29/11/2024 lúc 06:56 (GMT+7)
Breaking News

Tư duy phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới

Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng để chuyển mình phát triển nhanh và bền vững, vì vậy cần chủ động lựa chọn mục tiêu và con đường phát triển nhằm bảo đảm thực hiện tốt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng để chuyển mình phát triển nhanh và bền vững, vì vậy cần chủ động lựa chọn mục tiêu và con đường phát triển nhằm bảo đảm thực hiện tốt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu bên lề phiên họp Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước _Ảnh: TTXVN

Đất nước sau 35 năm đổi mới: Những thách thức nội tại

Sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã có bước phát triển khá mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu to lớn, khá toàn diện và có ý nghĩa lịch sử. Quy mô nền kinh tế hiện nay tăng lên hơn 40 lần so với năm 1990, trình độ nền kinh tế được tăng lên. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước chưa bao giờ đạt được như ngày nay. Tuy nhiên, chúng ta còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đến từ các yếu tố bên trong của nền kinh tế, như:

Một là, Việt Nam vẫn là nước thuộc nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, kém xa mức trung bình của thế giới. Năm 2019, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của nước ta đã đạt mức 2.715 USD, nhưng khoảng cách so với các nước vẫn không có nhiều cải thiện; chỉ bằng 50% mức bình quân của nhóm quốc gia có mức trung bình, thấp hơn 4,4 lần so với mức trung bình của thế giới là 12.000 USD.

Hai là, yếu tố nền tảng cho tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững đã cơ bản được hình thành nhưng thiếu vững chắc, trong đó, tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra chậm, thiếu vắng các ngành công nghiệp cơ bản (như cơ khí, chế tạo, vật liệu…), công nghệ cốt lõi, công nghệ nguồn; vai trò của khu vực kinh tế nhà nước trong lĩnh vực này chưa được thể hiện rõ nét.

Ba là, các tiến trình lớn, quan trọng, như cơ cấu lại nền kinh tế, triển khai các đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng và chống chịu của nền kinh tế có nhiều chuyển biến nhưng còn chậm, chưa có được kết quả rõ nét.

Bốn là, những yếu tố truyền thống, không đem lại hiệu quả cao vẫn được khai thác phổ biến, như gia tăng vốn đầu tư, thâm dụng lao động, động lực tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Năm là, năng lực cạnh tranh về cơ bản vẫn ở mức trung bình trên thế giới, nhất là những tiêu chí quan trọng cho phát triền bền vững trong tương lai. Xuất khẩu, thương mại, đầu tư phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp khu vực FDI chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; FDI chiếm hơn 50% giá trị sản lượng công nghiệp. Công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, thiếu kết nối với khu vực FDI. Nguyên liệu, đầu vào trung gian phụ thuộc vào một vài thị trường.

Sáu là, công tác xây dựng và thực thi chính sách còn nhiều vấn đề (một số quy định của pháp luật chưa đồng bộ, nhất quán, còn chồng chéo; việc tổ chức thực hiện chính sách còn chậm, thiếu quyết liệt…).

Tư duy và tầm nhìn về phát triển

Để chủ động nắm bắt được cơ hội, tận dụng thế và lực của đất nước, bắt kịp và tiến cùng sự phát triển của thế giới, từ góc độ kinh tế, một trong những giải pháp lớn cần được tập trung là đổi mới tư duy và tầm nhìn phát triển, cụ thể như sau:

Thứ nhất, cần tư duy mới, cách tiệp cận mới theo hướng tích cực, đặc biệt là sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đại dịch COVID-19 làm cho các cấu trúc kinh tế (sản xuất, thương mại, đầu tư…) và trật tự thế giới sẽ có sự điều chỉnh và thay đổi sâu sắc. Từ đó, Việt Nam với thành công trong kiểm soát dịch bệnh và môi trường ổn định sẽ có cơ hội bứt phá.

Thứ hai, các quyết sách phải đúng đắn và kịp thời, phải đẩy nhanh việc cải cách, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo… nhằm đủ sức tham gia ngay các trật tự mới. Không thể một lần nữa lại đứng ngoài hoặc đi sau, đi theo một cuộc chơi mới, sân chơi mới sắp diễn ra.

Thứ ba, tăng cường kết nối và chia sẻ là hai điều quan trọng để hội nhập, thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chính vì vậy, các quyết sách đưa ra cần chính xác và kịp thời. Nhận thức người dân vừa là chủ thể vừa là mục tiêu để hướng tới. Theo đó, chính sách của Nhà nước phải xoay quanh hoặc hướng tới hạnh phúc của người dân.

Thứ tư, cần bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa ổn định và phát triển. Ổn định là tiền đề cho phát triển nhanh, đồng thời phát triển nhanh cũng là một điều kiện quan trọng để ổn định và duy trì ổn định, từ đó thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững, xây dựng một nền kinh tế có tính tự chủ cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thứ năm, nguồn lực con người là thế mạnh cần phải được tận dụng để phát triển đất nước, nhất là trong giai đoạn "dân số vàng". Phân bố nguồn lực cần theo định hướng ưu tiên gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng và cơ chế thị trường; tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm công bằng xã hội. Tạo mọi điều kiện, nhất là thể chế và nguồn lực, nhằm phát triển với tốc độ nhanh các vùng động lực, từ đó tạo ra sức lan tỏa thúc đẩy các vùng phát triển, hướng tới bảo đảm cân bằng trong dài hạn. Tăng trưởng nhanh phải dựa chủ yếu vào vùng động lực, các đô thị xanh, thông minh, đặc biệt là đô thị lớn. Tập trung xây dựng và hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng để tranh thủ sự dịch chuyển của các dòng vốn trên thế giới, có khả năng cạnh tranh được với các trung tâm tài chính lớn của khu vực và thế giới.

Thứ sáu, cần phải có chủ trương nhất quán về tích lũy cho nền kinh tế, sử dụng nguồn vốn tiết kiệm và hiệu quả, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư hạ tầng lớn, hạ tầng thiết yếu để phát triển. Đối với một số địa phương có điều kiện tự nhiên đặc biệt khó khăn, không thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, cần xác định nhiệm vụ chính trị trọng tâm, hàng đầu, xuyên suốt là giữ đất, giữ rừng, giữ dân (bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững trật tự, an toàn xã hội; tạo sinh kế, việc làm, thu nhập và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân) mà không quá đặt trọng tâm về mục tiêu phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách bằng mọi cách.

Thứ bảy, thay đổi tư duy quản lý, quản trị quốc gia từ chủ yếu là kiểm soát, cho phép (tiền kiểm) sang chủ yếu phục vụ thúc đẩy phát triển (hậu kiểm). Từng bước hình thành khung pháp lý phù hợp nhằm khuyến khích sáng tạo, thúc đẩy phát triển.

Thứ tám, trong quản lý nợ công, cần xem xét hiệu quả sử dụng và khả năng trả nợ là thước đo quan trọng nhất, thay cho giới hạn bởi trần nợ công (nhiều quốc gia phát triển đang có tỷ lệ nợ công/GDP đang rất cao như Nhật Bản trên 200%, Mỹ trên 100%...). Tập trung thúc đẩy tăng trưởng để tăng quy mô GDP và theo đó tỷ lệ nợ công sẽ giảm, không nên chỉ tập trung giữ tỷ lệ nợ công mà không quan tâm đến đầu tư và phát triển để tăng quy mô nền kinh tế.

Thứ chín, phát triển nông nghiệp thông minh, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp hiệu quả cao. Công nghệ cao chỉ là công cụ để thực hiện mục tiêu này, theo đó phải tối ưu hóa sản phẩm chứ không chỉ tối đa hóa sản lượng./.

Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên TƯ Đảng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư