23/12/2024 lúc 18:17 (GMT+7)
Breaking News

An sinh xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi số

Kỷ nguyên số tạo ra những cơ hội to lớn cho việc tăng năng suất lao động, phát triển nền kinh tế tri thức, song cũng tạo ra những thách thức không nhỏ đối với các nước đang phát triển khi trình độ của người lao động chưa cao, thất nghiệp còn nhiều, khoảng cách giàu - nghèo còn lớn… Vì vậy, nâng cao nhận thức, phát triển kinh tế tri thức, tạo điều kiện thực hiện tốt nhất an sinh xã hội, để “không ai bị bỏ lại phía sau” là yêu cầu cấp thiết trong lĩnh vực an sinh xã hội ở nước ta hiện nay.
an sinh xã hội
Ảnh minh họa - Internet

Qua hơn 35 năm đổi mới và phát triển đất nước, Việt Nam đã cơ bản xây dựng được một hệ thống an sinh xã hội (ASXH) đồng bộ, nhất là các chính sách về tạo việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu cho người dân; bảo hiểm xã hội (BHXH) bù đắp phần thu nhập bị suy giảm khi đau ốm, tai nạn lao động, tuổi già; trợ giúp xã hội đột xuất và thường xuyên; cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, chính sách ưu đãi đối với người có công... Đây là những thành tựu tiên phong trong thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam đã được Liên hợp quốc công nhận, biểu dương.

Bước sang thế kỷ XXI, dưới tác động của cách mạng khoa học - kỹ thuật, thế giới ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng. Sự kết nối chặt chẽ giữa thế giới thực và thế giới số đã làm gia tăng tính linh hoạt của thị trường lao động, gia tăng tỷ trọng khu vực kinh tế phi chính thức, giúp người lao động có thể làm việc từ khắp nơi mà không nhất thiết phải gắn với một doanh nghiệp. Tuy nhiên, kỷ nguyên số cũng làm gia tăng mất việc làm ở một số ngành, nghề, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Do đó, hệ thống ASXH cần phải thay đổi để thích ứng với các điều kiện mới trong kỷ nguyên số.

Tình hình bảo đảm an sinh xã hội những năm qua

Ở Việt Nam, nhận thức về ASXH, quyền ASXH ngày càng được nâng cao cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1-6-2012, của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” đề ra quan điểm bảo đảm ASXH với một cấu trúc bao gồm: 1- Việc làm, thu nhập và giảm nghèo; 2- Bảo hiểm xã hội; 3- Trợ giúp xã hội những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; 4- Bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục tối thiểu, y tế tối thiểu, nhà ở tối thiểu, nước sạch và bảo đảm thông tin). Quan điểm này trở thành cơ sở nền tảng và định hướng cho việc thể chế hóa thành cơ chế, chính sách, pháp luật về ASXH gắn với thực tiễn trong những năm qua.

Tính đến tháng 12-2020, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều ước giảm còn khoảng 2,75%, giảm 1% so với cuối năm 2019. Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều nhanh đã giúp Việt Nam về đích trước 10 năm so với Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, là một trong 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Bảo hiểm y tế (BHYT) và BHXH trở thành lưới ASXH quan trọng, hỗ trợ người dân vượt qua các rủi ro ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, thất nghiệp, hết tuổi lao động... Bảo hiểm y tế giúp giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là đối với nhóm người yếu thế trong xã hội. Năm 2019, Quỹ BHYT đã chi trả cho 186 triệu lượt người khám bệnh, chữa bệnh bằng BHYT (năm 2009 là 92,1 triệu lượt người). Nhiều trường hợp được Quỹ BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lên đến hàng tỷ đồng. Cả nước hiện có trên 3,1 triệu người hưởng chế độ hưu trí và trợ cấp BHXH  hằng tháng. Quỹ BHXH chi trả các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mỗi năm cho từ 6- 10 triệu lượt người. Do tác động của đại dịch COVID-19, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, bảo hiểm thất nghiệp đã chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp cho trên 500 nghìn lượt người. Diện bao phủ BHXH  cũng được mở rộng, với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi. Đến thời điểm 31-12-2020, số người tham gia BHXH ước đạt 16,101 triệu người, chiếm khoảng 32,6% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 327 nghìn người so với năm 2019(1). Số người tham gia BHXH tự nguyện tăng 494 nghìn người, đạt 1,068 triệu người, tăng gần gấp đôi so với năm 2019. Đây là con số thể hiện sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong bối cảnh phát triển đối tượng tham gia gặp nhiều khó khăn. Khoảng 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. Con số này đã vượt mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, “Về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội” là đến năm 2021 đạt 1% cho khu vực này và cũng tăng gần gấp năm lần so với năm 2015; tỷ lệ tham gia BHYT đạt 90,7% vượt mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2016 - 2020(2).

Công tác trợ giúp xã hội từng bước chuyển sang hướng tiếp cận dựa trên quyền con người, lấy con người làm trung tâm. Diện đối tượng thụ hưởng trợ giúp xã hội được mở rộng và mức chuẩn trợ cấp xã hội được điều chỉnh tăng lên, tạo điều kiện và cơ hội cho các đối tượng yếu thế ổn định cuộc sống. Số người hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng bằng tiền mặt, tăng từ gần 1,7 triệu người năm 2011 (chiếm 1,9% dân số) lên hơn 2,9 triệu người năm 2019 (chiếm 3% dân số). Khi người dân gặp rủi ro do thiên tai, bão lụt, hạn hán và các nguyên nhân khách quan khác, chính sách trợ giúp xã hội đã hỗ trợ đột xuất kịp thời. Từ năm 2012 - 2019, Chính phủ đã hỗ trợ hơn 343 nghìn tấn gạo (cứu đói giáp hạt và nhân dịp Tết Nguyên đán hằng năm) cho khoảng 18,4 triệu nhân khẩu thiếu lương thực; hỗ trợ hơn 3.700 tỷ đồng để các địa phương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai(3). Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội nước ta, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 9-4-2020, “Về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19” và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, ngày 24-4-2020, “Quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19” với gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập đã cơ bản đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội(4).

Chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng được mở rộng về đối tượng thụ hưởng với mức trợ cấp được nâng lên hằng năm; đã giải quyết được các hồ sơ tồn đọng, xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó số người có công đang được hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng là gần 1,4 triệu người và trên 500 nghìn thân nhân người có công đang được hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng.

Đạt được những thành tựu trên, trước tiên, là do các văn bản pháp lý, chiến lược về ASXH đã được sửa đổi phù hợp, bổ sung kịp thời, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động ASXH phù hợp với thực tiễn đất nước và hội nhập quốc tế.

Hai là, chủ trương xã hội hóa hoạt động ASXH của Đảng và Nhà nước là động lực quan trọng cho việc triển khai các chính sách ASXH thu được nhiều kết quả thiết thực, bước đầu huy động được các nguồn lực trong xã hội. Xã hội hóa ASXH được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu, quan trọng, thu hút các thành phần kinh tế, tập thể, cá nhân tham gia vào các hoạt động ASXH, xây dựng ý thức tương trợ, cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho thực thi chính sách ASXH hiệu quả, đồng bộ, mạnh mẽ, rộng khắp. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân là tiền đề căn bản để góp phần thúc đẩy việc hoàn thiện hệ thống ASXH theo hướng hiện đại.

Ba là, công nghệ kỹ thuật số nâng cao năng lực của Chính phủ trong việc cung cấp dịch vụ xã hội và trao quyền cho người dân trong việc tiếp nhận dịch vụ. Qua đó, cơ quan quản lý nhà nước có thể kiểm tra, giám sát, giúp người dân phản hồi thường xuyên về chất lượng dịch vụ và hỗ trợ người dân trong đăng ký, hoàn thiện hồ sơ giải quyết các chính sách, chế độ ASXH chính xác, kịp thời. Công nghệ số giúp gắn kết sự tham gia của người dân cũng như cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ xã hội, giúp các chương trình hỗ trợ xã hội hoạt động hiệu quả hơn, như đăng ký, xác thực và chi trả cho người thụ hưởng; hỗ trợ những người khuyết tật trong việc giao tiếp, tương tác, truy cập thông tin và tham gia vào các hoạt động cộng đồng, xã hội. Trong lĩnh vực BHXH, BHYT, vấn đề chuyển đổi số được chú trọng từ rất sớm, thể hiện qua tích hợp các phần mềm nghiệp vụ; thực hiện các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 trên Cổng Giao dịch BHXH điện tử của BHXH Việt Nam cũng như trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; phối hợp với ngân hàng tạo hệ thống thanh toán điện tử quá trình thu - chi, cung cấp những tiện ích để đa kênh thanh toán cho người bệnh có BHYT, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; bảo đảm việc cập nhật khai thác và kết nối liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia với các bộ, ngành, địa phương để chia sẻ, sử dụng, phục vụ người dân... Bên cạnh đó, việc xây dựng, vận hành hệ thống thông tin giám định BHYT không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu suất công tác giám định BHYT, mà còn thúc đẩy thay đổi quy trình khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế, mang lại những hiệu quả thiết thực cho người bệnh. Mới đây nhất, ngành BHXH đã đưa vào triển khai ứng dụng “VssID - BHXH số” trên hệ thống điện thoại thông minh. Thông qua sản phẩm thuộc hệ sinh thái chuyển đổi số của ngành BHXH, người dân, người lao động có thể trực tiếp theo dõi, giám sát việc đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và được cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích, có thể thực hiện các giao dịch với cơ quan BHXH tại bất cứ đâu và bất kỳ lúc nào.

Có thể thấy rằng, thành tựu về ASXH trong thời kỳ chuyển đổi số những năm qua rất đáng tự hào. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được cũng còn tồn tại một số hạn chế:

Một là, tư duy quản lý về ASXH vẫn chưa theo kịp quá trình đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế và nền kinh tế số. Dấu ấn thời bao cấp với cơ chế “xin - cho”, hành chính - mệnh lệnh, cửa quyền vẫn còn nặng nề. Các chủ trương, đường lối, chính sách, kế hoạch phát triển ASXH phần lớn được xác định và xây dựng từ cấp vĩ mô tỏa xuống cấp vi mô, chưa bám sát thực tiễn cơ sở; sự chủ động, thích ứng, nhạy bén, sáng tạo trong quản lý, điều hành chưa được cải thiện. Thể chế ASXH còn chậm đổi mới, thiếu đồng bộ; pháp luật về an sinh chưa hiệu quả. Một số văn bản quản lý vừa được ban hành đã có những bất cập, đòi hỏi phải điều chỉnh, bổ sung. Việc tổ chức thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về ASXH còn yếu, nên nhiều quy phạm pháp luật chưa thực sự đi vào cuộc sống. Nhận thức về ASXH trong kỷ nguyên số của các cấp, các ngành còn mang tính hình thức, cứng nhắc. Trên thực tế, vai trò, vị trí của ASXH chưa được đặt ngang tầm với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng...

Hai là, trình độ khoa học - kỹ thuật, công nghệ của đất nước cũng như các nguồn lực khác còn nhiều hạn chế. Kinh tế phát triển chưa ngang tầm với lợi thế, tiềm năng, văn hóa - xã hội đang bị tác động bởi mặt trái nền kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước, trong đó có lĩnh vực ASXH.

Ba là, đội ngũ nguồn nhân lực làm trong lĩnh vực ASXH còn yếu, thiếu kỹ năng chuyên môn và quản lý, tính chuyên nghiệp chưa cao, đặc biệt là năng lực đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số vào quản lý, điều hành ASXH còn hạn chế. Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý các cấp về ASXH chưa theo kịp sự phát triển của đời sống xã hội, còn tồn tại những biểu hiện quan liêu, xa dân; hoạch định chính sách, hướng dẫn tổ chức thực hiện, xử lý các vụ, việc vi phạm pháp luật còn lúng túng. Bên cạnh nguồn lực tài chính cho ASXH còn hạn hẹp, mức độ hỗ trợ còn thấp thì một bộ phận đối tượng thụ hưởng vẫn còn ỷ lại, trông chờ vào chính sách, sự hỗ trợ của Nhà nước; việc phát huy tiềm năng và trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực ASXH chưa được sâu rộng, tự giác.

Bốn là, chất lượng dịch vụ ASXH chưa cao, nhất là các dịch vụ bảo hiểm, y tế. Các sản phẩm dịch vụ ASXH vẫn chưa thực sự sáng tạo, phong phú, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Hệ thống ASXH chưa bao phủ hết các mặt, các lĩnh vực, đối tượng tham gia còn hẹp. Tỷ lệ lực lượng lao động tham gia BHXH còn thấp do các giải pháp mở rộng đối tượng chưa thật sự hiệu quả, đặc biệt là đối với các đối tượng lao động ở khu vực kinh tế phi chính thức. Quỹ BHXH chưa bền vững. Quy mô và chất lượng cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản chưa cao, nhất là tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm là, việc ứng dụng các tiến bộ công nghệ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những tác động, thay đổi to lớn đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội; con người được giải phóng khỏi những công việc đòi hỏi hao phí sức lao động cơ bắp, công việc nặng nhọc, những công việc giản đơn có tính lặp lại, cũng như các công việc nội trợ, mở ra nhiều cơ hội để phát triển kinh tế tri thức, các hình thức quản trị, quản lý công nghệ bậc cao, hiệu quả lớn... Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, trong bối cảnh lao động giản đơn chiếm số đông, tay nghề kỹ thuật chưa cao thì đó cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, đặc biệt là lao động ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa; gia tăng khoảng cách thụ hưởng những thành tựu của kỷ nguyên số giữa các vùng, miền, khu vực; giữa các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, bất bình đẳng tuyệt đối giữa người giàu và người nghèo có xu hướng gia tăng; chênh lệch phát triển giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Tỷ lệ hộ nghèo tập trung cao ở nhóm dân tộc thiểu số. Văn hóa ứng xử trong quản lý, tinh thần, thái độ, trách nhiệm với cộng đồng và đối tượng thụ hưởng ASXH còn nhiều bất cập. Khoảng cách thụ hưởng ASXH giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn.

Một số giải pháp thúc đẩy phát triển an sinh xã hội trong kỷ nguyên số thời gian tới

Thứ nhất, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động và tổ chức triển khai, phát triển hệ thống ASXH theo Quyết định số 794/QĐ-TTg, ngày 3-6-2020, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nhằm chuyển đổi số thành công trong lĩnh vực y tế; đưa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực ASXH thành chương trình hành động của tất cả các bộ, ngành, địa phương một cách thực chất, hiệu quả. Tăng cường hơn nữa nhận thức về vai trò và vị trí của ASXH trong chuỗi động lực phát triển đất nước, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa và môi trường, hợp tác quốc tế. An sinh xã hội phải trở thành khâu đột phá chiến lược trong mô hình phát triển bền vững của đất nước giai đoạn 2021 - 2026 và những năm tiếp theo, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Công tác giáo dục, tuyên truyền chính sách ASXH trên các phương tiện truyền thông đại chúng cần chủ động, sáng tạo, bám sát thực tiễn xã hội, trong đó cân nhắc đến yếu tố tác động của các phương tiện truyền thông mới.

Thứ hai, hoàn thiện thể chế ASXH trong kỷ nguyên số nhằm tạo ra mạng lưới ASXH đa dạng, phong phú, sát hợp thực tiễn, phù hợp thông lệ quốc tế. Hoàn thiện pháp luật an sinh số, hành lang pháp lý, thúc đẩy mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào phát triển ASXH. Thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp an sinh hay công nghệ an sinh như một giải pháp để phát triển hệ thống ASXH hiệu quả. Thiết kế lại chính sách ASXH gắn với đào tạo nguồn nhân lực, tăng độ bao phủ, đặc biệt là lao động trong lĩnh vực kinh tế phi chính thức trong bối cảnh thích ứng linh hoạt với tình hình mới và tương lai kỷ nguyên số. Tạo cơ chế thúc đẩy hệ thống ASXH mạnh về nguồn lực, bao phủ toàn diện, an toàn, hiệu quả với cơ chế Nhà nước - doanh nghiệp - người dân cùng đồng hành, đổi mới, kiến tạo và phát triển. Phát huy tính sáng tạo, chủ động của các chủ thể an sinh trong đóng góp và thụ hưởng.

Thứ ba, đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực ASXH nhằm công khai, minh bạch ASXH của những chủ thể có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được giao, nhanh chóng phát hiện để kịp thời xử lý và điều chỉnh đúng theo các quy định của pháp luật.

Thứ tư, ứng dụng các công nghệ mới trong quan trắc xã hội, sinh trắc, căn cước công dân kỹ thuật số; chi trả, đóng nộp, thụ hưởng với sự hỗ trợ của các công cụ công nghệ thông tin, nghe nhìn, internet trong các phần mềm quản lý dữ liệu và chia sẻ dữ liệu, tiến tới xây dựng mã số định danh ASXH duy nhất trong thực thi chính sách ASXH, tạo sự thống nhất và thuận lợi trong việc quản lý, tiếp cận phát triển, cũng như hỗ trợ các đối tượng cần thụ hưởng. Tăng cường nguồn lực tài chính đầu tư phục vụ cho quá trình chuyển đổi số hóa ASXH từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã khi chưa có đầy đủ các cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ cần thiết để phục vụ cho số hóa hệ thống ASXH./.

TS. NGUYỄN TIẾN HÙNG

Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

---------------

(1) Ngân Anh: “Sáu dấu ấn về an sinh xã hội của năm 2020”, Báo Nhân dân điện tử, https://nhandan.com.vn/, ngày 1-1-2021
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr.160 - 161
(3) Lê Tấn Dũng: “Việt Nam hướng đến xây dựng một hệ thống an sinh xã hội bền vững”, Tạp chí Cộng sản điện tử,
https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 6-1-2021
(4) Cả nước hiện có 425 cơ sở trợ giúp xã hội (191 cơ sở công lập và 234 cơ sở ngoài công lập) nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 41 nghìn người

 

...