15/01/2025 lúc 14:11 (GMT+7)
Breaking News

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự

Tại phiên họp thứ 25 diễn ra vào sáng 18/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Trước khi thảo luận, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Dự án Luật đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV với 115 lượt ý kiến. Trong đó, có 100 ý kiến phát biểu tại tổ và 14 ý kiến phát biểu tại hội trường; 1 vị đại biểu Quốc hội gửi ý kiến bằng văn bản.

Ngay sau kỳ họp, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã khẩn trương tổng hợp đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Đồng thời chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan tổ chức các cuộc họp để nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. 

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện có 6 chương với 35 điều. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 đã được bổ sung 3 điều, bỏ 2 điều và chỉnh sửa nội dung, kỹ thuật lập pháp ở nhiều điều, sắp xếp, bố cục lại một số điều trong các chương. Cơ quan soạn thảo dự án Luật cũng đã có văn bản nhất trí với dự thảo Luật đã được chỉnh lý và nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự nghiêm túc, khoa học, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra; dự án luật; cho rằng dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua. Đồng thời, cơ bản nhất trí với các nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.

Kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan; rà soát kỹ lưỡng để thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; đánh giá kỹ lưỡng tác động, bảo đảm vững chắc cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý của dự án Luật.

PV