người dùng. Cung cấp môi trường đáp ứng tối đa mong muốn, khát vọng cống hiến của khởi nghiệp số. Theo đó, dịch vụ tài chính và ngân hàng thương mại là một trong những lĩnh vực mà Fintech hướng đến.
Đầu tư cho công nghệ là cơ sở, động lực để thúc đẩy hoạt động kinh doanh
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân. Đặc biệt trong diễn biến phức tạp của dịch Covid - 19 việc phát triển ngân hàng số là một xu thế tất yếu liên quan đến sự tồn tại và phát triển của các ngân hàng, Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng giám đốc, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chia sẻ.
Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng giám đốc, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam
Vietcombank xác định đầu tư cho công nghệ thông tin là cơ sở, động lực để thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Mô hình số hóa ngân hàng được xây dựng trên nền tảng chiến lược đa kênh hợp nhất, hỗ trợ trải nghiệm khách hàng đồng nhất trên các kênh. Tạo ra hệ sinh thái kết nối với khách hàng để dẫn dắt hành vi và nhu cầu của khách hàng cả nước và sau khi sử dụng dịch vụ ngân hàng; chủ động theo dõi mức độ tham gia của khách hàng để thúc đẩy các kênh tiếp xúc, trao đổi đúng đối tượng khách hàng vào đúng thời điểm; tích hợp các trải nghiệm về mặt vật lý và nền tảng số, ví dụ như kết nối trải nghiệm từ ứng dụng trên các thiết bị di động tới trải nghiệm tại chi nhánh.
Chiến lược hợp tác với Fintech
Thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái với các đơn vị cung cấp dịch vụ, hướng tới thanh toán không dùng tiền mặt. Từ dịch vụ ngân hàng điện tử truyền thống (internet Banking, SMS Banking, Mibile Banking…), mở rộng hợp tác với đa dạng các nhà cung cấp dịch vụ ở các lĩnh vực khác như: Chứng khoán, điện, nước, trường học, bệnh viện, thuế, hải quan, kho bạc nhà nước … Định hướng kết nối các đối tác Fintech nhằm tăng cường khả năng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới cho khách hàng thông qua xây dựng hệ sinh thái.
Các nhóm ưu tiên xây dựng là cung cấp các dịch vụ sáng tạo được xây dựng bởi các đối tác trong hệ sinh thái, cung cấp các sản phẩm tài chính sáng tạo cho các đối tác trong hệ sinh thái. Hợp tác với các đối tác công nghệ nhằm xây dựng, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực ngân hàng.
Vietcombank liên tục cập nhật những thành tựu mới của Công nghệ, để đưa ra thị trường các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng điện tử tiện dụng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Một số trở ngại, khó khăn và kiến nghị
Công nghệ tài chính đã có sự phát triển rất nhanh, làm thay đổi diện mại hệ thống tài chính - ngân hàng, các công ty Fintech vừa là đối tác vừa đang dần trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ trong cung cấp dịch vụ tài chính. Theo đó, ngân hàng cần thay đổi mô hình quản trị, cấu trúc quản lý, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ mới, phân tích dữ liệu. Tăng cường khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ mới thông qua xây dựng hệ sinh thái số. Có các chiến lược chi tiết, cụ thể cho việc hợp tác, chia sẻ trong kinh doanh.
Bên cạnh đó là khó khăn liên quan đến tuân thủ các quy định hiện hành về việc hợp tác Fintech (chia sẻ, liên kết, bảo mật thông tin, quan trị rủi ro). Các chính sách quản lý đối với Fintech cần theo kịp và lường trước được sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Công tác kiểm tra, giám sát tuân thủ cần dựa nhiều vào công nghệ để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, phát triển thị trường an toàn, lành mạnh. Rủi ro công nghệ (an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu). Triển khai giải pháp đảm bảo an ninh, bảo mật đồng bộ, giảm thiểu đến mức thấp nhất các rủi ro, nguy cơ mất an ninh hệ thống CNTT. Khó khăn trong việc tìm kiếm các đối tác, nguồn nhân lực có đủ trình độ, kỹ năng để triển khai và phối hợp vận hành ngân hàng số. Xây dựng nguồn nhân lực phù hợp, đảm bảo cơ cấu nhân sự của trung tâm ngân hàng số.
Do đó, cần có chính sách khuyến khích, đầu tư cho các trường đại học, viện nghiên cứu đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đặc biệt là hành lang pháp lý sớm được ban hành các quy định, khung pháp lý cho việc kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin khách hàng.
Nhằm có thêm những cơ sở lý luận và thực tiễn giúp cho việc đề xuất và thực thi các giải pháp thúc đẩy ngành ngân hàng nói chung và hệ sinh thái khởi nghiệp Fintech nói riêng, đồng thời tạo ra diễn đàn học thuật, trao đổi kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm dành cho nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên và người làm thực tế, PGS - TS Mai Thanh Quế, Phó Giám đốc Học Viện Ngân hàng mong muốn các ngân hàng cần có thêm chương trình hỗ trợ cho các công ty Fintech và khởi nghiệp Fintech, tạo cơ hội khởi nghiệp sang tạo cho sinh viên. Thúc đẩy hoạt động của Fintech và đặc biệt thúc đẩy khởi nghiệp Fintech trong mối quan hệ với ngân hàng. Tăng cường liên kết giữa ngân hàng với các công ty Fintech.
PGS - TS Mai Thanh Quế, Phó Giám đốc Học Viện Ngân hàng
Để thúc đẩy phát triển fintech Việt Nam, có nhiều đơn vị khẳng định được thương hiệu, cần bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách cho hoạt động fintech. Nghiên cứu, xem xét xây dựng chính sách hỗ trợ và tạo môi trường đầu tư cho doanh nghiệp fintech. Ban hành pháp lý, cơ chế thử nghiệm sandbox dành cho các công ty Fintech. Trên thị trường, sự tương tác giữa ngân hàng với các công ty Fintech nói riêng và sự tương tác giữa ngân hàng với hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech nói chung, đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của cả cơ quan quản lý và các chuyên gia, là nội dung được chia sẻ và được tranh luận sôi nỗi nhất của chương trình.