05/01/2025 lúc 06:15 (GMT+7)
Breaking News

Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động tham vấn trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Thực hiện tham vấn trong hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa và tầm quan trọng rất lớn nhằm tăng tính thực tiễn, dự báo, giúp chính sách ban hành được khả thi, toàn diện. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động này, theo ý kiến một số chuyên gia cần đổi mới quy trình, cách thức tham vấn đồng thời gắn với việc nâng cao năng lực của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và người dân.

Thúc đẩy sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng, hoạch định chính sách

Từ năm 1998 đến nay, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung và thay thế nhiều lần (các năm 2003, 2008, 2015, 2020) theo hướng ngày càng minh bạch và cởi mở hơn với sự ghi nhận sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong quá trình hoạch định chính sách của Nhà nước. Đây là điểm tích cực, thể hiện sự dân chủ, tiến bộ trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật của Việt Nam.

Tại Điều 6, Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 quy định về tham gia góp ý kiến xây dựng, thực hiện phản biện xã hội đối với đề nghị xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận và các cơ quan, tổ chức khác, cá nhân có quyền và được tạo điều kiện tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Gắn tăng cường vai trò tham vấn người dân, doanh nghiệp với nâng cao năng lực các tổ chức đại diện

Người dân, doanh nghiệp có thể bày tỏ ý kiến bằng cách chủ động hoặc khi tham vấn. Tuy nhiên, về mặt thực tế, thời gian gần đây, dù đã có sự cởi mở hơn trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhưng sự tham gia của người dân, doanh nghiệp vẫn còn rất hạn chế.

Theo bà Phan Minh Thuỷ - Phó Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam, để có thể thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp vào hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp địa phương rất quan trọng. Đây là một thiết chế phù hợp và cần thiết để có thể phản ánh được tiếng nói từ lĩnh vực, địa bàn và tiếng nói đại diện này sẽ có chất lượng, toàn diện, có thông tin tốt hơn so với từng doanh nghiệp cụ thể. Là một thể chế đại diện, hiệp hội sẽ có đầy đủ thông tin, kinh nghiệm và vị trí độc lập để có thể tham gia góp ý, phản biện chính sách.

Bên cạnh đó, bà Phan Minh Thuỷ cũng cho rằng, trong giai đoạn phát triển như hiện nay, năng lực của các hiệp hội doanh nghiệp còn nhiều vấn đề cần được cải thiện, đặc biệt trong lĩnh vực tham gia xây dựng chính sách. Để các hiệp hội tham gia ý kiến vào các đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt ở một số lĩnh vực chuyên sâu, phức tạp, với yêu cầu về thời gian rất khẩn trương thì rất khó khăn. Các hiệp hội doanh nghiệp đang gặp hạn chế về nguồn lực hoạt động, chất lượng nhân lực chưa cao và chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trong hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật.

Từ thực tế này, bà Phan Minh Thuỷ kiến nghị, cần gắn việc tăng cường vai trò tham vấn doanh nghiệp, người dân trong xây dựng chính sách, pháp luật với chương trình hoàn thiện khung khổ pháp lý và nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, chú trọng tiếp tục tăng cường công khai, minh bạch và đặc biệt là bảo đảm thực chất trong hoạt động tham vấn, thay đổi quy trình để tạo thuận lợi hơn nữa cho quá trình tham vấn người dân và doanh nghiệp.

Quy tụ trí tuệ của chuyên gia, nhà khoa học

Ở góc độ khác, Ths. Nguyễn Thị Thu Hà, Đại học Duy Tân, Tp. Đà Nẵng nhấn mạnh, hoạt động xây dựng pháp luật là một hoạt động phức tạp, được thực hiện bởi nhiều chủ thể trong quy trình xây dựng pháp luật được quy định chặt chẽ. Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật có nhiều quy định để bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình xây dựng, ban hành như: quy định và tạo điều kiện cho việc lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật trở nên rộng rãi, phổ biến; quy định trách nhiệm lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức có liên quan trong cả giai đoạn đề nghị xây dựng văn bản quy pham pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Cho rằng, dân chủ hóa, khoa học hóa trong hoạt động xây dựng luật đóng vai trò quan trọng, Ths. Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị, cần quy tụ, tham vấn trí tuệ của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, luật sư và các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Cần cải tiến quy trình xây dựng pháp luật để có được văn bản pháp luật minh bạch, thật sự phản ánh lợi ích chính đáng của người dân.

Cùng quan điểm, PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Giảng viên Cao cấp Chuyên ngành Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật (ĐHQG Hà Nội) cho biết, chuyên gia, nhà khoa học đóng vai trò quan trọng; cung cấp góc nhìn và hàm lượng khoa học đối với các vấn đề được đặt ra. Đặc biệt, trong hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, việc tham vấn, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học là vô cùng cần thiết giúp tăng tính khoa học, góp phần lựa chọn chính sách, quyết định ban hành chính sách, quy định được toàn diện, hiệu quả hơn.

Nhấn mạnh hoạt động tham vấn không thể thiếu trong quy trình lập pháp, PGS. TS Doãn Hồng Nhung cho rằng, để hoạt động này ngày càng chất lượng, cần tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức, xử lý, sử dụng thông tin của việc lấy ý kiến góp ý, phản biện chính sách và pháp luật đảm bảo khách quan, thực chất hơn. Để góp phần đảm bảo tính khả thi, dự báo của các văn bản pháp luật, cần có cơ chế thuận lợi, thu hút sự tham gia ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động, các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân ngay từ khâu xây dựng chính sách chứ không chỉ góp ý vào các dự án, dự thảo văn bản pháp luật.

Đồng thời, trong quá trình triển khai lấy ý kiến cũng cần chú trọng tới việc đa dạng cách thức tiếp cận, nội dung lấy ý kiến phải phù hợp với từng đối tượng cụ thể, tránh chung chung, hình thức. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phải có cơ chế phản hồi phù hợp, kịp thời đối với nội dung được lấy ý kiến. Từ đó, tạo sự đồng thuận cao từ người dân, xã hội đối với mỗi chính sách, dự án luật được ban hành; thúc đẩy sự tuân thủ pháp luật của người dân và doanh nghiệp.

Lê Anh

Cổng TTĐT Quốc hội

...