VNHN - Ngày 23-9, theo giờ địa phương, Hội nghị thượng đỉnh về hành động chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (LHQ) đã diễn ra tại New York, Mỹ. Tại thềm Hội nghị thượng đỉnh, Tổng thư ký LHQ, ông Antonio Guterres đã nhiều lần cảnh báo rằng, các quốc gia cần nhiều hơn những lời hứa suông để chống biến đổi khí hậu.
Bối cảnh toàn cầu về biến đổi khí hậu
Khí thải toàn cầu đang đạt mức kỷ lục và vẫn không có dấu hiệu đạt đỉnh. Bốn năm qua là bốn năm nóng nhất trong lịch sử và nhiệt độ mùa đông ở Bắc Cực đã tăng 3°C kể từ năm 1990. Mực nước biển đang tăng, các rạn san hô đang chết dần và con người bắt đầu thấy tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe, thông qua ô nhiễm không khí, sóng nhiệt và rủi ro đối với an ninh lương thực.
Tác động của biến đổi khí hậu đang được cảm nhận ở khắp mọi nơi và đang có những hậu quả rất thực tế đối với cuộc sống của người dân. Biến đổi khí hậu đang làm gián đoạn sự phát triển của nền kinh tế, khiến chúng ta phải trả giá đắt cho ngày hôm nay và thậm chí nhiều hơn vào ngày mai. Nhưng có một tín hiệu vui là chúng ta đã tìm ra những giải pháp thay thế với giá cả phải chăng để cho phép tất cả cùng nhảy vọt đến các nền kinh tế sạch hơn, bền vững hơn.
Phân tích mới nhất cho thấy, nếu chúng ta hành động ngay bây giờ, chúng ta có thể giảm lượng khí thải carbon trong vòng 12 năm và giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu xuống dưới 2°C và thậm chí, theo yêu cầu của khoa học mới nhất, xuống 1,5°C so với trước.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu khai mạc hội nghị.
Rất may, chúng ta có Thỏa thuận Paris được ký kết tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của LHQ năm 2015. Đây là khuôn khổ chính sách có tầm nhìn, khả thi, hướng tới tương lai, đưa ra chính xác những gì cần phải làm để ngăn chặn sự gián đoạn khí hậu và đảo ngược tác động của nó. Nhưng bản thân thỏa thuận là vô nghĩa nếu các quốc gia không hành động.
Kể từ khi hiệp định Paris, một vài quốc gia, bao gồm cả Costa Rica, đã bắt đầu chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch một cách nghiêm túc và năng lượng tái tạo đã trở nên rẻ hơn đáng kể. Tuy nhiên, khí thải nhà kính toàn cầu vẫn tiếp tục tăng, khí hậu ngày càng không ổn định và ba nước lớn gồm Mỹ, Ả Rập Saudi và Brazil đang chùn bước trong hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu. Mỹ, nước phát thải carbon lớn thứ hai thế giới, đang đặt mục tiêu rút khỏi thỏa thuận Paris và thực tế lượng phát thải của nước này tăng vào năm ngoái sau nhiều năm suy giảm.
Tổng thư ký LHQ António Guterres kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo đến New York vào ngày 23-9 bằng các kế hoạch cụ thể, thực tế, phù hợp để giảm 45% lượng khí thải nhà kính trong thập kỷ tới, và không phát thải vào năm 2050. “Tôi muốn nghe về cách chúng ta sẽ ngăn chặn sự gia tăng phát thải vào năm 2020 và giảm đáng kể lượng khí thải để đạt mức phát thải bằng không vào giữa thế kỷ”, ông nói.
Quang cảnh hội nghị.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến sẽ phát biểu, cùng với các nhà lãnh đạo từ ít nhất 48 quốc gia khác. Nhưng LHQ không cho phép các quốc gia đang xây dựng hoặc tài trợ cho các nhà máy năng lượng hóa thạch mới hoặc đang bỏ bê các cam kết về khí thải như Mỹ, Brazil, Ả Rập Saudi, Nam Phi và Nhật Bản phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh lần này.
Dưới đây là ba vấn đề trọng tâm trong Hội nghị thượng đỉnh hành động khí hậu năm 2019:
Các nước giàu đã cam kết chi bao nhiêu tiền chống biến đổi khí hậu?
Bất công cơ bản của biến đổi khí hậu là nhiều quốc gia giàu có nhất thế giới trong lịch sử đã thải ra nhiều khí thải nhà kính nhất, nhưng những nước nghèo thải rất ít khí nhà kính lại phải gánh chịu nhiều nhất. Thể hiện rõ nhất là các quốc đảo như Bahamas phải đối mặt với nước biển dâng và những cơn bão dữ dội hơn như cơn bão Dorian, hay các quốc gia ở Đông Nam Á phải hứng chịu những đợt nắng nóng cực độ.
Các quốc gia phát triển có thể tự chuyển sang sử dụng năng lượng sạch, nhưng một vấn đề như biến đổi khí hậu đòi hỏi phải có hành động từ mọi quốc gia, và các nền kinh tế mới nổi đang phát thải khí nhà kính ngày càng tăng. Để khắc phục điều này, LHQ đã thành lập Quỹ Khí hậu xanh nhằm giảm phát thải từ nạn phá rừng và suy thoái rừng hay còn gọi là REDD + và Cơ chế phát triển sạch. Các chương trình này lấy vốn từ một nhóm các quốc gia và sử dụng nó để tài trợ cho các chiến lược giảm thiểu biến đổi khí hậu ở các nơi khác trên thế giới như triển khai năng lượng tái tạo, phục hồi rừng và nông nghiệp bền vững.
Biểu tình chống biến đổi khí hậu tại Melbourne, Australia.
Chúng rất quan trọng để bảo đảm rằng tiến trình biến đổi khí hậu ở một quốc gia không bị áp đảo bởi sự sụp đổ ở các quốc gia khác. Vì vậy, điều đáng quan tâm là các nền kinh tế phát triển hơn sẵn sàng đóng góp cho các chương trình này như thế nào. David Waskow, Giám đốc Sáng kiến khí hậu quốc tế tại Viện Tài nguyên thế giới cho biết, tại Hội nghị thượng đỉnh, có một số kỳ vọng rằng các quốc gia khác sẽ đưa ra thông báo về sự sẵn sàng tăng cường đóng góp của họ. Quỹ Khí hậu Xanh hiện đang nhận được sự cam kết của các quốc gia như Anh và Pháp sẽ tăng gấp đôi đóng góp của họ.
Ngược lại, các quốc gia giàu có gần đây cũng đe dọa thu hồi tài trợ từ các quốc gia khác không tuân thủ các cam kết môi trường của họ. Thí dụ Đức và Na Uy gần đây đã đe dọa giữ lại các khoản đóng góp của họ cho Quỹ Amazon, nơi hỗ trợ các dự án phục hồi rừng nhiệt đới, bởi vì việc thực thi bảo vệ môi trường lỏng lẻo của Brazil. Hội nghị thượng đỉnh có thể là một cơ hội để đặt nền móng cho một thị trường giao dịch carbon quốc tế rộng lớn hơn. Điều này có thể thúc đẩy các nỗ lực giảm thiểu khí hậu mạnh mẽ hơn trên khắp thế giới theo Thỏa thuận Paris. Nhưng một cơ chế như vậy sẽ đòi hỏi phải có tính toán chặt chẽ để bảo đảm tiến độ và cần có sự phối hợp đúng quy tắc giữa các quốc gia tham gia thị trường giao dịch carbon.
Greta Thunberg (giữa) phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh thanh niên về khí hậu ngày 21-9.
Trung Quốc và Ấn Độ sẽ mang đến Hội nghị thượng đỉnh những gì?
Trung Quốc là nước phát thải khí nhà kính số một trên thế giới. Mỹ là thứ hai, và Ấn Độ là thứ ba. Các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Trung Quốc thường nổi giận khi bị xếp cùng nhóm với Mỹ vì họ có dân số lớn hơn nhiều, do đó lượng khí thải bình quân đầu người của họ thấp hơn. Trên thực tế, cả hai quốc gia gần như đang đi đúng hướng với trong cam kết chống biến đổi khí hậu của họ.
Nhưng để hạn chế sự nóng lên toàn cầu đến mức an toàn hơn, tổng lượng khí thải phải giảm xuống. Và điều đó có nghĩa là Trung Quốc và Ấn Độ phải thực hiện những thay đổi lớn đối với hệ thống năng lượng, đặc biệt là khi cả hai quốc gia đang gia tăng dân số và mức sống đang ngày càng tăng lên. Các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Trung Quốc dự kiến sẽ phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh, vì vậy có khả năng họ sẽ đưa ra một số cam kết mới để hạn chế khí nhà kính. Đặc phái viên của LHQ về biến đổi khí hậu Luis Alfonso de Alba nói, ông rất tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ đến Hội nghị thượng đỉnh với một cam kết rõ ràng về một số lĩnh vực với mức độ tham vọng cao hơn.
Còn Ấn Độ là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có mục tiêu khí nhà kính phù hợp với giới hạn nóng lên 2°C trong thỏa thuận Paris. Nhưng cả hai quốc gia vẫn đang triển khai xây dựng các máy năng lượng nhiên liệu hóa thạch mới và cả hai nước có thể sẽ yêu cầu tài chính quốc tế nhiều hơn để đáp ứng các mục tiêu biến đổi khí hậu.
Hàng triệu người trên khắp thế giới đã tập hợp vào thứ Sáu, 20-9 để kêu gọi các cam kết tích cực hơn chống biến đổi khí hậu.
Các quốc gia thực hiện nghĩa vụ của mình theo Thỏa thuận Paris như thế nào?
Tại Hội nghị thượng đỉnh về hành động khí hậu, các tập đoàn lớn, ngân hàng, thành phố và chính quyền địa phương cũng sẽ công bố kế hoạch của riêng họ để chống biến đổi khí hậu. Điều này có thể sẽ có hình thức ràng buộc các mục tiêu phát thải bằng không, triển khai năng lượng tái tạo, thoái vốn và tài trợ năng lượng sạch. Những cam kết như vậy có thể làm giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính, nhưng hành động thực sự vẫn phải đến từ các nguyên thủ quốc gia. Những gì chúng ta đang tìm kiếm là những tín hiệu rất mạnh mẽ rằng các quốc gia đã sẵn sàng tăng cường hành động của họ.
Một số quốc gia đã tăng cường mạnh mẽ các mục tiêu khí hậu trong năm vừa qua ngoài đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) của chính họ. Vào tháng 6, Anh đã thông qua một đạo luật cam kết nước này sẽ không phát thải ròng vào năm 2050, và trở thành nền kinh tế lớn nhất cho đến nay thông qua cam kết này. Và Tổng thư ký LHQ Guterres nói với CNN là ông lạc quan rằng EU sẽ công bố cam kết về tính trung lập carbon vào năm 2050. Mặt khác, các quốc gia có thể miễn cưỡng tăng nghĩa vụ của chính họ khi họ thấy quá ít tiến bộ ở nơi khác. Chỉ có 23 quốc gia, chiếm 2,3% lượng khí thải toàn cầu, đã chỉ ra rằng họ sẽ tăng cường NDC vào năm 2020.
Cháy rừng Amazon ảnh hướng khí hậu trầm trọng.
Vì vậy, có nguy cơ rằng việc thiếu nỗ lực từ các nguồn phát thải lớn hơn có thể gây ra tác động tiêu cực. Việc các nhà lãnh đạo của 50 quốc gia tại Hội nghị thượng đỉnh nói lên các mục tiêu của riêng họ có thể là một cách để thúc đẩy các quốc gia ít tham vọng hơn. Nhưng vẫn không biết liệu điều đó sẽ dẫn đến có nhiều quốc gia đề xuất NDC tích cực hơn vào năm 2020 hay không. Được biết, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu, có rất nhiều hoạt động để gây sức ép lên các Chính phủ. Điển hình là Ngày Biểu tình chống biến đổi khí hậu đã diễn ra tại khoảng 150 nước trên thế giới vào thứ Sáu, 20-9 vừa qua. Hội nghị thượng đỉnh thanh niên về khí hậu cũng đã diễn ra ngày 21-9.
Tại đây, nhà hoạt động trẻ Greta Thunberg, một gương mặt thân quen với các hoạt động môi trường, đã có bài phát biểu nói lên quan ngại của giới trẻ về các vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu cũng như kêu gọi tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo vệ môi trường. Tuần lễ cấp cao đã bắt đầu vào ngày 23-9 với Hội nghị thượng đỉnh về hành động khí hậu. Trong tuần, có năm hội nghị thượng đỉnh quan trọng của LHQ sẽ diễn ra để thúc đẩy hành động đối với khủng hoảng khí hậu và các mối quan tâm toàn cầu khác.