Tờ Global Times ngày 28/6 đã đăng bài bình luận về quan hệ Trung Quốc-Nga, trong đó khẳng định quan hệ hợp tác giữa Bắc Kinh và Moscow không thể phá vỡ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimira Putin ngày 27/6 đã có cuộc hội đàm trực tuyến nhằm củng cố quan hệ hai nước trong bối cảnh cả Bắc Kinh và Nga đều đang bị Mỹ và các đồng minh phương Tây chỉ trích mạnh mẽ về một loạt vấn đề liên quan những lợi ích cốt lõi của hai nước.
Kết thúc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố chung khẳng định sẽ làm sâu sắc hơn nữa quan hệ cộng tác và hợp tác Trung-Nga trong một loạt lĩnh vực từ chính trị, an ninh, quân sự, kinh tế, cho đến thương mại.
Mỹ có thể chi phối quan hệ Trung-Nga? (Nguồn: 123RF)
Quan hệ "không thể phá vỡ"
Sau cuộc họp trực tuyến ngày 27/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra tuyên bố chung và tuyên bố gia hạn Hiệp ước láng giềng hữu hảo và hợp tác hữu nghị Nga-Trung được ký hồi tháng 7/2001.
Điều 9 của Hiệp ước quy định: “Khi tình huống phát sinh mà trong đó một trong các bên ký hiệp ước cho rằng họ phải đối mặt với nguy cơ bị xâm lược, các bên ký hiệp ước sẽ lập tức tổ chức các cuộc tiếp xúc và tham vấn để loại bỏ những mối đe dọa đó”.
Các phương tiện truyền thông phương Tây thường mô tả quan hệ Trung-Nga như một “bán liên minh”, nhưng cả Bắc Kinh và Moscow đều chưa từng chính thức chấp nhận cách gọi như vậy.
Hai quốc gia này xác định mối quan hệ song phương là quan hệ đối tác, thay vì là liên minh, đồng thời khẳng định đây là một "hình mẫu" cho các mối quan hệ liên chính phủ trong thế kỷ XXI.
Tuyên bố chung bao gồm một số nội dung mới như: Nga cần một Trung Quốc thịnh vượng và ổn định, Trung Quốc cần một nước Nga mạnh mẽ và thành công và hai nước coi nhau là đối tác ưu tiên; thể hiện một lập trường chung về kiểm soát vũ khí, chỉ trích Mỹ rút khỏi hàng loạt hiệp ước quốc tế quan trọng liên quan và triển khai các hệ thống chống tên lửa trên thế giới; nhất trí giữ vững những giá trị chung của nhân loại bao gồm hòa bình, phát triển, công bằng, công lý, dân chủ và tự do.
Ông Tập và ông Putin cũng bày tỏ phản đối can thiệp vào công việc nội bộ của các nước dưới chiêu bài của cái gọi là dân chủ và nhân quyền, cùng những biện pháp trừng phạt đơn phương.
Mỹ và đồng minh lo ngại
Trước những bước tiến trong quan hệ Nga và Trung Quốc trong thời gian gần đây, Mỹ và một số đồng minh đã bày tỏ lo ngại.
Đầu tháng 6, các nhà lãnh đạo NATO lần đầu tiên đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc và Nga vì hành vi gây hấn quân sự của họ.
NATO lần đầu tiên gọi Trung Quốc là "thách thức có hệ thống", trong khi coi "các hành động gây hấn" của Nga là "mối đe dọa đối với an ninh của châu Âu và Đại Tây Dương".
Bên cạnh đó, trong một thông cáo chung dài 14.400 từ, NATO đã nhắc đến quan hệ hợp tác quân sự Trung-Nga. Tuyên bố nêu rõ, Trung Quốc “cũng đang hợp tác quân sự với Nga, bao gồm cả việc Nga tham gia các cuộc tập trận ở khu vực châu Âu-Đại Tây Dương”.
Một sĩ quan cấp cao của NATO nói với tờ Financial Times ngày 25/6 rằng, sự phát triển quân sự và ảnh hưởng ngoại giao ngày càng tăng của Trung Quốc là “đáng kinh ngạc”.
Chia sẻ mối quan tâm chung với đồng minh NATO, nhưng giới chức quốc phòng Mỹ cũng không thống nhất trong đánh giá về mối quan hệ quân sự giữa Moscow và Bắc Kinh.
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Tướng TodWolters, Chỉ huy Bộ tư lệnh châu Âu của Mỹ (EUCOM) nói: “Tôi thấy hợp tác Nga-Trung đang ở mức hời hợt nhất. Tôi nghĩ nó cao hơn cấp chiến thuật, nhưng gần như không có thật ở cấp độ chiến lược”.
Trước đó, Đô đốc Philip Davidson, Chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, hồi tháng 3 phát biểu trước Ủy ban trên rằng, ông nhận thấy có “một số sự hợp tác” giữa Nga và Trung Quốc trong “không gian chiến thuật và tác chiến” và xem đó như “lời cảnh báo”.
theo Global Times, Financial Times