Việt Nam đang có những bước đi tích cực để giành vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, bà Diana Torres, Trợ lý Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, khẳng định.
Toàn cảnh phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an LHQ về tình hình Afghanistan, tại New York (Mỹ) ngày 16/8/2021 (Ảnh: THX/TTXVN)
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN bên lề Hội thảo quốc tế tham vấn về dự thảo Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Việt Nam, diễn ra tại Hà Nội ngày 22/10, bà Torres bày tỏ tin tưởng vào khả năng Việt Nam sẽ trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Theo bà Torres, sự có mặt của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc sẽ có ý nghĩa “rất quan trọng” bởi Việt Nam có cơ hội lồng ghép các nghĩa vụ và tiêu chuẩn quốc tế vào khuôn khổ pháp lý quốc gia, đồng thời Việt Nam sẽ trở thành nước trực tiếp tham gia thúc đẩy các nỗ lực nhân quyền ở cấp độ toàn cầu.
Đề cập tới việc lần đầu tiên Việt Nam xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III để gửi lên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, đại diện UNDP đánh giá cao sáng kiến này của Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh đây là một nỗ lực tích cực “thể hiện cam kết của Việt Nam về các vấn đề nhân quyền ở cấp độ quốc tế”.
Báo cáo giữa kỳ tự nguyện tạo thêm cơ hội cho Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, thể hiện thiện chí, quyết tâm chính trị và hướng đi đúng đắn trong nỗ lực thực hiện các khuyến nghị, theo bà Torres, người đồng thời giữ chức Trưởng phòng Quản trị và Tham gia của UNDP tại Việt Nam.
Đánh giá về báo cáo của Việt Nam trong việc thúc đẩy quyền con người, bà Torres nhận định báo cáo phản ánh tiến bộ vượt bậc của Việt Nam trong đảm bảo các quyền kinh tế, xã hội, đặc biệt bảo trợ xã hội, bảo hiểm y tế, xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới.
“Những kết quả này mang tính bao trùm, thậm chí trong mối tương quan với các nước khác trong khu vực, Việt Nam thể hiện sự tiến bộ và hướng đi đúng trong lĩnh vực nhân quyền”, bà Torres nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với đại diện UNDP, ông Stephen Taylor, Tham tán chính trị Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, cho rằng Việt Nam đã đạt được tiến bộ tích cực trong đảm bảo các quyền kinh tế và xã hội cho người dân.
Theo ông Taylor, Việt Nam đang phát triển rất nhanh, nền kinh tế ngày càng rộng mở, tạo thêm nhiều cơ hội cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế và lương thực, thực phẩm. Ông cũng đề cao những nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt trong giai đoạn đầu chống dịch khi Việt Nam đã rất kịp thời đưa ra biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.
Trong khi đó, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, đánh giá cao tiến bộ của Việt Nam trong xóa đói giảm nghèo, cũng như những nỗ lực hỗ trợ các nhóm đối tượng yếu thế, dân tộc thiểu số và người khuyết tật.
Ông Aliberti nhấn mạnh EU sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tiếp tục đạt được tiến bộ trong việc đảm bảo nhân quyền và thực hiện cam kết quốc tế, đồng thời bày tỏ tin tưởng vào những cam kết của Chính phủ Việt Nam để tạo ra kết quả bao trùm.
Tại Hội thảo quốc tế tham vấn về dự thảo Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị theo UPR chu kỳ III của Việt Nam, các đại biểu quốc tế cho rằng Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm quốc gia thành viên, sự minh bạch và nghiêm túc đối với Cơ chế UPR nói riêng và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền con người nói chung, trong bối cảnh Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Theo Dự thảo Báo cáo giữa kỳ của Việt Nam, tại Phiên thông qua Báo cáo UPR Chu kỳ III tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (tháng 7/2019), Việt Nam đã thông báo chấp thuận 241/291 khuyến nghị (đạt 83%). Ngày 31/12/2019, tại Quyết định số 1975/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện các khuyến nghị đã chấp thuận, trong đó chỉ đạo việc xây dựng và nộp Báo cáo giữa kì thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III.
Cho đến nay, Việt Nam đã thực hiện 199/241 khuyến nghị, đang thực hiện hoặc thực hiện một phần 32/241 khuyến nghị, đang xem xét thực hiện vào thời điểm thích hợp 10/241 khuyến nghị.
Báo cáo giữa kỳ này là cơ sở để Việt Nam đánh giá tình hình triển khai các khuyến nghị đã chấp thuận, rút bài học kinh nghiệm và chuẩn bị cho việc xây dựng Báo cáo quốc gia tại Phiên UPR chu kỳ IV, dự kiến vào năm 2024.