VNHN - Tại Quyết định số 329/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15-3-2017 phê duyệt Đề án Phát triển văn hóa đọc, Chính phủ đã xác định phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước. Theo đó, không thể không kể đến vị trí đặc biệt của thư viện trường học - nơi ươm mầm phát triển văn hóa đọc cũng như hình thành môi trường văn hóa học đường.
"Trái tim của nhà trường"
Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Vũ Dương Thúy Ngà đã dùng hình ảnh "trái tim của nhà trường" khi nói về vai trò của thư viện trường học. Bà Ngà chia sẻ: Học trên lớp có giới hạn, còn học trong thư viện là vô hạn. Trong bối cảnh nền giáo dục nước ta lấy học trò là trung tâm, thư viện càng có vai trò quan trọng. Ở nhiều nước phát triển, thư viện là trái tim của nhà trường, bởi thư viện chính là nơi hỗ trợ đắc lực và vô cùng hiệu quả cho cả thầy giáo, cô giáo, học sinh, sinh viên trong giảng dạy và học tập.
Đề án Phát triển văn hóa đọc đã chỉ rõ mục tiêu chung là xây dựng, phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên... Để thực hiện tốt các mục tiêu này, thư viện trường học chính là địa chỉ gần gũi nhất với giới trẻ, đòi hỏi được đầu tư và coi trọng thực sự, có cán bộ chuyên trách, phòng đọc khang trang đạt chuẩn.
Tuy nhiên, theo bà Vũ Dương Thúy Ngà, vẫn còn tình trạng một số trường chỉ có thư viện trên danh nghĩa, sách ít, cơ sở vật chất nghèo nàn, cán bộ thư viện kiêm nhiệm đủ việc... Nhiều trường học diện tích nhỏ, không thể bố trí thư viện đạt chuẩn, không tạo được môi trường đọc, học tập, nghiên cứu hấp dẫn, thu hút học sinh, sinh viên vào thư viện đọc sách. Mặt khác, sự phát triển của internet với nguồn tài nguyên dường như vô tận, khiến nhiều người ngại lên thư viện đọc sách, làm thẻ, tra cứu sách, dẫn đến việc không ít học sinh, sinh viên ngày càng thờ ơ với thư viện. Chưa kể, vẫn còn tình trạng cán bộ thư viện không nắm sâu về nghiệp vụ, nên chưa làm tốt nhiệm vụ làm cầu nối giữa bạn đọc và vốn tài liệu...
Khó khăn là vậy, song không thể phủ nhận những bước đi tích cực đã và đang được tiến hành, nhằm đưa thư viện trường học vào đúng tầm, vị trí của nó. "Tuần lễ học tập suốt đời" do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức những năm qua đều đưa ra những thông điệp liên quan đến phát triển thư viện như: "Chung tay xây dựng thư viện, thường xuyên đọc nhiều sách hay" (năm 2015), "Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số" (năm 2016)... Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng đã ký kết chương trình phối hợp công tác để thúc đẩy hoạt động đọc trong nhà trường và cộng đồng. Nhờ vậy, đã xuất hiện những điểm sáng trong cách làm, hé lộ các giải pháp hiệu quả và thiết thực trong việc phát huy vai trò của thư viện trường học.
Nhân rộng mô hình hay
Đề cập đến sự khởi sắc của thư viện cấp đại học, không thể không nhắc đến Thư viện Tạ Quang Bửu, thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây là một trong những thư viện hiện đại tầm quốc tế, với hệ thống cơ sở dữ liệu phong phú, hoạt động thực sự hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Thư viện Tạ Quang Bửu cho biết: Thư viện hoạt động theo phương châm coi bạn đọc là khách hàng và chăm sóc khách hàng thực sự chuyên nghiệp, chu đáo. Dù là đơn vị hành chính sự nghiệp, song quá trình vận hành được thư viện thực hiện theo cơ chế thị trường và thư viện đã đầu tư phần mềm công nghệ hiện đại, trang bị điều hòa, đầu tư máy vi tính đến từng phòng đọc... Nhờ vậy, lượng bạn đọc đến thư viện ngày càng đông, gồm cả sinh viên của các trường khác, chứ không riêng sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Tuy không được đầu tư như vậy, nhưng mô hình thư viện của Trường Tiểu học Dịch Vọng B (Cầu Giấy) cũng là một điểm sáng đáng học tập. Nhà trường đã sắp xếp một phòng rộng 120m2, được trang trí hấp dẫn ở ngay tầng 1, gần cổng trường, giúp học sinh tiếp cận thư viện một cách dễ dàng và gần gũi. Giờ tan học, trong khi chờ phụ huynh đến đón, học sinh thoải mái đọc những cuốn sách mình yêu thích.
Bà Đỗ Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dịch Vọng B cho hay: Nhà trường không phải đầu tư tốn kém, song vẫn có thể bảo đảm sự phong phú, đa dạng và hấp dẫn của sách đối với học sinh. Mỗi năm học, ngoài việc mua bổ sung sách theo quy định, nhà trường còn phát động 2 đợt “Góp một cuốn sách nhỏ, đọc 1.000 cuốn sách hay”. Mỗi học sinh góp một cuốn, thư viện trường có 2.500 cuốn/đợt, 5.000 cuốn/năm từ nguồn này.
Linh hoạt, chủ động trong cách làm, hoạt động của thư viện trường học ở nhiều nơi đang dần có sự khởi sắc. Ngày càng nhiều địa phương hình thành tủ sách lớp học, nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức thiện nguyện và cha, mẹ học sinh. Ngoài ra, không ít thư viện tỉnh, thành phố đã và đang đưa sách đến trường học, thực hiện chương trình luân chuyển sách theo hướng "đưa sách từ thư viện công cộng đến các thư viện trường học, biến trường học thành các trạm sách của thư viện tỉnh, thành phố", giúp thư viện các trường học được tăng cường lượng sách đáng kể.
Để thư viện trường học thực sự góp sức trong việc phát triển văn hóa đọc cho giới trẻ, bản thân lãnh đạo các trường học phải thấy được vai trò của thư viện và thực sự quan tâm đến thư viện, giúp học sinh nuôi dưỡng, phát triển kỹ năng đọc. Bên cạnh đó, rất cần phát huy vai trò của cán bộ thư viện trong thời kỷ nguyên số, biết lựa chọn sách, tìm nguồn thông tin đáng tin cậy, là "bộ lọc" thu thập các tài liệu điện tử một cách hiệu quả cho học sinh, sinh viên./.