30/11/2024 lúc 00:35 (GMT+7)
Breaking News

'Vắcxin ngừa COVID-19 là công cụ đưa thế giới trở lại bình thường'

VNHN - Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ), một loại vắcxin phòng COVID-19 an toàn và hiệu quả có thể là công cụ duy nhất đưa thế giới trở lại bình thường, cứu sống hàng triệu người và hàng nghìn tỷ USD thiệt hại kinh tế.

VNHN - Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ), một loại vắcxin phòng COVID-19 an toàn và hiệu quả có thể là công cụ duy nhất đưa thế giới trở lại bình thường, cứu sống hàng triệu người và hàng nghìn tỷ USD thiệt hại kinh tế.

Nghiên cứu mẫu bệnh phẩm COVID-19 để phát triển vaccine phòng dịch tại phòng thí nghiệm của Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm quân đội Mỹ ngày 8/3/2020 (Nguồn: TTXVN) 

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 320.000 người trên thế giới, đẩy hệ thống y tế của nhiều quốc gia vào tình trạng quá tải và hàng tỷ người dân hạn chế ra ngoài, phần lớn nền kinh tế thế giới tê liệt.

Không thể dễ dàng chặn đứng chuỗi lây nhiễm trong bối cảnh hội nhập quốc tế là điều tất yếu của nền kinh tế toàn cầu hóa, những lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai sau khi các quốc gia lần lượt mở cửa trở lại nền kinh tế càng khiến cho nhu cầu tìm ra một loại vắcxin phòng bệnh hiệu quả trở nên cấp bách.

Giới chuyên gia đều tin rằng kinh tế thế giới chỉ có thể phục hồi hoàn toàn khi tìm ra một loại vắcxin phòng ngừa loại virus có khả năng gây chết người và còn nhiều bí ẩn này.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định rằng một loại vắcxin phòng COVID-19 an toàn và hiệu quả có thể là công cụ duy nhất đưa thế giới trở lại bình thường, cứu sống hàng triệu người và hàng nghìn tỷ USD thiệt hại kinh tế.

Để thấy được mức độ “khát” vắcxin thì có thể nhìn vào cách thị trường chứng khoán thế giới hân hoan đón nhận thông tin thử nghiệm lâm sàng vắcxin phòng COVID-19 của Công ty dược phẩm Moderna (Mỹ) cho kết quả bước đầu khả quan.

Thông báo ngày 18/5 của Moderna rằng vắcxin thử nghiệm ngừa COVID-19 đã tạo ra các phản ứng miễn dịch ở một số tình nguyện viên khỏe mạnh lập tức giúp thị trường hồi phục mạnh mẽ, các chỉ số chứng khoán Á-Âu-Mỹ đồng loạt tăng điểm lên các mức cao nhất trong nhiều tuần, và tất nhiên giá trị cổ phiếu của Moderna cũng tăng hơn 20% ngay sau thông tin.

Khi càng hiểu rõ hơn về COVID-19 và càng nhận ra mức độ lây lan cũng như thiệt hại không thể lường hết cả về y tế và kinh tế mà dịch bệnh này gây ra, nhiều quốc gia trên thế giới đã đầu tư cho các dự án phát triển vắcxin, dù giới chuyên gia đánh giá thế giới sẽ tốn nhiều kinh phí và thời gian để có thể hoàn thiện một loại vắcxin an toàn.

Mới nhất, Anh đã quyết định chi thêm 84 triệu bảng (102 triệu USD) để đẩy nhanh các nỗ lực thử nghiệm và sản xuất hàng loạt vắcxin COVID-19, vốn đang được các nhà khoa học thuộc Đại học Oxford tiến hành.

Trước đó, Chính phủ Anh cũng đã tài trợ 47 triệu bảng để triển khai nghiên cứu vắcxin phòng COVID-19.

Bên cạnh đầu tư trực tiếp cho quá trình phát triển vắcxin, Chính phủ Anh cũng đã quyết định "bơm" thêm 93 triệu bảng để đẩy nhanh hoàn tất trung tâm "sản xuất và phát triển" vắcxin chuyên biệt vào năm 2021 - sớm hơn một năm so với kế hoạch.

Nghiên cứu vắcxin phòng COVID-19 trong phòng thí nghiệm ở London, Anh ngày 10/2/2020 (Nguồn: AFP/TTXVN) 

Trung tâm này đang được xây dựng ở Oxfordshire, Trung Nam nước Anh, với mục tiêu sản xuất đủ liều vắcxin phục vụ người dân Anh trong vòng 6 tháng.

Chính phủ Mỹ đã đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển vắcxin phòng COVID-19.

Giới chức y tế Mỹ cho biết hiện có ít nhất 14 loại vắcxin đang được điều chế theo chương trình “Operation Warp Speed” của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm thúc đẩy quá trình đưa vắcxin vào sử dụng từ đầu tháng 1/2021.

Đây là dự án hợp tác giữa các công ty dược phẩm tư nhân và các cơ quan chính phủ cùng quân đội Mỹ, được thúc đẩy nhằm rút ngắn thời gian sản xuất vắcxin trong thời gian tối đa 8 tháng.

Đầu tháng Năm, Liên minh châu Âu (EU) chủ trì hội nghị trực tuyến với các nhà lãnh đạo thế giới và các tổ chức từ thiện để gây quỹ 7,5 tỷ euro (khoảng 8,23 tỷ USD) thông qua dự án đối tác toàn cầu mang tên “Access to COVID-19 Tools (ACT) Accelerator” cho hoạt động nghiên cứu vắcxin phòng ngừa virus SARS-CoV-2 cùng thuốc điều trị bệnh COVID-19  trên quy mô toàn cầu.

Bước đầu, Na Uy đã cam kết hỗ trợ 1 tỷ USD, Nhật Bản  800 triệu USD, Đức 525 triệu euro, Pháp 500 triệu euro và Tây Ban Nha 125 triệu euro.

Canada cũng quyết định chi 780 triệu USD để "tổng động viên" các chuyên gia nghiên cứu vắcxin và tìm cách điều trị bệnh COVID-19. Australia đóng góp 352 triệu AUD...

Sau khi xem xét khoảng 110 loại vắcxin hiện đã được phát triển hoặc đang trong giai đoạn thử nghiệm, các nhà phân tích đưa ra danh sách các "ứng cử viên" sáng giá sẽ sớm “gặt hái thành quả,” gồm sản phẩm của các hãng CanSino Biologic, University of Oxford/AstraZeneca, BioNTech/Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson, Sanofi/GlaxoSmithKline.

Các nhà phân tích cũng tin rằng thị trường vắcxin COVID-19 sẽ có giá trị từ 10-30 tỷ USD trong thời gian đại dịch và 2-25 tỷ USD/năm khi dịch bệnh qua đi, với khách hàng chủ yếu là nhóm nhỏ những người chưa được tiêm hoặc trẻ sơ sinh.

Tuy nhiên, quá trình đầu tư và phát triển một loại vắcxin ngừa COVID-19 cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Các“ứng cử viên” vắcxin phải vượt qua nhiều lần thử nghiệm trên động vật rồi đến thử nghiệm lâm sàng trên người trước khi cuối cùng được cấp phép đưa vào sử dụng. Và một khi được cấp phép, việc đẩy mạnh sản xuất đến mức độ cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu toàn cầu sẽ bộc lộ nhiều vấn đề bấp bênh hơn.

Vấn đề hàng đầu đặt ra là với chi phí phát triển khổng lồ và nguồn lợi nhuận hứa hẹn trước mắt, vắcxin có được sản xuất hàng loạt và phân phối trên toàn thế giới, tới cả những quốc gia nghèo và các quốc gia đang phát triển với mức giá hợp lý hay không.

Vấn đề này càng nóng lên sau khi Giám đốc điều hành tập đoàn dược phẩm Sanofi, có trụ sở tại Pháp, Paul Hudson cho biết Mỹ có quyền đặt hàng trước với số lượng lớn nhất vì quốc gia này đã đầu tư vào quá trình nghiên cứu.

Các chuyên gia từng cảnh báo rằng các nước giàu và các hãng dược lớn, vì lợi ích riêng,  có thể khiến nhóm người dân yếu thế, đặc biệt ở các nước đang phát triển, không thể hoặc chậm được tiếp cận vắcxin ngừa COVID-19.

Cụm từ “hàng hóa chung” đã từng được Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhắc tới khi kêu gọi thế giới nỗ lực nghiên cứu, phát triển và phân phối vắcxin phòng ngừa, thuốc điều trị  tới mọi người dân với giá cả hợp lý.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng nhấn mạnh  tầm quan trọng của việc phân phối đồng đều vắcxin và thuốc điều trị COVID-19.

Mới đây nhất, hơn 140 người, trong đó có Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã ký bức thư có nội dung nhấn mạnh rằng bất kỳ loại vắcxin cũng như phương pháp điều trị bệnh COVID-19 nào cũng không thể trở thành độc quyền và chúng phải được chia sẻ cho các quốc gia, được cung cấp miễn phí cho tất cả người dân trên thế giới.

Bước đầu, các chính phủ cũng đã có những cam kết chính trị để bảo đảm rằng các nước được tiếp cận và đáp ứng nhu cầu sử dụng vắcxin và thuốc chữa trị COVID-19 nếu nghiên cứu thành công.

Tại phiên họp lần thứ 73 của Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA73), do WHO tổ chức trực tuyến, bế mạc rạng sáng 20/5, lãnh đạo các nước cũng cam kết sẽ đảm bảo mọi người đều có thể tiếp cận với điều trị và vắcxin khi được phát triển thành công, bảo đảm vắcxin là tài sản công toàn cầu.

Cũng tại phiên họp này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết bất kỳ loại vắcxin tiềm năng do Trung Quốc phát triển sẽ được đưa ra sử dụng trên phạm vi toàn cầu với mục đích cộng đồng, coi đây là một phần đóng góp của Bắc Kinh để hướng tới mục tiêu các quốc gia đang phát triển cũng có thể được cung cấp vắcxin với mức giá hợp lý.

Trung Quốc cũng cam kết khoản tài trợ quốc tế 2 tỷ USD cho các nỗ lực ứng phó dịch bệnh tại các quốc gia chịu tác động, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển.

Mặc dù vậy, việc thống nhất được một kế hoạch phân phối công bằng trên toàn cầu, đảm bảo vắcxin có mức giá thấp và được phân phối dựa trên nhu cầu mà không phụ thuộc vào khả năng chi trả, vẫn là một bài toán khó.

Hiện các quy định về bằng sáng chế cho phép các hãng dược độc quyền, thậm chí có quyền định giá cao hơn khả năng chi trả của người bệnh. Điều đó khiến rất nhiều nước nghèo không thể tiếp cận được các vắcxin và thuốc điều trị.

Các nhà hoạt động xã hội cho rằng quy định hiện nay đặt lợi nhuận của các hãng dược phẩm lên trên sức khỏe người dân bởi rất nhiều loại thuốc lợi nhuận thấp không bao giờ được sản xuất, trong khi nhiều loại thuốc điều trị khác có giá vượt quá khả năng chi trả của những nước nghèo.

Theo tính toán của Quỹ Gates & Melinda Gates, chi phí để mua sắm và chuyển giao vắcxin ngừa COVID-19 an toàn và hiệu quả cho những người nghèo nhất thế giới vào khoảng 25 tỷ USD.

Năm ngoái, 10 hãng dược lớn nhất có lợi nhuận là 89 tỷ USD - trung bình gần 30 tỷ USD chỉ trong 4 tháng.

Bởi vậy, tổ chức Oxfam cho rằng cần có một kế hoạch toàn cầu, với cam kết các khoản đầu tư công cho hoạt động nghiên cứu thuốc điều trị hoặc vắcxin ngừa COVID-19 sẽ bao gồm điều kiện không cấp bằng sáng chế độc quyền và tất cả mọi người đều có thể tiếp cận.

Vắcxin phòng COVID-19 được các chuyên gia Trường đại học Oxford nghiên cứu, bào chế (Nguồn: PA/TTXVN) 

Trong bối cảnh các nước trên thế giới tính toán những chiến lược phát triển vắcxin phòng ngừa và thuốc điều trị bệnh COVID-19, thì việc hợp tác với nhau là cách tiếp cận hiệu quả và mau lẹ nhất.

Trong cuộc đua tìm vắcxin, sẽ có người thắng cuộc khi tìm ra loại vắcxin hiệu quả đầu tiên.

Tuy nhiên điều quan trọng là cần sự chia sẻ và hợp tác của các bên để những dự án này mang ý nghĩa cộng đồng tốt đẹp, để tất cả người dân thế giới đều có quyền tiếp cận công bằng với loại vắcxin mới.

Không phải ngẫu nhiên mà cuộc đua tìm kiếm vắcxin được coi là "cuộc đua của trách nhiệm", như Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyeus cũng đã tuyên bố: "Cuộc đua tìm kiếm vắcxin là kết quả của sự đoàn kết quốc gia, đoàn kết toàn cầu và là chiến thắng của tinh thần nhân loại".

Nói cách khác, đây không phải là cuộc đua giữa các quốc gia hay các hãng dược, mà "chúng ta phải hợp tác cùng nhau để giành chiến thắng"./.