Là một ngôi trường còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhưng với tâm huyết và nỗ lực vượt khó vươn lên của các thầy cô giáo, những năm qua, Trường THPT Mường Lát đã trở thành địa chỉ tin cậy, nơi thắp sáng ước mơ tri thức cho nhiều học sinh dân tộc thiểu số vùng cao biên giới huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá.
Hình ảnh ngôi trường THPT Mường Lát - nơi biết bao thế hệ con em dân tộc thắp sáng ước mơ.
Đến thăm trường vào một buổi sáng cuối tuần mùa thu tháng 9, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và vui vẻ bởi sự lễ phép của học sinh nơi đây. Gặp bất cứ học sinh nào, chúng tôi cũng được các em lễ phép cúi chào “Cháu chào chú ạ”. Đó là một hành động nhỏ nhưng nói lên rất nhiều điều; cho thấy sự giáo dục nghiêm túc, bài bản, rèn giũa của các thầy cô giáo.
Trường THPT Mường Lát toạ lạc tại trung tâm thị trấn huyện Mường Lát. Trải qua những năm tháng xây dựng và trưởng thành, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, đa số nguồn giáo viên đều là dưới miền xuôi và các huyện khác chuyển về. Tuy nhiên trong nhiều năm qua được sự chỉ đạo đúng đắn của cấp ủy Đảng, Ban Giám hiệu, sự đoàn kết nhất trí của ban lãnh đạo và tập thể CBGV nhà trường, sự phối kết hợp chặt chẽ của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường, cùng với sự quan tâm của hội phụ huynh học sinh, đặc biệt là sự quan tâm của tỉnh Thanh Hoá và chỉ đạo sát sao của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, Trường THPT Mường Lát đã gặt hái được những kết quả quan trọng. Nhà trường được nhân dân, phụ huynh và học sinh vùng tuyển sinh ủng hộ, tin tưởng, được các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và ngành giáo dục ghi nhận, khen thưởng. Nhà trường đã có các phòng học và phòng chức năng cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Năm học 2020 – 2021 nhà trường có 718 học sinh, với 19 lớp học và 28 cán bộ, giáo viên, trong đó có 660 em học sinh dân tộc thiểu số. Năm học qua, trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, ngành GD&ĐT nói chung và thầy trò nhà trường nói riêng đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách. Song, với ý chí quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Dù khó khăn đến đâu cũng phải ra sức thi đua dạy tốt, học tốt”, thầy trò trường THPT Mường Lát đã vượt qua khó khăn và đạt được những thành tích rất đáng khích lệ: Có 14 lớp học được trang bị máy chiếu phục vụ nhu cầu dạy giáo án điện tử của giáo viên, nề nếp dạy và học ngày càng được duy trì nghiêm túc, góp phần quan trọng vào việc giáo dục đạo đức, rèn luyện học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường. Công tác tuyển sinh vào lớp 10 của nhà trường cũng ngày càng ổn định. Hàng năm, số lượng học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 của nhà trường đều tăng, chứng tỏ niềm tin của phụ huynh và các em học sinh vào công tác giáo dục của nhà trường ngày càng lớn. Những kết quả về chất lượng giáo dục trên là những minh chứng rõ rệt nhất cho sự nỗ lực cố gắng của thầy cô, trò và sự định hướng, chỉ đạo đúng đắn của BGH nhà trường.
Các em trong tiết học trên lớp.
Với đặc thù của huyện nghèo, đa số học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 91,92%, đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bố mẹ sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện chu cấp kinh tế cho con ăn học. Thậm chí, nhiều phụ huynh đồng bào dân tộc thiểu số không biết nói tiếng phổ thông, đã có một số trường hợp em học sinh phải bỏ học, xác định rõ những khó khăn và nhiệm vụ của mình, nhà trường đã có những phương pháp giáo dục đặc biệt, lấy đạo đức, tình thương, trách nhiệm làm yếu tố quan trọng hàng đầu để giáo dục học sinh, nhà trường đã chủ động thành lập tổ hoạt động tiếp sức học sinh “Vì bạn đến trường”, tổ đã đi về các bản có học sinh nguy cơ bỏ học để tìm nguyên nhân, động viên các gia đình và bản thân học sinh tiếp tục theo học. Đồng thời tạo môi trường học tập thân thiện giữa thầy cô và trò; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội để động viên học sinh đến trường.
Thầy và trò cùng tìm hiểu về phòng chống ma túy học đường.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục đào tạo trong thời kỳ đổi mới, nhà trường luôn thực hiện tốt các phong trào thi đua của ngành, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do địa phương phát động, luôn đổi mới trong công tác quản lý, giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi; kiểm tra đánh giá chất lượng dạy và học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, thi đua “Dạy tốt, học tốt”... Đồng thời, chú trọng giáo dục kỹ năng sống, bồi dưỡng tình cảm tốt đẹp, lý tưởng sống, khát khao học tập, khát vọng cống hiến cho học sinh, tạo môi trường thuận lợi để học sinh rèn đức, luyện tài.
Tập thể cán bộ giáo viên nhà trường.
Với những kết quả đã đạt được, BGH cùng tập thể CBGV và học sinh Trường THPT Mường Lát sẽ luôn đoàn kết, phấn đấu hết sức mình để giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà trường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “trồng người”, xứng đáng với niềm tin tưởng của nhân dân huyện vùng cao biên giới xứ Thanh./.