27/11/2024 lúc 16:55 (GMT+7)
Breaking News

“Trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” và vai trò của các nước vừa và nhỏ

Trong những năm gần đây, “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” trở thành vấn đề được các nước trên thế giới bàn thảo nhiều và thường xuyên xuất hiện trong những văn kiện chính sách quốc gia, chương trình nghị sự và tuyên bố của các thể chế quốc tế cũng như trong nhiều bài phân tích của giới truyền thông và nghiên cứu về quan hệ quốc tế.

Trong những năm gần đây, “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” trở thành vấn đề được các nước trên thế giới bàn thảo nhiều và thường xuyên xuất hiện trong những văn kiện chính sách quốc gia, chương trình nghị sự và tuyên bố của các thể chế quốc tế cũng như trong nhiều bài phân tích của giới truyền thông và nghiên cứu về quan hệ quốc tế.

Quan điểm chung cho rằng, đây là hệ quả của những biến động lớn về địa - chính trị, những điều chỉnh trong chính sách và quan hệ giữa các cường quốc hàng đầu trên thế giới thời gian qua. Các quốc gia nhìn chung đều công nhận hệ thống quốc tế cần vận hành theo trật tự, tuy nhiên trật tự nào, của ai và do ai dẫn dắt đang ngày càng trở thành vấn đề được dư luận hết sức quan tâm.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu_Ảnh: TTXVN

“Trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”: Quan niệm và thực tiễn

Có nhiều định nghĩa khác nhau về trật tự quốc tế. Trật tự quốc tế là mô thức hoạt động giữa các quốc gia, bảo đảm những mục tiêu cơ bản trong xã hội quốc tế, bao gồm việc duy trì hệ thống các quốc gia độc lập, có chủ quyền, hòa bình (theo nghĩa không có chiến tranh) và các mục tiêu chung của đời sống xã hội (hạn chế bạo lực, giữ lời hứa, của cải ổn định)(1). Trật tự quốc tế còn được hiểu là những thỏa thuận giữa các nước, bao gồm luật lệ, nguyên tắc và thể chế(2), hoặc là trạng thái hoạt động giúp hạn chế cường độ và tần suất bạo lực giữa các thành tố trong một hệ thống quốc tế(3). Cựu cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Hen-ry Kít-xinh-giơ định nghĩa trật tự quốc tế là sự sắp xếp và phân bổ quyền lực trên toàn thế giới(4). Qua những định nghĩa khác nhau có thể thấy, luật lệ là một thành tố căn bản của trật tự quốc tế, sự tồn tại của trật tự quốc tế hàm chứa sự vận hành của luật lệ. Ngoài ra, trật tự quốc tế cũng phản ánh sự phân bổ và thứ bậc quyền lực giữa các quốc gia trong hệ thống quốc tế(5).

Theo đó, quan niệm về trật tự quốc tế dựa trên luật lệ cũng được tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau. Cuộc tranh luận về trật tự quốc tế dựa trên luật lệ phản ánh sự khác biệt giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa các nước và nhóm nước có chế độ chính trị, hệ giá trị, sức mạnh và lợi ích khác nhau. Theo nghĩa chung nhất, luật lệ là những bộ quy tắc, chuẩn mực được thỏa thuận và công nhận rộng rãi để quản trị mối quan hệ giữa các quốc gia(6). Trật tự quốc tế dựa trên luật lệ là cam kết chung của các quốc gia hành xử và tương tác theo những luật lệ đã thỏa thuận(7). Về lý thuyết, mục tiêu lý tưởng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ là nhằm bảo đảm ở mức cao nhất rằng các quốc gia trên thế giới cùng được hưởng hòa bình và thịnh vượng. Lý tưởng đó được cho là không xuất phát từ chủ nghĩa lạc quan mà chính từ những trải nghiệm thực tiễn đau thương của thế giới, như hai cuộc chiến tranh thế giới, nạn đại hồng thủy, nạn đói, dịch bệnh,..., thể hiện mong muốn về một loại hàng hóa công phục vụ lợi ích chung, vận hành quan hệ giữa các quốc gia theo hướng giúp đem lại an ninh, ổn định và thịnh vượng cho tất cả, bất kể lớn, nhỏ, giàu, nghèo(8). Điều này chỉ có thể diễn ra khi các quốc gia cùng tuân thủ những chuẩn mực và nguyên tắc đã thỏa thuận, thể hiện trong luật pháp quốc tế, các văn kiện hợp tác quốc tế, các dàn xếp kinh tế và an ninh khu vực; tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng như vậy(9).

Trật tự quốc tế hiện hành chủ yếu dựa trên hệ thống luật pháp quốc tế và thể chế quản trị toàn cầu được thiết lập từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trong đó hệ thống Liên hợp quốc và Bretton Woods là trung tâm. Qua thời gian, nhất là từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, hệ thống luật lệ được mở rộng với việc các nước ký kết và thiết lập hàng loạt hiệp định, cơ chế hợp tác về kinh tế, thương mại, quyền lợi biển, bảo vệ nhân quyền và các lĩnh vực khác. Nhìn chung, các quốc gia đều tuân thủ luật lệ bởi về lý thuyết, các luật lệ tạo điều kiện bảo vệ, hoặc ít nhất là hạn chế sự xâm phạm lợi ích của họ. Đa phần các luật lệ công bằng, bình đẳng, tạo ra sự ổn định và khả năng đoán định trong quan hệ quốc tế. Sự khác biệt và tranh cãi chủ yếu liên quan đến diễn giải, áp dụng và định hình luật lệ.

Có quan điểm cho rằng, trật tự quốc tế được tạo dựng sau Chiến tranh thế giới thứ hai và củng cố trong Chiến tranh lạnh dựa trên những tư tưởng theo đường hướng tự do chủ nghĩa và quốc tế chủ nghĩa của giới tinh hoa phương Tây, được thiết lập để ứng phó với những thách thức từ phía các nước xã hội chủ nghĩa, dân tộc chủ nghĩa và xu hướng biệt lập trong chính trường nước Mỹ. Đề cập đến trật tự quốc tế dựa trên luật lệ là nói đến vai trò chi phối của các nước phương Tây dưới sự lãnh đạo của Mỹ trong các vấn đề của thế giới và trật tự này cần được điều chỉnh cho phù hợp với sự suy giảm của vai trò chi phối đó trong bối cảnh hiện nay(10). Luồng ý kiến khác lại cho rằng, các cách tiếp cận về trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mang tính mở và linh hoạt, phụ thuộc vào chủ ý của các quốc gia(11). Các nước vừa và nhỏ coi trật tự quốc tế dựa trên luật lệ là cơ sở giúp họ có vị thế bình đẳng hơn trong quan hệ với các nước lớn và tránh bị áp đặt hoặc bị xâm phạm về lợi ích. Trong khi đó, các nước mạnh hơn lại dùng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ để thể hiện quyền lực, áp đặt ý chí của họ lên những quốc gia nhỏ, yếu hơn.

Những động cơ khác nhau đưa đến những cách diễn giải và hành xử khác nhau, trong đó có cả sự thiếu tuân thủ các luật lệ trong hệ thống quốc tế. Nhiều quốc gia, nhất là các cường quốc, có xu hướng chọn lọc, chỉ coi trọng ủng hộ những luật lệ phục vụ lợi ích sát sườn của họ trong khi bỏ qua các luật lệ không có lợi hoặc không liên quan đến lợi ích quốc gia.

Trên thực tế, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ được sử dụng để theo đuổi những lợi ích khác nhau và ứng phó với những thách thức khác nhau. Khi xu thế đơn phương và dựa trên sức mạnh nổi trội trong quan hệ quốc tế, điều này sẽ dẫn đến sự tồn tại đan xen của nhiều dạng thức hành xử - tạo dựng luật lệ, tuân thủ luật lệ, lợi dụng luật lệ và vi phạm luật lệ. Sự nổi lên của vấn đề trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trong những năm gần đây phản ánh thực tế rằng, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đang bị thách thức, thể hiện qua những khiếm khuyết của hệ thống luật pháp quốc tế, sự kém hiệu quả của các thể chế quản trị toàn cầu và khu vực, sự gia tăng các hành vi vi phạm, bỏ qua luật lệ, đơn phương và dựa trên sức mạnh.

Những vấn đề đặt ra

Xu hướng đa cực và dân chủ hóa trong quan hệ quốc tế, những thay đổi về sức mạnh và vị thế quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng khoa học - công nghệ làm gia tăng yêu cầu của nhiều nước muốn có tiếng nói cũng như vai trò trong tham gia xây dựng luật lệ(12). Sự ra đời của các thể chế tài chính phi phương Tây, như Ngân hàng Đầu tư kết cấu hạ tầng châu Á (AIIB) và Ngân hàng Phát triển mới (NDB) do Trung Quốc, Ấn Độ và Nga dẫn dắt có thể được xem là phản ứng của các nước này đối với những điều luật mà các nước này cho rằng có khiếm khuyết, mang tính phân biệt đối xử của các thể chế trong hệ thống Bretton Woods, đồng thời phản ánh nhu cầu tham gia tạo dựng luật lệ trong lĩnh vực kinh tế và tài chính quốc tế. Trong lĩnh vực chính trị - an ninh, xu hướng này thể hiện ở nhu cầu cải tổ, mở rộng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để các nước, như Ấn Độ, Nhật Bản, Đức và Bra-xin tham gia.

Sự xuất hiện của những lĩnh vực và vấn đề mới, trong đó có nhiều vấn đề trở thành trọng tâm cạnh tranh quyền lực và ảnh hưởng giữa các nước, như không gian mạng, công nghệ, sức khỏe toàn cầu, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu và già hóa dân số, đặt ra yêu cầu cập nhật và bổ sung mới các luật lệ trong hệ thống hiện hành. Những lĩnh vực mới này vận hành với những lô-gích, chủ thể, công cụ, biện pháp và hình thức cạnh tranh khác trước, từ đó đặt ra thách thức đối với những luật lệ hiện có. Chẳng hạn như, không gian mạng và công nghệ đã trở thành lĩnh vực cạnh tranh mới giữa không chỉ các quốc gia mà cả các chủ thể phi nhà nước, đặt ra vấn đề dung hòa và diễn giải các luật lệ liên quan đến chủ quyền quốc gia.

Luật pháp quốc tế và các thể chế quốc tế vốn được coi là nền tảng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ cũng đang bị thách thức nghiêm trọng bởi sự quay trở lại của chính trị cường quyền, các hành động đơn phương, áp đặt, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, sự nổi lên của trào lưu dân túy, sự gia tăng cạnh tranh nước lớn và những vấn đề toàn cầu có tầm quan trọng thiết yếu đối với an ninh quốc gia và an ninh con người.

Đáng chú ý, cuộc tranh luận về trật tự quốc tế dựa trên luật lệ hiện nay diễn ra trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là Mỹ và Trung Quốc trong khung khổ quan hệ giữa một cường quốc tại vị và một cường quốc đang lên. Có hai nhân tố trực tiếp tác động đến trật tự quốc tế dựa trên luật lệ hiện nay, đó là: 1- Sự trỗi dậy của Trung Quốc thách thức vị thế toàn cầu của Mỹ với nhiều sáng kiến tập hợp lực lượng theo những “luật chơi” mới do Trung Quốc “dẫn dắt”, diễn giải luật pháp quốc tế theo hướng có lợi cho mình, nhất là ở Biển Đông; 2- Mối quan ngại của nhiều quốc gia về cam kết và khả năng của Mỹ trong việc duy trì hệ thống luật lệ được thiết lập từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, nhất là khi chính quyền Mỹ dưới thời kỳ của Tổng thống Đô-nan Trăm rút khỏi không ít cam kết và thể chế quốc tế quan trọng, như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Hiệp định Pa-ri về biến đổi khí hậu (COP), Thỏa thuận hạt nhân với I-ran (JCPOA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, nay là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP), yêu cầu xem xét lại Khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) cùng nhiều thỏa thuận thương mại tự do và an ninh song phương với các đồng minh, đối tác. Sự suy giảm vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ tạo điều kiện cho các quốc gia mới nổi lên khác có cơ hội áp dụng cách tiếp cận dựa trên sức mạnh để theo đuổi các ưu tiên lợi ích của họ.

Một khía cạnh quan trọng của cạnh tranh quyền lực chính là cạnh tranh vai trò tạo dựng luật lệ. Với lợi thế về sức mạnh vượt trội, các nước lớn có ảnh hưởng quyết định đối với việc củng cố hoặc phá bỏ tính chính danh của hệ thống luật lệ. Sự kém hiệu quả của các thể chế quản trị toàn cầu dưới tác động của cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc có thể được xem là một ví dụ cụ thể. Cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới đã tạo ra nhiều biến động trong trật tự toàn cầu, các luật lệ được công nhận rộng rãi bị vi phạm, các thể chế quốc tế bị lạm dụng, hợp tác quốc tế trong nhiều trường hợp bị tê liệt, gia tăng sự chia rẽ trong hệ thống thế giới. Trật tự quốc tế dựa trên luật lệ bị phủ bóng bởi cuộc cạnh tranh vai trò lãnh đạo thế giới với hai cường quốc hàng đầu cổ xúy những tầm nhìn và mô thức quan hệ quốc tế khác biệt nhau.

Quan hệ giữa các quốc gia khác với các nước lớn cũng có tác động tới quan điểm và chính sách của họ liên quan đến trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Cách hành xử dựa trên sức mạnh của một số nước lớn bất chấp luật pháp quốc tế và các chuẩn mực đã được công nhận rộng rãi, tạo ra thách thức cho các nước khác về chiều hướng phát triển của trật tự quốc tế, nhất là ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mới đây, tại các cuộc họp quan trọng diễn ra trong tháng 6-2021, cụm từ “dựa trên luật lệ” đã được nhắc tới hai lần trong Tuyên bố chung giữa Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn và Thủ tướng Anh Bô-rít Giôn-xơn, bốn lần trong Thông cáo báo chí của Mỹ và Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7), bốn lần trong Thông cáo báo chí của Mỹ và các nước Liên minh châu Âu (EU), sáu lần trong Tuyên bố của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)(13). Dựa trên luật lệ là một trong những nguyên tắc cơ bản của Cộng đồng ASEAN (AC) được nêu trong Hiến chương ASEAN, đồng thời cũng là nội dung thường xuyên được đưa vào các văn kiện, chương trình nghị sự của các quốc gia và thể chế quốc tế trong những năm gần đây.

Trước những vấn đề đặt ra như vậy, quan điểm phổ biến cho rằng, các luật lệ và thể chế hiện hành cần được củng cố, cập nhật, cải tổ và bổ sung mới theo hướng dân chủ, công bằng, minh bạch, phi tập trung, dung nạp sự tham gia đông đảo hơn của các quốc gia và bao hàm các lĩnh vực mới của đời sống quốc tế. Mặc dù ngày càng có nhiều tranh luận về các nguyên tắc và hiệu quả của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, song không phủ nhận rằng hệ thống trật tự hiện hành vẫn có tác dụng nhất định trong việc kiềm chế cạnh tranh nước lớn và bảo vệ quyền lợi của các nước vừa và nhỏ. Trong khi trật tự dựa trên luật lệ ngày càng được nhấn mạnh, vấn đề đặt ra là cần bảo đảm cam kết của các quốc gia tuân thủ luật lệ và xem xét lại tổng thể hệ thống các luật lệ cơ bản, luật lệ trong từng lĩnh vực cụ thể của quan hệ quốc tế trước những vận động mới của tình hình, ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế.

Trật tự quốc tế dựa trên luật lệ hình thành và phát triển trên bốn trụ cột chính: Một là, luật lệ được chấp nhận và áp dụng giữa các quốc gia thành viên bất kể vị trí địa lý, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và thành phần chủng tộc. Hai là, những luật lệ này được hậu thuẫn bởi hệ thống các thể chế vận hành trong mối tương quan lẫn nhau trong cấu trúc kinh tế, chính trị - an ninh quốc tế. Ba là, các luật lệ và thể chế có triển vọng tạo ra một hệ thống hòa bình và có trật tự, trong đó nguy cơ xung đột được giảm thiểu. Bốn là, tính chính danh của trật tự để bảo đảm sự tồn tại lâu dài. Ba nhân tố bảo đảm độ tin cậy và bền vững của trật tự là tính chính danh - được tạo ra bởi sự tuân thủ luật lệ của các quốc gia đóng vai trò chủ chốt trong thiết lập trật tự, nhất là các nước lớn; sự bình đẳng - theo nghĩa trật tự quốc tế dựa trên luật lệ phải phục vụ đa số chứ không phải thiểu số các quốc gia trong cộng đồng quốc tế; khả năng đổi mới và thích ứng - liên tục cải tổ, cập nhật để đáp ứng thực tế đang vận động và biến đổi.

Trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng là các nước lớn duy trì cam kết tuân thủ luật lệ và cùng nỗ lực xây dựng công thức chung sống để từ đó có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của sự áp đặt chính trị cường quyền, ủng hộ và tăng cường sự tham gia của các nước nhỏ hơn cũng như các thể chế khu vực trong quá trình xây dựng một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ bảo đảm tính chính danh, công bằng, minh bạch, thiết lập dựa trên sự đồng thuận của số đông và phục vụ số đông.

Vai trò lớn hơn cho các nước vừa và nhỏ

Vai trò dẫn dắt trong định hình, xây dựng và thực thi luật lệ là quan trọng, đồng thời cũng là vấn đề khó và nhạy cảm khi tình hình quốc tế có nhiều bất định, cạnh tranh và nghi kỵ gia tăng, hệ thống quốc tế có dấu hiệu bị chia rẽ sâu sắc. Trong bối cảnh đó, vai trò của các nước vừa và nhỏ là nhân tố thiết yếu bảo đảm tính chính danh của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Điểm đồng thuận của các nước này khi đề cao trật tự quốc tế dựa trên luật lệ là quan niệm “kẻ đúng là kẻ mạnh”, không phải “kẻ mạnh là kẻ đúng”. Theo đó, các nước lớn cũng không được hưởng miễn trừ trong việc tuân thủ luật lệ. Sự tham gia của các nước vừa và nhỏ còn có thể được xem là nhân tố bảo đảm tính phổ quát và ổn định của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Do các nước này không có ưu thế sức mạnh vượt trội nên dễ thiên về thương lượng và hợp tác trong những phạm vi vượt ra ngoài lợi ích cục bộ để bảo đảm sự ổn định của trật tự quốc tế. Lợi ích của các nước vừa và nhỏ là có được hệ thống quốc tế với những thể chế ổn định, có tính chính danh cao và cách hành xử dễ đoán định của các quốc gia. Mặc dù các nước này có thể là đồng minh hoặc có xu hướng thiên về một trong các cường quốc hàng đầu thế giới đang cạnh tranh ảnh hưởng, song sự tham gia của họ góp phần bảo đảm trật tự quốc tế dựa trên luật lệ phục vụ lợi ích của số đông các quốc gia, mà không chỉ của riêng một cường quốc nào. Với vai trò như vậy, điều cần thiết là các quốc gia tầm trung, vừa và nhỏ cần tiếp tục thúc đẩy cam kết đối với các công cụ đa phương mang tính dung nạp, thay vì tham gia vào các tập hợp lực lượng mang tính loại trừ nhau do các nước lớn dẫn dắt. Tính dung nạp ngày càng được xem là một trong những nhân tố quan trọng trong xây dựng một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ có thể bảo vệ lợi ích của số đông các quốc gia.

Sự quan ngại về cạnh tranh giữa các nước lớn và xu hướng hình thành trật tự dựa trên sức mạnh đã đưa đến nhu cầu và lời kêu gọi đề cao trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trong đó có sự tham gia của đông đảo các quốc gia, nhất là các nước vừa và nhỏ. Các nước vừa và nhỏ đang ngày càng giữ vai trò trung tâm trong hệ thống các thể chế khu vực và quốc tế, nhất là các cơ chế hợp tác tiểu đa phương đang trở nên phổ biến và được ưa chuộng. Năng lực và uy tín tạo dựng “luật chơi” của ASEAN tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một minh chứng cho thấy các nước vừa và nhỏ khi kết hợp với nhau có thể tạo ra ảnh hưởng đáng kể. Do các cường quốc nổi trội dễ gặp phải nghi kỵ và phản ứng mỗi khi đề xuất hoặc thúc đẩy một sáng kiến tập hợp lực lượng ở khu vực nên ASEAN có điều kiện và cơ hội giữ vai trò trung tâm trong việc tạo dựng “luật chơi” ở khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Vai trò này đã và đang được công nhận rộng rãi trong và ngoài khu vực. Đến nay đã có 39 quốc gia, trong đó có 29 nước ngoài ASEAN, gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC). Được xem là một bộ quy tắc ứng xử ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương do các nước ASEAN thiết lập và là công cụ hữu hiệu giúp ASEAN duy trì hòa bình và ổn định khu vực trong suốt hơn năm thập niên qua, với sự tham gia của tất cả các nước lớn, TAC có thể trở thành cơ sở để từ đó xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn hơn nhằm tăng cường lòng tin và hợp tác giữa các quốc gia. Vai trò trung tâm của ASEAN trong xây dựng luật lệ xuất phát từ tính dung nạp của các cơ chế do ASEAN đóng vai trò chủ đạo - trái ngược với tính cạnh tranh và loại trừ của Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) và Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (IPS) do Trung Quốc và Mỹ dẫn dắt. Sự dung nạp đang trở thành phương kế để các nước vừa và nhỏ như ASEAN ứng phó với tác động tiêu cực của cạnh tranh nước lớn, nhất là trong định hình và xây dựng “luật chơi”(14).

Các nước vừa và nhỏ cũng có vai trò ngày càng quan trọng trong việc tham gia xây dựng luật lệ đối với những lĩnh vực mới nổi của đời sống quốc tế, như an ninh mạng, biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh. Điều này đặc biệt đúng khi việc tạo dựng luật lệ trong những lĩnh vực mới này có liên quan nhiều đến lợi ích của các nước vừa và nhỏ và không nhất thiết theo lô-gích thông thường của cạnh tranh nước lớn. Như vậy, điều chỉnh trật tự quốc tế dựa trên luật lệ không nên và không phải chỉ liên quan đến các nước lớn. Các nước vừa và nhỏ cũng có lợi ích lớn trong việc củng cố và trên thực tế đang đóng vai trò tích cực trong tạo dựng và duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ thông qua cam kết mạnh mẽ đối với chủ nghĩa đa phương.

Là thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam tiếp tục đề cao pháp quyền ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế, thúc đẩy tôn trọng luật pháp quốc tế, củng cố chủ nghĩa đa phương, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh chủ trương “nâng tầm đối ngoại đa phương” theo hướng “Chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, hợp tác tiểu vùng Mê Kông và các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế,… Chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế”(15). Sự kiện ghi dấu ấn quan trọng trong tháng đầu tiên Việt Nam tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 (tháng 1-2020) là đề xuất sáng kiến và chủ trì phiên thảo luận mở cấp bộ trưởng với chủ đề “Kỷ niệm 75 năm Liên hợp quốc: Tuân thủ Hiến chương để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”. Phiên thảo luận diễn ra đúng vào thời điểm có nhiều vấn đề xảy ra trên thế giới, nhất là các cuộc xung đột, các mối đe dọa hiện hữu ở nhiều nơi, trong đó có những vấn đề liên quan đến việc tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, do đó được đánh giá mang tính thời sự cao và có ý nghĩa thiết thực, góp phần tái khẳng định tầm quan trọng của Hiến chương Liên hợp quốc cũng như hợp tác đa phương trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định quan điểm của Việt Nam cho rằng tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế là con đường đạt được nền hòa bình bền vững, thịnh vượng cho nhân loại và xây dựng một trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế với quan hệ quốc tế công bằng, bình đẳng và hữu nghị giữa các quốc gia(16).

Dưới sự chủ trì của Việt Nam, Hội đồng Bảo an đã nhất trí thông qua Tuyên bố Chủ tịch về tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc. Tuyên bố khẳng định giá trị vững bền của Hiến chương trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, phát triển luật pháp quốc tế và điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia; tái khẳng định cam kết của Hội đồng Bảo an đối với Hiến chương; nhấn mạnh tất cả các quốc gia, các cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực cần hành động phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, đưa các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương thành định hướng trong hoạch định và thực hiện chiến lược, chính sách. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Việt Nam tham gia những nỗ lực chung ở khu vực và quốc tế nhằm củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ./.

PGS, TS. ĐẶNG CẨM TÚ

Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao

-------------------

(1) Bull, Hedley: The Anarchical Society: A Study of Order in World Politics, Columbia University Press, New York, 1977, tr. 16 - 18
(2) G. John Ikenberry: After Victory: Institutions, Strategic Restraint, and the Rebuilding of Order After Major Wars, Princeton University Press, 2001, tr. 23. Xem thêm: David Armstrong: Revolution and World Order: The Revolutionary State in International Society, Clarendon Press, 1993
(3) Joseph Parent, Emily Erikson: “Anarchy, Hierarchy and Order”, Cambridge Review of International Affairs, Vol. 22, No.1, 2009, pp. 129 - 145
(4) Henry Kissinger: World Order: Reflections on the Character of Nations and the Course of History, London: Pengu, 2014
(5) Vũ Lê Thái Hoàng: “Bàn về cách tiếp cận của lý luận phương Tây về trật tự thế giới”, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, ngày 20-6-2014
(6) Malcolm Jorgensen: “Equilibrium and Fragmentation in the International Rule of Law: The Rising Chinese Geo-legal Order”, Berlin Postdam Research Group, “The International Rule of Law - Rise or Decline?”, November 2018
(7) United Nations Association of Australia: The United Nations and the International Rules-Based Order, Canberra, 2016, tr. 3; Stephen Talmon: “Rules-based Order V. International Law?”, German Practice in International Law, Jan 20, 2019
(8) Robert Kagan: “The World America Made - and Trump Wants to Unmake”, Politico, September 28, 2018
(9) Lina A. Alexandra: “Rules Based Order - More than Words”, Asialink, University of Melbourne, Feb1, 2021
 (10) John G. Ikenberry: “The End of Liberal International Order”, International Affairs, Vol. 94, No. 1, 2018, tr. 17 - 23; Edward Luce: The Retreat of Western Liberalism, New York: Atlantic Monthly Press, 2017; Ian Hall and Michael Heazle: The Rules Based Order in the Indo-Pacific: Opportunities and Challenges for Australia, India and Japan, Regional Outlook Paper No. 50, Griffith Asia Institute, 2017
(11) Bilahari Kaukisan: “What (and Whose) Rules Based Order (RBO)?”, Asialink, University of Melbourne, Feb 1, 2021
(12) Nguyễn Vũ Tùng: “Góp phần tiếp cận khoa học quan hệ quốc tế về cục diện thế giới”, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 3 (74), 2008
(13) Peter Beinart: “The Vacuous Phrase at the Core of Biden’s Foreign Policy”, The New York Times, June 22, 2021
(14) Caitlyn Burn: “Securing the ‘Rules-Based Order’ in the Indo-Pacific: The Significance of Strategic Narratives”, Security Challenges, Vol. 16, No. 3, Special Issue: The Indo-Pacific: From Concept to Contest, 2020, tr. 10 – 15
(15) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, t. I, Hà Nội, 2021, tr. 162, 164
(16) Ngọc Vân: “Việt Nam nhấn mạnh tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc tại Hội đồng Bảo an”, Báo Lao động điện tử, ngày 12-1-2020,https://laodong.vn/the-gioi/viet-nam-nhan-manh-tuan-thu-hien-chuong-lhq-tai-hoi-dong-bao-an-778074.ldo