12/01/2025 lúc 09:02 (GMT+7)
Breaking News

Triển khai dự án Cần Giờ 'phải giữ được rừng ngập mặn'

VNHN - Bộ Tài nguyên và Môi trường lần đầu giải thích các ý kiến liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Cần Giờ.

VNHN - Bộ Tài nguyên và Môi trường lần đầu giải thích các ý kiến liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Cần Giờ.

Sáng 20/7, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hầu hết các câu hỏi đều liên quan đến đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án khu du lịch đô thị lấn biển Cần Giờ (dự án Cần Giờ).

Ông Nguyễn Xuân Hải, Vụ trưởng thẩm định đánh giá tác động môi trường (Tổng cục Môi trường), nêu các nguyên tắc khi phê duyệt báo cáo ĐTM dự án Cần Giờ, như: "Phải giữ được rừng ngập mặn, có biện pháp phù hợp giảm thiểu tác động môi trường nhằm hạn chế tối đa tác động bất lợi đối với dòng chảy, xói lở, thoát lũ, ô nhiễm môi trường".

Ông Nguyễn Xuân Hải, Vụ trưởng thẩm định đánh giá tác động môi trường. Ảnh: Gia Chính

Theo ông Hải, dự án Cần Giờ có quy mô lớn, nằm kế vùng chuyển tiếp khu dự trữ sinh quyển nên Bộ Tài nguyên và Môi trường đã "hết sức thận trọng" trong quá trình thẩm định, phê duyệt báo cáo.

"Chúng tôi nhận thấy báo cáo ĐTM đã nhận diện, đánh giá khá đầy đủ, thận trọng các tác động có thể và đưa ra giải pháp khá tổng thể nhằm giảm thiểu tác động môi trường", ông Hải nói.

Ngoài ra, ông Hải cho hay cơ quan chuyên môn xác định dự án nằm kế cận vùng chuyển tiếp khu dự trữ sinh quyển, "nghĩa là không thuộc ranh giới rừng ngập mặn Cần Giờ, phù hợp với pháp luật Việt Nam và khung pháp lý của UNESCO".

"Với những biện pháp thi công xây dựng tiên tiến, xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam cao nhất, kết quả đánh giá tác động môi trường theo mô hình toán cho thấy dự án tác động không đáng kể đến khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ", ông Hải nói thêm.

Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo ĐTM dự án Cần Giờ, song ban hành kèm theo 15 điều khoản yêu cầu chủ đầu tư thực hiện. Giải thích việc này, ông Hải cho hay các điều kiện kèm theo là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với quy định về ĐTM.

"Đánh giá tác động môi trường là việc phân tích, dự báo môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai, do đó một báo cáo ĐTM có thể đưa ra những vấn đề tiếp tục theo dõi trong quá trình thực hiện", ông Nguyễn Xuân Hải nói và cho biết tất cả các báo cáo ĐTM đều có điều khoản đi kèm chứ không chỉ riêng dự án Cần Giờ.

Về lo ngại việc lấy cát san lấp dự án Cần Giờ sẽ làm ảnh hưởng đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nói báo cáo ĐTM đã phê duyệt chưa bao gồm hoạt động khai thác, san lấp nên hoạt động này sẽ tiếp tục phải thực hiện đánh giá tác động môi trường khi có các thông tin dự án đầu tư cụ thể.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ yêu cầu chủ đầu tư nghiên cứu phương án khai thác vật liệu tại chỗ, như cải tạo khu vực biển hồ trong dự án và tận dụng tối đa tài nguyên, gồm các nguồn tro xỉ để hạn chế việc khai thác vật liệu từ bên ngoài.

Theo ông Hải, trong hồ sơ đề nghị phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án Cần Giờ còn có các báo cáo chuyên đề do các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước thực hiện như: Đánh giá báo cáo ĐTM của các chuyên gia quốc tế; báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học; báo cáo đánh giá lan truyền ô nhiễm nước thải do Đại học quốc gia TP HCM thực hiện.

Năm 2004, UBND thành phố quyết định giao Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư Dự án Lấn biển và Khu đô thị Cần Giờ. Đến năm 2007, chủ đầu tư khởi động dự án trên diện tích 600 ha theo quyết định giao đất nhưng dự án bị đình trệ do chủ đầu tư không đủ tiềm lực tài chính.

Tháng 6/2020, Chính phủ đồng ý điều chỉnh mở rộng dự án này từ 600 ha lên 3000 ha với tổng mức đầu tư 217.000 tỉ đồng. Thời hạn thực hiện dự án 50 năm (đến năm 2070 với phần mở rộng quy mô; đến năm 2057 với phần diện tích lấn biển 600 ha đã giao cho nhà đầu tư từ năm 2007).