“Hộ chiếu vaccine”- tài liệu kỹ thuật số giúp người dân lưu trữ, theo dõi và chứng minh sức khỏe cá nhân và việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 được kỳ vọng là công cụ hiệu quả giúp phục hồi ngành du lịch một cách nhanh chóng.
Hiện tại, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bên liên quan nghiên cứu, báo cáo, đề xuất Chính phủ xem xét quyết định thời điểm phù hợp triển khai hộ chiếu vaccine với quan điểm an toàn cho người dân đặt lên hàng đầu.
Ngành du lịch ngóng hộ chiếu vaccine
“Hộ chiếu vaccine” là khái niệm đưa ra khi nhiều quốc gia tiến hành tiêm vaccine Covid-19 cho công dân của mình nhằm chống lại đại dịch. “Hộ chiếu vaccine” chứng nhận các trường hợp công dân đã được tiêm đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19 (được coi là “tấm lá chắn” trước sự tấn công của SARS-CoV-2), có thể di chuyển tới nước khác nếu được chấp nhận. Nhiều người kỳ vọng “hộ chiếu vaccine” là một giải pháp để Việt Nam và các nước trên thế giới sống chung với đại dịch, mở cửa trở lại nền du lịch đang bị “đóng băng” do dịch Covid-19.
"Hộ chiếu vaccine” đang được kỳ vọng là một giải pháp để mở cửa trở lại nền du lịch đang bị “đóng băng” do dịch Covid-19.
Hiện nay, một số quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai “hộ chiếu vaccine”, một dạng thẻ chứng nhận tiêm chủng hoặc chứng nhận đã miễn dịch với Covid-19. Qua đó cho phép những người đã tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 được tự do đi lại để kích cầu ngành Du lịch sau đại dịch.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - cho biết: “Với tình hình tiêm chủng vaccine Covid-19 hiện nay trên thế giới, Sở Du lịch TP.HCM nhận thấy việc đã đến lúc xem xét để mở cửa một số thị trường khách quốc tế vào Việt Nam là rất cần thiết để khởi động lại thị trường khách du lịch quốc tế và theo hình thức nào (dạng hộ chiếu vaccine hay dạng nào khác) thì cũng phải đảm bảo việc an toàn sức khỏe, các tiêu chí nghiêm phòng chống lây lan dịch bệnh đối với khách du lịch quốc tế vào Việt Nam”.
“Hiện nay, theo chúng tôi được biết, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã giao cho Tổng cục Du lịch trình phương án mở lại thị trường khách du lịch quốc tế trong thời gian sớm nhất để trình Chính phủ. Sở Du lịch TP.HCM cũng như các doanh nghiệp du lịch hy vọng với những giải pháp thiết thực nhất, thị trường khách du lịch quốc tế sẽ khởi động trong thời gian tới góp phần khôi phục ngành Du lịch Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng” - lãnh đạo Sở Du lịch cho biết.
Theo ông Đặng Thanh Tùng - GĐ Cty CP Du lịch Tân Thế giới (New World Travel) nhìn nhận, đại dịch Covid-19 làm khủng hoảng ở nhiều lĩnh vực nói chung và ngành Du lịch nói riêng. Với tấm hộ chiếu vaccine sẽ giúp các giao dịch thương mại, công tác… sẽ trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn trong thời gian tới.
“Từ khi có thông tin về hộ chiếu vaccine, chúng tôi thấy đây rõ ràng là một tia sáng hy vọng tràn đầy cho ngành Du lịch đang đứng trước bờ vực thẳm. Nếu Chính phủ cho phép hộ chiếu vaccine được áp dụng thực hiện mở rộng sớm và mạnh mẽ thì có thể xem là một tín hiệu vui, hứa hẹn sớm vực lại ngành Du lịch hiện vẫn đang đóng băng”, ông Đặng Thanh Tùng nói và nhấn mạnh, mối quan tâm hiện nay là hộ chiếu vaccine chỉ tạo điều kiện cho thiểu số được tiêm chủng để đi nước ngoài chứ chưa đồng bộ hóa. “Một điều mà tôi vẫn cảm thấy lo ngại, đó là phải chăng còn quá sớm để áp dụng đồng bộ hộ chiếu này, bởi hiệu quả của vaccine Covid-19 vẫn còn phải chờ kiểm chứng”.
Đối với vấn đề này, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam - thận trọng chia sẻ, mọi phương án cần phải được bàn thảo kỹ lưỡng, đồng thời sẽ chỉ thực hiện khi mọi thứ đã chuẩn bị chắc chắn, không vội vàng mà phải đúng thời điểm. Ngoài ra, cần có sự đồng lòng phối hợp từ các ban ngành mới giúp Du lịch Việt Nam trở lại mạnh mẽ hơn vì “nếu chúng ta không tự làm sẽ chẳng có ai làm thay cả…”.
Chưa mở cửa hoàn toàn, cân nhắc triển khai thử nghiệm
Tại họp báo chính phủ đầu tháng 5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Thủ tướng đã có chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét các biện pháp phòng chống dịch phù hợp khi triển khai hộ chiếu vaccine.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, báo cáo, đề xuất Chính phủ xem xét quyết định thời điểm phù hợp với quan điểm an toàn cho người dân được đặt lên hàng đầu bởi không có loại vacccine nào đạt hiệu quả 100%.
Mặt khác, hộ chiếu vaccine chỉ có hiệu quả khi trong nước đạt được miễn dịch cộng đồng, nghĩa là 70% dân số được tiêm chủng. Do đó khi áp dụng hộ chiếu vaccine, Việt Nam phải lưu ý, xem xét và có những thông tin hết sức đầy đủ để áp dụng, triển khai đảm bảo hiệu quả và an toàn, ông Thuấn nhấn mạnh.
Ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng ban Thư ký, Hội đồng Tư vấn Du lịch cho rằng hộ chiếu vaccine chưa phải an toàn tuyệt đối nên muốn áp dụng phải xây dựng tiêu chí về khách du lịch quốc tế an toàn. Khi đó, doanh nghiệp du lịch sẽ chỉ bán tour cho khách quốc tế có chứng nhận tiêm vaccine phòng dịch Covid-19. Tuy nhiên, đây mới là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là khách du lịch quốc tế trước khi đến Việt Nam 72 tiếng phải xét nghiệm PCR và nếu có kết quả âm tính thì mới được lên trên chuyến bay đến Việt Nam.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Tiến Hoàng - Phó trưởng ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines cho biết, Vietnam Airlines làm thành viên của Liên minh hàng không thế giới Sky Team. Hiện liên minh hàng không Sky team đang yêu cầu khoảng 22 tiêu chuẩn an toàn trên chuyến bay thì Vietnam Airlines đang áp dụng khoảng 25 đến 26 bộ tiêu chuẩn, tức là vượt trên cả những quy định của các hãng hàng không tiên tiến trên thế giới. Hiện Vietnam Airlines đang nỗ lực làm việc với Hiệp hội vận tải và hàng không quốc tế IATA nhằm đạt thỏa thuận về việc tham gia sáng kiến hộ chiếu vaccine điện tử “IATA travel pass” trên các chuyến bay quốc tế.
Để đảm bảo an toàn cao nhất, 1.500 nhân viên tuyến đầu của Vietnam Airlines gồm phi công, tiếp viên và nhân viên mặt đất ở sân bay đã được tiêm chủng vaccine Covid-19. Thời gian tới, Vietnam Airlines tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng mở rộng tiêm chủng, phấn đấu 100% cán bộ nhân viên được tổ chức tiêm vaccine Covid-19 miễn phí bằng nguồn quỹ phúc lợi của công ty.
Theo ông Nguyễn Tiến Hoàng - Phó trưởng ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines, Việt Nam nên áp dụng theo mô hình thí điểm với một quốc gia lân cận có tỷ lệ kiểm soát dịch bệnh tốt. Sau đó áp dụng các mô hình như hộ chiếu vaccine cộng với điều kiện an toàn mà các hãng hàng không đang áp dụng để đánh giá kỹ trước khi triển khai tiếp.
Ông Nguyễn Tiến Đạt - Giám đốc Công ty AZA travel đề xuất chọn các nước theo hình thức là “bong bóng du lịch”. Cụ thể, những nước có kết quả chống dịch tương đối tốt thì Việt Nam có thể cân nhắc để mở bong bóng du lịch và sự công nhận lẫn nhau, cũng như là cả hai bên cùng hợp tác để chống dịch.
Về phía Hội đồng Tư vấn Du lịch, ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng ban Thư ký cho biết, phải xây dựng một đề án thí điểm. Theo đó, Việt Nam chưa mở cửa hoàn toàn mà cân nhắc triển khai thử nghiệm trong một thời gian nhất định. “Chỉ sau thời gian thí điểm mới kết luận được cái việc mở cửa là an toàn thì mới tiến dần đến mở cửa rộng hơn”.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần xây dựng kịch bản để quản trị rủi ro xuyên suốt trong toàn bộ quá trình tour của khách, bắt đầu từ trước khi khách đến Việt Nam, cho đến khi khách đến sân bay ở Việt Nam, rồi khi đón khách và vận chuyển khách đến thời điểm lưu trú, rồi an toàn tại các cơ sở lưu, rồi an toàn trong thời gian di chuyển khách đến các điểm tham quan ở gần khu lưu trú, rồi an toàn khi tiễn khách quay trở về nước. Chỉ khi xây dựng được kịch bản quản trị rủi ro toàn diện như vậy thì mới có thể yên tâm để tránh những rủi ro có thể xảy ra.
“Quan điểm xuyên suốt của Hội đồng tư vấn du lịch là không hy sinh và không đánh đổi lợi ích về sức khỏe của cộng đồng người dân Việt Nam để phát triển kinh tế; trong đó, có phát triển du lịch và hàng không”, ông Chính nhấn mạnh.