02/05/2024 lúc 05:41 (GMT+7)
Breaking News

Vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện an sinh xã hội tại Việt Nam hiện nay

Doanh nghiệp nhà nước là lực lượng nòng cốt, góp phần chủ yếu để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo, nền tảng, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển nền kinh tế thị trường, ổn định chính trị, xã hội của đất nước, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Để phê phán những quan điểm phủ nhận vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bài viết phân tích vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, trong đó nhấn mạnh vai trò tiên phong trong thực hiện trách nhiệm an sinh xã hội.

Vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện an sinh xã hội tại Việt Nam hiện nay

1. Các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là chủ thể kinh doanh, đồng thời, là lực lượng kinh tế nòng cốt do Nhà nước sử dụng khi tham gia vào các hoạt động kinh tế. Vai trò của DNNN thể hiện trên 3 mặt sau:

Về mặt kinh tế

Một là, giúp khắc phục những khuyết tật của cơ chế thị trường và khu vực tư nhân. Đây là vai trò chủ yếu và rất quan trọng của DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, bởi những khuyết tật của kinh tế thị trường gây thiệt hại chung cho lợi ích xã hội, hủy hoại môi trường sinh thái, không bảo đảm được cơ cấu kinh tế hợp lý.

Hai là, đảm nhận các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có tính chất mở đường, bứt phá nhằm thực hiện mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, vượt quá khả năng của tư nhân. Thí dụ, trong lĩnh vực điện tử viễn thông và công nghiệp quốc phòng, Viettel, VNPT và PVN, EVN là các doanh nghiệp nhà nước có tình hình tài chính và kết quả kinh doanh tốt; đã đầu tư công nghệ tiên tiến và có hệ thống quản trị hiện đại.

Viettel là đơn vị hàng đầu có thế mạnh về nghiên cứu và phát triển, chế tạo, sản xuất, chuyển giao công nghệ, xuất nhập khẩu các trang thiết bị kỹ thuật quân sự và các mặt hàng lưỡng dụng phục vụ quốc phòng và dân sự.

EVN và PVN là các tập đoàn nhà nước lớn có thế mạnh trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo; đặc biệt, PVN có năng lực khai thác nguồn khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và hệ thống cơ sở dữ liệu biển.

Trong lĩnh vực cảng biển và logistics, Tổng công ty Tân Cảng (thuộc Bộ Quốc phòng) có vai trò lớn trong việc quản lý, khai thác các cảng biển, cảng cạn (các cảng lớn là cảng Cát Lái, cụm cảng Cái Mép, cảng quốc tế Cam Ranh...), kết nối các cụm cảng, hình thành chuỗi mạng lưới cung cấp dịch vụ cảng biển.

Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, VietinBank, BIDV và Vietcombank là những doanh nghiệp nhà nước lớn với tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các doanh nghiệp lần lượt là 64,46%; 80,99% và 74,8%(1).

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước còn tham gia vào các lĩnh vực khoa học - công nghệ mũi nhọn, có hệ số rủi ro cao. Trên cơ sở đó, trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp nhà nước chính là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng giúp tạo cơ sở nền tảng vững chắc để Việt Nam thực hiện thành công “mục tiêu kép” phát triển kinh tế gắn với thực hiện các chính sách xã hội.

Về mặt chính trị:

Một là, DNNN nắm giữ những ngành đặc biệt quan trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh như sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang thiết bị chuyên dùng cho quốc phòng, an ninh…

Hai là, tham gia chiếm giữ một số vị trí thiết yếu, quan trọng để chủ động định hướng xã hội, làm đối trọng phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế, chẳng hạn như: buôn bán lương thực, xăng dầu; sản xuất điện; khai thác khoáng sản quan trọng; một số sản phẩm cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin; bảo trì đường sắt, sân bay…

Về mặt xã hội:

DNNN có vai trò quan trọng tại các khu vực biên giới, biển, đảo; tích cực tham gia thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội và xóa đói, giảm nghèo; mở rộng phạm vi hoạt động, đầu tư vào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để tạo công ăn việc làm và góp phần phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo, thông qua hoạt động đầu tư các công trình xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi ở nông thôn; trường học, trạm y tế xã; xây dựng nhà cho người nghèo; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng; tôn tạo, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ; phát thuốc miễn phí cho người dân.

2. Thực hiện an sinh xã hội là nội dung cơ bản và tất yếu trong trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhất là đối với DNNN. Những năm qua, các DNNN luôn giữ vai trò tiên phong trong công tác an sinh xã hội.

Về hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, năng cao đời sống nhân dân

Các DNNN phối hợp tổ chức tuyên truyền, tập huấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 30a của Chính phủ đến mọi người dân trên địa bàn các huyện nghèo. Hỗ trợ kinh phí cho việc xây dựng quy hoạch và phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương thông qua việc hỗ trợ về khoa học - kỹ thuật, máy móc sơ chế sản phẩm, bao tiêu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; cung cấp giống, vốn đầu tư để từng bước phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân ở vùng khó khăn.

Hỗ trợ về vốn sản xuất, vốn vay ưu đãi: bằng các chính sách tín dụng phù hợp, cơ chế hỗ trợ của Chính phủ, các ngân hàng trong khối doanh nghiệp trung ương (DNTW) đã tích cực giải ngân cho vay hỗ trợ lãi suất để bà con nông dân đầu tư trồng rừng, chế biến nông, lâm, thủy sản. Giai đoạn 2016-2020 đã có 12 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng; tạo thêm 1,2 triệu việc làm(2). Thông qua chính sách vay vốn ưu đãi, người dân đã sử dụng vốn vay có hiệu quả, đúng mục đích và tập trung chủ yếu cho trồng trọt, phát triển chăn nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập. Từ đó, đã tác động tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hướng đến giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững.

Về hỗ trợ xây dựng hạ tầng thiết yếu tại các huyện nghèo, xã nghèo

Riêng Đảng bộ khối DNTW đã vận động các nguồn kinh phí từ các doanh nghiệp, đơn vị của 16/35 đảng bộ trực thuộc hỗ trợ hơn 1.624 tỷ đồng tham gia xây dựng 1.201 trường học, nhà bán trú và tặng hàng nghìn suất học bổng, hỗ trợ trang, thiết bị, đồ dùng học tập; sửa chữa, xây dựng mới nhà ở công vụ cho giáo viên, bếp ăn cho học sinh, đóng mới bàn ghế; cấp học bổng, hỗ trợ tiền sinh hoạt phí, mua sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh(3)

Các DNNN đã tài trợ, ủng hộ hơn 780 tỷ đồng để xây dựng 337 bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế cấp huyện; hồ trợ xe cứu thương được trang bị hiện đại và các trang thiết bị y tế phục vụ chăm sóc sức khoẻ và khám, chữa bệnh cho nhân dân; phối hợp tổ chức các đợt thăm khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, đồng thời tham gia hỗ trợ nhiều tỷ đồng cho công tác truyền thông, cung cấp các dịch vụ y tế...

Các tổng công ty, DNNN đã hỗ trợ gần 9 nghìn tỷ đồng đầu tư cho 1.094 hạng mục công trình xây dựng hạ tầng, tập trung vào các lĩnh vực: giao thông, thủy lợi, hệ thống lưới điện, hạ tầng viễn thông và các công trình phục vụ dân sinh (nhà văn hóa, chợ, hồ chứa nước sinh hoạt...)(4). Các công trình sau khi hoàn thành đều đạt chất lượng và sử dụng có hiệu quả, phục vụ lợi ích trực tiếp đời sống của nhân dân như: nâng cao dân trí, phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa…

Về hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà hư hỏng, dột nát

Thực hiện chủ trương xóa nhà tạm, nhà hư hỏng, dột nát cho các hộ nghèo, các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối DNTW phát huy vai trò, trách nhiệm của DNNN, sự vào cuộc của hàng trăm đơn vị thành viên thuộc 31/35 đảng bộ Khối DNTW, đã hỗ trợ trên 700 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa, xây mới 117.239 nhà tình nghĩa, nhà nhân ái, nhà đại đoàn kết cho đồng bào, giúp cải thiện điều kiện ăn ở, sinh hoạt, định canh, định cư.

Về ủng hộ biên giới, hải đảo, gia đình cán bộ, chiến sỹ, ngư dân bám biển

Quán triệt sâu sắc và thực hiện có kết quả tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, các doanh nghiệp đã phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang triển khai các dự án đầu tư công trình phục vụ quốc phòng, an ninh, đặc biệt chú trọng đến các vùng trọng điểm, nhạy cảm trên biển, Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Nhiều tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối DNTW đã hỗ trợ xây dựng các công trình trên đảo Trường Sa và tại các địa phương khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, biên giới, hỗ trợ gia đình cán bộ, chiến sỹ, ngư dân bám biển... với kinh phí 1.035 tỷ đồng(5).

Một số công trình, dự án phục vụ quốc phòng, an ninh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 Khóa X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 23-11-2018 đã được triển khai thực hiện, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương và bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo của Tổ quốc.

Về công tác cứu trợ thiên tai, bão lũ; đền ơn đáp nghĩa; hỗ trợ xóa đói giảm nghèo

Các DNNN đã vận động cán bộ, công nhân viên, người lao động tích cực ủng hộ, chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng bị thiên tai, bão lũ và tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo khác tại các địa phương trong cả nước với tổng kinh phí trên 1.302 tỷ đồng; nhận phụng dưỡng 640 Mẹ Việt Nam Anh hùng, người già neo đơn và trao hàng nghìn suất học bổng hỗ trợ học sinh, sinh viên khó khăn(6)...

Về công tác an sinh xã hội tại đơn vị, doanh nghiệp

Các DNNN đã phối hợp với Công đoàn cùng cấp triển khai phong trào “Xây dựng mái ấm Công đoàn” được công nhân lao động tại các đơn vị nhiệt tình hưởng ứng thu được kết quả tốt, tạo uy tín trong hoạt động công đoàn.

Đã hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hàng nghìn nhà “Mái ấm Công đoàn” cho gia đình công nhân lao động khó khăn. Đồng thời, ủng hộ Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, công nhân lao động khó khăn; hỗ trợ vở viết cho học sinh nghèo nhân dịp năm học mới với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng.

Đã có 102.774 công nhân được hỗ trợ thông qua các Quỹ Công đoàn bằng hình thức như vay vốn, hỗ trợ nhà ở, khám chữa bệnh... với số tiền hàng trăm tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống, giúp người lao động làm kinh tế gia đình và giải quyết khó khăn, yên tâm làm việc(7).

Các DNNN thường xuyên chăm lo vật chất và tinh thần, các điều kiện làm việc, đi lại, sinh hoạt, rèn luyện, nâng cao thể lực, hưởng thụ văn hóa, chăm sóc sức khoẻ; nhiều cơ sở điều dưỡng của các DNNN ngày càng được đầu tư theo hướng hiện đại, tiện ích, chất lượng cao.

Việc đầu tư, cải thiện chỗ ở cho người lao động đã thành chủ trương lớn, cấp bách, được lãnh đạo và công đoàn các cấp chú trọng và triển khai thực hiện. Một số doanh nghiệp đã quy hoạch, xây dựng các khu nhà ở công vụ cho công nhân văn minh, hiện đại theo hướng khu đô thị công nhân nhà ở gắn liền với các công trình văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, trường học, gần khu vực sản xuất.

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, công tác an sinh xã hội, thể hiện vai trò tiên phong, đi đầu của DNNN vẫn tồn tại một số hạn chế:

Thứ nhất, nhận thức về vai trò của an sinh xã hội ở không ít cấp uỷ, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và người dân chưa đúng và chưa đầy đủ, còn coi an sinh xã hội là trách nhiệm riêng của Nhà nước, tư tưởng trông chờ vào Nhà nước, vào Trung ương còn nặng nề.

Thứ hai, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao; tỷ lệ nghèo các xã, thôn, bản vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nhiều nơi vẫn còn cao; chênh lệch giàu - nghèo về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội giữa các vùng, nhóm dân cư có xu hướng gia tăng.

Thứ ba, việc xác định đối tượng hộ nghèo còn bất cập so với thực trạng nghèo ở địa phương; các quy định về đối tượng khó khăn cần nhận tài trợ, đối tượng được hỗ trợ lãi suất chưa được cập nhật kịp thời, làm hạn chế ý nghĩa tài trợ của doanh nghiệp và thiệt thòi cho một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc nhóm đối tượng do Nhà nước quy định.

Thứ tư, các thủ tục đầu tư hiện nay bị ràng buộc, chi phối bởi các Luật (Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng...), quy trình thực hiện đầu tư và việc giải phóng mặt bằng công trình xây dựng thường phức tạp, một số cấp ủy địa phương chưa thực sự quan tâm, nên ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thời gian hoàn thành các công trình.

Thứ năm, việc khảo sát, lập dự án và dự toán ban đầu so với thực tế sau khi hoàn thành bàn giao, thanh quyết toán công trình thường có khối lượng phát sinh lớn, thiếu chính xác; sự lãnh đạo, chỉ đạo từ cấp tỉnh đến huyện, xã chưa xuyên suốt, chưa thống nhất, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình triển khai; các cơ quan liên quan phối hợp chưa đồng bộ, việc hoàn thiện chứng từ giải ngân còn chậm và thiếu chính xác.

3. Nhằm nâng cao vị trí của DNNN trong phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, đặc biệt là để các DNNN tiếp tục giữ vững vai trò đi đầu trong thực hiện an sinh xã hội, trong thời gian tới, cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, cơ cấu lại DNNN theo hướng tập trung vào những lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; lành mạnh hóa tài chính, nâng cao trình độ công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước.

Hai là, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, đẩy nhanh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Hình thành đội ngũ quản lý DNNN chuyên nghiệp, có trình độ cao, phẩm chất đạo đức tốt.

Đổi mới cách thức thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DNNN, nhất là các biện pháp liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu và giá trị truyền thống của doanh nghiệp cổ phần hóa.

Hoàn tất việc sắp xếp lại khối DNNN. Tiền thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, địa phương, bổ sung vốn điều lệ cho DNNN then chốt quốc gia.

Ba là, các DNNN cần coi việc triển khai công tác an sinh xã hội là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài; cụ thể hóa vào chương trình, kế hoạch công tác hằng năm. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người lao động trong các DNNN về việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội; đẩy mạnh các phong trào chung tay vì người nghèo, tập trung hỗ trợ vào 03 nhóm chính sách: 1) hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; 2) hỗ trợ có hiệu quả các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin; 3) phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao. 

Bốn là, các DNNN cần tiếp tục đa dạng hóa nguồn vốn huy động, đóng góp hợp pháp. Vận động ủng hộ từ các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên trong doanh nghiệp, cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động, tích cực hưởng ứng cuộc vận động gây quỹ vì người nghèo, quỹ tín dụng cho người nghèo, người có thu nhập thấp, góp phần giảm nghèo hiệu quả.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tín dụng ưu đãi và thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác, khuyến khích chuyển giao công nghệ, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả.

_________________

(1) Đào Vũ: Nhà nước vẫn giữ tối thiểu 65% vốn điều lệ ngân hàng quốc doanh, https://vneconomy.vn, ngày 9-7-2021.

(2) Góp phần vào thành tích chung về giải quyết việc làm trong nước: Bình quân hàng năm của cả nước đã giải quyết việc làm cho 1,5 - 1,6 triệu lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp từ 2,0%- 2,2%; thành thị luôn dưới 3,5%.

(3), (4), (5), (6), (7) Đảng ủy khối DNTW: Báo cáo đánh giá hiệu quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, 2020.

ThS NGUYỄN MAI PHƯƠNG

ThS NGUYỄN THỊ THÚY THẢO

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

...