19/01/2025 lúc 13:35 (GMT+7)
Breaking News

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Trong quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm đặc biệt đến đội ngũ trí thức yêu nước, tâm huyết với cách mạng, Người đã đưa ra những quan điểm rất cơ bản có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, định hướng cho Đảng ta xây dựng đội ngũ trí thức cách mạng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu trí thức dự Hội nghị Chính trị đặc biệt tháng 3-1964. Ảnh tư liệu

1. Nhận thức về vị trí, vai trò của trí thức trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc

Trí thức là một lực lượng đặc biệt quan trọng của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ vị trí, vai trò của người trí thức đối với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Người cho rằng: “Lực lượng chủ chốt của cách mạng là công nhân và nông dân… Nhưng cách mạng cũng cần có lực lượng của trí thức” (1). Liên minh công nhân - nông dân - trí thức phải đề cao tinh thần đoàn kết, tạo thành một khối thống nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp để thực hiện nhiệm vụ nhiệm vụ của cách mạng, phục vụ nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy tinh thần cách mạng và trái tim yêu nước nhiệt thành của đội ngũ trí thức Việt Nam, xác định chính trí thức sẽ là những người có khả năng giúp đưa những tư tưởng cách mạng thẩm thấu vào quảng đại quần chúng nhân dân, để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin và chuẩn bị lực lượng nòng cốt tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Lời kêu gọi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930), Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ vai trò của trí thức đối với sự nghiệp cách mạng, Người chỉ rõ: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt, …” (2). Khi trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra sáng kiến thành lập Mặt trận Việt Minh nhằm đoàn kết toàn thể quần chúng nhân dân, trong đó có đội ngũ trí thức, để thực hiện mục tiêu chung là đánh Pháp, đuổi Nhật giành lại độc lập cho đất nước. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, trong lúc này “lao động trí óc có nhiệm vụ rất quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, trong công cuộc hoàn thành dân chủ mới để tiến đến chủ nghĩa xã hội (3). Người xác định, trí thức chính là những người có tầm hiểu biết cao hơn so với mặt bằng chung của các tầng lớp, giai cấp khác của dân tộc; vì vậy, trong giai đoạn này, trí thức phải có trách nhiệm đối với việc “Khai dân trí, chấn dân khí”. Đó là yêu cầu cấp bách trong giai đoạn này, bởi Người coi “giặc dốt” cũng là bạn đồng hành của giặc ngoại xâm. Khi miền Bắc Việt Nam được giải phóng và bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam vẫn tiếp tục đấu tranh để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham dự và chỉ đạo nhiều đại hội, hội nghị của trí thức Việt Nam, chỉ ra vị trí, vai trò và những khả năng, cống hiến to lớn của đội ngũ trí thức cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Trí thức là “vốn liếng” quý báu của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều” (4). Người dẫn lại lời dạy của V.I. Lê-nin rằng: “Chỉ có những người cách mạng chân chính mới có thể thu thái được những điều hiểu biết quý báu của các đời trước để lại” (5); và chính Người, không chỉ thâu thái những điều hiểu biết quý báu của “đời trước để lại”, mà còn bổ sung nhiều tư tưởng tiến bộ, nhân văn, có giá trị sâu sắc cho cách mạng Việt Nam. Nhiều trí thức đã có những cống hiến vĩ đại cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam, đã đóng góp, cống hiến không chỉ sức lực, trí lực, mà còn cả sinh mệnh của mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Nhờ đó, Đảng đã lãnh đạo toàn dân tộc giành được thắng lợi to lớn trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và xây dựng một chế độ mới tốt đẹp hơn. Trong bài nói chuyện tại Lễ bế mạc Lớp chỉnh huấn cán bộ trí thức năm 1953, Người nói: “Đảng, Chính phủ và nhân dân ta rất yêu quý trí thức. Yêu quý những trí thức gắn liền lý luận với thực hành, những trí thức thật lòng thật dạ phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến. Yêu quý những trí thức đoàn kết thành một khối với nhân dân, những trí thức của nhân dân” (6). Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức đề cao vai trò của trí thức và luôn tìm mọi cách phát huy tối đa sức mạnh của lực lượng này để đóng góp vào thành công chung sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Quan điểm của Người về vai trò và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức yêu nước đã có tác dụng to lớn trong việc động viên sức mạnh và trí tuệ toàn dân, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa; đồng thời, giúp cho người trí thức hiểu rõ về vị trí và khả năng cách mạng của họ, từ đó mà sẵn sàng hiến dâng cho Tổ quốc, cho nhân dân, cho dân tộc.

2. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ trí thức “có đức, có tài”, tâm huyết với cách mạng, với đất nước

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ trí thức cho cách mạng, đề ra phương châm vừa cải tạo và sử dụng những trí thức cũ, vừa xây dựng và phát triển lực lượng trí thức mới. Người đã rất đề cao, coi trọng người trí thức, các biện pháp, chính sách động viên, khuyến khích đội ngũ trí thức tham gia vào sự nghiệp cách mạng; đào tạo trí thức mới, cải tạo trí thức cũ, để xây dựng đội ngũ trí thức có phẩm chất khoa học, có đạo đức và năng lực thực tiễn cao. Người chỉ rõ, chế độ thực dân Pháp đã “nhồi sọ” vào một bộ phận không nhỏ trí thức Việt Nam những tư tưởng tư sản, nên bị ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân và những tàn tích phong kiến. Vì vậy, theo Người, khi đã thoát khỏi xiềng xích và ảnh hưởng ấy thì tài năng và đạo đức của trí thức ta đã tiến bộ vượt bậc.

Với đội ngũ trí thức mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương tăng cường tuyển chọn, đào tạo những trí thức xuất thân từ công nhân và nông dân - nòng cốt của cách mạng. Từ thực tiễn, Người đã khẳng định phải: “Đào tạo trí thức mới. Cải tạo trí thức cũ. Công nông trí thức hóa. Trí thức công nông hóa” (7). Điều đó có nghĩa là: Trí thức cần gần gũi công - nông và học tập tinh thần, nghị lực và sáng kiến của công - nông, mặt khác, cần có phương hướng và kế hoạch nhằm “nâng cao trình độ công nông về văn hóa lý luận” (8). Người chỉ rõ, trí thức phải tham gia vào lao động, tham gia vào phong trào đấu tranh của công nhân, học tập những ưu điểm của công nhân; gắn lý luận vào thực tiễn. Ngược lại, công nhân, nông dân phải không ngừng nâng cao trình độ, tri thức của mình.

Trong quá trình xây dựng và đào tạo trí thức, bên cạnh việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và khoa học - công nghệ, cần đặc biệt coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức, phong cách làm việc cho đội ngũ trí thức. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới lý tưởng và mục đích học tập, phấn đấu của người trí thức. Người mong muốn “người trí thức chúng ta trở thành những người trí thức của giai cấp công nhân, hết lòng hết sức phục vụ công nông, góp phần xứng đáng và vẻ vang vào công việc xây dựng chủ nghĩa xã hội” (9). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người trí thức phải học trong sách vở, học người đi trước và học ngay chính nhân dân, bởi vì nhân dân có những cách giải quyết hết sức đơn giản đối với các vấn đề phức tạp mà người trí thức nghĩ mãi không ra; vì vậy, phải trân trọng nhân dân, đề cao nhân dân. Đối với những trí thức hoạt động trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật, phải xác định nhân dân chính là nguồn “nhựa sống” vô cùng, vô tận cung cấp cho nhà văn, mà nếu rời xa nguồn “nhựa sống” đó thì nhà văn sẽ không thể nào sáng tác những tác phẩm hay được.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc rèn luyện “tài”, “đức” cho cán bộ, trong đó có đội ngũ trí thức. Người khẳng định, “có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người” (10).

Tiêu chí đào tạo người trí thức trong chế độ mới được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định cụ thể, đó là phải đào tạo toàn diện cả đức và tài. Nếu như “Một người học xong đại học, có thể gọi là có trí thức” (11); tuy nhiên, đó mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ để trở thành trí thức, bởi một người có trình độ học vấn cao chỉ có thể trở thành trí thức khi người đó đem tri thức của mình áp dụng vào hoạt động lao động, sáng tạo, áp dụng vào thực tế xã hội, để phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân. Đối với người trí thức mới, tài phải đi đôi với đức, trong đó đức là gốc, bởi: “Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng” (12). Người thiếu đạo đức thì dù có trình độ học vấn, có bằng cấp, học hàm, học vị cao đến mấy cũng chỉ được coi là người làm việc trí óc, chứ chưa thể gọi là trí thức. Để trở thành trí thức thì phải có tài và có đức, việc giáo dục và đào tạo đội ngũ trí thức phải xác định vừa giáo dục nghề nghiệp, tài năng, vừa giáo dục phẩm chất đạo đức, lý tưởng cách mạng; trí thức phải đem tri thức của mình phục vụ cho nhân dân và đất nước.

Để có được tài, đức, đội ngũ trí thức phải không ngừng học tập, nắm vững khoa học, kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nắm vững khoa học, kỹ thuật sẽ giúp nâng cao năng suất và tiết kiệm sức lao động, đồng thời tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu. Do đó, đội ngũ trí thức cần phải nắm vững khoa học, kỹ thuật và truyền bá cho xã hội, vận dụng những điều đó vào thực tiễn để phát triển sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Người trí thức cần xuống tận xí nghiệp, đồng ruộng, để xem công nhân, nông dân yêu cầu những gì, cần phải phổ biến những kiến thức nào cho công - nông. Đưa khoa học, kỹ thuật phục vụ sản xuất là một công việc nặng nề, nhưng cũng rất vẻ vang của đội ngũ trí thức. Đây cũng chính là cơ sở lý luận và thực tiễn để thực hiện liên minh công nhân - nông dân - trí thức, tạo thành lực lượng cách mạng to lớn của Đảng, của dân tộc trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Trí thức cũng cần phải có tinh thần lao động tích cực, khiêm tốn, học hỏi nhân dân. Bên cạnh việc khẳng định những cống hiến, hy sinh của đội ngũ trí thức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế và thiếu sót mà giới trí thức thường hay mắc phải, như bệnh kiêu căng, tự phụ, khinh thường người khác, khinh lao động chân tay, ngại khó nhọc, gian khổ. Từ đó, Người chân tình khuyên nhủ: “Trí thức là hiểu biết” nên “cần phải biết rõ cái khuyết điểm của mình. Phải khiêm tốn. Chớ kiêu ngạo. Phải ra sức làm các việc thực tế” (13). Ngoài ra, người trí thức phải khiêm tốn học hỏi nhân dân, phải làm gương cho nhân dân, đoàn kết chặt chẽ với nhân dân, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu.

Trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như cách mạng xã hội chủ nghĩa, để có một đội ngũ trí thức đông đảo và có chất lượng đáp ứng yêu cầu đề ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải mở trường lớp đào tạo một cách bài bản cả đức và tài cho đội ngũ trí thức. Vì vậy, chỉ một tuần sau khi đất nước giành được độc lập, Người đã ban bố ngay Sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ và kêu gọi toàn dân xóa nạn mù chữ. Người yêu cầu những người trí thức tích cực tham gia hoạt động này với vị trí đi đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng xem trí thức như là một lực lượng quan trọng trong khối liên minh với công nhân, nông dân, mà chiếm đa số là giai cấp công nhân và nông dân. Người dẫn Tuyên ngôn của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II để khẳng định: “Đảng Lao động Việt Nam sẽ gồm những công nhân, nông dân và lao động trí óc yêu nước nhất, hăng hái nhất, cách mạng nhất”, và chỉ rõ: “Lao động trí óc cần được khuyến khích giúp đỡ, phát triển tài năng” (14).

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi nhiều thanh niên, học sinh sang đào tạo về chuyên môn và khoa học ở Trung Quốc và Liên Xô. Số trí thức này sau khi trở về Tổ quốc là những người trực tiếp tham gia vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Đồng thời, Người còn cho mở một số trung tâm nghiên cứu khoa học và các cơ sở đào tạo bậc cao đẳng và đại học ở trong nước, như Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Cao đẳng Mỹ thuật... Với sự quan tâm, sâu sát của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với hoạt động giáo dục và đào tạo đội ngũ trí thức cho cách mạng, Việt Nam đã tổ chức và xây dựng được hàng loạt cơ sở nghiên cứu khoa học, các trường đại học và cao đẳng. Từ đây, mỗi năm lại cung cấp một số lượng lớn các nhà khoa học phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

Nhằm ứng phó với những khó khăn của nạn thù trong giặc ngoài sau khi chính quyền cách mạng được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra và thực thi nhiều biện pháp khôn khéo và linh hoạt, nhằm thu phục và sử dụng tài năng của trí thức phục vụ lợi ích tối cao của dân tộc. Để thu phục nhân tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh chân thành nói với đồng bào cả nước: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân”, và Người yêu cầu “các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết” (15). Trong những người tài đức ấy có đội ngũ trí thức và các nhân sĩ yêu nước. Nghe theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, các nhà khoa học và cả các quan lại cũ của triều đình nhà Nguyễn trước kia đã tìm về với cách mạng, tích cực ủng hộ và tham gia các hoạt động của chính quyền cách mạng. Trong Chính phủ lâm thời được thành lập sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, có rất nhiều vị bộ trưởng, thứ trưởng là trí thức, tiêu biểu như Nguyễn Văn Tố (Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội), Trần Huy Liệu (Bộ trưởng Bộ Thông tin, Tuyên truyền), Vũ Đình Hòe (Bộ trưởng Bộ Giáo dục), Vũ Trọng Khánh (Bộ trưởng Bộ Tư pháp) và sau này tiêu biểu có cụ Huỳnh Thúc Kháng, một bậc đại nho, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm quyền Chủ tịch nước khi Người sang Pháp. Nhiều trí thức đã tham gia tích cực, có đóng góp to lớn trong phong trào “Bình dân học vụ” và xóa nạn mù chữ trong cả nước. Người còn vận động và kêu gọi được nhiều trí thức và các nhà khoa học nổi tiếng đang sống ở nước ngoài, như kỹ sư Phạm Quang Lễ, bác sĩ Trần Hữu Tước, kỹ sư Võ Quý Huân… trở về Tổ quốc tham gia kháng chiến và xây dựng nền khoa học nước nhà. Đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều trí thức, nhân sĩ đã trở thành những danh nhân, anh hùng lao động, những người đứng đầu các cơ sở đào tạo, các trung tâm nghiên cứu khoa học, từ đây đã đào tạo một đội ngũ rất lớn trí thức trẻ phục vụ cho sự nghiệp cách mạng. Đó là những nhà khoa học, người thầy tiêu biểu như: Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Giáo sư Trần Hữu Tước, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Giáo sư Tạ Quang Bửu, Giáo sư Đặng Văn Ngữ, Giáo sư Tôn Thất Tùng, ...

3. Những giải pháp chủ yếu để xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới đất nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về trí thức đã bổ sung những giá trị to lớn vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Những quan điểm của Người về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của người trí thức, đặc biệt là tư tưởng về tổ chức xây dựng một đội ngũ trí thức lớn mạnh tham gia khối liên minh công nhân - nông dân - trí thức là sự đóng góp lớn vào lý luận về cách mạng xã hội chủ nghĩa và đường lối đổi mới đất nước của Đảng ta.

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CM 4.0) đang diễn ra sâu rộng, đặc biệt là sự phát triển nhanh, mạnh của công nghệ thông tin, internet, trí tuệ nhân tạo (AI) đòi hỏi đội ngũ trí thức phải vừa có đức, vừa có tài, đáp ứng được yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta ngày càng quan tâm đến xây dựng đội ngũ trí thức, cũng như đánh giá cao vai trò của đội ngũ trí thức trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6-8-2008, của Hội nghị Trung ương 7 khóa X, “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đã đưa ra năm nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức trong giai đoạn hiện nay, cụ thể là: Hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức; thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức; tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng trí thức; đề cao trách nhiệm của trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các hội của trí thức; nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo của Ðảng đối với đội ngũ trí thức.

Đại hội XII của Đảng cũng đã khẳng định: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đãi ngộ và tôn vinh xứng đáng những cống hiến của trí thức. Có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài của đất nước. Coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội” (16).

Đến Đại hội XIII của Đảng đặc biệt quan tâm đến xây dựng đội ngũ trí thức và thu hút nhân tài. “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức. Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng. Thật sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức” (17). Cùng với sự phát triển của đất nước, đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay đã tăng nhanh về số lượng, nâng lên về chất lượng, đóng góp tích cực vào việc hoạch định chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần quan trọng đưa đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới; đồng thời, tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, đội ngũ trí thức Việt Nam còn bộc lộ nhiều hạn chế và yếu kém. Số lượng và chất lượng đội ngũ trí thức chưa đáp ứng được yêu cầu đối với sự phát triển đất nước, đặc biệt là trong giai đoạn toàn cầu hóa đang diễn ra hết sức sâu rộng hiện nay. Cơ cấu đội ngũ trí thức không đồng đều, còn tập trung vào một số ngành, nghề và độ tuổi nhất định. Trí thức tinh hoa và người tài còn ít và chậm được phát hiện. Đánh giá trí thức còn thiên về trình độ bằng cấp, mà thiếu cơ sở đánh giá dựa trên năng lực thực sự; đặc biệt, năng lực sáng tạo, khả năng ứng dụng vào công việc, khả năng sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin còn là điểm yếu của một bộ phận đội ngũ trí thức. Một số trí thức còn ngại va chạm, không mạnh dạn bày tỏ chính kiến của mình một cách chính thống khi cần thiết; không thường xuyên tự rèn luyện, nâng cao năng lực chuyên môn, mải chạy theo lợi ích vật chất đơn thuần, thiếu ý chí phấn đấu và hoài bão vươn lên trong khoa học, thậm chí có những người còn có tiếng nói lạc lõng, phát ngôn tùy tiện, xuyên tạc chủ trương, đường lối đổi mới đất nước của Đảng; sự kết hợp giữa lý luận với thực tiễn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu mới để phát triển đất nước.

Để tiếp tục xây dựng, phát huy và phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam trong giai đoạn mới của đất nước, theo chúng tôi, cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

Một là, xây dựng cơ chế và tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức phát huy được trí tuệ, năng lực, trình độ chuyên môn của mình vào công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước. Bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để trí thức tự khẳng định, phát triển, cống hiến và được xã hội tôn vinh; tăng đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và quốc phòng, an ninh; hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường thực thi việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đối với các sản phẩm sáng tạo, nhằm bảo đảm lợi ích của trí thức khi chuyển giao phát minh, sáng chế, sáng kiến và khuyến khích đội ngũ trí thức gia tăng sự cống hiến đối với Nhà nước và xã hội; xây dựng các khu đô thị khoa học, khu công nghệ cao, tổ hợp khoa học - sản xuất, các trung tâm văn hóa hiện đại để thúc đẩy hoạt động sáng tạo của trí thức trong nước và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước.

Hai là, phát hiện, sử dụng và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ trí thức. Ðảng và Nhà nước cần đổi mới công tác tổ chức cán bộ, tạo cơ chế để thu hút, tập hợp nhân tài người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, tích cực hiến kế và trực tiếp tham gia xây dựng và phát triển đất nước. Trọng dụng, tôn vinh những trí thức có đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế trong điều kiện của cuộc cách mạng công nhiệp lần thứ tư. Xây dựng môi trường thuận lợi để đội ngũ trí thức phát huy khả năng của mình. Có chế độ đãi ngộ, cơ chế khen thưởng xứng đáng với cống hiến của đội ngũ trí thức. Công khai, minh bạch trong công tác tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp cao, tạo động lực và cơ hội để đội ngũ trí thức không ngừng phát triển.

Ba là, có chính sách giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng phù hợp để nâng cao chất lượng và số lượng đội ngũ trí thức. Đẩy mạnh cải cách toàn diện giáo dục, từ cấp mầm non đến đại học và sau đại học, từ sách giáo khoa, chương trình, nội dung đào tạo đến phương pháp dạy và học. Đặc biệt, phải gắn lý luận với thực tiễn, lý thuyết với thực hành và gắn đào tạo với nhu cầu của xã hội. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài” (18). Tăng cường các hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Có chính sách thu hút đầu tư và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn để phát triển giáo dục và đào tạo. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, tăng cường hợp tác và liên thông với các cơ sở đào tạo có uy tín trên thế giới, tích cực học hỏi kinh nghiệm, từng bước xây dựng các cơ sở đào tạo trong nước ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Có chính sách thu hút các trường đại học, viện nghiên cứu có uy tín trên thế giới đầu tư, liên kết và mở các cơ sở đào tạo, nghiên cứu tại Việt Nam; đồng thời, khuyến khích đội ngũ trí thức trong nước đi đào tạo ở nước ngoài, đặc biệt là các ngành mà đất nước đang cần. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Bốn là, phát huy trách nhiệm của trí thức trong truyền bá tri thức, nâng cao dân trí, phục vụ cộng đồng và xã hội. Có cơ chế để đội ngũ trí thức dễ dàng tiếp cận thông tin phục vụ công tác nghiên cứu, nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tình hình của đất nước; từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong truyền bá những tri thức tiến bộ cho nhân dân, áp dụng có hiệu quả vào sản xuất và đời sống xã hội, góp phần quan trọng nâng cao dân trí, từng bước xây dựng đất nước ngày một phát triển. Củng cố, phát triển, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, nơi đội ngũ trí thức công tác, hoạt động và sinh hoạt; đồng thời, tạo môi trường lành mạnh để phát huy năng lực sáng tạo và nâng cao phẩm chất đạo đức của đội ngũ trí thức. Cần có cơ chế, chính sách để các hội mà trí thức tham gia thực hiện giám sát và phản biện khoa học về các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, các hoạt động nghề nghiệp khoa học, công nghệ và thực hiện một số dịch vụ công do các cơ quan nhà nước giao theo hợp đồng nghiên cứu nhằm phát huy trí tuệ, tài năng, lợi thế của đội ngũ trí thức trong xây dựng, phát triển đất nước.

Năm là, tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước đối với đội ngũ trí thức, nhất là đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ đầu ngành. Tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về vị trí, vai trò của trí thức đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, tạo động lực để đội ngũ trí thức đoàn kết, sáng tạo, nâng cao trách nhiệm, cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Cần xác định, xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các tổ chức đảng và chính quyền các cấp. Tiếp tục phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” và tôn vinh đội ngũ trí thức. Trọng dụng những trí thức có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, năng lực quản lý tốt, kể cả những trí thức ngoài Đảng. Các cấp ủy và chính quyền thường xuyên nghiên cứu, thực hiện những phương thức để quản lý và sử dụng hiệu quả đội ngũ trí thức, tránh áp dụng các biện pháp quản lý hành chính một cách máy móc, nhằm phát huy cao nhất năng lực cống hiến của trí thức. Bên cạnh đó, những người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị cũng cần thường xuyên tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe ý kiến góp ý của trí thức về những vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước, cũng như các vấn đề của tổ chức, cơ quan, đơn vị và địa phương, nhất là các vấn đề về thực hiện chủ trương, chính sách phát triển của địa phương và đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.

   TS. Nguyễn Văn Hùng

   Hội đồng Lý luận Trung ương

Tài liệu tham khảo:

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 10, tr. 376

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.  3, tr. 3

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 72

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 275

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 357

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 297

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 72 -73

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 57

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 243

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 399

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 275

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 400

(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 275

(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 71

(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 504

(16) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 161-162

(17), (18) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 167, 115

...