20/12/2024 lúc 13:22 (GMT+7)
Breaking News

Ùn tắc nông sản ở cửa khẩu: Sẽ có đề án riêng cho thị trường Trung Quốc

Để tránh tình trạng tiếp tục ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu biên giới Việt – Trung, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết sẽ xây dựng đề án riêng cho thị trường Trung Quốc.

Để tránh tình trạng tiếp tục ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu biên giới Việt – Trung, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết sẽ xây dựng đề án riêng cho thị trường Trung Quốc.

Ùn tắc nông sản ở cửa khẩu: Sẽ có đề án riêng cho thị trường Trung Quốc

Trao đổi tại tọa đàm "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho hay, từ sau Tết Nguyên đán, việc ùn ứ nông sản đã xuất hiện trở lại. 

“Đến sáng nay 3/3 lượng xe đang chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu tại Lạng Sơn là 1.400 xe, trong đó có 800 xe chở nông sản. Trong khoảng thời gian này, tỉnh Lạng Sơn đang tạm dừng tiếp nhận hoa quả tươi đến các cửa khẩu Lạng Sơn đến thời điểm 15/3”, bà Hà nói.

Dự báo từ 15/3 đến 20/4, lượng xe hoa quả nông sản qua cửa khẩu Lạng Sơn có thể lên tới 2.000 xe, bởi xung quanh địa bàn cửa khẩu có 500 xe lên và chờ hết thời gian tạm dừng tiếp nhận nông sản để vào các cửa khẩu Lạng Sơn. Lượng xe vẫn có tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nông sản đang vào chính vụ.

“Với lượng nông sản đang vào chính vụ như vậy mà tiêu thụ nội địa chưa được nhiều, cơ bản vẫn chuyển lên cửa khẩu, cho nên hiện tượng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu vẫn tiếp diễn”, bà Hà dự báo.

Ghi nhận đến thời điểm hiện nay, có 13/78 cửa khẩu hoạt động. Tuy nhiên từ 26/2 đến nay, hàng nông sản chỉ xuất khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn. Các cửa khẩu ở địa phương khác đã tạm dừng.

UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng Phương án thiết lập "vùng xanh, luồng xanh" để kiểm soát dịch bệnh trên người và hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh.Tuy nhiên, tiêu chí, điều kiện về y tế với người cũng như phương tiện hàng hóa của chúng ta và phía bạn còn quy định khác nhau, chưa thống nhất, gây khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu suất thông quan.

Bên cạnh các yếu tố khách quan như Trung Quốc áp dụng các chính sách quản lý chặt chẽ dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng "nền kinh tế nông nghiệp rất mù mờ, không đi vào quỹ đạo".

Bộ trưởng cho rằng, chúng ta vẫn giữ tư duy sản xuất nông nghiệp chứ chưa có tư duy thị trường. Vấn đề ùn ứ nông sản đã được đặt ra từ 3-4 năm trước, nhưng căn bệnh mù mờ trong sản xuất khiến chúng ra vẫn chưa có lối ra bài bản. Người làm nông nghiệp chỉ chú ý tạo ra sản lượng chứ chưa phải tư duy kinh tế là tìm kiếm và đáp ứng nhu cầu thị trường. Dẫn tới sự "vênh nhau" giữa sản xuất và thị trường.

“Chúng ta hồ hởi với những con số về kết quả xuất khẩu, mà quên mất đi những rủi ro, có thể đứt gãy bất kỳ lúc nào”, Bộ trưởng nói.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng đưa ra cảnh báo bà con nông dân, các doanh nghiệp có tâm lý chủ quan đối với thị trường Trung Quốc, cho rằng đây là thị trường dễ tính. Nhưng khi thị trường này thay đổi là doanh nghiệp trở tay không kịp.

Còn theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, việc lập các khu trung chuyển cho khách hàng Trung Quốc xem hàng (nếu cần), sau đó giao hàng là rất cần thiết. Các điểm trung chuyển không chỉ làm thủ tục hải quan, mà có thể tập trung cả tuyển chọn phân loại đóng gói theo tiêu chuẩn của bạn…

“Cách làm như hiện nay đưa hàng sang tuyển chọn phân loại, hàng tốt lấy, không đạt trả về thì tốn kém, mất chủ động giao hàng. Nên cần có các khu trung chuyển đa năng là giải pháp hỗ trợ xử lý được tồn tại hiện nay”, ông Chinh bày tỏ quan điểm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho biết thêm, sắp tới Bộ sẽ đưa ra dự thảo đề án về xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan ngoại giao và thương vụ Việt Nam bên Trung Quốc. Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục thúc đẩy ký kết các nghị định thư về kiểm dịch thực vật nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc.

“Chúng ta đang định kỳ làm việc với phía bạn, một số mặt hàng chưa nằm trong nghị định thư, phía bạn cũng đồng ý quan điểm hai bên sẽ ngồi lại để mở rộng thêm mặt hàng nông sản để xuất khẩu chính ngạch. Do dịch Covid-19 nên các chuyên gia, cán bộ của Trung Quốc chưa sang để cụ thể hóa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đang thúc đẩy việc này cùng Bộ Công Thương để làm sao sớm nhất chúng ta có nhiều loại nông sản hơn để xuất khẩu chính ngạch”, Bộ trưởng cho hay.