“Nếu được bầu là Đại biểu Quốc hội khoá tới, với những kiến thức kinh nghiệm của mình sẽ cố gắng nghiên cứu, tham gia ý kiến trong hoạt động Quốc hội để có được cơ chế chính sách, pháp luật thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp nói chung, trong đó có PVN”, ứng cử viên Lê Mạnh Hùng cam kết.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị (Nguồn ảnh: PetroTimes)
Ngày 27/4/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, đã ký ban hành Nghị quyết số 559/NQ-HĐBCQG công bố danh sách chính thức 868 người ứng cử tại 184 đơn vị bầu cử trong cả nước để bầu 500 ĐBQH khóa XV. Trong đó, có hơn 30 doanh nhân và đại diện các hiệp hội, nghiệp đoàn về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Danh sách trên ghi tên ông Lê Mạnh Hùng, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Ông Lê Mạnh Hùng, sinh năm 1973, tại Hưng Yên. Ông tốt nghiệp Đại học Bách khoa với bằng Kỹ sư Công nghệ Tổng hợp Hoá dầu và Hữu cơ. Năm 2003, ông nhận bằng Thạc sĩ chuyên ngành Công nghệ hoá dầu ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 2008, ông trở thành Tiến sĩ chuyên ngành Hoá dầu và Xúc tác hữu cơ.
Ông Lê Mạnh Hùng được đánh giá là người có bề dày kinh nghiệm trong ngành dầu khí. Năm 2000, ông làm kỹ sư công nghệ tại Công ty Liên doanh Nhà máy Lọc dầu Việt Nga. Trong giai đoạn từ năm 2001 - 2005, ông là kỹ sư công nghệ, khối kỹ thuật, thuộc Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí (DMC).
Ông từng có một năm công tác tại Ban Chế biến Dầu khí, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam trước khi về làm nhiệm vụ tại Vụ Dầu khí, Văn phòng Chính Phủ từ năm 2006 - 2007. Sau đó, ông Hùng được điều động trở lại Phó trưởng ban Chế biến dầu khí.
Năm 2009, ông được bầu làm Phó Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Hóa dầu Long Sơn, Trưởng Ban quản lý Dự án Cụm khí điện đạm Cà Mau.
Năm 2011, ông được bầu làm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC).
Từ năm 2011 - 2013, ông lần lượt giữ các chức vụ Trưởng ban Quản lý Dự án, đến Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC). Ông giữ vai trò quan trọng trong việc điều hành, quản lý công tác xây dựng, sản xuất của Nhà máy Đạm Cà Mau.
Năm 2013, ông Hùng được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc PVN, phụ trách các lĩnh vực: Công nghiệp lọc hóa dầu; công nghiệp khí, các dự án điện khí; công tác an toàn - sức khỏe - môi trường; công tác quản lý chất lượng và công nghệ thông tin của tập đoàn.
Từ năm 2019 đến nay, ông giữ chức thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc PVN.
Trong Hội nghị thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV của PVN, ông Lê Mạnh Hùng cam kết: Nếu được bầu là Đại biểu Quốc hội khoá tới, với những kiến thức kinh nghiệm của mình sẽ cố gắng nghiên cứu, tham gia ý kiến trong hoạt động Quốc hội để có được cơ chế chính sách, pháp luật thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp nói chung, trong đó có PVN.
Ông Hùng cũng cho hay, thông qua diễn đàn Quốc hội sẽ "trao đổi những khó khăn, tâm tư nguyện vọng của ngành dầu khí, đồng thời thông tin, chia sẻ với cử tri cả nước về PVN để nhân dân có được những thông tin đúng, hiểu đúng về vai trò, vị trí của PVN trong phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng"./.