12/01/2025 lúc 05:46 (GMT+7)
Breaking News

Triển vọng tích cực kinh tế Việt Nam 2020-2021

Thời gian gần đây, có sự hội tụ chung âm hưởng tích cực từ các tổ chức và các chuyên gia quốc tế trong nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam 2020-2021.

Thời gian gần đây, có sự hội tụ chung âm hưởng tích cực từ các tổ chức và các chuyên gia quốc tế trong nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam 2020-2021.

Theo báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tháng 10, tín hiệu vui cho kinh tế Việt Nam là các chỉ số sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ đều tăng gấp đôi trong tháng 9 so với tháng 8.

Trong chín tháng đầu năm 2020, nền kinh tế tăng trưởng 2,1%, dù thấp hơn nhiều so với mức tăng 7% trong cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn là một kết quả ấn tượng trong bối cảnh dịch Covid-19 trên toàn cầu.

Ảnh minh họa

Tổng số vốn FDI cam kết chỉ giảm khoảng 19% trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu dự đoán giảm từ 30-40% theo dự báo mới nhất của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD). Đặc biệt, thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt 16,8 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Điều kiện của thị trường lao động đang trở lại bình thường, dù tỷ lệ lao động có việc làm giảm, thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng; thương mại hàng hóa thặng dư 16,8 tỷ USD....

Bởi vậy, GDP của Việt Nam có thể đạt tăng 2,5-3,0% và lạm phát được giữ vững dưới 4% trong năm 2020, với sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ và sâu rộng hơn trong thời gian tới…

Đồng thời, WB cảnh báo Việt Nam cần chú ý giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực tài chính công và khu vực tài chính trước những bất ổn cả trong và ngoài nước. 

Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (World Economic Outlook) công bố trong tháng 10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo năm 2020, GDP của Việt Nam sẽ tăng 1,6%. Quy mô GDP Việt Nam sẽ là 340,6 tỷ USD, đứng thứ 4 Đông Nam Á (vượt Singapore với 337,5 tỷ USD, Malaysia với 336,3 tỷ USD, đứng sau Indonesia 1.088,8 tỷ USD, Thái Lan 509,2 tỷ USD và Philippines 367,4 tỷ USD). GDP bình quân đầu người sẽ đạt 3.497,51 USD (gần 3.500 USD/người), xếp thứ 6 trong khu vực ASEAN, sau Singapore (58.483,9 USD), Brunei (23.116,7 USD), Malaysia (10.192,4 USD), Thái Lan (7.295,1 USD) và Indonesia (4.038,4 USD). Tới năm 2025, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt 5.211,90 USD.

Cũng theo báo cáo này, Trung Quốc tiếp tục là nền kinh tế lớn duy nhất có dự báo sẽ tăng trưởng, đạt mức 1,9% trong năm 2020 và lên đến 8,2% vào năm 2021. Ấn Độ sẽ đối mặt với đợt suy giảm mạnh nhất, giảm 10,3% trong năm 2020. Mỹ dự báo GDP sẽ giảm 4,3%. Các nền kinh tế Pháp, Italy, Anh, Tây Ban Nha dự báo giảm khoảng 10%. Đối với châu Âu, con số này là 8,3%. Trên toàn cầu, GDP giảm 4,4% trong năm 2020, đến năm 2021 tăng lên 5,2%.

Theo “Báo cáo Cập nhật Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2020” của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 15-9, GDP Việt Nam dự kiến tăng 1,8% trong năm 2020 và tăng ở mức 6,3% trong năm 2021, trong khi GDP khu vực châu Á đang phát triển sẽ suy giảm 0,7% trong năm 2020, và tăng 6,8% trong năm 2021. Việt Nam sẽ kiểm soát được lạm phát ở mức 3,3% trong năm 2020 và 3,5% trong năm 2021. Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn rất tích cực. Việc Việt Nam tham gia một số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương sẽ giúp nền kinh tế của đất nước phục hồi. Việt Nam cũng có nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn…

Theo Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do Covid-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến. Nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ vững vàng trong năm 2020, phần lớn là nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của Covid-19. Tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tăng cường chi tiêu công và những cải cách đang tiến hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. 

Tuy nhiên, ADB cũng cảnh báo về những nguy cơ lớn đối với triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Theo đó, đại dịch Covid-19 kéo dài trên toàn cầu sẽ là nguy cơ lớn nhất; căng thẳng thương mại toàn cầu, dẫn tới gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính có thể trầm trọng thêm bởi đại dịch kéo dài. Tiêu dùng nội địa sẽ tiếp tục ở mức thấp bởi thu nhập hộ gia đình và doanh nghiệp giảm, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và thêm nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Triển vọng đầu tư không đồng đều, đầu tư tư nhân vẫn yếu và đầu tư nước ngoài liên quan đến thương mại tiếp tục giảm.

Cũng theo ADB, khoảng 3/4 các nền kinh tế khu vực dự kiến sẽ tăng trưởng âm trong năm 2020 và GDP khu vực châu Á đang phát triển sẽ suy giảm 0,7% trong năm 2020, đánh dấu lần đầu tiên kinh tế khu vực tăng trưởng âm kể từ đầu những năm 1960, nhưng sẽ bật trở lại và đạt mức 6,8% trong năm 2021. Hầu hết các nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ trải qua chặng đường hồi phục gian nan trong những tháng còn lại của năm 2020. Tác động kinh tế từ đại dịch Covid-19 vẫn lớn khi các đợt bùng phát mới có thể khiến các quốc gia tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế, phòng ngừa dịch bệnh.

Vì vậy, chính phủ các nước cần có những bước đi nhất quán và có sự điều phối rõ ràng để ứng phó với đại dịch, các chính sách cần ưu tiên bảo vệ mạng sống và điều kiện sống cho người dân, đặc biệt là những nhóm dễ chịu tác động và đảm bảo người lao động trở lại làm việc và các doanh nghiệp nối lại hoạt động trong môi trường an toàn. Đây đều sẽ là những điều kiện thiết yếu để bảo đảm kinh tế khu vực sẽ dần hồi phục một cách toàn diện và bền vững.

Theo Báo cáo phát triển bền vững 2020, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất đạt được mục tiêu hành động của Liên hợp quốc, trong khi Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Singapore đều chưa đạt. Theo chương trình này, các quốc gia phải đạt năm mục tiêu, trong đó có các biện pháp giảm khí thải CO2, thúc đẩy năng lượng tái tạo và nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu..

Theo hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong quý 3-2020 tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái và đây cũng là mức tăng cao nhất thế giới. Nếu không tính Việt Nam - Trung Quốc – Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ là nền kinh tế khác duy nhất trong dữ liệu của UNCTAD cho thấy sự phục hồi trong hoạt động xuất khẩu, dù chỉ có mức tăng nhỏ là 0,7%. Trái lại, nhiều nền kinh tế khác vẫn còn chịu tác động nặng do đại dịch và không thể khởi động nền kinh tế buôn bán của họ. Chẳng hạn kim ngạch xuất khẩu từ Nhật Bản, Mỹ cho tới Liên minh châu Âu (EU) đang giảm 9,7% - 11,6% trong quý 3 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Báo cáo Nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng Standard Chartered mang tựa đề "Vietnam - Q3 disruption, but recovery remains intact" (tạm dịch "Việt Nam - tăng trưởng bị gián đoạn trong quý 3, nhưng triển vọng phục hồi ổn định"), Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2020 và vượt lên 7,8% vào năm 2021. Việt Nam nằm trong số ít những nền kinh tế ở châu Á ghi nhận mức tăng trưởng dương trong năm nay, bất kể những ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 thứ hai. Tăng trưởng trong quý 4-2020 sẽ gia tăng nhờ sự phục hồi của hoạt động kinh tế trong nước và yếu tố tâm lý thị trường. Ngoài ra, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ được cải thiện sẽ giúp Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng vượt trội hơn so với các nền kinh tế khác tại châu Á.  

Ông Chidu Narayanan, chuyên gia kinh tế khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered nhấn mạnh:"Chúng tôi duy trì quan điểm tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn". Ngoài ra, Standard Chartered cũng cho rằng nhu cầu của thị trường thế giới có khả năng sẽ được cải thiện trong quý 4 và thúc đẩy tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất - ước đạt khoảng 7,3% trong 2020. Hoạt động xuất nhập khẩu, do đó cũng sẽ gia tăng và tiếp tục tạo ra thặng dư thương mại trong năm nay. Hoạt động xây dựng dự kiến hồi phục trong quý 4 nhờ đầu tư công vào cơ sở hạ tầng được thúc đẩy. Tiêu dùng cá nhân, vốn đóng góp 68% vào GDP, được dự báo sẽ tăng mạnh trong quý cuối cùng của năm nhờ yếu tố tâm lý thị trường được cải thiện. Tuy nhiên, đầu tư của lĩnh vực tư nhân có khả năng sẽ không mấy khởi sắc trước những lo ngại về nhu cầu trong trung hạn. Dòng vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam sẽ suy giảm trong năm nay, nhưng vẫn ở mức cao, đạt 13 tỷ USD. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì chính sách linh hoạt trong ngắn hạn để hỗ trợ tăng trưởng. Việc Ngân hàng Nhà nước liên tục cắt giảm lãi suất từ đầu năm đến nay và nền kinh tế được mở cửa trở lại được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong ngắn hạn.

Mới đây, Ngân hàng HSBC cũng công bố báo cáo "Asia Economics: It’s about stamina" (tạm dịch: "Kinh tế của các nước châu Á: Tất cả là khả năng chịu đựng của mỗi quốc gia") trong đó khối nghiên cứu kinh tế của HSBC dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ đạt mức 2,6% và được kỳ vọng sẽ đạt mức 8,1% trong năm 2021. HSBC khuyến nghị Việt Nam cần có thêm các chính sách hỗ trợ tiền tệ để giúp nền kinh tế phục hồi. Còn Ngân hàng UOB dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 của Việt Nam sẽ ở mức 2,8% và tăng mạnh lên mức 7,1% vào năm 2021.

Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings vừa công bố dự báo Việt Nam đứng thứ hai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương về tốc độ phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng do tác động của Covid-19. S&P cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 sẽ đạt 1,9% và 11,2% vào năm 2021.

Báo South China Morning Post bình luận, với việc kiểm soát dịch Covid-19 thành công và phục hồi xuất khẩu mạnh như vậy, giờ đây Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đã trở thành "những tấm gương cho thương mại toàn cầu".

Báo PhilStar (Philippines) khi bàn về dự báo trên của IMF đã viết: "Người Việt Nam được cho sẽ giàu hơn người Philippines bắt đầu từ năm nay, như một hậu quả trực tiếp của đại dịch và cách thức hai chính phủ phản ứng khác nhau với cuộc khủng hoảng y tế này".

Chiến lược gia trưởng Ruchir Sharma của Morgan Stanley cho rằng việc kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 cho phép Việt Nam nhanh chóng khôi phục hoạt động kinh tế và có thể tăng trưởng ở mức 3%/năm 2020. Đặc biệt, sự tăng trưởng đó được thúc đẩy bởi thặng dư thương mại kỷ lục trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm.

Trang The Asean Post dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tích cực và có thể đạt tăng trưởng 2,9% vào năm 2020. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã và đang có những bước tiến lớn nhằm thúc đẩy vị thế là một nhà lãnh đạo khu vực, đặc biệt với sự ngăn chặn hiệu quả đại dịch Covid-19, chính sách chống biến đổi khí hậu và sự ổn định chính trị. Trong thời điểm khó khăn hiện nay, kinh tế Việt Nam vẫn có sức bật tương đối tốt và vị thế tốt để thoát khỏi bẫy kinh tế của đại dịch Covid-19 nhờ: Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các biện pháp giảm thuế, hoãn nộp thuế và miễn phí sử dụng đất đối với các doanh nghiệp. Luật Đầu tư tại Việt Nam đã được sửa đổi chủ yếu nhằm tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư bằng cách giảm các thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định EVFTA…

Tờ Nikkei của Nhật Bản nhấn mạnh, nhờ thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, nền kinh tế Việt Nam không chỉ duy trì tăng trưởng GDP dương mà còn tăng trưởng cao hơn bất kỳ quốc gia Ðông - Nam Á lớn nào khác…

Theo “Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021” mà Chính phủ đã gửi đến các đại biểu Quốc hội trước phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 với tốc độ lây lan rất nhanh, diễn biến khó lường và mức độ nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử đã tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế toàn cầu; Việt Nam  nằm trong số ít các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh và đã có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp. Tốc độ tăng trưởng cả năm ước đạt trên 2%, phấn đấu đạt khoảng 3%, là nước có mức tăng trưởng dương cao nhất so với năm nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và được thế giới đánh giá cao…

Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh; phát triển mạnh thị trường trong nước...nhằm đạt mục tiêu tăng GDP khoảng 6% so với năm 2020; quy mô GDP bình quân khoảng 3.700 USD/người, trong khi tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.

Như vậy, có thể nói, về tổng thể, Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới, do kinh tế nước ta có độ mở lớn và chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Song, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô và đang trong xu hướng phục hồi theo hình chữ V.

Kết quả này là cộng hưởng những thành tựu và động lực tăng trưởng kinh tế từ năm 2019; sự thành công trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và sự tiếp tục những cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh; tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy tái cơ cấu về tổ chức và công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững trong hoạt động của doanh nghiệp; đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hình thành các chuỗi cung ứng và liên kết kinh tế mới.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần có cơ chế, giải pháp chính sách mạnh mẽ, quyết liệt hơn để tạo sức bật cho cả nền kinh tế, kích thích cả ba động lực tăng trưởng chủ yếu (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng) để phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020…

Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Chỉ số Vốn nhân lực 2020 cho 174 quốc gia trên toàn thế giới dựa trên dữ liệu đến tháng 3-2020 về sức khỏe và giáo dục của 174 quốc gia chiếm 98% tổng dân số thế giới, cung cấp đường cơ sở về tình hình về sức khỏe và giáo dục trẻ em. Chỉ số Vốn nhân lực trung bình là 0,56, nghĩa là một đứa trẻ sinh năm 2020 có thể phát triển được 56% tiềm năng của mình, so với trường hợp đứa trẻ đó được tiếp cận giáo dục và y tế đầy đủ.

Về Việt Nam, theo WB, từ năm 2010 đến năm 2020, chỉ số Vốn nhân lực của Việt Nam tăng từ 0,66 lên 0,69. Theo đó, 98/100 trẻ em sinh ra ở Việt Nam sống được đến 5 tuổi. Ở Việt Nam, một đứa trẻ bắt đầu đi học từ năm 4 tuổi có thể hoàn thành 12,9 năm học lúc 18 tuổi, và khi quy đổi sang chất lượng học, số năm học thực chất sẽ giảm xuống chỉ còn 10,7 năm. Chỉ số Vốn nhân lực của Việt Nam tiếp tục cao hơn mức trung bình của các nước có cùng mức thu nhập mặc dù mức chi tiêu công cho y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội thấp hơn. Một thách thức lớn để tiếp tục cải thiện chỉ số Vốn nhân lực của Việt Nam là tỷ lệ thấp còi tương đối cao (25/100 trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, đặc biệt phổ biến tại các dân tộc thiểu số).

TS. Nguyễn Minh Phong