VNHN - Thông qua Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN (ASCN), ASEAN có thể tiếp tục mở rộng đáng kể vai trò trung tâm trong nền kinh tế số mới.
Tháng 11/2019, Hàn Quốc đã thông báo thành lập một hội đồng tư vấn về các dự án thành phố thông minh với 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Điều này diễn ra sau nỗ lực của Mỹ và Trung Quốc nhằm tiếp cận với ASCN. Theo đề xuất của Singapore, ASCN đã được thiết lập vào tháng 4/2018 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đô thị thông minh, bền vững trên toàn ASEAN.
Vai trò trung tâm của ASEAN
Mạng lưới này được đưa ra nhằm khuyến khích sự hợp tác lớn hơn giữa các nước thành viên ASEAN trong việc phát triển thành phố thông minh, làm chất xúc tác cho các dự án có thể đầu tư cùng với khu vực tư nhân, và đảm bảo việc cấp vốn và hỗ trợ từ các đối tác bên ngoài ASEAN. Với việc thành lập ASCN và sự quan tâm ngày càng tăng từ các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc, việc phát triển thành phố thông minh không còn đơn giản là vấn đề của các thị trưởng và các nhà lãnh đạo thành phố mà mang tính khu vực, với những tác động đáng kể đến việc thực hiện chính sách kinh tế ở châu Á.
Ngay cả trước khi ASCN được thành lập, ASEAN đã thống nhất quan điểm tập trung vào phát triển thương mại và kinh tế ở Đông Á. Nỗ lực này bắt đầu với Khu vực thương mại tự do ASEAN, cho phép hình thành các Hiệp định thương mại tự do (FTA) “ASEAN +” khác nhau với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, rồi đến các công cụ thương mại đa phương rộng lớn hơn như Khuôn khổ ASEAN+3 và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được đề xuất. ASEAN đóng vai trò trung tâm trong sự năng động thương mại và kinh tế khu vực.
Dù là Khuôn khổ ASEAN+3 hay RCEP, chủ nghĩa khu vực thương mại đã tập trung mạnh mẽ vào ASEAN. Việc thành lập ASCN và những nỗ lực sau đó của các nước thành viên ASEAN nhằm thu hút các nền kinh tế lớn của khu vực đem lại sự phát triển tự nhiên của “vai trò trung tâm của ASEAN”. Thông qua ASCN, ASEAN có thể tiếp tục mở rộng đáng kể vai trò trung tâm trong nền kinh tế số mới.
Giống như RCEP hay Khuôn khổ ASEAN+3, ASCN có thể được coi là nền tảng hùng mạnh, qua đó ASEAN có thể tiếp cận với các nền kinh tế lớn khác. Điều này có thể đưa các thành phố thông minh ở khu vực ASEAN tiếp cận với nguồn vốn và thị trường lớn hơn. Ngoài những lợi ích kinh tế này, ASCN cũng có thể giúp các nước thành viên ASEAN tận dụng được những nhân tố thuận lợi như tri thức, công nghệ, và quan trọng nhất là dữ liệu.
Những sự chuyển giao công nghệ và tri thức này sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi các nước thành viên ASEAN tiếp cận với những lĩnh vực công nghệ cao cấp hơn từ các nền kinh tế như Trung Quốc và Mỹ. Về khía cạnh chính sách, điều này có nghĩa là ngoại giao kinh tế trong nền kinh tế số mới sẽ khác đáng kể so với ngoại giao kinh tế cũ. Thay vì tập trung vào những thành quả kinh tế, ngoại giao kinh tế số mới sẽ cần tập trung vào việc nâng cao tri thức và công nghệ. Điều này luôn đi cùng với sự hợp tác khu vực.
Thông qua ASCN, ASEAN có thể tiếp tục mở rộng đáng kể vai trò trung tâm trong nền kinh tế số mới.
Singapore đi tiên phong
Với Singapore, nỗ lực mở rộng hợp tác phát triển thành phố thông minh và ngoại giao kinh tế số mới không còn là điều mới mẻ. Quả thực, nhà nước-thành phố này từ lâu đã tìm cách hợp tác với các thành phố khác trên khắp khu vực, trong đó có hợp tác với Trung Quốc nhằm thiết lập các thành phố thông minh và bền vững ở Thiên Tân và Trùng Khánh.
Singapore đang nổi lên với vai trò là thành phố thông minh hàng đầu và là trung tâm công nghệ tài chính của khu vực Đông Nam Á. Theo báo cáo của Bộ phận phân tích, dự báo và tư vấn rủi ro EIU thuộc tập đoàn The Economist (Anh) được công bố hồi đầu năm nay, Singapore có số lượng công ty công nghệ tài chính lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Quốc đảo này cũng đã chứng tỏ sự thành công đáng kể trong việc thiết lập cơ sở hạ tầng đô thị cần thiết cho việc phát triển thành phố thông minh. Có được vị trí là trung tâm thương mại hàng đầu và là trung tâm tài chính toàn cầu ở khu vực Đông Nam Á, Singapore dần trở thành nhà cung cấp hàng đầu các giải pháp đô thị thông minh cho khu vực. Đây sẽ là chất xúc tác cho tăng trưởng và mở rộng các thành phố thông minh trên toàn khu vực ASEAN. Những ví dụ của Singapore và ASCN cho thấy, tương lai phát triển thành phố thông minh thực sự mang tính khu vực.
Do bản chất hội nhập cao của nền kinh tế số mới và tốc độ của các dòng dữ liệu và vốn chảy qua các biên giới quốc gia, các thành phố thông minh của ASEAN sẽ được lợi từ sự hợp tác kinh tế và công nghệ chặt chẽ hơn, hoặc giữa các nước ASEAN với các nền kinh tế bên ngoài như Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc. Hơn nữa, khả năng chuyển giao công nghệ và tri thức đem lại cơ hội tốt cho việc học hỏi chính sách giữa các nhà hoạch định chính sách đô thị của ASEAN.
Khi các thành phố thông minh tiếp tục phát triển mạnh trên khắp châu Á, những người đứng đầu thành phố sẽ được chia sẻ những kinh nghiệm chính sách quý giá với các đối tác nước ngoài. Chính sách đô thị không còn chỉ là mối quan tâm về chính sách đối nội, mà thay vào đó, nó đã trở thành một nỗ lực cộng tác nhằm khai thác mạng lưới rộng lớn hơn các thành phố thông minh, trong tiến trình biến đổi cơ cấu kinh tế khu vực.