24/11/2024 lúc 04:34 (GMT+7)
Breaking News

Ước mơ “Làng du lịch cam Vinh sinh thái” và làm nông không cần đất của cô gái trẻ đam mê với cam

VNHN - Là chủ của thương hiệu cam Vinh đình đám, liên kết với gần ba mươi nông hộ trên diện tích khoảng 50 ha. Không chỉ đưa được trái cam vào các siêu thị lớn, nổi tiếng kỹ tính, Nguyễn Thị Lê Na còn chế biết mứt cam, mứt vỏ cam, tinh dầu cam… Ước mơ lớn nhất của chị là một “Làng du lịch cam Vinh sinh thái” và làm nông không cần đất.

VNHN - Là chủ của thương hiệu cam Vinh đình đám, liên kết với gần ba mươi nông hộ trên diện tích khoảng 50 ha. Không chỉ đưa được trái cam vào các siêu thị lớn, nổi tiếng kỹ tính, Nguyễn Thị Lê Na còn chế biết mứt cam, mứt vỏ cam, tinh dầu cam… Ước mơ lớn nhất của chị là một “Làng du lịch cam Vinh sinh thái” và làm nông không cần đất.

Đất Minh Hợp (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) là một vùng cam khá nổi tiếng. Na lớn lên, đi học đại học nhờ những gốc cam bố mẹ chị chăm bẵm ngày đêm. Tiếng Anh ổn, Na có một công việc tốt ở công ty Honda Việt Nam. Khoảng sáu, bảy năm trước, trong một lần về quê, chị tận mắt chứng kiến vườn cam bạt ngàn của bố mẹ không bán được, phải đổ bỏ; trong khi ngoài thị trường tràn ngập hoa quả Trung Quốc. Đang rối thì có đơn vị đặt mua 1,5 tấn cam tươi, ông Kỳ - bố chị mừng như bắt được vàng. Ông thuê xe tải chở cam ra Hà Nội giao cho khách. Nhưng cam giao xong mà không lấy được tiền, mất cả cam lẫn tiền thuê xe tải.

Lê Na nhờ mọi kênh thông tin để tìm đơn vị kia và thu hồi về được gần một tấn. Chị tự bán số cam đó giúp bố mẹ. Hàng hết, nhưng cú vấp bị lừa, thêm nỗi xót xa khi chứng kiến mồ hôi nước mắt của bố mẹ đổ xuống sông xuống biển; chị quyết định nghỉ việc, vay mượn tiền mở công ty, bán cam giúp bố mẹ. Na bảo lý do ban đầu gắn với cây cam chỉ đơn giản vậy. Sau đó, có thêm lý do muốn sống trong môi trường trong lành, được sử dụng những thực phẩm sạch do chính mình làm ra. “Nhưng khi về quê, làm việc cùng những gốc cam thì tôi thấy có rất nhiều vấn đề” - chị tâm sự.

Bấy giờ, vùng cam xã Đoài nổi tiếng của tỉnh Hà Tĩnh, hay vùng cam Quỳ Hợp quê chị đều gặp chung một tình trạng: Tuổi thọ của các gốc cam giảm dần, từ 20 năm xuống 10 năm, thậm chí chỉ dưới 10 năm. Rất hiếm vườn cam nào sống được 30 năm như khả năng có thể của nó. Chưa kể, nhiều vườn cam ngày càng cằn cỗi, thậm chí vàng úa, trút lá. “Phải khác biệt”, với suy nghĩ đó, Lê Na quyết định thuê thêm 2ha đất để trồng cam hữu cơ, với giống cam cho thu hoạch sau 28 tháng (sớm hơn cam Vinh 5 tháng). Lê Na là người trồng cây ăn quả đầu tiên của Nghệ An áp dụng thành công mô hình VietGAP.

Để chủ động đầu ra cho trái cam, ngoài chất lượng, chị thành lập Công ty Cổ phần Trang trại nông sản Phủ Quỳ, xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và đăng ký thương hiệu “Cam Vinh Kỳ Yến” rồi từng bước đưa trái cam vào các siêu thị, kênh phân phối lớn. Nhìn lại những ngày đầu xa chồng, đưa con nhỏ rời Hà Nội về Quỳ Hợp trồng cam, chị bảo đó là một quyết định khó khăn. Bởi ngoài việc “bẻ đường, rẽ lối”, thì thói quen canh tác ở quê vẫn là tự phát, luôn tiềm ẩn những rủi ro. Na cũng chứng kiến những người nông dân quê chị trồng cam rồi lại chặt bỏ để trồng chè, cao su… Nên chị càng quyết tâm “làm điều khác biệt”.

Không dừng lại ở việc bằng lòng với chỗ đứng của cam Vinh Kỳ Yến trên thị trường, năm 2016, Nguyễn Thị Lê Na hướng đến giấc mơ cao hơn: Trồng cam sinh thái. Năm 2019, đất đồi Quỳ Hợp xuất hiện một ông Tây tuổi 70, ăn dầm ở dề trong nông trại, tối ngày nói chuyện nông nghiệp và bàn bạc hướng phát triển vùng cam sinh thái. Người đàn ông Hà Lan tên Mart, là chuyên gia nông nghiệp, đã đi qua hơn 40 quốc gia, làm việc với nhiều mô hình nông nghiệp bền vững khắp thế giới. Lê Na đã mời ông Mart sang Việt Nam “thực địa” để chỉ ra những mặt được và chưa được của mô hình cam sinh thái mà Na đang theo đuổi.

Lê Na là người trồng cây ăn quả đầu tiên của Nghệ An áp dụng thành công mô hình VietGAP.

Na vẫn nhớ như in lời ông Mart nói: “Nhìn một khu vườn, người ta dễ buông lời xấu, đẹp, tốt hoặc kém theo cách nghĩ và cách nhìn của người ta, nhưng thực tế trên khu vườn đó biến đổi như thế nào mới là đáng quý. Và quan trọng hơn nữa, cháu cần phải làm cho khu vườn đẹp hơn, khoa học và bài bản hơn. Vì đó là cái kết quả để cháu cho mọi người xem, nên nó cần phải thu hút ánh nhìn của người khác đầu tiên”. Ông còn động viên: “Cháu đang đi đúng cách, làm đúng đường rồi, chỉ cần cháu chỉnh sửa một chút thôi, chỉ cần như vậy, là sức lan tỏa sẽ rất lớn, nhiều người nông dân sẽ tin theo cháu và cháu sẽ gặt hái được thành công.

Đừng chờ đợi 50 năm, hãy vận dụng và thực hiện nó, chỉ trong 5 năm nữa thôi, cháu sẽ thấy được thành quả hiện hữu”. Suốt nhiều ngày, câu chuyện của ông Tây cao lớn và người phụ nữ Việt bé nối dài như bất tận. Lê Na trăn trở, đâu sẽ là nền nông nghiệp nuôi sống bảy tỷ người trên Trái Đất? Nông nghiệp canh tác hữu cơ truyền thống đã có từ lâu đời, hay nền nông nghiệp thông thường - có hóa chất. Chị đã rất bất ngờ khi ông Mart chia sẻ, tại Hà Lan, 50% thực phẩm làm ra đang phải đổ bỏ đi, và nhiều nước trên thế giới cũng vậy. Vẫn tại Hà Lan, một quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, nhưng nhiều nhóm người phải đứng ra hô hào cấm dùng thuốc diệt cỏ, mà 20 năm vẫn không cấm nổi ở Hà Lan. Đấy, câu chuyện giải cứu nông sản và sử dụng thuốc diệt cỏ có phải chỉ lan tràn ở riêng Việt Nam đâu!

Và chị nhìn nhận: “Không nên chửi rủa hay chê trách, xỉa xói, gièm pha những người làm nông nghiệp chưa tốt, thậm chí là “bẩn”, gian dối, bởi nhận thức và sự hiểu biết của họ chưa tới. Vì thế, mình càng phải làm cho tới tận chân giá trị của nông nghiệp hữu cơ và chia sẻ nhiều hơn để họ hiểu. Còn thời gian để xỉa xói, chê trách người khác, hãy dùng để tìm hiểu học hỏi và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”. Không nói suông, ngay việc mời ông Mart về Phủ Quỳ trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, Lê Na đã tổ chức thành “lớp học” để nhiều người làm nông nghiệp khác cùng được “tận dụng” chuyên gia. Chị Vũ Thủy, người đứng đầu 3T Farm - một trong những HTX tiêu biểu trồng cam ở Cao Phong, Hòa Bình cũng có mặt ở Phù Quỳ để lắng nghe ông Mart, cũng như học hỏi kinh nghiệp của Lê Na cùng những nông trại khác.

Chị Thủy có thế mạnh cắt tỉa, tạo hình cây cam để chia sẻ trước lớp học. Nhưng chị bảo, chính chị mới là người được học hỏi được nhiều nhất từ Lê Na và các bạn trẻ. Lê Na kết thúc năm 2019 bằng việc chốt hợp đồng với đối tác bên Campuchia, họ giao cho chị 30ha đất để mở rộng vùng trồng cam mà không lấy tiền thuê đất, thậm chí còn cho gạo, sửa nhà cho Na cùng các cộng sự ở, làm việc và gây dựng ý tưởng ban đầu. Hơn sáu năm trước, Na về bán cam cho bố mẹ, thấy được nên ham, khi đó chị nghĩ, bán cam lấy tiền lời để mua đất tiếp tục trồng cam. Bí quyết chị đã có, thương hiệu cam Vinh Kỳ Yến đã in sâu trong tâm trí khách hàng, cam trồng đã có sẵn đầu ra, thế là lời lãi từ gốc tới ngọn.

Nhưng càng đi, càng tiếp xúc, Lê Na càng nhận ra người nông dân cần đất đai, là chủ của đất đai, và đất đai cũng cần bàn tay người nông dân chăm sóc. Na từng chứng kiến anh Dũng, một cán bộ thôn trên đất Phủ Quỳ, các chương trình tập huấn nông dân anh đều tham gia. Mọi loại phân, thuốc trừ sâu hóa học do người ta đưa về, giới thiệu là tối ưu, đều được anh sử dụng trong vườn cam nhà mình. Sau ba năm vay vốn ngân hàng đầu tư, vườn cam của anh không những chẳng được thu, mà còn héo hon, trụi lá.

Anh cắn răng đào bỏ nửa diện tích cam để trồng mía với hy vọng gỡ gạc. Đến khi địa phương tổ chức tập huấn ở nông trại của Na, anh về, thử theo cách của vườn cam Kỳ Yến. Gọi là nhắm mắt đưa chân vậy thôi, chứ vợ chồng anh không còn cách nào khả dĩ hơn. Sau một năm nghe lời Lê Na không dùng bất cứ hóa chất nào, bất ngờ, vườn cam của anh đã xanh trở lại. Gặp Na, anh Dũng cảm ơn rối rít vì đã hai năm nay anh không mất một đồng nào cho hóa chất; trong khi trước đây, mỗi tuần đều đặn, anh mất đến 3 triệu đồng cho riêng thuốc trừ sâu. Có hôm, lớp tập huấn nông dân của Na có gần 50 người tham dự, đều là những nông hộ nghèo nhất của hai xã Nghĩa Xuân, Minh Hợp.

Trong số đó có người không biết chữ, có những người nói không rõ tiếng do di chứng của dioxin. “Nhìn họ, tôi thấy cuộc đời mình, những việc làm của mình sẽ ý nghĩa biết bao nếu sau này họ không còn nợ ngân hàng vài chục triệu, không cần hưởng trợ cấp của nhà nước nhờ giá trị vườn cam của chính họ”. Tham vọng của chị, là thay đổi thói quen canh tác không chỉ ở 50ha với gần 30 nông hộ liên kết, mà thay đổi thói quen của cả một khu vực. Như thế, chị vẫn gắn bó với nông nghiệp mà không cần đất. Với chị, lan tỏa phương thức trồng cam sinh thái chính là sứ mệnh, bởi đó không chỉ là thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, mà còn là cách giữ nông dân ở lại với ruộng đồng, yêu ruộng đồng; và cũng là cách giúp nông dân thoát nghèo bền vững.