25/04/2024 lúc 16:59 (GMT+7)
Breaking News

Trang trọng Lễ kỷ niệm 1310 năm khởi nghĩa Hoan Châu và Khai hội Lễ hội Đền Vua Mai

Tối 3/2 (tức ngày 13 tháng giêng Âm lịch), tại Di tích Lăng miếu Vua Mai (thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, Nghệ An), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm 1310 năm khởi nghĩa Hoan Châu (713 - 2023), đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Vua Mai Hắc Đế và khai hội Lễ hội Đền Vua Mai năm 2023.

Tham dự buổi lễ có đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương; lãnh đạo Quân khu IV; lãnh đạo tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn; tỉnh Hà Tĩnh và huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh); dòng họ Mai trên toàn quốc và đông đảo người dân địa phương.

Trước khi diễn ra Lễ kỷ niệm, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Ban, Bộ, Ngành Trung ương và tỉnh Nghệ An đã dâng hương, dâng hoa tại Lăng miếu Vua Mai; tri ân những công lao, đóng góp của Vua Mai Hắc Đế trong thời kỳ dựng nước và giữ nước.

Tiết mục nghệ thuật biểu diễn tại Lễ kỷ niệm 1310 năm khởi nghĩa Hoan Châu và Khai hội Lễ hội Đền Vua Mai năm 2023.

Nam Đàn - vùng địa linh nhân kiệt

Nam Đàn là cái nôi văn hóa truyền thống lâu đời với rất nhiều di tích danh thắng, theo thống kê, hiện nay toàn huyện có 42 di tích được xếp hạng, trong đó có 12 di tích Quốc gia, 26 di tích cấp tỉnh, với 04 di tích Quốc gia đặc biệt gồm: Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, Khu lưu niệm Phan Bội Châu tại Thị trấn Nam Đàn, Kiến trúc nghệ thuật Đình Hoành Sơn tại xã Khánh Sơn, Đền Vua Mai tại Thị trấn Nam Đàn (gồm Đền thờ và Lăng mộ Vua Mai).

Lễ hội Đền Vua Mai mang ý nghĩa lịch sử rất quan trọng. Đây là một lễ hội lưu giữ niềm tự hào; sự quật cường của dân tộc, cho đến Lễ hội nay vẫn bảo toàn được các nghi thức truyền thống. Lễ hội góp phần chuyển tải giá trị lịch sử đến với tất cả những du khách tham gia lễ hội.

Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ chiến công lẫy lừng của vua Mai Hắng Đế; để tỏ lòng thành kính của mình đối với vị Anh hùng dân tộc cũng như các tướng lĩnh của Mai Hắc Đế, hàng năm vào Rằm tháng Giêng âm lịch, huyện Nam Đàn tổ chức hội đền Vua Mai. Lễ hội được tổ chức quy mô lớn và long trọng gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội kéo dài trong 3 ngày đêm liên tục với nhiều hình thức sinh hoạt vừa mang tính tôn nghiêm, trang trọng của phần lễ như lễ yết cáo, lễ rước, lễ dâng hương tưởng niệm Vua Mai, lễ đại tế. Đồng thời vừa có tính chất sôi nổi, vui nhộn của phần hội.

Đến với Lễ hội Đền Vua Mai, du khách được đắm mình vào không khí truyền thống văn hóa hàng ngàn đời của cha ông, thưởng ngoạn các hoạt động văn hóa thể thao truyền thống như đua thuyền, đấu vật, đánh cờ, chọi gà, đu tiên, đu quay, đẩy gậy, thi làm cỗ xôi gà, thi đấu bóng chuyền, cắm trại, ca múa hát, du thuyền, biểu diễn nghệ thuật hát dân ca.

Biết ơn và Tri ân công lao của Vua Mai Hắc Đế

Đọc diễn văn tại buổi lễ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết, Mai Hắc Đế, tên chữ là Mai Thúc Loan, sinh năm Canh Ngọ (670). Thân mẫu Mai Hắc Đế sinh ra và lớn lên ở làng Mai Phụ, huyện Thiên Lộc (nay là xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Theo truyền thuyết, sau khi mang thai, bà đã chuyển đến thôn Ngọc Trừng, xã Đông Liệt (nay là xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) sinh sống, Bà sinh hạ con trai và đặt tên là Mai Thúc Loan. Lúc bấy giờ, nước ta dưới sự đô hộ của nhà Đường, nhân dân trăm họ lầm than, oán thán.

Năm Quý Sửu 713, ở đất Hoan Châu (thuộc Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay), Mai Thúc Loan đã phất cờ khởi nghĩa. Ông phát hịch kể tội giặc Đường và kêu gọi người dân đứng lên đánh đuổi ngoại xâm. Với tài năng quân sự và ngoại giao đặc biệt, Ông đã chiêu tập quân của 32 châu, liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, Xảo Oa, Ja Va để đánh giặc. Vùng đất Vạn An được chọn để xây dựng đại bản doanh của cuộc khởi nghĩa, cùng với một hệ thống căn cứ: Vệ Sơn, Hùng Sơn, Thung Sơn, Biều Sơn, Liêu Sơn.

Được sự ủng hộ của nhân dân ở lưu vực sông Lam và các châu quanh vùng, Mai Thúc Loan cùng ba quân tướng sỹ nhanh chóng lật đổ bộ máy thống trị do nhà Đường thiết lập ở Hoan Châu. Chớp thời cơ thuận lợi, Mai Thúc Loan dẫn đại quân giải phóng toàn bộ Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay), rồi thẳng tiến ra đồng bằng Bắc Bộ, bao vây, tiến công, hạ thành Tống Bình (nay là Thủ đô Hà Nội).

Đất nước sạch bóng ngoại xâm, Mai Thúc Loan lên ngôi Vua, xưng là Mai Hắc Đế và tiến hành xây dựng bộ máy chính quyền từ triều đình trung ương đến địa phương, ban hành nhiều chính lệnh quan trọng nhằm xây dựng, củng cố, duy trì nền độc lập tự chủ, mang lại cuộc sống an lạc, thanh bình cho trăm họ, muôn dân suốt hơn 10 năm (từ năm 713 đến năm 723).

Sự kiện Mai Thúc Loan xưng Đế, dựng xây đất nước là minh chứng hùng hồn cho khát vọng độc lập, tự chủ, ý chí tự cường, thoát khỏi mọi sự ràng buộc, lệ thuộc vào các thế lực phong kiến phương Bắc của dân tộc Việt Nam nói chung và các thế hệ người dân xứ Nghệ nói riêng. Đã tròn 1310 năm khởi nghĩa Hoan Châu bùng nổ nhưng tinh thần, khí phách, ý chí quật cường, khát vọng độc lập tự chủ của Mai Hắc Đế và dân tộc Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị.

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Vua Mai Hắc Đế đến đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Sở Văn hóa Thể thao và huyện Nam Đàn.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Vua Mai Hắc Đế đến Đảng bộ, chính quyền tỉnh Nghệ An và huyện Nam Đàn.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh: Lễ kỷ niệm 1310 năm khởi nghĩa Hoan Châu, đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Vua Mai Hắc Đế được tổ chức đúng ngày khai hội Lễ hội đền Vua Mai năm 2023, là dịp để chúng ta tôn vinh, tự hào và trân quý hơn những giá trị lịch sử - văn hóa lớn lao của dân tộc được tạo dựng, bồi đắp, đánh đổi cả bằng máu xương của cha ông qua hàng nghìn năm.

Việc di tích Đền thờ Vua Mai Hắc Đế được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt không chỉ là sự ghi nhận, tôn vinh các giá trị lịch sử văn hóa của Di tích mà còn là sự xác lập cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị lâu dài cho di tích.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đọc diễn văn Lễ kỷ niệm.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng cho rằng, kế thừa truyền thống, dựng nước và giữ nước của cha ông, mảnh đất Hoan Châu xưa và Nghệ An hôm nay đã có nhiều thay đổi lớn lao. Từ một tỉnh thuần nông, điểm xuất phát thấp, đến nay quy mô nền kinh tế của tỉnh đứng thứ 10 cả nước. Diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại, là một trong những điểm sáng của cả nước về xây dựng nông thôn mới; đời sống của nhân dân ở các vùng, miền từng bước được nâng lên rõ rệt.

Các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, bồi đắp, làm nền tảng để xây dựng những giá trị mới. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đối ngoại được tăng cường, mở rộng; khối đại đoàn kết toàn dân, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố. 

Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định, Nghệ An là mảnh đất có bề dày lịch sử văn hóa và truyền thống yêu nước, cách mạng rất đáng tự hào. Ngay trong thời kỳ chống Bắc thuộc, nhân dân Nghệ An đã hưởng ứng mạnh mẽ các cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Phùng Hưng.

Ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi Lễ

Đặc biệt, từ cách đây 1310 năm, mảnh đất này đã làm nên Khởi nghĩa Hoan Châu cùng với công lao của Mai Thúc Loan - Mai Hắc Đế. Sức mạnh của ý chí độc lập, tinh thần đấu tranh quật cường của nhân dân là nhân tố quyết định, làm nên thắng lợi vang dội cho cuộc khởi nghĩa, đã lật đổ được ách thống trị của nhà Đường trên đất nước ta, thành lập chính quyền độc lập, tự chủ trong gần một thập kỷ và người thủ lĩnh khởi nghĩa Mai Thúc Loan đã lên ngôi Hoàng Đế, xây dựng thành Vạn An làm Quốc đô…

Cuộc khởi nghĩa là minh chứng cho tinh thần dân tộc, ý chí tự chủ, tự cường của người Việt Nam, với khát vọng xây dựng nền độc lập cho dân tộc, ngang hàng với phong kiến phương Bắc và cũng là nền tảng tinh thần cho con người xứ Nghệ vươn mình khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và tầm vóc để sau này trong hầu hết các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của dân  tộc ta luôn có sự tham gia quan trọng, tích cực và nổi trội  của những người dân xứ Nghệ. Bởi vậy, suốt chiều dài lịch sử cùng dân tộc, mảnh đất địa linh, nhân kiệt này luôn có sự gắn kết hữu cơ trong tiến trình mở mang bờ cõi, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; thời nào cũng có những anh hùng, hào kiệt, danh tướng, danh nhân đóng góp công trạng vẻ vang cho đất nước và quê hương.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An có quyền tự hào về một lịch sử hào hùng với những dấu ấn văn hóa được tạo dựng từ bao đời mà cha ông để lại cho hậu thế ngày hôm nay.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Đền thờ Vua Mai Hắc Đế là Di tích Quốc gia đặc biệt không chỉ là sự vinh danh, tri ân công lao của Vua Mai Hắc Đế và những bậc tiền nhân có công với dân, với nước mà còn là sự khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa đang được bảo tồn, đồng thời xác lập cơ sở pháp lý cao hơn cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích trong tương lai.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An tiếp tục kế thừa những kết quả đã đạt được, khơi dậy, phát huy hơn nữa sức mạnh của toàn hệ thống Đảng bộ, chính quyền và khối đại đoàn kết toàn dân, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc. Chủ động phối hợp với các Bộ, Ban, ngành Trung ương để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, định hướng và chính sách mà Đảng, Nhà nước đã đề ra, đặc biệt là những chủ trương, chính sách, cơ chế cho vùng Bắc Trung bộ và tỉnh Nghệ An; tích cực, sáng tạo hơn nữa khơi dậy mọi tiềm năng lợi thế của tỉnh nhà, huy động tốt các nguồn lực xã hội để đóng góp vào việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Một số hình ảnh trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 1310 năm khởi nghĩa Hoan Châu và Khai hội Lễ hội Đền Vua Mai:

Lễ rước nước:

Giải đấu vật truyền thống:

Giải đấu vật mang ý nghĩa giáo dục cho thế hệ trẻ về tinh thần đoàn kết, thượng võ của người anh hùng Mai Thúc Loan.
Nhật Quang, Diệp Chi