VNHN - Các cơ quan truyền thông quốc tế nhận định, với những nỗ lực, giải pháp đồng bộ, quyết liệt, tinh thần đoàn kết dân tộc, Việt Nam đã trải qua hơn 3 tuần không có thêm ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng, qua đó sẽ là lần thứ hai Việt Nam đẩy lùi và kiểm soát dịch Covid-19 một cách hiệu quả.
Việt Nam tiếp tục được đánh giá là “điểm sáng” trong ứng phó với dịch Covid-19 (Ảnh: Reuters)
Trong một bài viết, hãng tin ABC của Australia trích dẫn đánh giá của giáo sư Guy Thwaites, Giám đốc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford (OUCRU) tại TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Cách ứng phó của Việt Nam không phải là cách ứng phó công nghệ cao, mà là cách ứng phó rất nhanh và được tổ chức tốt”. Theo Giáo sư Guy Thwaites, trong đợt dịch Covid-19 thứ hai, Việt Nam đã thực hiện tất cả những biện pháp đơn giản tương tự như đợt dịch trước đó nhưng với quy mô lớn hơn và rất nhanh chóng. Điểm khác biệt là trong đợt này, việc lấy mẫu được tiến hành theo nhóm 5-6 người cùng lúc và nếu có kết quả dương tính, tất cả các mẫu sẽ được xét nghiệm riêng. Bên cạnh đó, các khu vực có ca nhiễm được phát hiện sẽ được ưu tiên xét nghiệm trước. “Bằng cách này, Việt Nam chỉ cần 20.000 bộ kit xét nghiệm để tiến hành xét nghiệm cho 100.000 người. Điều đó cho phép tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc”, giáo sư Guy Thwaites nhận định.
Ngoài ra, hãng tin ABC cũng bày tỏ ấn tượng về truyền thống "tương thân tương ái" của người Việt Nam được thể hiện trong thời kỳ đất nước phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng. “Người dân ở Đà Nẵng-tâm điểm của đợt lây nhiễm thứ hai, đã quyên góp tiền, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu cho bệnh viện lớn nhất của thành phố. Sau khi xuất viện, một bệnh nhân thậm chí còn cùng bạn bè thành lập quỹ từ thiện để sản xuất các sản phẩm khử trùng và vệ sinh rồi trao tặng các bệnh viện trong và xung quanh Đà Nẵng”, bài viết nêu rõ.
Ngay từ khi dịch Covid-19 lây lan vào Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Sự minh bạch về thông tin, sự phối hợp giữa Chính phủ và người dân đã giúp Việt Nam giảm được số người nhiễm bệnh. Thậm chí, khi làn sóng dịch bệnh trở lại Việt Nam từ ngày 25-7 với diễn biến phức tạp hơn sau gần 100 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, Việt Nam cũng có sự đối phó hữu hiệu, tránh không để trở thành “điểm nóng” Covid-19.
Cùng chung nhận định trên, Tạp chí Counter Punch của Mỹ cũng nêu bật tinh thần đoàn kết của người dân Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo tạp chí này, trước làn sóng dịch bệnh thứ hai bắt nguồn từ Đà Nẵng và lan sang một số tỉnh, thành phố khác, Việt Nam đã thể hiện sự nhanh chóng, dứt khoát ngăn chặn virus SARS-CoV-2 bằng cách kiểm soát chặt đường biên giới, tạm dừng các chuyến bay thương mại từ Việt Nam đi các nước, tạm ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài. Tuy nhiên, các hành động của Chính phủ sẽ không thể hiệu quả nếu người dân không tuân thủ nghiêm, tự giác thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách. Cũng theo Counter Punch, người dân Việt Nam coi dịch Covid-19 là kẻ thù vô hình mà cả nước phải đoàn kết, đồng lòng chống lại.
Mới đây, website của Liên hợp quốc (LHQ) cũng đăng tải bài viết “Chìa khóa để Việt Nam ứng phó thành công với dịch Covid-19” của Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam Kamal Malhotra. Bài viết khẳng định, tới thời điểm hiện tại, chưa có quốc gia nào có thể tuyên bố đã đánh bại đại dịch. Dù vậy, một số nước đã và đang đạt được nhiều thành tựu đáng kể hơn trong việc hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, trong đó có Việt Nam. Theo ông Kamal Malhotra, thành quả của Việt Nam trong việc khống chế dịch bệnh như hiện nay là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự tham gia của tất cả các bộ, ngành, địa phương, cùng với sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân. Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam cho rằng, với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác khác, Việt Nam đã thực hiện một kế hoạch dài hạn để có thể đối phó với những trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng dựa trên kinh nghiệm đã có.
Đặc biệt, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam nhấn mạnh đến những cam kết, nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 lây lan tại các địa phương. Theo đó, Chính phủ đã tích cực chỉ đạo tăng cường năng lực xét nghiệm, điều trị, điều tra, giám sát, truy vết dịch bệnh; tuyên truyền rộng khắp để vận động người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình và cộng đồng; ban hành quy định giãn cách xã hội linh hoạt, các biện pháp phòng, chống dịch toàn diện, nhất là các đối tượng, khu vực có nguy cơ cao. “Tôi tin tưởng rằng, quốc gia này sẽ sớm ngăn chặn thành công virus SARS-CoV-2 một lần nữa”, ông Kamal Malhotra kết luận./.