VNHN - Dưới tác động của đại dịch COVID-19, hầu hết các nền kinh tế đều được dự báo tăng trưởng âm. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn được các tổ chức quốc tế đưa ra những dự báo khá lạc quan.
Triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam 'rất sáng'
Ảnh minh họa: Internet
Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới được công bố của Oxford Economics được ủy quyền bởi ICAEW (The Institute of Chartered Accountants in England and Wales - Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales), triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam là tươi sáng nhất trong khu vực Đông Nam Á. Báo cáo đánh giá Việt Nam sẽ là nền kinh tế duy nhất ở khu vực đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020. Báo cáo trên dự đoán Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Đông Nam Á trong năm 2020 sẽ giảm 4,2%. Báo cáo cũng nhấn mạnh các nền kinh tế kiểm soát tốt dịch bệnh như Thái Lan và Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn so với Indonesia và Philippines.
Trong khi đó, dự báo mới nhất của hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings cũng cho rằng, Việt Nam đứng thứ 2 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương về tốc độ phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng do tác động của COVID-19. S&P dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 sẽ đạt 1,9% và 11,2% vào năm 2021.
Trước đó, Báo cáo cập nhật Triển vọng và Phát triển châu Á 2020 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 1,8% trong năm 2020 giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 và tăng 6,3% trong năm 2021. Báo cáo đánh giá, Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết các nền kinh tế tương tự khác; triển vọng của nền kinh tế trong trung và dài hạn vẫn tích cực. Các nền tảng kinh tế vẫn chưa bị suy giảm và Việt Nam có triển vọng được hưởng lợi từ các xu hướng thương mại, đầu tư và sản xuất toàn cầu hiện nay.
Báo cáo của ADB phân tích, nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự chuyển hướng sản xuất đang tiếp diễn từ Trung Quốc sang Việt Nam; sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc và việc thực thi hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu.
Trong báo cáo "Chỉ số vốn nhân lực 2020" - HCI vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, đánh giá tình hình sức khỏe và giáo dục trẻ em trước đại dịch COVID-19 của 174 quốc gia chiếm 98% tổng dân số thế giới. Theo đó, chỉ số HCI của Việt Nam tăng từ 0,66 vào năm 2010 lên đến 0,69 điểm trong năm 2020.
Báo cáo nhận định con số này có nghĩa là một đứa trẻ sinh tại Việt Nam trong năm nay có thể phát triển được tới 69% tiềm năng của mình trong điều kiện đứa trẻ đó được tiếp cận đầy đủ về giáo dục và y tế. Chỉ số này cao hơn 56% mức trung bình của các quốc gia có cùng mức thu nhập.
Tờ báo Mỹ Fortune ngày 29/9 đưa tin, tăng trưởng trong lĩnh vực chế tạo và xuất khẩu đã giúp GDP của Việt Nam trong quý III năm nay tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước, thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của đất nước từ suy giảm trong nửa đầu năm 2020 do đại dịch COVID-19.
Xuất khẩu của Việt Nam tăng 11% trong quý III, trong đó xuất khẩu máy tính cá nhân tăng 20% để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng khi sinh viên trên toàn thế giới tham gia các lớp học trực tuyến và phần lớn lực lượng lao động toàn cầu tiếp tục làm việc tại nhà, tờ báo của Mỹ chỉ ra. Riêng trong tháng 9, xuất khẩu của Việt Nam tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ảnh minh họa: Internet
Theo chuyên gia Priyanka Kishore - người đứng đầu phụ trách Ấn Độ và Đông Nam Á của Oxford Economics, cùng với Trung Quốc, Việt Nam là nền kinh tế duy nhất ở châu Á dự kiến tăng trưởng dương trong năm 2020.
Việc xử lý tốt đại dịch COVID-19 trong nước đã giúp Việt Nam mở cửa trở lại và tiếp tục các hoạt động kinh tế. Chuyên gia Priyanka Kishore chỉ ra, làn sóng COVID-19 thứ 2 ở Việt Nam đã "làm đình trệ phần nào sự phục hồi", nhưng "tình hình đã được kiểm soát trở lại".
Mức tăng GDP 2,62% của Việt Nam trong quý III là sự cải thiện so với mức tăng 0,39% trong quý II. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn nhiều so với quý III năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, vốn ở mức 7,31%.
Lý giải cho điều này, tờ báo Mỹ cho hay, việc sụt giảm sâu lượng du khách nước ngoài do các hạn chế đi lại ngăn ngừa COVID-19 đã tác động tới hồi phục kinh tế của Việt Nam. Dữ liệu của WB chỉ ra, trước đại dịch, du lịch chiếm khoảng 8% GDP của Việt Nam.
Tuy nhiên, thiệt hại do vắng bóng du khách nước ngoài ở các quốc gia khác trong khu vực còn tệ hơn so với Việt Nam, ví dụ Thái Lan có du lịch chiếm 14% GDP.
Cũng theo công bố mới đây của tạp chí The Economist, Việt Nam đứng trong tốp 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới, nhiều triển vọng thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển. Một số định chế tài chính lớn nhận định nếu phấn đấu tốt, Việt Nam có thể tăng trưởng 2-3%.