26/12/2024 lúc 19:33 (GMT+7)
Breaking News

Vai trò của đầu tư công trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước

Đầu tư công có vai trò to lớn cho phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp.

Vai trò quan trọng của đầu tư công

Theo Luật Đầu tư công (Luật số 39/2019/QH14), đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án và các đối tượng đầu tư công khác theo quy định của Luật này. Như vậy, đầu tư công là một hoạt động đầu tư của Nhà nước, sử dụng nguồn vốn chủ yếu từ ngân sách nhà nước để thực hiện thiết kế, xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. 

 

Đối tượng trực tiếp của đầu tư công bao gồm: 1- Đầu tư chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; 2- Đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; 3- Đầu tư và hỗ trợ hoạt động đầu tư cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phúc lợi xã hội; 4- Đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư; 5-Đầu tư phục vụ công tác lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch;  6- Cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng chính sách khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đầu tư công còn là công cụ của Nhà nước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng chậm phát triển, vùng khó khăn, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền. Đầu tư công còn có vai trò là “vốn mồi”, dẫn dắt đầu tư tư, góp phần khơi dậy tiềm năng to lớn trong nhân dân cho phát triển kinh tế - xã hội.

Vốn đầu tư công gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tưu nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước…

Một trong những vấn đề quan trọng để đầu tư công mang lại sự phát triển kinh tế, xã hội thiết thực và nhanh chóng chính là phải hoạch định được một cơ cấu đầu tư công hợp lý. Trong quá trình triển khai vốn đầu tư công, cần tập trung nhiều hơn vào mô hình phát triển theo chiều sâu, lấy nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế làm tiêu chí chủ yếu. Tránh đầu tư dàn trải.

Năm 2023 vừa qua, hoạt động giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ và các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đưa lại nhwuxng kết quả đáng khích lệ. 

Năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công vẫn là vấn đề cần được quan tâm và triển khai mạnh mẽ hơn, và tiếp tục tập trung vào những giải pháp cụ thể sau:

Để thực hiện thành công kế hoạch đầu tư công năm 2024, đòi hỏi tinh thần đổi mới, quyết tâm chính trị cao, trách nhiệm hơn nữa của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương.

Yêu cầu đầu tiên là phải xác định đầu tư công là ưu tiên hàng đầu để nhất quán trong công tác điều hành. Sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của người đứng đầu có ý nghĩa rất quan trọng.

Giải pháp mang tính chất căn cơ cần thực hiện là rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công. Trước hết là sửa ngay các bất cập đã phát hiện trong thời gian qua (trong đó lưu ý những nội dung nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ cần khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ sửa đổi) nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.

Triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, chấn chỉnh khâu chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm 2024.

Thực hiện quyết liệt Nghị quyết của Quốc hội, tổ chức rà soát, lập và điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành; Rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và giải pháp thiết thực, hiệu quả đẩy mạnh phát triển các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công-tư. Đặc biệt, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, cần nâng cao vai trò của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát địa phương mình, từ khâu lựa chọn dự án, chuẩn bị đầu tư đến giải phóng mặt bằng, đến tổ chức thi công... trong vấn đề giải ngân đầu tư công của địa phương.

Cùng với những giải pháp căn cơ đó, phải tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư. Theo đó, các ngành, các địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra hiện trường, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án. Các địa phương cần tích cực, chủ động, quyết liệt tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; quyết liệt chỉ đạo các Chủ đầu tư/Ban QLDA, nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, tăng cường năng lực thi công để bảo đảm tiến độ đã cam kết và đáp ứng kế hoạch giải ngân. Đặc biệt, phải tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, bảo đảm chất lượng, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Bên cạnh đó, vấn đề tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư… cần tập trung thực hiện kịp thời, dứt điểm. Đặc biệt phải chú trọng tập trung công tác giải phóng mặt bằng, có thời gian, tiến độ cụ thể và thực hiện theo đúng tiến độ đó.

                                                                 

       Ths. Lê Trọng Thái

                                                                           (Đại học Đồng Tháp) 

...