20/01/2025 lúc 12:30 (GMT+7)
Breaking News

Tu sĩ Thích Đạo Bi - Người tiếp nối thư pháp Việt

VNHN - Cuộc sống vội vã, con người ta dần quên đi những văn hóa cổ truyền… Sự ồn ã, tấp nập của cuộc sống cuốn con người ta quên mất còn một nét đẹp cổ xưa mỗi khi Tết đến xuân về đó là “cho chữ”. Hình ảnh ông đồ bày giấy tàu mực đỏ tự dưng phút chốc xa xôi, nhưng vẫn còn đó một con người luôn phấn đấu lưu giữ lại nét đẹp cổ truyền cha ông đó là tu sĩ Thích Đạo Bi.

VNHN - Cuộc sống vội vã, con người ta dần quên đi những văn hóa cổ truyền… Sự ồn ã, tấp nập của cuộc sống cuốn con người ta quên mất còn một nét đẹp cổ xưa mỗi khi Tết đến xuân về đó là “cho chữ”. Hình ảnh ông đồ bày giấy tàu mực đỏ tự dưng phút chốc xa xôi, nhưng vẫn còn đó một con người luôn phấn đấu lưu giữ lại nét đẹp cổ truyền cha ông đó là tu sĩ Thích Đạo Bi.

Thầy Thích Đạo Bi chùa Quế Lâm, Phú Thọ

Một năm lại sắp trôi qua, mùa xuân lại tới trong không khí náo nức, vui mừng của người người chờ đón Tết Nguyên Đán –một cái Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Đọc lại bài thơ “Ông Đồ”, tôi thấy hiện lên một hoài niệm day dứt, thương cảm cho một giá trị tinh thần sắp tàn lụi. Bài thơ là tấm gương phản chiếu cho hồn thơ giàu lòng thương người và hoài cổ của Vũ Đình Liên cũng là sự tiếc nuối của riêng tôi về một nét văn hóa đã từng  bị mất đi, bị phai tàn cùng thời gian và năm tháng. Hình ảnh “Ông Đồ” trong bài dạy ngày hôm qua vẫn còn chút ngậm ngùi, bâng khuâng, tiếc nuối. Trang giáo án khép lại trong sự ngẩn ngơ của các con trò:

“Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay.”

Bằng hi vọng mong manh còn lại, chút gắng gỏi vì miếng cơm manh áo, ông đồ vẫn kiên nhẫn ngồi đợi người qua đường ghé mua chữ về treo. Nhưng đáp lại sự đợi chờ vô vọng đó là những dáng tấp nập qua lại của mọi người, của phố phường nhộn nhịp nhưng tất cả đều hờ hững, quên đi sự hiện diện của ông. Giữa cái ồn ào, náo động xung quanh là bóng dáng cô độc của ông đồ.

Bất chợt tôi lại nghĩ đến câu thơ của Yến Lan trong Bến My Lăng: “Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách”. “Lá vàng rơi trên giấy” cũng gợi ra cái không gian thấm đẫm nỗi buồn. “Lá vàng rơi”, cũng như số phận hẩm hiu của ông đồ đã đến hồi kết thúc. Nỗi buồn thấm đẫm trên từng trang giấy, thấm vào cả chiều mưa...

Những bức thư pháp mang đậm nét văn hóa cổ truyền của dân tộc

Nhưng không! Nét văn hóa ấy không hề bị mất đi. Thư pháp Việt - linh hồn của người Việt vẫn đang được gìn giữ, lưu truyền trong âm thầm, lặng lẽ như mạch nước nguồn chảy mãi trong các mái chùa trang nghiêm, uy nghi trên đất nước ta.

Vào buổi chiều cuối tuần, chúng tôi có dịp hành hương về miền đất Tổ và vào  thắp hương chùa Quế Lâm thuộc xã Sông Lô, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Một quần thể chùa trang nghiêm mang vẻ đẹp hiện đại nằm bên  dòng sông Lô hiền hòa, êm dịu. Trong tiếng chuông chiều văng vẳng thinh không, trong màu nắng nhàn nhạt của hoàng hôn dần khép lại một ngày cuối đông, tôi đã gặp thầy – một tu sĩ trẻ có pháp danh là Thích Đạo Bi đang thả hồn vào từng nét thư pháp mềm mại bằng bàn tay khéo léo tài hoa.

Trước khi viết thư pháp, thầy đã vẽ những hình ảnh hoa sen, hoa mai, hoa đào, hoa cúc trang trí cho những bức thư pháp của mình trong thật tinh tế và hút hồn người ngắm.

Có lẽ chưa bao giờ tôi nghĩ lại tìm được niềm vui cho riêng mình trong những khoảnh khắc được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của từng nét thư pháp uốn lượn trên giấy, trên gỗ và trên cả những chiếc lá xanh còn nguyên nhựa sống.

Nét văn hóa của dân tộc được thầy Thích Đạo Bi gìn giữ và phát huy

Tôi thực sự hạnh phúc khi  tìm thấy một nét văn hóa chưa từng bị mất đi, chưa từng bị phai nhòa dưới mái chùa Quế Lâm trang nghiêm và bình yên đến lạ này. Thời gian như ngừng đọng, không gian như lắng lại trước những nét chữ còn thơm mùi mực, trước bàn tay tài hoa, nhẹ nhàng và tỉ mỉ uốn lượn “Như phượng múa rồng bay”. Tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc bình dị và niềm vui trên gương mặt rạng ngời của người tu sĩ đang viết thư pháp cũng là đang trao truyền cho các thế hệ nối tiếp một nét văn hóa tinh hoa của dân tộc đã từng bị người người để chìm vào quên lãng.

Một mùa xuân đang đến gần trên từng đường quê, con phố, trong sự náo nức mong chờ của mọi người. Tôi có ý muốn xin chữ thầy với mong ước những bức thư pháp sẽ mang lại điều may mắn, cầu một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà, cũng là để tô điểm cho ngôi nhà của mình thêm không khí Tết. Nhưng điều tôi mong muốn lớn nhất là giữ lại được cho con cháu mình một nét văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam và hi vọng rằng những nét tinh hoa ấy sẽ sớm quay trở lại với người dân Việt./.