VNHN-Vào những ngày cận kề của việc chuyển giao năm cũ sang năm mới 2022, chúng tôi có dịp được trò chuyện cùng cô giáo Nguyễn Ngọc Linh, Phó Trưởng khoa Khoa Văn thư – Lưu trữ, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, một người giảng viên được rất nhiều thế hệ sinh viên, học viên của trường biết đến với sự gần gũi, thân thiện, yêu và trách nhiệm với nghề.
PV: Trước khi về trường Đại học Nội vụ Hà Nội làm việc, được biết cô là cựu sinh viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn?
Đúng vậy, tôi tốt nghiệp cử nhân ngành Lưu trữ học và Quản trị văn phòng tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2000. Ngay sau khi nhận được bằng tốt nghiệp và cũng may mắn biết được thông tin tuyển dụng giáo viên của trường, tôi đã nộp hồ sơ và đã trúng tuyển trở thành viên chức của Trường Văn thư – Lưu trữ trước đây và giờ là Trường Đại học Nội vụ Hà Nội. Ngày hôm nay cũng là mốc đánh dấu thời gian làm việc tại trường tròn 21 năm; điều này có lẽ là cũng là một trong những minh chứng về sự gắn bó và tình yêu của tôi đối với mái trường Nội vụ thân yêu.
Cô Nguyễn Ngọc Linh, Phó Trưởng khoa Khoa Văn thư – Lưu trữ chia sẻ với phóng viên
PV: Trong quá trình công tác tại trường chắc hẳn có rất nhiều kỷ niệm đặc biệt là kỷ niệm đối với những người đồng nghiệp, những người đã từng làm việc cùng với mình, cô có thể chia sẻ những kỷ niệm đối với những người đồng nghiệp đã hoặc đang làm việc ở trường mình?
21 năm liên tục cũng là một khoảng thời gian tương đối dài của một giảng viên, con số thể hiện sự gắn bó của bản thân với ngôi trường Đại học Nội vụ Hà Nội hay còn được mọi người biết đến tên thân thuộc đó là HUHA.
Tôi được tuyển dụng về trường từ năm 2000 chúng tôi may mắn được làm việc trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp, đồng nghiệp thân thiện sẻ chia và rất dỗi nhân văn. Tôi cũng may mắn luôn nhận được sự chỉ đạo, quan tâm để hoàn thiện học vấn và phát triển năng lực cá nhân từ các thầy Hiệu trưởng, nguyên Hiệu trưởng như TS. Trần Hoàng, PGS.TS Triệu Văn Cường và hiện nay là PGS.TS Nguyễn Bá Chiến và các thầy, cô giáo trong Ban Giám hiệu.
Chúng tôi còn luôn nhận được sự quan tâm, dìu dắt của các thầy cô là viên chức hiện nay đã nghỉ hưu ví dụ như thầy Nguyễn Bá Tước, Nguyễn Hoành Dong nguyên trưởng Phòng Hành chính - Tổ chức, cô Bành Thị Ngọc Liên nguyên trưởng Phòng Quản lý đào tạo và gần đây nhất là cô Chu Thị Hậu nguyên trưởng Khoa Văn thư – Lưu trữ. Thực sự tôi thấy rất may mắn là được thế hệ lãnh đạo, các cựu lãnh đạo, các cựu viên chức của nhà trường và đội ngũ giảng viên, viên chức hiện nay luôn hỗ trợ, đồng hành, động viên và chia sẻ. Ngay từ khi bỡ ngỡ về trường cho đến nay, sự đồng hành của các thế hệ viên chức đã giúp tôi phát huy tốt khả năng chuyên môn của mình đồng thời với những trải nghiệm thực tế để tôi có nhiều kinh nghiệm giảng dạy - nghiên cứu khoa học, hoàn thiện bản thân và ngày càng yêu nghề nhiều hơn.
PV: Có nhiều người nói nghề nhà giáo có thu nhập tương đối thấp thì cô đã từng bao giờ nghĩ đến mình sẽ chuyển sang 1 ngành nghề khác hay ra ngoài làm doanh nghiệp?
So với những người lao động bình thường khác thì chúng tôi cũng có những trăn trở về kinh tế bởi vì ngoài là một giảng viên thì tôi cũng là vợ, là mẹ phải lo cho gia đình nhỏ của mình. Nhưng 21 năm gắn bó với mái trường và mãi yêu công việc giảng dạy chính là câu trả lời đầy đủ đầy đủ nhất vì sao tôi mãi yêu HuHa.
Thứ nhất, làm việc dưới mái trường Đại học Nội vụ Hà Nội, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm của Đảng ủy, Ban Giám hiệu trong một môi trường làm việc vô cùng thuận lợi.
Hai là, một trong những động lực chúng tôi phát huy được năng lực khả năng của bản thân đấy chính là sự sẻ chia của đồng nghiệp. Sự sẻ chia ở đây không chỉ là về chuyên môn nghiệp vụ mà còn hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong cuộc sống công việc hàng ngày, cả về đời sống tinh thần và khó khăn về vật chất. Đấy cũng chính là niềm vui giúp chúng tôi thăng hoa hơn trong công việc.
Và có lẽ, niềm động viên đặc biệt nhất là chính là may mắn được đồng hành, được dõi theo sự trưởng thành của lớp lớp thế hệ sinh viên, học viên của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội. Có thế nói với 21 năm trong nghề, chúng tôi được đồng hành cùng thanh xuân đầy nhiệt huyết, trẻ trung tươi đẹp của các em dưới mái trường, và bây giờ lại thường xuyên nhận được sự ủng hộ, sự hợp tác và sự giúp đỡ ngược lại của các cựu sinh viên, học viên. Sự trưởng thành của các em cũng là lời tri ân gửi đến các thầy cô giáo. Mỗi viên chức, giảng viên chúng tôi thấy rằng bản thân cần cố gắng giảng dạy – nghiên cứu khoa học tốt hơn và có nhiều đóng góp hơn nữa để mái trường Đại học Nội vụ Hà Nội ngày càng phát triển.
Thầy cô Khoa Văn thư – Lưu trữ trong đợt đánh giá chất lượng đào tạo ngành Lưu trữ học.
PV: Được biết Khoa Văn thư – Lưu trữ của mình đang đào tạo 2 ngành Lưu trữ học và chuyên ngành Văn thư - Lưu trữ, cô nghĩ sao về 2 ngành, chuyên ngành này và đặc biệt là vai trò của ngành trong thời điểm hiện nay?
- Khoa Văn thư – Lưu trữ may mắn được gắn bó và đồng hành cùng mái trường 50 năm tuổi, thành lập từ ngày 18/12/1971 đến năm 1973 thì Khoa bắt đầu có ngành đào tạo Văn thư và Lưu trữ. Sau này cũng qua rất nhiều giai đoạn, có những giai đoạn là tách riêng 2 ngành, cũng có những giai đoạn nhập 2 ngành vào với nhau nhưng đến hiện nay đối với bậc cử nhân thì đang đào tạo ngành Lưu trữ học và chuyên ngành Văn thư – Lưu trữ và đào tạo sau đại học là Thạc sĩ Lưu trữ học. Có thể nói 1 trong những thuận lợi của ngành đào tạo của Khoa là 1 ngành do Bộ Nội vụ quản lý và Trường cũng là cơ sở đào tạo có bề dày của cả nước trong đào tạo đội ngũ người học làm công tác văn thư, Lưu trữ ở Việt Nam cho nên Khoa cũng rất quan tâm chú trọng phát triển chương trình đào tạo. Khoa không chỉ chú trọng đến khối kiến thức đại cương, kiến thức cơ sở ngành mà cả khối kiến thức chuyên ngành; không chỉ chú trọng lý thuyết mà dành nhiều thời gian cho kiến thức thực tế và kiến thức về công nghệ thông tin; chuẩn đầu ra công việc của sinh viên không chỉ khu vực công mà còn khu vực tư.
Đặc biệt là cách đây hơn 1 tháng, Trường đã hoàn thành Công tác khảo sát, đánh giá chất lượng của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục đại học, Đại học Quốc gia Hà Nội đối với 03 ngành đào tạo trong đó có ngành Lưu trữ học. Đây thực sự là niềm vui, sự tự hào của Trường nói chung và của toàn thể đội ngũ viên chức, giảng viên khoa Văn thư – Lưu trữ chúng tôi nói riêng.
PV: Ngành Lưu trữ là một ngành được mọi người nói đến là nơi lưu giữ những tài liệu có giá trị lịch sử, văn hóa… Vậy trong thời đại chuyển đổi số, theo cô cần có những sự thay đổi nội dung chương trình đào tạo như thế nào cho phù hợp?
- Một trong những điểm mạnh trong đào tạo của Khoa Văn thư – Lưu trữ tại trường Đại học Nội vụ Hà Nội đấy chính là phương châm “học đi đôi với hành” những trải nghiệm thực tế cho sinh viên trong quá trình học được phát huy tối đa. Chúng tôi có cơ hội được hợp tác với các đơn vị của Cục Văn thư – Lưu trữ Nhà nước như Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, III; Trung tâm Khoa học kỹ thuật Văn thư – Lưu trữ ở Hà Nội, thậm chí là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II ở TP Hồ Chí Minh và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV ở Đà Lạt - Lâm Đồng và hệ thống các doanh nghiệp. Sinh viên và học viên của Khoa được trải nghiệm thực tế ở các đơn vị này ngay từ khi học các học phần chuyên ngành, khi đi thực tế nghề nghiệp và cả thực tập tốt nghiệp. Chúng tôi cũng nhận được những phản hồi rất tốt không chỉ về chuyên môn mà còn về kỹ năng tác nghiệp thực tế và đặc biệt cũng được các đơn vị đánh giá rất cao những kỹ năng giao tiếp ứng xử của các em sinh viên, cựu sinh viên của khoa.
Cô giáo Ngọc Linh tự hào khi sinh viên Nguyễn Hà Anh Kiều của Khoa Văn thư – Lưu trữ được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
PV: Lần gần nhất làm cố vấn học tập (Chủ nhiệm lớp) lớp đại học của cô Ngọc Linh là bao giờ?
- Một điều đặc biệt và mỗi khi nghĩ lại bản thân thấy thật hạnh phúc vì không chỉ được giảng dạy các môn học trên giảng đường mà được Khoa, Nhà trường giao nhiệm vụ là đồng hành cùng các bạn sinh viên suốt thời gian 4 năm đại học đó là được làm cố vấn học tập. Từ những lớp Thư ký văn phòng K8 do tôi chủ nhiệm từ năm 2000 khi mới về trường cho đến nay, tôi có cơ hội được gắn bó với nhiều lớp học và cô - trò vẫn luôn giữ mối liên hệ mật thiết; chia sẻ cả niềm vui, nỗi buồn.
Lần gần đây nhất tôi làm cố vấn cho lớp Đại học Lưu trữ 16B – một lớp với số lượng các bạn nữ áp đảo hơn cả so với các bạn nam nhưng niềm vui được nhân đôi gấp nhiều lần khi đồng hành với lớp đại học Lưu trữ 16B này. Một trong những lí do khiến bạn bè cứ thấy chúng tôi trẻ trung và nhiều năng lượng hơn mỗi ngày vì chúng tôi thường xuyên được tiếp xúc, đồng hành cùng sự sôi nổi, nhiệt tình trong phong trào đoàn thể; sự ham học hỏi và say mê học tập, nghiên cứu khoa học của các bạn sinh viên và đặc biệt là tình yêu cuộc sống, lan tỏa những giá trị nhân văn trong nhiều hoạt động thiện nguyện của lớp.
Các bạn sinh viên của lớp Lưu trữ học 16B đã tốt nghiệp ra trường và đang làm ở nhiều vị trí khác nhau trong ngành tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhưng cô giáo vẫn luôn nhận được sự quan tâm trong cả những ngày lễ trọng đại và đón nhận tâm sự của các bạn trong đời sống thường nhật; đặc biệt vẫn nhận được tin nhắn chúc mừng của phụ huynh trong lớp.
Nhiều lúc, khi được các thầy cô đồng nghiệp của Khoa cũng như các thầy cô của trường nhắc đến tên các em sinh viên của mình vì một thành tựu nào đó, bản thân vừa hạnh phúc vừa tự hào xen lẫn cảm xúc thật sung sướng của người làm nghề giáo vì đã góp phần truyền lửa đam mê và cốt cách nhân văn tới học trò của mình.
Thầy Hiệu trưởng, PGS.TS Nguyễn Bá Chiến (đứng giữa) trong một lần tham gia hoạt động Đoàn và công tác thanh niên
PV: Ngày 03/01/2022 là ngày rất đặc biệt, ngày truyền thống ngành Lưu trữ Việt Nam, cô có thể gửi lời chúc đến tất cả những người đang theo học, làm việc trong ngành Lưu trữ Việt Nam?
- Là 1 giảng viên Khoa Văn thư – Lưu trữ Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, nhân Kỷ niệm 76 năm ngày truyền thống ngành Lưu trữ Việt Nam (03/01/1946 – 03/01/2022), cho tôi được gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến những người đã, đang và sẽ luôn gắn bó với nghề Văn thư, Lưu trữ 3 lời chúc:
Lời chúc thứ nhất là chúc các anh chị em có thật nhiều sức khỏe để có thể tiếp tục gắn bó và cống hiến cùng ngành Văn thư - Lưu trữ Việt Nam.
Lời chúc thứ 2 là mong muốn anh chị đồng nghiệp, các bạn sinh viên, học viên, cựu sinh viên, học viên luôn luôn gìn giữ, hun đúc và phát huy tình yêu với nghề, với ngành Văn thư, Lưu trữ để chúng ta có thể vượt qua được khó khăn trong dịch bệnh vì đây cũng là cơ hội, thách thức của nghề trong giai đoạn hòa mình cùng chuyển đổi số hiện nay.
Và lời chúc thứ 3 là mong muốn anh chị có thật nhiều ý tưởng sáng tạo, phát huy năng lực chuyên môn để chúng ta có thể góp phần đưa giá trị của ngành nghề vào mọi mặt của đời sống và ngành Văn thư, Lưu trữ của chúng ra ngày càng phát triển, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
PV: Cảm ơn những chia sẻ của cô!