12/01/2025 lúc 11:11 (GMT+7)
Breaking News

Tuyên Quang: Công bố Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020

Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số CCHC năm 2020 (PAR INDEX) của các bộ, ngành, địa phương và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020 (SIPAS).

Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số CCHC năm 2020 (PAR INDEX) của các bộ, ngành, địa phương và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020 (SIPAS).

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang có các đồng chí: Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, các huyện, thành phố.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang.

Chỉ số CCHC được thực hiện kết hợp tự đánh giá của các bộ, các tỉnh với đánh giá thông qua điều tra xã hội học và kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Việc triển khai điều tra xã hội học với quy mô trên 22.500 cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý tại các bộ, ngành, địa phương và trên 36.600 người dân, đại diện tổ chức, một số hội, hiệp hội là một cuộc điều tra có quy mô lớn, có tính toàn diện, đa dạng, đa chiều, tiếp cận đánh giá từ dưới lên trên, đánh giá cả bên trong và bên ngoài cơ quan, tổ chức.

Kết quả PAR INDEX 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng điểm cao nhất với tổng điểm 95,88; Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt điểm thấp nhất với tổng điểm 83,24.

Giữa các vùng kinh tế đều có giá trị trung bình Chỉ số CCHC tăng cao hơn so với năm 2019 và đều đạt giá trị trên 80%. Giá trị trung bình cao nhất là vùng kinh tế Đông Nam Bộ với kết quả đạt 85,88%; tiếp theo là khu vực Đồng bằng sông Hồng, đạt 85,51%. Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là vùng kinh tế đạt giá trị thấp nhất, với kết quả là 81,41%.

Kết quả PAR INDEX 2020 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Quảng Ninh là địa phương đứng đầu bảng xếp hạng với tổng điểm đạt 91,04, Quảng Ngãi đứng cuối bảng xếp hạng với tổng điểm đạt 73,25. Tỉnh Tuyên Quang đứng ở vị trí 35/63 tỉnh, thành phố với tổng điểm đạt 83,81, tăng 0,99 điểm so với năm 2019.

Chỉ số SIPAS được Bộ Nội vụ phối hợp với MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, khảo sát ý kiến của gần 35.268 người dân và tổ chức từ hơn 3.000 đơn vị hành chính cấp xã thuộc hơn 600 đơn vị hành chính cấp huyện của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là năm thứ tư Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan triển khai đo lường sự hài lòng của người dân và tổ chức.

Tỉnh Quảng Ninh vẫn là địa phương đứng đầu bảng xếp hạng 63 tỉnh, thành phố với Chỉ số hài lòng 95,76%, tỉnh Bình Thuận đứng cuối bảng xếp hạng với Chỉ số hài lòng 75,68%. Tỉnh Tuyên Quang đứng ở vị 49/63 tỉnh, thành phố với Chỉ số hài lòng 82,25%.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, trong bối cảnh cả nước đang chung tay phòng chống dịch bệnh Covid-19, điều này đòi hỏi công tác CCHC cần phải tiếp tục có sự đổi mới tốt hơn để phục vụ tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân. Qua những kết quả được công bố về Chỉ số CCHC và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ cơ quan hành chính nhà nước cho thấy những nỗ lực lớn của các cấp, các ngành, các địa phương trong thời gian qua trong công tác CCHC, phục vụ nhân dân.

Đồng chí đề nghị, trong thời gian tới, căn cứ vào kết quả Chỉ số CCHC, Chỉ số hài lòng của người dân, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà phải trực tiếp chỉ đạo khắc phục hạn chế, tạo được bước đột phá trong CCHC, hoàn thiện quy trình quy chế làm việc và phải có chế tài xử lý những vi phạm trong công tác CCHC. Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo sự phục vụ của cơ quan nhà nước. Các cấp, các ngành, các địa phương phải tiếp tục đẩy mạnh rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp, khơi thông nguồn lực kinh tế. Các cơ quan hành chính Nhà nước tiếp tục tăng cường áp dụng một cửa điện tử, hệ thống văn bản quản lý, điều hành… góp phần xây dựng Chính phủ điện tử; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác CCHC, tập trung ưu tiên nguồn lực xây dựng Chính phủ điện tử... Các bộ, ngành, địa phương cần bắt tay ngay vào xây dựng thực hiện tốt các biện pháp CCHC, tạo tiền đề sức mạnh gian đoạn tới.