04/05/2024 lúc 21:56 (GMT+7)
Breaking News

Câu đối Tết một nét Xuân

VNHN - Truyền thống văn hóa của người Việt, câu đối luôn gắn liền với ngày Tết. Nói cách khác, Tết xưa mà không có câu đối treo trong những ngày Tết thì dù có thịt nhiều, bánh mứt sẵn, rượu ngon, trà thơm… cũng vẫn coi là chưa đủ. Bởi vậy, thú chơi câu đối ngày Tết là một nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam.

VNHN - Truyền thống văn hóa của người Việt, câu đối luôn gắn liền với ngày Tết. Nói cách khác, Tết xưa mà không có câu đối treo trong những ngày Tết thì dù có thịt nhiều, bánh mứt sẵn, rượu ngon, trà thơm… cũng vẫn coi là chưa đủ. Bởi vậy, thú chơi câu đối ngày Tết là một nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam.

 

Ngoài ra, câu đối được xem là phương tiện để ứng phó trong mọi tình huống, được các nhà nho sáng tác trong dịp hiếu, hỉ, mừng thọ, mừng xuân, mừng nhà mới, để chúc tụng, để phê phán, đả kích những thói hư tật xấu của xã hội…Tiêu biểu cho thú chơi câu đối trong làng văn Việt Nam phải kể đến những tên tuổi: Mạc Đĩnh Chi, Giang Văn Minh, Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ, Tú Xương, Tản Đà… 

Ảnh minh họa

Theo sách "Sơn hải kinh" ( Trung Quốc) thì câu đối bắt nguồn từ tục làm Đào Phù (làm bùa trên gỗ cây đào) để trừ tà ma. Người ta khắc tên hai ông thần ( Thần Trà và Thần Quách) lên vách gỗ đào rồi treo ở ngoài cửa vào dịp Tết. Tết năm 959, chúa  nhà Hậu Thục tên là Mạnh Xưởng đã viết lên ván đôi câu đối thay cho Đào phù:

"Tân niên dư khánh; giai tiết hạ trường xuân"/(Năm mới mở tiệc lớn, trời đẹp mừng mùa xuân).

Như vậy, có thể nói khi câu đối của Trung Quốc được hình thành và phát triển thì ở Việt Nam cũng phát triển bởi có sự tác động qua lại. Tuy nhiên cái nền, cái tinh hoa của câu đối Việt nam lại có sự phát triển riêng, nó mang dấu ấn của bản sắc văn hoá Việt Nam. 

Đến thời kỳ nước ta giành được độc lập tự chủ thì câu đối chữ Hán đã phát triển đạt trình độ nghệ thuật cao. Qua giai thoại đối đáp ứng xử bằng câu đối của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi với vua quan nhà Nguyên, Giang Văn Minh với vua quan nhà Minh và nhiều sứ thần khác khi đi sứ Trung Quốc đã chứng tỏ trình độ làm câu đối ở thời đó rất điêu luyện. Sang thời Lê và nhất là thời Nguyễn, bên cạnh câu đối bằng chữ Hán thì câu đối bằng chữ Nôm cũng rất phát triển. Nghệ thuật đối ngày càng tinh tế và đa dạng.

Nói về thú chơi câu đối Tết cũng có nhiều kiểu lắm. Những cái Tết thời bao cấp, người ít tiền thì ra chợ mua đôi câu đối in sẵn về treo. Nhà giàu có thì đặt thợ chuyên làm đồ thờ tự họ làm cho, nội dung câu đối do chủ nhà xin những ông đồ hay chữ hoặc những vị có học thức uyên thâm, cao rộng viết cho. Nội dung câu đối thờ trong gia đình cũng khác câu đối treo ở những nơi thờ tự như đình, chùa, đền, miếu phủ… Câu đối thờ ở gia đình thường có nội dung nói về gia đình, công đức của tổ tiên, hoặc nói về mùa xuân. Những câu đối sau thường được treo trang trọng trong bất cứ nhà nào cũng được vì nội dung của nó đều truyền tải thông điệp về mùa xuân, gia đình:

"Thiên tăng tuế nguyệt, niên tăng thọ

Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường". 

(Trời thêm tuổi mới, năm thêm thọ/Xuân khắp càn khôn, phúc khắp nhà). 

Hay: - "Lộc biếc, mai vàng, xuân hạnh phúc

Đời vui, sức khỏe, Tết an khang".

"Đa phúc đa tài đa phú quý

Đắc tài đắc lộc đắc nhân tâm"

Dưới đây là một số câu đối được các nhà thơ, nhà văn cảm hứng viết trong dịp Tết đến, Xuân về.

Căn cứ vào tư liệu hiện còn, trong văn học trung đại Việt Nam có lẽ Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ là người viết câu đối Tết nhiều nhất. Câu đối của cụ đến nay vẫn có nhiều người biết đến, dưới đây là những câu đối cảm tác khi xuân về của cụ Trứ: 

"Chiều ba mươi nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa;

Sáng mồng một rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông phúc vào nhà." 

Có bận cụ Nguyễn Công Trứ đi kinh lý vào vùng Hà Tĩnh, gặp ngày xuân, túi nhẵn tiền cụ Nguyễn chua chát nghe pháo nổ, nhìn cây nêu mà đối:

"Đuột giời ngất một cây nêu, hết túi ba mươi ri cũng Tết

Vang đất đùng ba tiếng pháo, rạng ngày mồng một rứa cũng Xuân".

Ở đôi câu đối này cụ Trứ khéo léo sử dụng hợp lý nhiều từ địa phương như "đuột" – thẳng, "ri" – thế này, "rứa" – thế nọ.

Hay câu đối khác, Nguyễn Công Trứ tự vịnh về mình:

"Anh em ơi! Đã băm sáu tuổi rồi, khắp đông tây nam  bắc bốn phương trời, đâu cũng lừng danh công tử xác!

Giời đất nhỉ! Gắng một phen này nữa, xếp cung kiếm cầm thơ vào một gánh, làm cho nổi tiếng trượng phu kềnh."

Xuất phát từ đời sống thực, Nguyễn Công Trứ sống trong cảnh nghèo nơi thôn quê hơn nửa đời người. Hai mươi tám năm làm quan là chừng ấy ba chìm bảy nổi. Những cảnh đời ấy để lại ấn tượng sâu sắc trong thơ  văn của ông. Điều ấy ta có thể cảm nhận được phần nào đó trong hai câu đối trên của nhà thơ.

Cùng với Nguyễn Công Trứ, tâm trạng của vị Tú tài  làng Vị Xuyên cũng được thể hiện trong thú chơi câu đối ngày Tết, bài thơ Tết dán câu đối của Tú Xương là một ví dụ:

"Nhập thế tục, bất khả vô văn tự"

Chẳng hay ho cũng nghĩ một vài bài

Huống chi mình đỗ tú tài.

Ngày tết đến cũng phải một vài câu đối

Đối rằng:

"Cực nhân gian chi phẩm giá phong nguyệt tình hoài

Tối thượng chi phong lưu giang hồ khí cốt"

Viết vào giấy dán ngay lên cột

Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay?

Rằng hay thì thực là hay

Không hay sao lại đỗ ngay tú tài

Xưa nay em vẫn chịu ngài."

Hoặc câu đối dưới đây thường nói về cảnh nghèo, bất đắc chí nhưng không bi quan yếm thế mà luôn thể hiện sự hài hước:

"Ba vạn sáu ngàn ngày, góp lại chốc đà trăm bận Tết.

Một năm mười hai tháng, ước chi đủ cả bốn mùa Xuân."

Hay: "Nực cười thay, nêu không, pháo không, vôi bột cũng không, mà Tết

Thôi cũng được, rượu có, nem có, bánh trưng đều có, thừa Xuân."

Trong một dịp du xuân trảy hội chùa Hương, có một văn nhân tài tử cùng ngồi trên một chiếc đò. Không ai biết tên nhau, cũng chẳng ai hỏi nhau tên tuổi làm gì. Mấy người ngâm thơ vịnh cảnh sơn thuỷ hữu tình trước mặt. Tú Xương là  người cuối cùng ngâm nga câu đối:

"Sơn sơn xuất bạch thuỷ vi tuyển hoà nãi tú dã,

Tịch tịch đa văn tử chi học nhật viết xương tai!"

Không ai hiểu được ý của câu đối của Tú Xương, chỉ nghĩ ông cao hứng ngâm vịnh cho vui. Bỗng một bà già lên tiếng chê cánh công tử bột trên đò, chỉ vào Tú Xưng, bà nói:

Đây là cậu Tú Vị Xuyên, một thi gia lỗi lạc – Tú Xương đó. Ai cũng trố mắt ngạc nhiên, nghe bà giải thích tiếp: 

"Chữ Hoà ghép với chữ Nãi là chữ Tú, chữ Nhật ghép với chữ Viết là chữ Xương, cả hai câu đó đều nói rõ cả chữ Tú Xương, có đúng không?". Hai chữ Sơn Sơn ở câu thứ nhất ghép với nhau thành chữ Xuất, chữ Bạch với chữ Thuỷ là chữ Tuyền, đúng không? Chữ Tịch với chữ Tịch ở câu thứ hai là chữ Đa, chữ văn với chữ Từ là chữ Học, hai câu đó tạm hiểu là:

"Núi núi tuôn nước trong thành suối, lúa trổ đẹp thay,

Đêm đêm các chàng văn nên học ngày rồi thịnh vậy".

Hai câu đối vừa giới thiệu tên mình, vừa vịnh cảnh đẹp thiên nhiên, vừa khuyên nhau học hành tấn tới, thật là tuyệt tác, đúng là Tú Xương, danh bất hư truyền.

Nghe bà lão giới thiệu về mình, Tú Xương chạy lại vái bà cụ tài ba:

Lạy cụ, quả là cháu đây có mắt không ngươi, xin cụ cho cháu biết quí danh để ghi lòng tạc dạ về sau.

Cậu bỏ qua cho việc đó, vì quá nhiều tuổi rồi, già chẳng còn nhớ đến họ tên, quê quán, chỉ biết người ở đất Tràng An vẫn quen gọi già đây là Vô Danh thị! Bà già điềm tĩnh nói với nhà thơ.

Còn đây là câu chuyện cho chữ của cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến.  Một năm nọ, có một anh chàng chuyên buôn bán gà, chẳng may vợ mất. Biết tiếng cụ Tam Nguyên Yên Đổ hay chữ, anh mang lễ đến, xin cụ đôi câu đối thờ vợ nhân ngày Tết. Cụ Tam Nguyên hỏi nghề nghiệp rồi phóng bút:

"Lồng tạo hoá đáy sụt rồi, nháo nhác con tìm mẹ,

Gánh Càn khôn ai xử nữa, lục cục trống nuôi con."

Nội dung câu đối trên như đã thâu tóm được gia cảnh của anh buôn gà và cái tài ứng đối của cụ Tam Nguyên. Hay dưới đây là đôi câu đối của cụ Tam Nguyên về Tết cũng vô cùng độc đáo:

"Chiều ba mươi, đầu bù tóc rối, heo hắt tiễn năm tàn

Sáng mồng một, quần là áo lượt, phấn khởi mừng xuân mới."

Còn đây là câu đối mang tính châm chọc, nhưng rất chuẩn:

"Chúng nó dại vô cùng, pháo nổ đì đùng thêm mất chó

Ông đây khôn bất trị, rượu say túy lúy lại nằm mèo."

Ngoài những câu đối bằng chữ Hán của Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Nguyễn Công Trứ…ta còn được thưởng thức những câu đối bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, mùa xuân là cơ hội để giải phóng, để phá phách, tháo bỏ mọi trói buộc:

"Tối ba mươi khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo mà ma vương bồng quỷ tới

Sáng mùng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước xuân vào."

Còn đây là câu đối của thi sĩ nghèo, nhưng tâm hồn đầy lãng mạn, người quê núi Tản – sông Đà: Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu khi viết về nguồn cội, tổ tiên con Lạc, cháu Hồng:

"Ćó tổ, có tôn, có tôn, có tổ, tôn tổ, tổ tôn, tôn tổ cũ;

Còn non, còn nước, còn nước, còn non, nước non, non nước, nước non nhà."

Chỉ có mấy từ lặp đi lặp lại mà không nhàm. Ngược lại, ý nghĩa sao mà rộng, mà dài, sâu xa, súc tích. Bất kể người nào, dù là một người thông thường  ít học, đọc lên là hiểu, thấm vào lòng một cách nhẹ nhàng mà lắng đọng, sâu xa.

Tết là ngày lễ trọng đại và thiêng liêng, ngày khởi đầu năm mới theo truyền thống của người Việt.  Thú chơi câu đối ngày Tết mỗi độ Xuân về đã trở thành một nét đẹp văn hoá, là tài sản quý báu của dân tộc. Ngày Tết có câu đối treo trong nhà mới làm cho không khí thêm trang trọng, mới đủ hương vị Xuân.

Sau một thời gian dài, câu đối Tết ít được chú ý, gần đây phong tục viết câu đối đã trở lại và được nhiều người quan tâm. Đầu xuân, các em học sinh, sinh viên thường đến dạo chơi ở phố Văn Miếu để xin chữ của mấy ông đồ với ước muốn học hành, thi cử đỗ đạt. Thú chơi đó còn hay mất, tuỳ thuộc vào ý thức giữ gìn vốn văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam ở mỗi người, nhất là những người cho chữ phải có đủ tâm và tài mới có thể viết ra những câu đối hay, độc đáo và thâm thúy./.