10/01/2025 lúc 22:50 (GMT+7)
Breaking News

TS. Cấn Văn Lực: Kiên quyết tháo gỡ rào cản, vướng mắc nhanh nhất có thể

Đây là nhấn mạnh của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia khi thay mặt Nhóm Nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế, trình bày phát biểu đề dẫn về một số gợi mở chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội tại Phiên toàn thể, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 sáng nay.

Đây là nhấn mạnh của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia khi thay mặt Nhóm Nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế, trình bày phát biểu đề dẫn về một số gợi mở chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội tại Phiên toàn thể, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 sáng nay.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ

Theo TS Cấn Văn Lực, dịch Covid-19 tác động mạnh tới kinh tế thế giới và đang có dấu hiệu phục hồi, song sẽ theo hướng chậm dần (dưới 5%) trong các năm 2022 - 2023. Đối với Việt Nam, dịch Covid-19 tác động nặng nề. Tăng trưởng DGP năm 2020 ở mức 2,91%. Năm 2021, dự báo tăng 2% và có vẻ đang lỡ nhịp. Việt Nam đang phục hồi có vẻ theo hình “chữ U” trong khi thế giới theo hình “chữ V” rõ nét. Đây là điểm cần lưu ý. “Nếu không có chương trình, gói hỗ trợ đặc biệt cả về tài khóa và tiền tệ thì sẽ bị lỡ nhịp, điều đó đồng nghĩa triển vọng năm 2022 sẽ chỉ tăng tưởng trưởng trong khoảng 4 - 4,5%”, TS Cấn Văn Lực cảnh báo.

Về dư địa chính sách, đối với chính sách tài khóa, theo TS Cấn Văn Lực, chúng ta vẫn còn dư địa ở mức tương đối khả quan do mấy năm qua đã củng cố tương đối tốt, được quốc tế đánh giá là rất vững chãi và thuận lợi, tuy nhiên, “phải có chính sách kiểm soát theo hướng bền vững về tài khóa”.

Còn về tiền tệ, “dư địa có nhưng ít hơn bởi lãi suất đã giảm tương đối thấp trong khi xu thế thế giới bắt đầu tăng; áp lực lạm phát tăng lên, nợ xấu cũng tăng, song, chúng ta vẫn có biện pháp gián tiếp và trực tiếp để tiếp tục giảm lãi suất 0,5 - 1% thời gian tới”, TS Cấn Văn Lực nói.

Để triển khai các gói hỗ trợ này, theo TS Cấn Văn Lực, cần bảo đảm chính sách phải tác động cả tổng cung và tổng cầu; phải khả thi, triển khai nhanh gọn và hiệu quả; phối hợp tốt chính sách tài khóa và tiền tệ cũng như với các chính sách kinh tế - xã hội khác để tạo tính tổng lực.

Về chi tiết gói hỗ trợ, đối với gói chính sách tài khóa, nên bao gồm: Tiếp tục giảm thuế VAT từ 1 đến 2%; bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp này; có gói hỗ trợ lãi suất khoảng 20.000 - 30.000 tỷ đồng theo đề xuất của Bộ Tài chính. Riêng về cơ sở hạ tầng, tăng đầu tư bổ sung khoảng 150.000 tỷ đồng. Theo đó, gói hỗ trợ tài khóa vào khảng 389.200 tỷ đồng, tương đương 4,79% GDP.

Về chính sách tiền tệ, cần tiếp tục thực hiện các chính sách hiện hành, đồng thời sử dụng một loạt công cụ khác để tiếp tục giảm lãi suất 0,5 - 1%; cho vay tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng để cho vay nhà ở quy mô 65.000 tỷ đồng; giá trị cấp bù lãi suất ước tính 6.100 tỷ đồng. Đồng thời, nghiên cứu giữ nguyên tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn, luật hóa xử lý nợ xấu…

Về chính sách an sinh xã hội, TS Cấn Văn Lực đề xuất có thêm 2 gói chính sách: Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trở lại doanh nghiệp làm việc vào khoảng 6 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ đào tạo nghề vào khoảng 6.800 tỷ đồng với tổng giá trị hỗ trợ khoảng 13 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, xem xét giảm tiền điện, nâng cao năng lực công nghệ đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp… với khoảng 38 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, “tổng thể các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội và các chính sách khác vào khoảng 844 nghìn tỷ đồng về danh nghĩa, còn về thực chi vào khoảng 445 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,12% GDP”. Khẳng định điều này, TS Cấn Văn Lực nêu rõ, “gói hỗ trợ này sẽ đủ sức hấp thụ trong thời gian tới, và khi áp dụng gói chính sách này, chúng ta cần chấp nhận thâm hụt ngân sách ít nhất 0,1 điểm % cho mỗi năm”.

Để huy động nguồn lực cho gói hỗ trợ này, chúng ta có thể huy động từ việc tiết giảm chi phí (khoảng 29 nghìn tỷ đồng); thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn (80 nghìn tỷ đồng); cho phép Bảo hiểm tiền gửi, Bảo hiểm xã hội dùng tiền nhàn rỗi để mua trái phiếu Chính phủ (hơn 51 nghìn tỷ đồng); phát hành trái phiếu Chính phủ mà Ngân hàng Nhà nước có thể mua (hơn 220 nghìn tỷ đồng); rà soát các quỹ ngoài ngân sách (20 nghìn tỷ đồng); sử dụng một phần dự trữ ngoại hối nếu cần (45.400 tỷ đồng). Như vậy, có thể huy động được khoảng 445 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 5% cho 2 năm tới, TS Cấn Văn Lực tính toán.

Cũng theo TS Cấn Văn Lực, về đánh giá tác động chính sách khi áp dụng các gói hỗ trợ trên nên có 2 kịch bản. Ở kịch bản 1, trong điều kiện “bình thường, khả năng xảy ra cao hơn”. Ở kịch bản 2 là “tích cực, lạc quan; khả năng xảy ra thấp hơn”. Theo đó, ở kịch bản 1, nếu không có chương trình hỗ trợ, tăng trưởng GDP năm 2021 vào khoảng 2%; năm 2022 là 4% và năm 2023 là 6%. Khi có chương trình hỗ trợ, mức tăng trưởng GDP lần lượt là 6% và 7,5% vào năm 2022 - 2023.

Đối với kịch bản 2, khi không có chương trình hỗ trợ, tăng trưởng GDP bình quân từ năm 2021 - 2023 lần lượt là 2,5%; 6% và 6,5%. Tuy nhiên, khi có chương trình, mức tăng trưởng này sẽ tăng lên 7,8% và 7,7% trong năm 2022 và 2023. Tác động tới thâm hụt ngân sách, ở kịch bản 1, khi không có chương trình, thâm hụt ngân sách giai đoạn 2021 - 2023 vào khoảng 4 - 4,5%, nhưng khi có chương trình tăng trưởng sẽ lần lượt vào khoảng 4% - 5,08% và 5,97%. Ở kịch bản 2, tác động tới thâm hụt ngân sách khi không có chương trình, tăng trưởng lần lượt là 4% - 3,8% và 3,5%; trong khi đó, nếu có chương trình, mức tăng này lần lượt là 2,5% - 5% và 5,86%. Để các chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả, TS Cấn Văn Lực đề nghị, cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chính sách, nhất là chính sách tài khóa và tiền tệ; chấp nhận tăng nợ công, thâm hụt ngân sách, nghĩa vụ trả nợ và tín dụng trong tầm kiểm soát.

Bên cạnh đó, tăng bảo lãnh phát hành trái phiếu của Chính phủ cho ngân hàng chính sách xã hội; có giải pháp tăng vốn cho các ngân hàng thương mại. Chú trọng cải tiến hiệu quả, kịp thời khâu thực thi; gắn kết chặt chẽ với Chiến lược phòng, chống dịch. Đồng thời, xây dựng lộ trình cụ thể để trung hòa các tác động của chính sách đã nêu trên. Song song với đó, “đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế; cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; kiên quyết tháo gỡ rào cản, vướng mắc nhanh nhất có thể; chú trọng triển khai đồng thời các nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra trong các kế hoạch, chương trình khác”, TS Cấn Văn Lực đề xuất.

Xem thêm: https://vietnamhoinhap.vn/article/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-khong-phat-trien-kinh-te-bang-moi-gia-ma-phai-ben-vung---n-44908