21/01/2025 lúc 14:24 (GMT+7)
Breaking News

Công tác đối ngoại của Việt Nam không ngừng đổi mới tư duy và hoàn thiện chính sách đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển

Đại hội XIII của Đảng đã đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy đối ngoại của Việt Nam với chủ trương triển khai đồng bộ và toàn diện, có hiệu quả các hoạt động đối ngoại trên tất cả các kênh song phương và đa phương. Nhưng bước chuyển đó có nền tảng là một quá trình từ đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đến nay, để ngày một hoàn thiện hơn.

Có thể nói, từ năm 1986 đến nay, tư duy về đối ngoại đa phương của Đảng được định hình ngày một rõ nét, phát triển có hệ thống và liên tục được hoàn thiện. Điều này được thể hiện ngay trong văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng.

Quá trình đổi mới tưu duy trong công tác đối ngoại

Đại hội VI của Đảng đã đặt nền móng cho quá trình đổi mới tư duy nói chung và trong lĩnh vực đối ngoại nói riêng, tạo nên bước ngoặt quan trọng trong tư duy “mở rộng quan hệ với các tổ chức quốc tế,… mở rộng quan hệ với tất cả các nước trên nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình”.

Lần đầu tiên cụm từ “đa dạng hóa quan hệ” trên cơ sở “thêm bạn bớt thù” được đưa vào Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị ngày 20/5/1988 “về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới”. Cũng có nghĩa Nghị quyết 13 là văn kiện đầu tiên của Đảng mang ý nghĩa nền tảng cho chủ trương “đa dạng hóa, đa phương hóa”; đồng thời thể hiện một bước chuyển mạnh mẽ trong tư duy và mục tiêu đối ngoại của Việt Nam.

Trên cơ sở chủ trương đó, từ năm 1986 đến năm 1990, Việt Nam bắt đầu triển khai các hoạt động ngoại giao đa phương tại một số diễn đàn đa phương trên thế giới, trong đó có Liên hợp quốc với việc tham gia sâu hơn vào các cơ quan của tổ chức này; tham gia phong trào Không liên kết nhằm từng bước cải thiện mối quan hệ, tranh thủ sự ủng hộ và viện trợ của các nước. Qua đó, quan điểm “đa dạng hóa, đa phương hóa” các mối quan hệ quốc tế đặt cơ sở cho việc hình thành chủ trương “đa dạng hóa quan hệ quốc tế” trên quy mô khu vực và thế giới, tạo nên bước chuyển mới trong các hoạt động ngoại giao của Nhà nước ta. Đây cũng là bước đi quan trọng định hình chính sách ngoại giao đa phương, tạo tiền đề cho việc triển khai công tác đối ngoại đa phương sau này của Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ Đại hội VII, quá trình đổi mới tư duy về đối ngoại đa phương của Đảng tiếp tục được thể hiện rõ tại Hội nghị Trung ương 3 khóa VII (năm 1992), với việc chỉ ra nhiệm vụ trước mắt là khai thông mối quan hệ với các cơ chế đa phương trên thế giới như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); mở rộng quan hệ với các tổ chức hợp tác khu vực, trước hết là khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà trước tiên là ASEAN. Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII đã đánh dấu bước tiến mới trong tư duy về ngoại giao đa phương của Đảng, đó là mở rộng quan hệ kinh tế với nhiều nước, nhiều tổ chức khu vực và thế giới, không phân biệt chế độ chính trị cũng như trình độ phát triển.

Đến Đại hội VIII, Đảng ta đã có những định hướng cụ thể hơn về đối ngoại đa phương, trong đó tiếp tục chú trọng việc thiết lập quan hệ với các thiết chế đa phương trên thế giới ở những cấp độ khác nhau như: Cộng đồng Pháp ngữ, Tổ chức Thương mại thế giới,Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương… Đồng thời chú trong hơn việc mở rộng đối ngoại nhân dân, quan hệ với các tổ chức phi chính phủ… nhằm tranh thủ sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của nhân dân các nước trong cộng đồng quốc tế cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Đại hội IX (2001) đánh dấu bước tiến mới trong tư duy của Đảng về đối ngoại đa phương khi chuyển từ “muốn là bạn” sang “sẵn sàng là bạn”, là “đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế” trong chủ trương đối ngoại của Đảng. Điều này thể hiện sự chủ động, tích cực, đồng thời khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trong các mối quan hệ quốc tế. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 27/11/2001 về Hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm tận dụng những thuận lợi của cục diện thế giới cho mục tiêu phát triển của Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng, điểm nhấn của quá trình đổi mới trong tư duy đối ngoại đa phương của Đảng là đã đưa ra phương châm cụ thể cho công tác đối ngoại nhân dân, đó là chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả. Tích cực tham gia các diễn đàn và hoạt động của nhân dân thế giới…

Nếu Đại hội XI của Đảng (2011) đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy về đối ngoại đa phương khi đưa ra định hướng: “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế…”, thì tại Đại hội XII (2016), lần đầu tiên Đảng ta đưa ra khái niệm “đối ngoại đa phương”. Kể từ đây, đối ngoại đa phương trở thành một định hướng chiến lược của Đảng trong đường lối đối ngoại chứ không còn là công cụ thực hiện công tác đối ngoại như trước đó. Và, tại Đại hội XIII của Đảng (2021), trên cơ sở xác định định hướng đối ngoại cho giai đoạn 2021 - 2030 là: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả”, Đảng ta chỉ rõ, về đối ngoại đa phương cần thực hiện nhiệm vụ: “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”. Trong đó nội hàm,“toàn diện” thể hiện triển khai đối ngoại của nước ta qua các chủ thể, đối tượng và các địa bàn, trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, quốc phòng, an ninh…; nội hàm “hiện đại” là trên cơ sở kế thừa truyền thống ngoại giao Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh, vì lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi, thích ứng linh hoạt trước những chuyển biến của tình hình thế giới và khu vực... Đại hội XIII đồng thời lần đầu tiên xác định rõ vị trí, vai trò tiên phong của đối ngoại trong "tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước".

Việc thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng đã góp phần rất quan trọng giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế đất nước. Đến nay, nước ta có quan hệ ngoại giao với 189 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện gồm tất cả 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và 17 trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20)… Từ một nền kinh tế kế hoạch tập trung và khép kín, đến nay Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có liên kết kinh tế sâu rộng, đã ký và tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới; kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương khoảng 200% GDP, thu hút hơn 400 tỷ USD vốn FDI đăng ký, v.v…

Hoàn thiện chính sách đối ngoại trong tình hình mới

Những thành tựu đã đạt được trong việc thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta những năm qua cũng như những bài học kinh nghiệm có được sẽ tạo cơ sở để chúng ta tiếp tục có được phương hướng và hoàn thiện chính sách đối ngoại đáp ứng tốt hơn yêu cầu trong tình hình mới:
1. Với mục tiêu và lợi ích cao nhất là giữ vững môi trường hòa bình và ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế năng động, bền vững, cần tiếp tục hoàn thiện và kiên trì theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ và chủ động hội nhập quốc tế. Theo đó, cần tích cực xây dựng và triển khai thực hiện các khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài hiện có với các đối tác theo đúng phương châm "Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước", đưa quan hệ với các nước đi vào chiều sâu, tạo sự đan xen lợi ích, củng cố an ninh đất nước và tạo môi trường thuận lợi nhất cho công cuộc phát triển kinh tế.

2. Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, cả song phương và đa phương, xây dựng, hoàn thiện chiến lược tổng thể và lộ trình cho từng giai đoạn về hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam làm cơ sở chủ động điều hành và thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập. Hoàn thiện chính sách tranh thủ đầu tư, viện trợ phát triển, xúc tiến thương mại, du lịch và hợp tác lao động với từng đối tác.

3. Tập trung cho việc tạo chuyển biến cơ bản trong công tác ngoại giao phục vụ kinh tế. Trọng tâm là công tác thông tin và dự báo vĩ mô, góp phần tạo môi trường và khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho hoạt động kinh tế đối ngoại, thúc đẩy các mặt hoạt động kinh tế đối ngoại, hỗ trợ có hiệu quả các yêu cầu của doanh nghiệp, địa phương trong kinh tế đối ngoại.
4. Tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt với các tổ chức quốc tế và khu vực, trước hết với ASEAN, APEC, ASEM, Liên hợp quốc, WB, IMF, ADB và với các tổ chức phi chính phủ, kết hợp hiệu quả của quan hệ song phương với quan hệ đa phương, đẩy mạnh hoạt động và từng bước nâng cao vai trò của Việt Nam trong các tổ chức này.

5. Tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của ngoại giao nhân dân và các hình thức ngoại giao phong phú khác cùng với ngoại giao của Đảng và Nhà nước tạo thành sức mạnh tổng hợp trên mặt trận đối ngoại.

6. Tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, xây dựng mới chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương, tham gia xây dựng đất nước; chú trọng hơn nữa công tác bảo hộ công dân; triển khai nhiều biện pháp tích cực thực hiện chủ trương hòa hợp dân tộc, hướng tới tương lai, quán triệt và triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế theo phương châm "Việt Nam sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển"./.

Ths. Trần Quang Khái

...