Giám đốc Viện nghiên cứu Phát triển Mê kong TS. Phùng Đức Tùng nhận định, mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế ở thời điểm hiện tại là quá khó. Khi vaccine Covid-19 chưa đủ, Việt Nam khó có thể đạt được mục tiêu phát triển kinh tế đã đề ra.
TS. Phùng Đức Tùng: Vaccine Covid-19 chưa đủ thì chưa thể phát triển kinh tế
Sau gần hai năm chống chọi với 4 làn sóng Covid-19, Chính phủ đã có nhiều gói hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp chịu tác động bởi đại dịch (năm 2020 là gói 62.000 tỷ đồng, 16.000 tỷ đồng và mới đây nhất là gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng). Ông đánh giá thế nào về quy mô của những gói hỗ trợ này?
Để đánh giá về quy mô của gói hỗ trợ thì cần phải có đủ thông tin như có bao nhiêu người đang thuộc nhóm đối tượng cần trợ giúp từ các gói hỗ trợ, họ cần phải được hỗ trợ bao nhiêu tháng và mỗi tháng cần nhận bao nhiêu tiền. Có đầy đủ các thông tin này mới có thể ước tính được các gói hỗ trợ trên đã đủ chưa?
Tuy nhiên, các thông tin trên đều là các ẩn số, vì vậy, việc đánh giá quy mô gói hỗ trợ là không khả thi.
Tuy nhiên, so với các nước khác trên thế giới, tôi cho rằng, các gói hỗ trợ trên là chưa đủ lớn và chưa thể hỗ trợ được đầy đủ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, đặc biệt là làn sóng Covid-19 lần này đang diễn biến phức tạp, kèo dài và ảnh hưởng trên diện rộng.
Vậy, hiệu quả của những gói hỗ trợ trên đến đâu, thưa ông?
Đến nay, vẫn chưa có tổng kết đánh giá hiệu quả của các gói hỗ trợ nhưng nhìn chung, các gói hỗ trợ hiện nay được thực hiện chậm, chưa kịp thời và chưa bao phủ hết các nhóm đang cần được hỗ trợ, đặc biệt là những người di cư, lao động tự do và các hộ kinh doanh nhỏ lẻ.
Nhiều người cho rằng, chỉ có thể “nhận được hỗ trợ trên tivi”, điều đó có nghĩa là thủ tục nhận hỗ trợ quá phức tạp và quy trình xác định đối tượng còn nhiều nhiêu khê dẫn đến phần lớn người dân trong diện được hưởng hỗ trợ vẫn chưa được nhận.
Gói 26.000 tỷ đồng có vẻ triển khai nhanh hơn. Tuy nhiên, theo tôi, thủ tục vẫn còn rườm rà. Tốt nhất vẫn nên để các đối tượng hưởng hỗ trợ tự khai báo và tự chịu trách nhiệm. Như vậy mới giảm được gánh nặng thủ tục và giúp cán bộ cấp cơ sở triển khai các gói hỗ trợ nhanh và kịp thời.
Theo ông, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện tại, có cần thêm gói hỗ trợ mới không? Gói hỗ trợ mới chú trọng những vấn đề gì?
Làn sóng Covid-19 hiện nay được đánh giá là rất phức tạp, không dự đoán được bao giờ kết thúc, nhất là vaccine vẫn còn thiếu và khan hiếm. Các nhóm đối tượng sẽ bị ảnh hưởng lâu dài và như vậy, với khoản tiền nhận được từ gói hỗ trợ hiện tại không đủ cho họ có cuộc sống ở mức tối thiểu.
Do vậy, theo tôi, vẫn cần tiếp tục hỗ trợ các nhóm dân cư bị ảnh hưởng bởi Covid-19 cho đến khi dịch bệnh được khống chế và hết giãn cách.
Ngoài ra, các gói hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần được tính đến để giúp doanh nghiệp duy trì được hoạt động, giữ được người lao động và khôi phục được hoạt động sau dịch.
Gói hỗ trợ doanh nghiệp có thể bao gồm các gói hỗ trợ về thuế, phí, điện, nước, xăng dầu, hỗ trợ về lãi suất và có thể tính đến việc giảm thuế VAT cho các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nhằm kích cầu nội địa. Điều này có thể giúp nhóm người nghèo giảm bớt chi phí cho tiêu dùng, khi lạm phát đang có xu hướng gia tăng từ nay đến cuối năm.
Mục tiêu kép của Chính phủ hiện đang quá khó ở thời điểm hiện tại. Ảnh: VNE
Ông dự đoán thế nào về khả năng thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế của Chính phủ trong năm nay?
Đây là mục tiêu quá khó ở thời điểm hiện tại. Chính phủ chỉ có thể thực hiện mục tiêu kép với các tỉnh thành chưa bị dịch bùng phát.
Khi vaccine Covid-19 chưa đủ, chúng ta khó có thể đạt được mục tiêu phát triển kinh tế đã đề ra.
Hiện tại, Chính phủ cần phải bảo vệ bằng được chuỗi logistic thông qua việc đẩy nhanh và ưu tiên tiêm chủng cho những lao động làm trong lĩnh vực phân phối và logistic.
Song song với đó, cần thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng ngừa lây lan ở các khu công nghiệp trọng điểm. Chỉ như vậy mới đảm bảo được sản xuất, chuỗi cung ứng không bị đứt gãy và giảm được tác động tiêu cực của dịch bệnh đến tăng trưởng kinh tế.
Trong dài hạn, để phục hồi nền kinh tế, tạo thêm việc làm cho người dân, Chính phủ cần có những chính sách gì, thưa ông?
Chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư công, hoàn thành sớm các công trình hạ tầng quan trọng, kết nối giữa các vùng như Đông Nam bộ với Đồng bằng sông Cửu long, đầu tư hiện đại hóa và thông thoáng các cảng biển, cửa khẩu và sân bay quan trọng giúp cho hàng hóa được lưu thông nhanh chóng, giảm chi phí logistic.
Ngoài ra, cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động chuyển đổi sang các ngành nghề của nền kinh tế tuần hoàn như: năng lược sạch, phát triển xanh và bền vững.
Xin cảm ơn ông!