22/12/2024 lúc 13:02 (GMT+7)
Breaking News

Vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững

Phát triển mô hình nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là tất yếu khách quan ở Việt Nam. Tuy nhiên, mô hình này cần không ngừng hoàn thiện về phương diện lý luận, thể chế chính sách, cũng như triển khai trong thực tiễn.

Trên tinh thần đó và từ gợi ý “Nhỏ là đẹp” của nhà kinh tế học Schumacher, bài viết tập trung bàn đến việc phát huy vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm góp phần thúc đẩy mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng bền vững ở Việt Nam.

Ảnh minh họa - TL

1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phát triển kinh tế - xã hội từ quan điểm “Nhỏ là đẹp” của Schumacher

“Nhỏ là đẹp” (Small is Beautiful), là tên một cuốn sách thuộc 100 cuốn sách kinh tế học có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Cuốn sách “Nhỏ là đẹp”(1) do nhà kinh tế học Schumacher xuất bản lần đầu năm 1973 và được dịch ra tiếng Việt xuất bản năm 1994. Theo quan điểm “Nhỏ là đẹp” các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có ưu thế vượt trội so với doanh nghiệp lớn đến mức được gọi là “đẹp” đối với sự phát triển bền vững và phát triển con người. “Nhỏ là đẹp” bởi vì các DNNVV tạo dựng những thứ khá ít tiền, để trong thực tế ai cũng có thể tiếp cận, sử dụng; những thứ thích hợp cho việc ứng dụng ở quy mô nhỏ và những thứ đặc biệt phù hợp với nhu cầu đổi mới, sáng tạo của con người. “Nhỏ là đẹp” bởi DNNVV luôn trực tiếp là doanh nghiệp “của con người, do con người và vì con người”, do vậy cần phát triển, phát huy vai trò của loại doanh nghiệp “đẹp” này trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong điều kiện kinh tế thị trường, hoạt động kinh tế tư nhân trước hết là vấn đề lợi nhuận có tác động nhất định đến môi trường sống. Giáo sư Leopold Kohr bậc thầy của Schumacher đã phát hiện ra rằng các hoạt động kinh tế quy mô nhỏ luôn gây ít tác hại đối với môi trường hơn so với các hoạt động kinh tế quy mô lớn(2), rằng quy mô sản xuất nhỏ thích hợp với nền kinh tế bền vững.

Schumacher đã chỉ rõ các vai trò các DNNVV trong phát triển kinh tế, xã hội, môi trường và đây là nội dung quan trọng, cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội. Các DNNVV luôn có ưu thế lớn trong việc tạo ra mức đầu tư nhỏ cho một chỗ làm việc có lợi nhuận dương. Tất nhiên, quy mô đầu tư nhỏ thì lợi nhuận cũng nhỏ. Bù lại, DNNVV có vai trò tạo động lực làm việc, tăng thu nhập cho người lao động ở bất kỳ hoàn cảnh nào và ít ảnh hưởng xấu đến môi trường tự nhiên. Có thể thấy DNNVV có khả năng thực hiện đầy đủ nhất sự quản lý phát triển xã hội theo nghĩa rộng nhất của nó là “không để ai bị bỏ lại phía sau”, “không ai bị bỏ ngoài sự phát triển bền vững”, mở ra cơ hội “giảm nghèo bền vững gắn với khuyến khích làm giàu theo pháp luật”; “bảo đảm sự phát triển hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng, dân chủ”(3).

Quan niệm của Schumacher và các cộng sự gợi ra ý tưởng phân tích vai trò của DNNVV đối với không chỉ kinh tế mà đối với sự phát triển bền vững, bao gồm phát triển kinh tế, môi trường và xã hội(4). Điều này đòi hỏi việc nghiên cứu xây dựng khung phân tích theo lý thuyết hệ thống, trong đó các DNNVV là một tiểu hệ thống kinh tế luôn hình thành, phát triển, vận động và biến đổi trong mối tương tác với các môi trường xung quanh. Các vai trò của DNNVV thể hiện ở đầu ra đối với môi trường và phụ thuộc rất nhiều vào các đầu vào gồm: các nguồn đầu tư kinh tế hữu hình như nguồn vốn tài chính và các nguồn đầu tư phi kinh tế, nguồn vốn vô hình như vốn văn hóa, vốn gia đình, vốn con người. Đặc biệt, xuất hiện một loại vốn vô hình mới là vốn “học tập suốt đời” và “xã hội học tập” đang trở thành một cách tiếp cận mới cho tăng trưởng, phát triển và tiến bộ xã hội(5).

Schumacher và các cộng sự còn chỉ rõ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là đối với phát triển bền vững và phát triển con người là lợi thế vượt trội và “đẹp” của nền kinh tế nhỏ và vừa so với nền kinh tế lớn. Theo lý thuyết hệ thống tổng quát của

Bertalanffy, Parsons, Luhmann, Gharajedaghi và những người khác(6), vai trò “nhỏ là đẹp” của các DNNVV phụ thuộc vào các yếu tố đầu vào từ các môi trường xung quanh bao gồm cả yếu tố địa - chính trị - hành chính, yếu tố dân số và nhất là yếu tố giáo dục, đào tạo và các yếu tố vô hình khác của từng quốc gia, cộng đồng cụ thể.

Tại Việt Nam hiện nay, các DNNVV chiếm tỷ lệ cao nhất trong nền kinh tế. Theo thống kê “đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là DNNVV, thu hút hơn 5,6 triệu lao động, đóng góp khoảng 45% tổng sản phẩm trong nước (GDP) và 31% vào tổng thu ngân sách hằng năm”(7).

2. Vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng bền vững ở Việt Nam hiện nay

DNNVV có vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế mỗi quốc gia, đặc biệt là những nước đang phát triển. Mỗi nền kinh tế và địa phương có đặc điểm phát triển kinh tế khác nhau thì vai trò của DNNVV được thể hiện ở các mức độ khác nhau, nhưng đều thể hiện rõ trên các khía cạnh cốt lõi: vai trò đối với kinh tế và vai trò đối với xã hội. Điều này được thể hiện cụ thể sau:

Một là, các DNNVV có mặt ở hầu hết các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, góp phần làm năng động nền kinh tế trong cơ chế thị trường. Do có lợi thế quy mô nhỏ và vừa nên dễ linh hoạt, sáng tạo hơn trong sản xuất kinh doanh, có thể kết hợp chuyên môn hóa và đa dạng hóa, đáp ứng những đòi hỏi của nền kinh tế thị trường. Các DNNVV có vòng quay vốn nhanh, không cần số vốn đầu tư lớn, không cần có lao động có trình độ cao, gia nhập thị trường và rút khỏi thị trường dễ dàng.

Hai là, các DNNVV góp phần tạo ra nhiều công ăn việc làm mới cho người lao động, giảm áp lực về việc làm và thất nghiệp. Hiện nay, giải quyết việc làm cho người lao động góp phần ổn định xã hội và an sinh xã hội là vấn đề đặc biệt quan trọng của đất nước. Trên thực tế, DNNVV tạo ra việc làm cho số lượng lớn những người mới tham gia vào thị trường lao động hằng năm. Đồng thời, sử dụng được nguồn lực lao động tại địa phương, do đó góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Ba là, các DNNVV tham gia vào quá trình tạo lập sự phát triển cân bằng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo vùng, lãnh thổ. Thực tế, các doanh nghiệp lớn thường tập trung chủ yếu ở các thành phố, khu công nghiệp lớn, chính điều này đã gây ra tình trạng mất cân đối về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, miền. Do đó, phát triển DNNVV đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập sự cân bằng về trình độ phát triển giữa các vùng, miền và sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Sự phát triển của các DNNVV ở nông thôn sẽ thu hút những người lao động thiếu hoặc chưa có việc làm và có thể thu hút lượng lớn lao động thời vụ trong các kỳ nông nhàn vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, rút dần lao động làm nông nghiệp sang làm công nghiệp hoặc dịch vụ, thực hiện phương châm “ly nông bất ly hương”.

Bốn là, đóng góp của DNNVV vào ngân sách nhà nước ngày càng tăng. “Khi doanh nghiệp phát triển mạnh thì doanh thu của doanh nghiệp tăng lên, và do đó nộp thuế doanh thu cho Nhà nước cũng sẽ gia tăng. Khu vực DNNVV ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong thu ngân sách của cả nước, với tốc độ tăng tương đối cao, bình quân hàng năm đạt trên 20% giai đoạn 2016-2020”(8).

Năm là, các DNNVV cung cấp ra thị trường khối lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đa dạng và phong phú về mẫu mã, chủng loại, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội. DNNVV chiếm tỷ lệ cao trong tổng số doanh nghiệp cả nước, tham gia hoạt động trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực sản xuất hàng hóa, dịch vụ cung cấp ra thị trường đa dạng về chủng loại, mẫu mã... đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Sáu là, DNNVV góp phần tạo môi trường cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển và gia tăng nguồn hàng xuất khẩu. Quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, số lượng các DNNVV được thành lập trong các lĩnh vực, ngành nghề ngày càng nhiều là động lực thúc đẩy các DNNVV phải thường xuyên đổi mới, cải tiến công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, mẫu mã để cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước cũng như hàng hóa của doanh nghiệp nước ngoài. “DNNVV đã chiếm tỷ trọng chính trong một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản, hải sản, may mặc, giày dép... Số lượng DNNVV tham gia kinh doanh xuất, nhập khẩu chiếm khoảng 90% tổng số doanh nghiệp tham gia kinh doanh xuất nhập khẩu trên cả nước”(9).

Bảy là, các DNNVV góp phần quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư trong dân cư, đồng thời khai thác và sử dụng tối ưu các nguồn lực của từng địa phương. DNNVV là mô hình đầu tư phù hợp cho những chủ thể có nguồn vốn hạn chế muốn tham gia kinh doanh. Trong quá trình hoạt động, các DNNVV có khả năng huy động vốn từ bạn bè, người thân. Do yêu cầu về số lượng vốn ban đầu không nhiều, các DNNVV có khả năng thu hút các nguồn vốn nhàn rỗi trong dân để đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Tám là, các DNNVV là tiền đề tạo ra các doanh nghiệp lớn. Với những doanh nghiệp thành công, quy mô của các doanh nghiệp sẽ được mở rộng và có thể trở thành các doanh nghiệp lớn. DNNVV bước đầu có thể tham gia vào quá trình hình thành mối liên kết với các doanh nghiệp lớn. DNNVV cũng là những nhà cung ứng nguồn vật tư, nguyên liệu, linh kiện cho sản xuất của các doanh nghiệp lớn. DNNVV có thể là nơi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho doanh nghiệp lớn, bởi họ có thời gian rèn luyện, thử thách ở môi trường quy mô nhỏ.

3. Giải pháp nhằm phát huy vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững

Một là, tăng cường truyền thông, định hướng DNNVV phát triển theo hướng bền vững. DNNVV cần nâng cao trách nhiệm xã hội thông qua những hoạt động đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển theo hướng bền vững của từng địa phương và cả nước; bảo vệ môi trường.

Hai là, phát triển DNNVV phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm mục tiêu. Hiệu quả kinh tế thể hiện trình độ và năng lực quản lý, điều hành của chủ doanh nghiệp và quyết định sự phát triển của doanh nghiệp. “Phát triển DNNVV phải lấy hiệu quả làm mục tiêu, nâng cao thu nhập và đời sống không chỉ cho chủ doanh nghiệp mà cả những lao động trong các DNNVV, nộp ngân sách cho địa phương, góp phần vào chương trình giảm nghèo bền vững gắn với khuyến khích làm giàu theo pháp luật”(10).

Ba là, hoàn thiện thể chế, các chính sách hỗ trợ, ổn định môi trường kinh doanh. Xây dựng một hệ thống pháp luật đầy đủ, hoàn chỉnh, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, phù hợp với luật lệ quốc tế. Cần rà soát thường xuyên hệ thống quy định của pháp luật về DNNVV; sửa đổi những quy định còn chồng chéo, trùng lặp. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, hình thành các trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo để chuyển giao công nghệ cho DNNVV. Các địa phương cần xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó cần chú trọng, ưu tiên phát triển khu vực DNNVV phù hợp với hướng phát triển, điều kiện kinh tế - xã hội và tiềm năng, nguồn lực của các địa phương.

Bốn là, tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển DNNVV. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI):

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính: Rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo hướng rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện, giảm chi phí hành chính. Công khai, minh bạch thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị; cung cấp thông tin để duy trì và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính;

Nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, công tác phối hợp giữa các sở, ngành và cấp huyện. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức liêm chính phục vụ nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp;

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong hoạt động của cơ quan nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Cổng thông tin điện tử Dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp;

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập cho doanh nghiệp giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các DNNVV được tiếp cận các nguồn lực (như đất đai, tài chính, lao động, khoa học công nghệ,...); hoàn thiện cơ chế, chính sách để xây dựng và phát triển hạ tầng thông tin dữ liệu về doanh nghiệp hoạt động cùng ngành hàng, về thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ...

Năm là, nâng cao năng lực của chủ doanh nghiệp, giám đốc và cán bộ quản lý doanh nghiệp về quản trị kinh doanh, quản trị chiến lược. Doanh nhân cần thường xuyên cập nhật tri thức mới, những kỹ năng cần thiết để lãnh đạo doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, chú trọng chiến lược cạnh tranh và những kỹ năng mang tính chiến lược, như quản trị chiến lược, quản trị rủi ro, sự nhạy cảm trong quản lý. Mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho lãnh đạo DNNVV nhằm nâng cao khả năng phân tích, dự báo và định hướng chiến lược phát triển... Khích lệ, động viên DNNVV cần nêu cao ý thức vươn lên, phát huy lợi thế, nâng cao sức cạnh tranh của mình.

Sáu là, DNNVV cần có chiến lược phù hợp trong việc lựa chọn thị trường, phân khúc thị trường để khai thác, kinh doanh trên cơ sở quy mô, tiềm lực, loại hình hoạt động; chọn lựa phân khúc thị trường phù hợp là một giải pháp và đồng thời cũng là sự chuẩn bị kỹ lưỡng, an toàn cho sự phát triển ổn định của mỗi doanh nghiệp. “Mặt khác, mỗi doanh nghiệp cần khai thác hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, thúc đẩy cho sự phát triển như: các giải pháp hỗ trợ từ nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; các chính sách, kế hoạch hỗ trợ của Nhà nước về nguồn vốn, tài chính, công nghệ, quản trị, kinh doanh”...(11).

Bảy là, tăng cường sự liên minh, liên kết của nhóm doanh nghiệp kinh doanh, hoạt động cùng ngành nghề dưới các hình thức như hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên danh... Đây là một giải pháp phù hợp DNNVV nhằm phát huy vai trò, thế mạnh. “Trong bối cảnh mở cửa và hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, để nâng cao năng lực cạnh tranh, DNNVV cần tận dụng tối đa những tiềm lực về vốn, nhân lực, thị trường, văn hóa, kinh nghiệm kinh doanh... Các DNNVV cần biết cách giữ mối quan hệ tốt đẹp với các doanh nghiệp lớn trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt. Đặc biệt, các DNNVV cần minh bạch hoạt động và báo cáo tài chính, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro”(12).

Tám là, các ngân hàng cần tăng cường tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn cho các DNNVV. Thiết kế các sản phẩm cho vay đặc thù phù hợp với đối tượng khách hàng là DNNVV theo từng nhóm ngành nghề để đáp ứng tốt nhất nhu cầu khách hàng. Đồng thời, đơn giản hóa quy trình cho vay, yêu cầu cung cấp thông tin chính xác và có tư vấn, hướng dẫn chi tiết để các DNNVV có thể nắm bắt và thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy phát triển thị trường vốn; tạo điều kiện cho DNNVV huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu, từ các quỹ đầu tư, giảm sự lệ thuộc quá nhiều vào nguồn vay ngân hàng.

Chín là, phát huy vai trò của các hiệp hội, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc thúc đẩy sự phát triển của DNNVV. Nâng cao ý thức của cộng đồng xã hội đối với sự phát triển và phát huy vai trò của DNNVV trong phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững của từng địa phương cũng như của cả nước trong bối cảnh mới.

Như vậy, các DNNVV có vai trò to lớn đối với sự phát triển bền vững, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu và điều kiện phát triển của đất nước trong bối cảnh hiện nay. Do đó, cần có chiến lược phát triển DNNVV, góp phần bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

_________________

GS, TS LÊ NGỌC HÙNG
Đại học Quốc gia Hà Nội

TS ĐỖ VĂN QUÂN
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(1) E.F.Schumacher: Nhỏ là đẹp: về lợi thế của quy mô vừa và nhỏ trong kinh tế, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994.

(2) Bài viết này không đặt ra mục đích phê phán như Schumacher đã làm đối với nền kinh tế quy mô lớn, đối với các tập đoàn lớn. Bởi vì, từ giữa thế kỷ XIX, C. Mác đã từng chỉ ra hậu quả khủng khiếp của sản xuất đại công nghiệp cơ khí máy móc kiểu tư bản chủ nghĩa là sự tha hóa con người và tàn phá thế giới tự nhiên. Có thể hình dung, nền sản xuất to lớn kiểu tư bản chủ nghĩa này sản xuất ra lượng hàng hóa có giá trị bằng tất cả các thế kỷ trước cộng lại và tất yếu cũng tàn phá thiên nhiên và làm tha hóa con người một cách tương đương như vậy.

(3) Ngân hàng Thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Việt Nam 2035 - Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ: Báo cáo tổng quan, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2018.

(4) Lê Ngọc Hùng: Xã hội học kinh tế, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010.

(5) Joseph E.Stiglitz và Bruce C.Greenwald: Xây dựng xã hội học tập: cách tiếp cận mới cho tăng trưởng, phát triển và tiến bộ xã hội, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017.

(6) Lê Ngọc Hùng: Hệ thống, cấu trúc và phân hóa xã hội, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2015.

(7) Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2022, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2022.

(8), (9) Lê Mạnh Hùng: Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, Tạp chí Công thương số 15, tháng 6-2022.

(10) Võ Thiện Chín: Tiềm năng và định hướng phát triển DNNVV tại tỉnh Quảng Nam, Tạp chí Công thương, số 13, tháng 6-2022.

(11), (12) Nguyễn Lam Sơn: Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội, Tạp chí Tài chính, kỳ 2 tháng 8-2022.

...