25/12/2024 lúc 22:29 (GMT+7)
Breaking News

Trường CĐNKT-KT Tô Hiệu Hưng Yên: Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề

VNHN – Trong hơn 50 năm qua, Trường Cao đẳng Nghề Kinh tế - Kỹ thuật Tô Hiệu Hưng Yên (Trường CĐNKT-KT Tô Hiệu) đã không ngừng đổi mới để ổn định và phát triển cả về quy mô và chất lượng đào tạo. Hàng vạn cán bộ kỹ thuật, nghiệp vụ được đào tạo từ Nhà trường đã và đang phục vụ các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội của tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và các tỉnh lân cận.

VNHN – Trong hơn 50 năm qua, Trường Cao đẳng Nghề Kinh tế - Kỹ thuật Tô Hiệu Hưng Yên (Trường CĐNKT-KT Tô Hiệu) đã không ngừng đổi mới để ổn định và phát triển cả về quy mô và chất lượng đào tạo. Hàng vạn cán bộ kỹ thuật, nghiệp vụ được đào tạo từ Nhà trường đã và đang phục vụ các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội của tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và các tỉnh lân cận.

Ngày 26/3/2013, Trường CĐNKT-KT Tô Hiệu chính thức được thành lập theo Quyết định số 1456/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội trên cơ sở Trường Trung học Kinh tế Kỹ thuật Tô Hiệu Hưng Yên (được thành lập từ năm 1961, tiền thân là trường Trung học Kỹ thuật Nông nghiệp Tô Hiệu, đến năm 1999 được UBND tỉnh Hưng Yên quyết định đổi tên trường Trung học Kỹ thuật Nông nghiệp Tô Hiệu thành Trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật Tô Hiệu Hưng Yên và bổ sung nhiệm vụ cho Trường theo Quyết định số 26/1999/QĐ-UB ngày 09/01/1999).

Trong hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành, Trường CĐNKT-KT Tô Hiệu đã khẳng định vị thế và vai trò vô cùng quan trọng trong việc đào tào và nuôi dưỡng nguồn nhân lực cho tỉnh. Nhà trường mở rộng cơ sở vật chất, quy mô, ngành nghề đào tạo với 2 cơ sở. Cơ sở chính ở xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên và cơ sở đào tạo tại số 56 đường Hải Thượng Lãn Ông, P. Hiến Nam, Tp. Hưng Yên.

Trường CĐNKT-KT Tô Hiệu đã hoàn thiện và đổi mới nhiều về cơ sở vật chất

Chất lượng đào tạo là yếu tố tiên quyết

Từ khi tiếp nhận trường Trường Trung cấp nghề Hưng Yên theo quyết định của UBND tỉnh, Trường CĐNKT-KT Tô Hiệu đã bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự, bảo đảm các điều kiện về tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện cần thiết khác theo tinh thần của đề án, để trường đi vào hoạt động, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, cụ thể: Về tổ chức bộ máy, Nhà trường có 05 phòng chức năng, 07 khoa chuyên môn và 02 trung tâm. Về chuyên môn, Nhà trường thực hiện nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ, kỹ thuật, hội nhập khu vực và quốc tế, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Về công tác cán bộ, đã sắp xếp, bố trí cán bộ, giảng viên, giáo viên, nhân viên theo đề án vị trí việc làm theo hướng tinh gọn, hiệu quả và phù hợp.

Phát biểu tại Lễ khai giảng năm học mới 2018 – 2019, Thầy Đỗ Trọng Hoàn, Bí thư Đảng Ủy, Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định: “Nhà trường rất tập trung đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của nhà tuyển dụng và sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt sẽ liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc nâng cao kỹ năng và thái độ học tập, làm việc. Trong thời gian tới, Nhà trường cũng sẽ tích cực hợp tác với các doanh nghiệp để đảm bảo tất cả học sinh sinh viên (HSSV) đều có cơ hội tham gia thực hành, thực tập ở doanh nghiệp. Trong năm học 2018 -2019, Nhà trường sẽ mở rộng liên kết ít nhất là 10 doanh nghiệp nữa”.

Tính riêng năm học 2017 – 2018 vừa qua, Nhà trường đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Một mặt về công tác tuyển sinh, Nhà trường đạt kết quả rất tốt với 640 HSSV ở các trình độ đào tạo được tuyển mới, trong đó hệ trung cấp đạt 400 học sinh (có 220 học sinh trung cấp đăng ký học Giáo dục thường xuyên cấp THPT), tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, tốt nghiệp các trình độ trong năm là 373 em. HSSV trong quá trình đào tạo được trang bị kiến thức vững vàng, được rèn kỹ năng thành thạo, được giáo dục thái độ tốt đối với học tập, chuyên môn, đều có việc làm, được các đơn vị sử dụng lao động đánh giá cao khi ra trường.

Mặt khác về chất lượng đào tạo, Nhà trường cũng đã chuyển đổi 19 chương trình đào tạo theo Luật giáo dục nghề nghiệp; Đăng ký 02 nghề mới; Biên soạn và thẩm định 10 giáo trình; trình dự án đầu tư ngành nghề trọng điểm đến năm 2020 để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng đội ngũ; Đã nghiệm thu 5 đề tài nghiên cứu khoa học (Trong đó 2 đề tài cấp tỉnh; 3 đề tài cấp trường); Triển khai đề tài “Nuôi cấy đông trùng hạ thảo”; Tiếp tục thực nghiệm dự án sản xuất Hoa Nhài,…

Giờ thực hành của Trường CĐNKT-KT Tô Hiệu luôn thu hút sự quan tâm của các HSSV

Hỗ trợ việc làm sau ra trường

Không chỉ chú trọng đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, Nhà trường còn tiếp tục mở rộng liên kết với các doanh nghiệp để sinh viên được thực thành, nâng cao tay nghề và đảm bảo số HSSV sau khi ra trường đều có việc làm.

Hiện nay Nhà trường tích cực liên kết đào tạo với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, trang trại trên địa bàn tỉnh như: Công ty May Việt Mỹ (HBI), Công ty May Minh Anh, Công ty Nhân Đạt KESA, Công ty TNHH Hợp Thành, Công ty CP May Hưng Long II, Công ty May mặc Hưng Việt Japan, Công ty Điện tử Hoàng Kim VINA, Công ty Đầu tư và Xây lắp Số 18, Công ty Thiết bị điện Bách Khoa Hưng Hà, Công ty CP Koman, Doanh nghiệp Điện lạnh Ô tô An Sơn, Ga ra ô tô Thời Đại,…

Đại diện doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên trao học bổng cho sinh viên Nhà trường

Việc hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo và hỗ trợ việc làm sau khi ra trường đã tạo ra lợi thế nhiều mặt. Cụ thể là:

Đối với giáo viên và HSSV của Nhà trường, doanh nghiệp là nơi giúp công tác dạy nghề hướng tới đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động và giải quyết việc làm; chương trình đào tạo thường xuyên cập nhật được các tiến bộ khoa học và công nghệ mới; giúp giảng viên và người học của Nhà trường tiếp cận với công nghệ, phương tiện sản xuất tiên tiến và học tập, rèn luyện tay nghề trên các thiết bị thực tế, hiện đại, những thiết bị đắt tiền mà nhà trường không thể có. Từ đó, giáo viên và người học hiểu được qui trình công nghệ sản xuất và trực tiếp làm ra sản phẩm; đặc biệt, còn là địa chỉ hỗ trợ nhà trường về cơ sở vật chất, kinh phí đào tạo, học bổng cho người học...

Về năng lực và chuyên môn, sinh viên được học và tiếp cận với đội ngũ công nhân kỹ thuật, kỹ sư, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong sản xuất để nâng cao tay nghề và chuyên môn, sớm thích ứng với công việc, rèn luyện đạo đức và phẩm chất nghề nghiệp.

Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ có được một lực lượng lao động “phụ” là người học trong quá trình thực hành, thực tập sản xuất tại doanh nghiệp với chi phí thấp. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp theo dõi và tuyển chọn được những học sinh, sinh viên giỏi, có năng lực thực tế phù hợp với yêu cầu lao động.

Từ những phương pháp dạy và học được kết hợp giữa Trường CĐNKT-KT Tô Hiệu và các doanh nghiệp nói trên, Nhà trường đã, đang và sẽ tiếp tục phấn đấu để trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp trọng điểm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đa cấp, đa ngành của vùng kinh tế Đông Bắc Bộ.

Lưu Ánh