25/12/2024 lúc 23:59 (GMT+7)
Breaking News

Triết lý, chuẩn mực xuyên suốt để doanh nhân tư nhân lớn mạnh

VNHN - Hội Doanh nhân Tư nhân cần tăng cường kết nối, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân; tham gia hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xây dựng văn hoá kinh doanh và năng lực quản trị doanh nghiệp cho các doanh nghiệp, góp phần quan trọng thực hiện đúng tinh thần, chủ trương của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII.

VNHN - Hội Doanh nhân Tư nhân cần tăng cường kết nối, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân; tham gia hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xây dựng văn hoá kinh doanh và năng lực quản trị doanh nghiệp cho các doanh nghiệp, góp phần quan trọng thực hiện đúng tinh thần, chủ trương của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Đại hội. Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Đây là ý kiến của Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam diễn ra tại Hà Nội ngày 21/11.

Ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế trung ương đánh giá: Đại hội lần này có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá toàn diện các mặt hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ vừa qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ tới cũng như lựa chọn các doanh nhân và đại diện tiêu biểu tham gia Ban chấp hành Hội nhằm tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế tư nhân là nòng cốt xây dựng nền kinh tế tự cường, độc lập, tự chủ. 

Trưởng ban Kinh tế Nguyễn Văn Bình cho biết: Trong thời gian qua, nhất là hơn một năm qua thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, kinh tế tư nhân tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng khoảng 40% GDP, tạo việc làm cho trên 85% lực lượng lao động của nền kinh tế; góp phần ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội nhất là ở nông thôn, cải thiện đời sống nhân dân. 

Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã từng bước nâng cao uy tín chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tăng năng lực cạnh tranh, tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu, góp phần quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế. 

Trưởng ban Kinh tế Nguyễn Văn Bình đánh giá, Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam là một trong những hội Trung ương hoạt động có hiệu quả, đã tổ chức được những hoạt động cốt lõi, thực hiện được sứ mệnh đại diện cho đội ngũ doanh nhân tư nhân. 

Tuy nhiên, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình thẳng thắn cho rằng, thực tiễn cho thấy, hiện có đến 96% doanh nghiệp tư nhân có quy mô vừa nhỏ và siêu nhỏ, trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh còn thấp, trình độ quản trị, tính liên kết còn yếu; khả năng tham gia chuỗi giá trị trong nước và quốc tế còn thấp; tỉ lệ doanh nghiệp tư nhân thua lỗ, phá sản còn khá cao và đóng góp vào GDP của các doanh nghiệp này còn rất khiêm tốn. 

"Vì vậy, trong thời gian tới phải làm thế nào để Hội góp phần vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân; tham gia hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xây dựng văn hoá kinh doanh và năng lực quản trị doanh nghiệp cho các doanh nghiệp", Trưởng ban Nguyễn Văn Bình lưu ý.

Về kinh tế hộ gia đình, cá thể - một bộ phận quan trọng hợp thành khu vực kinh tế tư nhân, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước là khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, tự nguyện liên kết thành các tổ chức hợp tác hoặc chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp. 

Trưởng ban Kinh tế Nguyễn Văn Bình đề nghị Hội cần tích cực nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cho phù hợp với thực tế, theo đúng tinh thần, chủ trương của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII "tạo điều kiện để kinh tế tư nhân đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trong những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn mà pháp luật không cấm, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế trong từng thời kỳ". 

"Để tập hợp tiếng nói của doanh nhân tư nhân trong cả nước vào phát triển kinh tế, Hội cần tiếp tục duy trì và đổi mới việc tổ chức Diễn đàn kinh tế tư nhân hàng năm đảm bảo thiết thực, hiệu quả, cần vinh danh các doanh nhân tư nhân có thành tích xuất sắc góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước", lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Toàn cảnh đại hội. Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Các doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp cũng đã đóng góp nhiều ý kiến sôi nổi để cộng đồng doanh nhân ngày càng lớn mạnh. 
Ông Nguyễn Quang Huân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Thăng Long (HALCOM) dẫn thông tin tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng 28/12/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ liêm chính là một trong 5 phương châm hành động của Chính phủ trong năm 2018. Chính phủ liêm chính thì doanh nghiệp, doanh nhân cũng phải liêm chính, lớn lên bằng chính sức mình, cạnh tranh lành mạnh trong nền kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. 

Nắm bắt chủ trương của Đảng và Chính phủ, Công ty HALCOM đã ký cam kết thực hiện Chương trình tuân thủ doanh nghiệp (gọi tắt là CCP) theo chính sách liêm chính của Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật của tất cả các tổ chức và cá nhân, từ nhân viên đến cán bộ cấp cao trong công ty. 

"Nếu các doanh nghiệp áp dụng rộng rãi chương trình này sẽ góp phần tạo ra một sân chơi chung, kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh; từ đó chung tay xây dựng một giá trị, chuẩn mực chung của quốc gia và hướng tới cả nền kinh tế phát triển với tốc độ cao, lâu dài và bền vững", ông Nguyễn Quang Huân đóng góp ý kiến. 

Nhấn mạnh yếu tố đạo đức doanh nhân, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietPostBank) cho rằng, lãnh đạo các doanh nghiệp cần xác định văn hóa Doanh nhân trước hết là tuân thủ pháp luật về thuế, môi trường, lao động. Đối với người lao động, xây dựng quan hệ hợp tác cùng thắng, tôn trọng người lao động. 

"Kinh doanh bằng ý tưởng là văn hóa cao nhất, bằng tiền và tài sản là trung bình, vi phạm pháp luật, núp bóng chính quyền để có lợi thế kinh doanh là văn hóa kém", ông Nguyễn Đình Thắng chia sẻ đúc kết./.

Theo Chinhphu.vn