Không chỉ trở thành trung tâm y khoa mạnh về đào tạo nguồn nhân lực nhóm ngành khoa học sức khỏe theo hướng đa cấp, đa ngành, Đại học Y - Dược Thái Nguyên còn là địa chỉ uy tín trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học, cung cấp dịch vụ sản phẩm, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Vượt khó vươn lên
Năm 1968, từ một cơ sở phân hiệu của Trường Đại học Y Hà Nội, đảm nhận nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng miền núi phía Bắc rộng lớn, Nhà trường đã không ngừng phát triển cả chiều sâu về chuyên môn và bề rộng về quy mô. Năm 1979, Trường được đổi tên thành Trường Đại học Y khoa Bắc Thái, năm 1994 Trường trực thuộc Đại học Thái Nguyên và sau này mở rộng quy mô đào tạo cả ngành Dược nên được đặt tên Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên.
Để thực hiện được sứ mạng lớn lao là đào tạo cán bộ y tế trình độ đại học, sau đại học; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; hỗ trợ phát triển hệ thống y tế; cung cấp dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân các dân tộc khu vực trung du, miền núi phía Bắc Việt Nam và cả nước, 54 năm qua là cả một chặng đường biết bao gian nan và thử thách đối với Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên.
Phát triển vượt bậc
Với mục tiêu phát triển nhà trường theo định hướng ứng dụng; từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; phát triển quy mô đào tạo một cách hợp lý trên cơ sở nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ phát triển hệ thống y tế và cung cấp dịch vụ. Nâng cao chất lượng đào tạo một cách toàn diện, gồm: đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo; năng lực thực hành; năng lực nghiên cứu khoa học; năng lực ngoại ngữ và tin học đáp ứng nhu cầu nhân lực y tế chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nền kinh tế tri thức.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Đại học Y - Dược (ĐH Thái Nguyên) nhấn mạnh: Trường Đại học Y - Dược (ĐH Thái Nguyên) xác định đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gắn với đào tạo sau đại học, thúc đẩy các công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín; đẩy mạnh đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích; ưu tiên các nghiên cứu ứng dụng chuyển giao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; đầu tư phát triển các phòng thí nghiệm theo lĩnh vực ưu tiên. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế; chủ động mở rộng hợp tác, trao đổi sinh viên, giảng viên; tăng cường thu hút đầu tư, tài trợ của nước ngoài.
Thực hiện tự chủ đại học, hoàn thiện hệ thống văn bản nội bộ để thực hiện đầy đủ cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình trong hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản; nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng trường, phát huy dân chủ và nâng cao năng lực quản trị nhà trường; giải phóng tính năng động, khả năng sáng tạo và sự đóng góp của mỗi giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia trong quản trị và vận hành cơ sở giáo dục đại học; tăng cường thực hiện trách nhiệm giải trình và công khai, minh bạch thông tin để các bên liên quan và xã hội giám sát.
Trong thời gian tới nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển sinh, đào tạo, trong đó hoàn thiện và triển khai thực hiện lộ trình đổi mới công tác tuyển sinh giai đoạn 2021-2025 gắn với đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT. Công tác tuyển sinh bảo đảm an toàn, hiệu quả, phương thức, hình thức phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính công khai, minh bạch theo quy định.
Đẩy mạnh công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo giai đoạn 2019-2030; Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục, đặc biệt là kiểm định chất lượng chương trình đào tạo; chú trọng việc cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo sau đánh giá.
Đồng thời, xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược cần nhanh chóng triển khai, nâng cao hiệu quả trong quản trị nhà trường, trong tuyển sinh và đào tạo, trong đổi mới dạy và học. Tăng cường hợp tác, cùng xây dựng và chia sẻ sử dụng các nền tảng dữ liệu, học liệu, môi trường học tập số và hệ thống quản trị, quản lý nhà trường.
Luôn luôn chủ động, sáng tạo
Bên cạnh đó, trước diễn biến phức tạp của đại dịch, trường Đại học Y – Dược (ĐH Thái Nguyên) đã chủ động tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh; kịp thời chỉ đạo các nhóm, Khoa, Bộ môn tập trung nghiên cứu giải pháp phòng dịch; tập trung vào giải pháp truyền thông, sản xuất dung dịch sát khuẩn, lấy mẫu, xét nghiệm, chăm sóc bệnh nhân.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện phòng, chống dịch theo các khuyến cáo, đặc biệt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế cho trên 6.000 cán bộ viên chức, người lao động, học viên, sinh viên của Trường.
Đoàn thanh niên đã phối hợp với Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) triển khai dự án truyền thông phòng, chống Covid-19 cho đồng bào dân tộc thiểu số, biên dịch tài liệu chống dịch ra 8 thứ tiếng dân tộc phổ biến và triển khai hiệu quả tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Đến nay, đã có khoảng 2.000 cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng, chăm sóc bệnh nhân, tuyên truyền phòng, chống Covid-19 tại các địa phương. 20 đội tình nguyện xung kích chống dịch, mỗi đội 20-25 thành viên sẵn sàng tham gia khi được yêu cầu.
Phát huy truyền thống tuổi trẻ Y – Dược
Cùng với đó, trước tình hình dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến hết sức phức tạp tại Việt Nam, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam như thành phố Hồ Chí Minh,tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An,… Với tinh thần trách nhiệm của cán bộ ngành Y tế, hàng trăm cán bộ, học viên, sinh viên, cựu sinh viên của Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên đã không ngại gian khổ, tình nguyện lên đường cùng ngành y tế các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh (với trên 500 cán bộ, học viên, sinh viên), TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai (với 330 cán bộ, học viên, sinh viên),…tham gia trên tuyến đầu chống dịch từ khi đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021, được các địa phương ghi nhận và đề nghị khen thưởng, góp phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch Covid -19 của cả nước.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình trạng bệnh nhân chờ đợi mòn mỏi vì thiếu máu luôn là điều lo lắng với các y, bác sỹ đang công tác tại các cơ sở y tế. Vì vậy, để tăng lượng máu dự trữ, góp phần đẩy lùi bệnh tật và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên trường Đại học Y – Dược đã phối hợp cùng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tổ chức chương trình hiến máu nhân đạo “Giọt hồng Blouse trắng TUMP”.
54 năm một chặng đường phát triển với nhiều thành tựu đáng tự hào, với nền tảng truyền thống, tiềm năng và đà phát triển mạnh mẽ, Trường Đại học Y – Dược Thái Nguyên nguyện sẽ tiếp tục viết tiếp các trang sử vẻ vang của nhà trường; tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa để làm trọn nhiệm vụ của mình, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và nhân dân, để có đóng góp nhiều nhất trong sự nghiệp đào tạo các thầy thuốc có trình độ cao, có tâm, có đức phục vụ sự nghiệp bảo vệ sức khỏe của nhân dân.