08/11/2024 lúc 00:32 (GMT+7)
Breaking News

Diễn đàn "Phụ nữ tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn"

Diễn đàn diễn do Tạp chí Tài nguyên và Môi trường cùng Ban Tuyên giáo Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức vào ngày 6/11.

Diễn đàn "Phụ nữ tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn" kết nối các lãnh đạo, nhà khoa học và các mô hình khởi nghiệp để trao đổi về quản lý chất thải, phát triển kinh tế tuần hoàn và mô hình sản xuất xanh bảo vệ môi trường. Qua đó, khẳng định vai trò của phụ nữ trong bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xanh, đồng thời chỉ ra các thách thức trong quá trình thực hiện.

Tham dự diễn đàn có Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng ban Tuyên giáo TW Hội LHPN Việt Nam; TS.Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường; ThS. Trần Thị Cẩm Thúy, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường; PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường; TS. Nguyễn Thị Phương Mai, Phó Viện trưởng Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo; TS. Vũ Văn Doanh, Phó Trưởng Khoa Môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

Bên cạnh đó còn có sự góp mặt của ThS.Trần Thị Mỹ Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP nghiên cứu, đầu tư và phát triển xơ sợi tự nhiên Việt Nam; ông Lê Văn Thanh, cán bộ tổ chức Liên minh châu Âu tại Việt Nam; bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hà Nội; bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng ban Hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh; ThS. Lê Thị Minh Ánh, chuyên gia Cục Kiểm soát ô nhiễm Môi trường; cùng các đại biểu là hội viên, phụ nữ thuộc các quận, huyện tại Thành phố Hà Nội và đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông.

Phụ nữ tiên phong trong công tác bảo vệ môi trường

Trong bối cảnh dân số gia tăng và kinh tế - xã hội phát triển, vấn đề chất thải rắn sinh hoạt đang trở thành một thách thức lớn đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Tại Việt Nam, lượng chất thải rắn sinh hoạt hàng ngày lên đến gần 68.000 tấn, trong đó 70% vẫn được xử lý qua các phương pháp chôn lấp hoặc đốt bỏ, gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Việc phân loại rác tại nguồn và tái chế chất thải không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế xanh và tuần hoàn, phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 của Việt Nam tại COP 26.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, phụ nữ đóng vai trò chủ chốt trong công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn. Họ là lực lượng tiên phong trong việc tái chế và giảm thiểu rác thải. Tại Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đứng đầu khu vực Đông Nam Á, với 27,2% nữ giám đốc và chủ doanh nghiệp.

Trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã hợp tác với các bộ, ngành triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường như phong trào "Chống rác thải nhựa", đề án "Trồng một tỷ cây xanh" và chương trình "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch". Hội Phụ nữ các cấp đã nâng cao nhận thức cộng đồng về việc phân loại, tái chế chất thải, góp phần phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường.

dien-dan 1
Các đại biểu tham gia thảo luận, trả lời các câu hỏi về chủ đề “Phụ nữ tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn" (Ảnh: Sỹ Tùng)

Vai trò của phụ nữ và cộng đồng trong phân loại chất thải rắn tại nguồn

Theo ThS. Lê Thị Minh Ánh - chuyên gia Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 coi chất thải là tài nguyên, khuyến khích tối đa việc tái sử dụng và tái chế. Việc phân loại chất thải tại nguồn có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ tài nguyên.

Quy định này yêu cầu việc phân loại phải hoàn thành trước ngày 31/12/2024. Việc phân loại giúp tiết kiệm chi phí xử lý, giảm ô nhiễm và cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên. Bà Ánh cũng cho biết, hiện có nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản và Philippines đã triển khai thành công mô hình phân loại rác thải tại nguồn.

Ở Việt Nam, các mô hình phân loại rác thải tại gia đình và cộng đồng đang được triển khai mạnh mẽ. Tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố đã thực hiện các mô hình như “Biến điểm chân rác thành vườn hoa phụ nữ tự quản” và “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa dùng một lần”. Những sáng kiến này không chỉ giúp cải thiện vệ sinh môi trường mà còn lan tỏa nhận thức về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Tại diễn đàn TS. Vũ Văn Doanh cũng đã chia sẻ kinh nghiệm về phân loại rác thải tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Ở Hàn Quốc, chính phủ triển khai chương trình phân loại rác từ năm 1995 với các quy định nghiêm ngặt và hệ thống thu phí rác thải. Tỷ lệ tái chế ở Hàn Quốc đạt 60 - 70%, trong đó một phần lợi nhuận từ việc thu gom rác bù đắp chi phí xử lý. Trong khi đó Nhật Bản chú trọng giáo dục về phân loại rác từ nhỏ, mỗi địa phương có hệ thống quản lý khác nhau, yêu cầu người dân phân loại và đổ rác đúng ngày, đúng cách.

Tại nước ta, mô hình "Phụ nữ phân loại và xử lý rác thải hữu cơ bằng vi sinh bản địa (IMO)" ở Bắc Ninh đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh đã triển khai mô hình này tại nhiều hộ gia đình, giúp xử lý rác hữu cơ và tạo phân bón hữu cơ. Mô hình này đã được nhân rộng ra 48.845 hộ gia đình và 85 xã trong tỉnh, với hàng trăm lớp tập huấn và hoạt động truyền thông.

Phụ nữ tiên phong trong phát triển kinh tế tuần hoàn

Trong phần thảo luận về kinh tế tuần hoàn, các chuyên gia nhấn mạnh vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam có những thuận lợi nhưng cũng đối mặt với thách thức về tài chính, công nghệ và nguồn nhân lực. Phụ nữ không chỉ tham gia vào tái chế mà còn là những người giám sát và thực hiện phân loại rác tại gia đình, góp phần phát triển một nền kinh tế tuần hoàn bền vững.

TS. Nguyễn Thị Phương Mai cũng khẳng định phụ nữ có vai trò then chốt trong việc duy trì môi trường sạch đẹp và phát triển kinh tế tuần hoàn. Bà đề xuất các cơ quan nhà nước cần hỗ trợ phụ nữ doanh nghiệp tiếp cận vốn và nâng cao năng lực để phát triển chuỗi giá trị kinh tế tuần hoàn.

Một ví dụ điển hình là dự án nghiên cứu xơ sợi từ lá dứa của ThS. Trần Thị Mỹ Hải đã mở ra cơ hội phát triển ngành thời trang xanh và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, bà mong muốn có sự hỗ trợ từ chính phủ trong việc thu mua nguyên liệu và phát triển các nhà máy sản xuất.

dien-dan 4
Diễn đàn cũng là dịp cho các doanh nghiệp giới thiệu những sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường tới các hội viên phụ nữ (Ảnh: Sỹ Tùng)

Tác động của truyền thông và báo chí

Tại diễn đàn, TS.Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn. Ông cho rằng, báo chí không chỉ truyền tải những tấm gương phụ nữ điển hình mà còn phê phán hành vi vi phạm môi trường, giúp cộng đồng có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường sống.

Diễn đàn đã khẳng định rằng phụ nữ đóng vai trò chủ chốt trong công tác bảo vệ môi trường, từ việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn đến việc phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn. Phụ nữ không chỉ là người vận động mà còn là những người trực tiếp thực hiện và hướng dẫn cộng đồng trong công cuộc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Thanh Hoa

...